Saturday 31 October 2015

Hải quân Hoa Kỳ thử nghiệm tuyên bố chủ quyền biển của Trung Quốc

Posted by adminbasam on 29/10/2015 WSJ

Tác giả: Gordon Lubold, Adam Entous ở Washington và Jeremy Pagein ở Bắc Kinh
Dịch giả: Trần Văn Minh
27-10-2015
Các viên chức quốc phòng Mỹ nói rằng hoạt động này là đợt đầu tiên của một những đợt tiếp theo để khẳng định ‘tự do hàng hải’ xung quanh quần đảo Trường Sa.
Một cuộc tuần tra của hải quân Mỹ ngoài khơi các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông là thách thức mạnh mẽ nhất đối với tham vọng của Bắc Kinh để áp đặt các yêu sách lãnh thổ, nhưng hoạt động đã được Tòa Bạch Ốc hiệu chỉnh cẩn thận để giảm thiểu tính khiêu khích.
Chính quyền Obama, dưới áp lực ngày càng gia tăng, ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc, nhằm thay đổi hiện trạng địa chính trị của châu Á, tìm cách đưa ra tín hiệu để không làm leo thang xung đột. Theo các viên chức Mỹ, quyết định đó xảy ra sau nhiều tháng tranh cãi giữa Ngũ Giác Đài, Bộ Ngoại giao và Tòa Bạch Ốc về việc phải làm mạnh thế nào để khẳng định “tự do hàng hải” xung quanh các đảo tranh chấp.
Cuối ngày thứ Hai, khu trục hạm USS Lassen có trang bị tên lửa dẫn đường đã đi vào khu vực 12 hải lý của đá Xu Bi (Subi Reef), một trong 7 bãi đá và san hô trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã cho bồi đắp các đảo nhân tạo. Mỹ xem khu vực này là vùng biển quốc tế và lo ngại Trung Quốc đang cố gắng áp đặt các yêu sách lãnh thổ và giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với tuyến đường biển quan trọng.
Đáng chú ý là Tòa Bạch Ốc đã chọn cách xâm nhập vào phạm vi giới hạn 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo, được xây dựng trên một rạn san hô mà trước đó bị ngập nước khi thủy triều dâng cao. Theo luật pháp quốc tế, các nước có thể tuyên bố lãnh hải lên đến 12 hải lý tính từ bờ biển, gồm các hòn đảo tự nhiên và bãi đá. Họ không thể tuyên bố chủ quyền như vậy xung quanh các rạn san hô bị ngập nước khi thủy triều cao hay thấp, ngay cả sau khi chúng bị biến thành đảo bằng cách bồi lấp.
Một số viên chức cho biết, một lựa chọn sắc bén hơn mà Tòa Bạch Ốc đã không thực hiện, là đi vào trong vòng 12 hải lý của đảo nhân tạo được xây dựng trên một tảng đá trước đây.
“Đá Xu Bi gần như chắc chắn được chọn bởi vì đó là thực thể thủy triều thấp (low-tide elevation),” Andrew Erickson, một chuyên gia quân sự Trung Quốc tại trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ, nói.
Phản ứng của Trung Quốc tương đối kềm chế hôm thứ Ba: Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị kêu gọi Mỹ không nên “hành động bất cẩn”. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại (Zhang Yesui) triệu tập ông Max Baucus, đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, để bày tỏ rằng cuộc quá cảnh ngang qua đảo là một “hành động rất là vô trách nhiệm”, Tân Hoa Xã cho biết.
Hai tàu chiến Trung Quốc, trong đó có một khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường, đã bám theo và đưa ra cảnh báo cho tàu chiến Mỹ trong lúc tuần tra, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết.
Trung Quốc nói rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với tất cả các đảo ở Biển Đông và vùng biển lân cận của chúng và rằng các đảo nhân tạo của họ sẽ được sử dụng cho các mục tiêu dân sự, chẳng hạn như quan sát thời tiết, cũng như các mục tiêu quân sự.
Để nhấn mạnh sự nhạy cảm, Tòa Bạch Ốc đã không chính thức xác nhận hoặc phủ nhận hoạt động hôm thứ Hai. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, ông Eric Schultz cho biết, “hoạt động tự do hàng hải có mục đích bảo vệ các quyền, quyền tự do và sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời, dành cho mọi quốc gia theo luật quốc tế”.
Với một chủ ý khác, các viên chức quân sự cho biết, cuộc tuần tra cũng thách thức các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của các nước khác trong khu vực.
Khi Trung Quốc bắt đầu xây đảo vào khoảng đầu năm 2014, quân đội Mỹ và chính quyền Obama đã không biết phản ứng thế nào. Đô đốc Samuel Locklear, người vào thời điểm đó đứng đầu bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, đã đưa ra những lo ngại về một thách thức hải quân đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, các viên chức hiện tại và trước đây cho biết.
