Thông tin từ Việt Nam trong ít nhất một hai chục năm qua, ngày càng dày đặc, dù là trên báo lề phải hay lề trái, dù là nhận định của người sống trong nước hay người ở nước ngoài về thăm quê hương, đều cùng nhau đồng ý một điểm: xã hội Việt Nam hiện đang trong tình trạng xuống cấp, ngày càng trầm trọng. Một nhận xét đồng loạt như vậy về sự suy thoái của phẩm chất con người, của nền giáo dục, nền y tế, về công cuộc làm ăn sinh sống, về đạo đức của quan và của dân v. v… thì không thể là những nhận xét vô căn cứ, nặng về cảm tính, mà là những lời báo động của những ai còn có lương tâm trước cái Xấu đang lấn dần cái Tốt, cái Ác đang thắng cái Thiện.
Những lời báo động từ Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy xã hội Việt Nam đang đứng trước nguy cơ suy sụp nền tảng tinh thần là có thật. Tốc độ suy sụp nhanh như một ngôi nhà bị mối mọt ăn ruỗng bên trong, đang từ từ khụy ngã. Nhưng mãi đến gần đây mới có người tổng hợp những mối lo ấy lại, trình bày trong một cuốn sách. Đó là cuốn sách độc giả đang cầm trên tay của tác giả Lâm Nhược Trần, có nhan đề “Người Việt Nam Tồi Tệ”. Dĩ nhiên tác giả đang sống và làm việc trong xã hội Việt Nam bây giờ, đã quan sát, chứng kiến từng bước băng hoại của xã hội, ghi lại và trình bày như một lời cảnh báo lớn cho tất cả chúng ta. Qua những trang viết, chúng ta thấy được đây đó chân dung của tác giả, là một nhà trí thức ở tuổi trung niên, đã du học, làm việc, định cư nhiều năm tại Hòa Lan và có dịp thăm viếng nhiều quốc gia trên thế giới, đang tham gia những công việc liên quan đến Văn hóa, Y tế, Giáo dục… tại miền Nam Việt Nam. Cả hai đều là những vốn sống quý báu giúp tác giả mạnh dạn cầm bút viết nên cuốn sách này.
Phương pháp của tác giả là quan sát và cảm nhận các hiện tượng, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp của mình trong cuộc sống, hoặc qua các thông tin của các phương tiện truyền thông. Tiếp theo là phân loại, mô tả, mổ xẻ nguyên nhân và đưa ra các ví dụ cụ thể để chứng minh. Đôi khi tác giả mang các hình ảnh tích cực từ các xã hội lành mạnh trên thế giới mà mình đã sống qua so sánh với những tiêu cực trong đất nước mình như là một cách tô đậm thêm sự quái gở ngày càng phát sinh dày đặc trong xã hội Việt Nam.
Tác giả đã áp dụng một phương pháp viết sát thực tế, “nói có sách mách có chứng” chứ không chỉ bắt nguồn từ các nhận thức trừu tượng. Nhiều chương sách cho chúng ta cảm tưởng như một phóng sự tâm lý xã hội. Nhiều chương như một nghiên cứu sâu về hiện tượng thành hình tội ác. Có chương lại giống một tùy bút mô tả cung cách và tâm lý của một “giai cấp mới” vừa nảy sinh. Chính nhờ lối xây dựng từng vấn đề, từng hiện tượng và lối viết đa dạng của tác giả mà khi gấp sách lại, người đọc có cảm tưởng như vừa được đối diện với một xã hội rộng lớn đầy sinh động, trong đó biết bao lớp người đang diễn vai trò của họ. Bi có, hài có, quan có, dân có, “đại gia” có, trộm cướp có… đủ mặt của một xã hội (định hướng xã hội chủ nghĩa), nhưng tất cả đều ngọ nguậy diễn trò trong một môi trường độc hại, thê thảm, mà mỗi động tác, mỗi ngôn từ của họ lại tô đậm sắc thái bi đát của một sự vong thân nếu so với con người bình thường lương thiện trong một xã hội chân chính.
