30.10.2015
Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật sẽ cập bến Vịnh Cam Ranh của Việt Nam trong năm tài khóa 2016, một bước quan trọng trong các nỗ lực của Tokyo hầu tăng cường những hoạt động ở Biển Đông và cùng với đồng minh đối phó trước sự bành trướng của Trung Quốc.
Cảng Cam Ranh nằm gần quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục bồi đắp các bãi đá chìm thành những hòn đảo nhân tạo.
Nhật dự kiến năm sau đưa tàu tới Cam Ranh cho các hoạt động tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm và các vật phẩm tiếp liệu khác.
Truyền thông Nhật ngày 30/10 loan tin trong chuyến công du Việt Nam vào tuần tới, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Tướng Nakatani, sẽ ký thỏa thuận về kế hoạch này với người đồng nhiệm phía Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, trong cuộc gặp ngày 6/11 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới cũng sẽ ghé thăm cảng này, một thông điệp rõ ràng của sự hợp tác an ninh hải quân Việt - Nhật.
Tàu của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật đã neo đậu tại các cảng ở Sài Gòn, Đà Nẵng cùng một số nơi khác, nhưng các địa điểm này xa các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông hơn so với cảng Cam Ranh.
Theo phân tích trên tờ Nikkei Asian Review của Nhật, việc Hà Nội cho phép tàu Nhật tiếp tế nhiên liệu và nhu yếu phẩm tại Cam Ranh sẽ giúp mở rộng rất nhiều tầm hoạt động của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật trong khu vực.
Một giới chức chính phủ Nhật được dẫn lời cho biết kế hoạch đưa tàu cập bến Cam Ranh nhằm đối phó với khả năng quân sự hóa của Trung Quốc trong vùng. Giới chức này nhấn mạnh tăng cường sự hiện diện của Nhật tại Cam Ranh sẽ góp phần ngăn cản hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tin này được đưa ra sau khi Mỹ hồi đầu tuần cho tàu chiến tuần tra áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Biển Đông trong bối cảnh cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đang tìm cách siết chặt hợp tác quân sự với các nước trong vùng trước sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Nhật vẫn cẩn trọng không muốn khiêu khích Trung Quốc. Tokyo hiện chưa có ý định dùng cảng Cam Ranh cho các hoạt động giám sát và cảnh báo. Các tàu Nhật sắp cập bến Cam Ranh chỉ giới hạn hoạt động trong các nỗ lực chống hải tặc và huấn luyện.
Chưa rõ liệu Việt Nam, Mỹ và các nước khác sẽ khống chế được sự phát triển quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông tới mức nào, nhưng một giới chức Bộ Quốc phòng Nhật nói với báo Nikkei Asia Review rằng cho dù các nỗ lực tuần tra của Mỹ tại vùng biển xung quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc có tiếp diễn đi chăng nữa, "chúng ta cũng không thể làm gì ngăn Bắc Kinh xây dựng các đường băng, các cơ sở radar và các công trình khác trên những hòn đảo này".
Nhiều người lo rằng Trung Quốc càng quân sự hóa Biển Đông, sẽ càng mở rộng khả năng giám sát cùng các hoạt động khác của Bắc Kinh trong khu vực.
Theo Nikkei Asian Review, DPA.