Đô đốc Locklear “không muốn giải pháp nhất thời”, một viên chức cao cấp Mỹ cho biết. “Ông muốn một chiến lược”. Đô đốc Locklear lo rằng Tòa Bạch Ốc sẽ chỉ chọn một thách thức nhất thời.
Giọng điệu bắt đầu chuyển hướng với sự thay đổi lãnh đạo ở Washington. Khi Ash Carter tiếp nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 2 năm 2015, ông chọn quần đảo Trường Sa là ưu tiên. Vào tháng 5, Đô đốc Harry Harris lên thay thế Đô đốc Locklear. Đô đốc Harry Harris cứng rắn hơn trong chuyện thách thức Trung Quốc, các viên chức và cựu viên chức cho biết.
Trước khi bay đi Singapore, nơi ông sẽ gặp đồng nhiệm Trung Quốc, ông Carter nói rằng Mỹ sẽ “bay, hải hành và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, mặc dù ông không đưa ra chi tiết cụ thể.
Các viên chức và cựu vien chức cho biết, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc, bà Susan Rice, đặc biệt thận trọng về phản ứng quân sự đối với việc xây dựng đảo của Trung Quốc, lo ngại rằng một cuộc biểu dương lực lượng có thể gây trở ngại cho các cuộc đàm phán với Bắc Kinh về các vấn đề quan trọng khác như an ninh mạng.
Bà Rice đã ra lệnh, điều mà các viên chức mô tả là một sự xem xét nghiêm ngặt các lựa chọn quân sự, không chỉ về hoạt động tự do hàng hải như được đề nghị, mà còn về hồ sơ của bất kỳ hoạt động hải quân tương tự của Mỹ trong vùng quần đảo.
Như một phần của sự kiểm tra đó, bà Rice yêu cầu Ngũ Giác Đài cung cấp nhiều tài liệu về các hoạt động trong quá khứ tại khu vực này. Cuộc khảo sát kết luận, Hải quân đã thực hiện 6 chuyến đi ngang qua đảo từ năm 2011 ở Biển Đông, trong đó có ba chuyến trong quần đảo Trường Sa và ba ở Hoàng Sa. Điều đó giúp cho chính quyền mô tả hành động hôm thứ Hai như là công việc thường lệ, các viên chức cho biết.
Ông Obama đã quyết định hoãn mọi hoạt động trước chuyến thăm cấp quốc gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9, và thay vào đó đã đưa ra lời cảnh báo khi đang đứng bên cạnh ông Tập tại Vườn Hồng. Các viên chức cho biết, điều cuối cùng Tòa Bạch Ốc muốn làm cho chuyến thăm cấp quốc gia là tập trung vào vấn đề quần đảo.
Ông Obama đã chấp thuận hoạt động này sau chuyến thăm của ông Tập, các viên chức cho biết. Các phụ tá cho biết ông Carter muốn hỗ trợ cam kết của chính quyền [Obama] trong vấn đề “bay, hải hành và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép” trước khi cả ông và ông Obama đến thăm khu vực [Đông Nam Á] vào mùa thu này.
“Điều đó minh chứng rằng chúng tôi làm những gì chúng tôi nói”, một viên chức cao cấp Mỹ cho biết.
Khi khu trục hạm di chuyển vào bên trong vùng 12 hải lý hôm thứ Hai, các tàu chiến Trung Quốc có nhiệm vụ theo dõi đã giữ một khoảng cách vài ngàn bộ [1 bộ = 0,3 mét] trong động thái như không có chuyện gì xảy ra, các viên chức Mỹ cho biết.
Khu trục hạm đã nghe được thông tin liên lạc trên máy phát thanh của họ, trong đó một người nào đó nói với thuyền trưởng [Mỹ] “tránh xa đảo của chúng tôi”, một viên chức Mỹ cho biết. Viên chức này nói rằng tần số vô tuyến được dùng trong khu vực thường chứa những lời nói nhảm và đã không thể xác định tiếng nói đến từ đâu.
“Nó giống như lái xe trên xa lộ xuyên bang 40 với một máy phát thanh dân sự [CB]”, một viên chức cho biết.
Các viên chức Ngũ Giác Đài cho biết, quân đội sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải, cả trên không và trên biển, trong vùng Biển Đông. “Mục đích của chúng tôi là tiếp tục làm điều đó”, một viên chức cao cấp Ngũ Giác Đài cho biết.
Nếu Mỹ tiếp tục các cuộc tuần tra như vậy, ông Tập sẽ phải đối mặt với áp lực của công chúng và nội bộ để có hành động cứng rắn hơn trong mục tiêu mà ông đã dùng làm trung tâm cho “Giấc mơ Trung Quốc” về việc xây dựng quốc gia trở nên một cường quốc thế giới.
Đối với Bắc Kinh, cuộc tuần tra đặc biệt có tính khiêu khích vì xảy ra vào thời điểm hội nghị, trong tuần này, của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản – khoảng 300 nhà lãnh đạo đảng – được xem như là một thử nghiệm cho vị thế chính trị của ông Tập.
Trung Quốc khó có thể giảm bớt công việc xây dựng trên các hòn đảo và có thể phản ứng bằng cách gửi tàu dân sự, thay vì tàu chiến, để theo dõi hoặc đối đầu với tàu hải quân Mỹ, các nhà phân tích cho biết.
“Bằng cách này, Trung Quốc có thể đưa ra một phản ứng cứng rắn đối với Mỹ trong khi ra dấu rằng họ không muốn tình hình leo thang theo hướng quân sự”, ông Huang Jing, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết.
Với sự đóng góp của Chun Han Wong ở Bắc Kinh.