Nhưng dù đề cập những hiện tượng đã rất hiển nhiên, tác giả cũng đã tiên liệu những phản ứng của một bộ phận chỉ thích biện hộ và bao che cho những cái xấu của dân tộc mình, do tình trạng thiếu hiểu biết hoặc tự ái không đúng chỗ của họ. Ông cũng khẳng định một cách cương quyết và can đảm: “Là người hoàn toàn độc lập, tác giả không ngần ngại nhìn thẳng vào sự thật, viết lại những điều mắt thấy tai nghe, thể hiện đúng vai trò của một công dân chân chính, những ý kiến và cảm nghĩ riêng tư khó có thể tránh khỏi mang ít nhiều dấu ấn cá nhân, nhưng nó bao quát và xác đáng, tác giả sẽ cố gắng trình bày sự việc một cách vô tư, trung thực và khách quan nhất.” Với tinh thần ấy, tác giả đã thực hiện và trao cho chúng ta tác phẩm này.
Trong những năm gần đây, đọc các lời than phiền, cảnh báo của một số truyền thông trong nước (lề trái và cả lề phải) về sự xuống cấp thê thảm của xã hội, tôi để ý nhiều cây bút đã không ngần ngại nhắc lại xã hội miền Nam trước 1975 như một mẫu mực đáng sống. Là một người lớn lên tại miền Nam, ngẫm lại tôi thấy nhận xét trên đây rất chí lý. Dĩ nhiên xã hội nào mà không có mặt trái của nó, tôi xin thành thật nói rằng xã hội miền Nam trước 1975 cũng không ra ngoài quy luật muôn đời tốt xấu lẫn lộn ấy. Nhưng cái xấu của xã hội miền Nam, bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy là “cái xấu trong vòng lễ giáo”! Có tham nhũng không? – Có chứ. Nhưng người công chức họa hoằng có nhận tham nhũng thì chỉ trong một mức độ không phá vỡ đạo đức của một nền công quyền nghiêm minh, trí tuệ và lương tâm. Có xã hội đen không? – Đương nhiên là có, nhưng ở mức độ rất “nhân bản” tựa như trong cái đen ấy vẫn tồn tại những quy luật đạo đức điều khiển hành vi của các tay giang hồ một cách hoặc tiềm tàng hoặc có ý thức. Nghĩa là con người tại miền Nam trước kia không hề bị băng hoại và xã hội miền Nam là một xã hội lành mạnh. Sau 1975, đồng bào miền Nam vượt biên ra nước ngoài có thể hội nhập vào thế giới văn minh với đầy đủ tư cách đạo đức và học thức của một dân tộc có trình độ ngang ngửa với thế giới. Con người Việt Nam –hoặc thuộc bất cứ quốc gia nào– dễ bị xuống cấp, thậm chí mất tính người, khi phải sống trong chế độ cộng sản, từ nhỏ đã bị sự dối trá và bạo lực bao trùm và nhiễm sâu vào người.
Vì thế bây giờ nghe nhắc đến xã hội miền Nam trước 1975, tôi có cảm tưởng như người ta đang nói tới một thời Nghiêu Thuấn nào đó. Nhắc lại để thấy cái tương phản của xã hội Việt Nam ngày hôm nay, đã sản sinh ra một lớp người đông đảo mà tác giả Lâm Nhược Trần gọi là “Người Việt Nam Tồi Tệ”.
Phạm Phú Minh
Lâm Nhược Trần – Người Việt Nam Tồi TệSự vô cảm, thiếu tự trọng và tinh thần vô trách nhiệmNgười Việt Nam Tồi Tệ, nghiên cứu văn hóa – điều tra xã hội. Tác giả Lâm Nhược Trần,
Người Việt Books xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, 2016. (bìa và trình bày: Uyên Nguyên)Lâm Nhược Trần là bút hiệu. Tuổi: hơn ½ thế kỷ. Quê quán Trà Vinh, Việt Nam. Định cư, học tập và làm việc trên 20 năm tại Hòa Lan, chuyên ngành Bác sĩ Tâm lý lâm sàng. Gần đây, về nước làm việc đã hơn 10 năm trong các lãnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội và môi trường. Ngoài viết văn, làm thơ, viết phóng sự, cộng tác với nhiều tạp chí văn học và các tờ báo in, báo mạng trong và ngoài nước, tác giả còn viết một số bài xã luận đề cập đến những vấn đề liên quan đến văn hóa, xã hội, đất nước và con người VN.
“Tôi hiểu và chấp nhận sự lên án và phê phán, dù là không chính đáng. (Khi nói đến cái tồi tệ của con người Việt Nam, độc giả cũng nên hiểu rằng, đối tượng tôi muốn đề cập tới là cái số đông, là những phần tử chiếm đa số trong hơn 90 triệu dân đang sinh sống trên cái mảnh đất hình cong như chữ S này). Người có trách nhiệm sẽ không mê muội viện dẫn những đặc thù văn hóa hay bản sắc dân tộc để tiếp tục tránh né hay bao biện cho sự sai trái, lạc hậu và yếu kém của mình. Xã hội mất nền tảng, để mưu cầu quyền lợi hoặc củng cố quyền lực, người ta tranh thủ và mua chuộc lòng người và niềm tin bằng sự dối trá, và sự dối trá này luôn được bảo vệ và nuôi dưỡng chu đáo, tận tình.Muốn làm một người Việt Nam chân chính, tử tế và trung thực thật khó, vô cùng khó!”MỤC LỤC
Lời Nhà Xuất Bản
Lời Nói Ðầu
Dân trí thấp kém, giáo dục bất cập, văn hóa lạc hậu.
Sự gia trưởng, độc đoán và tính bảo thủ
Sự thiếu trung thực hay tính gian dối, xảo trá và lật lọng.
Sự thiếu uy tín.
Sự vô cảm, thiếu tự trọng và tinh thần vô trách nhiệm.
Sự thiếu ý thức (cá nhân và quan hệ cộng đồng).
Sự tùy tiện, cẩu thả, thiếu kỷ luật, thiếu óc tổ chức, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tinh thần cầu thị, tánh xuề xòa và thiếu nguyên tắc.
Sự mơ hồ, nhập nhằng, thiếu minh bạch, hay nói nước đôi lập lờ nên nhiều khi không biết đâu mà lần.
Sự thực dụng.
Sự cảm tính, lòng nhẹ dạ, cả tin và tánh mê tín, dị đoan.
Tánh khôn vặt, ăn xổi ở thì, làm ăn chụp giật và chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt.
Tánh tham lam, nhiều chuyện, hay ganh ghét, đố kỵ, thích gièm pha, bôi nhọ và đâm thọc.
Tánh hay bắt chước, a dua, học đòi (kiểu trưởng giả học làm sang) và vọng ngoại.
Tánh xô bồ, nhếch nhác, ăn dơ ở bẩn.
Tánh thích ăn nhậu, bài bạc.
Tánh lưu manh và thích bạo lực.
Tánh hay nổ, sự háo danh, hay khoe hoang, tự cao tự đại, thích phô trương và chuộng hình thức bề ngoài.
Cậy thần, cậy thế, cửa quyền, đặc quyền đặc lợi và lợi ích nhóm.Con người càng lúc càng trở nên vô trách nhiệm, không chỉ ở sự ràng buộc giữa những người thân trong gia đình với nhau (những người cha thiếu ý thức và vô trách nhiệm sinh con cả đàng cả đống, bài bạc rượu chè bê tha, không chăm lo được tốt cho đời sống vợ con mà còn lăng nhăng trai gái bên ngoài, nhiều khi bỏ hẳn vợ con sống bơ vơ, thiếu thốn mọi thứ để chạy theo tình duyên mới, nhiều đứa trẻ trong hoàn cảnh này, vì đời sống phải bỏ nhà lên các thành phố lớn tìm đường mưu sinh, mà đa số là rơi vào cạm bẫy của ăn chơi sa đọa) mà còn cả trong các mối quan hệ đồng nghiệp, xóm giềng, chính quyền với người dân, giữa người và người trong cộng đồng nói chung và giữa người với môi trường sống chung quanh nói riêng, từ đó nẩy sinh ra tánh ích kỷ và sự vô cảm. Những gì thuộc về mình thì phải nhất, nhà mình phải lớn nhất, cao nhất, đẹp nhất, sạch nhất nên rác rưởi quăng bừa ra ngoài đường, bên nhà hàng xóm. Làm việc ồn ào, mở nhạc với âm lượng thật to để cả làng cùng nghe (thật ra chẳng ai muốn nghe) và cả vào những thời khắc mà người khác cần yên tĩnh để nghỉ ngơi. Tôi và nhiều người bạn, người thân thường xuyên bị tra tấn mỗi khi đi ngang các cửa hàng thời trang, cửa hàng di động, cửa hàng điện máy, những gian hàng quảng cáo, tiếp thị, hoặc phải đi dự những cái đám cưới, những buổi hợp mặt liên hoan tại các quán nhậu hay vào các quán cà phê, nơi mà âm nhạc được mở to hết cỡ đến đinh tai nhức óc. Vào những nơi đó, nhiều người có tâm lý muốn được yên tĩnh để trao đổi, tâm sự với nhau, nhưng khi nói chuyện phải hét vào tai nhau đến đau cả họng. Đây không chỉ là sự thiếu ý thức (ở một phần khác sẽ đề cập tới nhiều hơn) mà còn là phong trào, là trình độ hiểu biết, thưởng thức âm nhạc một cách hời hợt và thấp kém của đa số người dân, đặc biệt là giới trẻ. Hàng ngày, sáng sớm, đang ngủ say, nhiều người đã bị tiếng loa phường đặt nơi đầu hẻm ‘đâm muốn thủng màng nhĩ’. Thật lạc hậu và tệ hại, đã là năm 2015 rồi mà nước ta còn dùng loa phóng thanh để thông tin tuyên truyền như cái thời chiến tranh, bao cấp. Ô nhiễm tiếng ồn cũng như ô nhiễm không khí (khói bụi), đều có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mọi người. Từ sự vô trách nhiệm đã trở thành nếp sống, thành tác phong làm việc của những con người quản lý xã hội đã khiến cho nhiều điều bất cập cứ tồn tại mãi từ năm này qua năm khác, dù là những việc rất đơn giản. Nạn hôi của (cướp hàng, móc bóp, trộm điện thoại, v. v…) hay thái độ làm ngơ trước những trường hợp bị nạn, trước những khó khăn hay nỗi đau của người dân đã bộc lộ hết cái tính vô cảm, vô tâm của con người.“Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần: Reo hò trước nỗi đau người khác (Như Lịch). Sự vô cảm, từ chối trách nhiệm và hành xử thiếu văn hóa đang trở thành ‘căn bệnh’ lớn dần trong đời sống xã hội. Phải xem đây là chuyện quốc gia đại sự, cần xây dựng một xã hội đồng cảm và chia sẻ… Nếu không có những giải pháp ngăn chặn sẽ là tác nhân làm ‘lệch chuẩn’ hay ‘loạn chuẩn’ đạo đức. Không ít bạn trẻ coi sự dửng dưng, vô cảm là chuyện hết sức bình thường. Thậm chí, có những người còn cổ vũ, reo hò trước nỗi đau của đồng loại. ‘Không phải chuyện của mình’. Xem những đoạn phim học trò đánh nhau trong thời gian gần đây, nhiều người không khỏi bức xúc không chỉ bởi những cảnh ẩu đả, mà còn vì sự dửng dưng, thậm chí cổ vũ của không ít người trẻ trước những hành động bạo lực đó. Tối 6. 4, nhiều trang mạng xã hội lan truyền một clip quay cảnh đánh nhau giữa hai nữ sinh ở tỉnh Quảng Ninh. Trong đoạn video, các học sinh, thanh thiếu niên khác rôm rả nói cười khi chứng kiến cảnh ẩu đả. Một người nam thậm chí thè lưỡi làm điệu và tươi cười trước máy quay. Trước đó, dư luận dậy sóng với đoạn phim học sinh THCS ở tỉnh Trà Vinh đánh hội đồng bạn bằng ghế. Mỗi khi chồng ghế ném trúng nạn nhân, lại có tiếng “Mày!” vang lên đầy thích thú… Huỳnh Hoàng Hải (học sinh lớp 12, ở H. Đức Hòa, Long An) nhận xét: “Em thấy những hành vi thản nhiên đứng xem và cổ vũ trước những cảnh đánh nhau đó rất phản cảm. Mâu thuẫn thường liên quan đến chuyện tình cảm hoặc ghen tỵ trong việc học. Đôi khi từ những xích mích nhỏ như nhìn đểu, giẫm phải chân của bạn…, hai bên không kiềm chế được mà dẫn đến đánh nhau. ” “Quá lo ngại!” là lời cảm thán của ông Trần Công Bình, chuyên gia bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại VN khi đề cập đến thái độ vô cảm như trên. Cũng là một phụ huynh có hai con đang học THPT và THCS tại Tp. HCM, ông Bình chia sẻ: “Trong nhóm bạn như con tôi chẳng hạn, thay vì đứng ra ngăn chặn những hành vi bạo hành đối với bạn bè của mình, thì đa phần dửng dưng xem đó không phải là chuyện của mình. Các cháu sợ vô can ngăn sẽ bị dìm hàng, bị gây hấn, bị đì nên không dám. ” Theo ông Bình, ngay cả ban giám hiệu, thầy cô đôi khi cũng không quan tâm đến những vụ học sinh ẩu đả nhau. Họ nghĩ rằng những đứa trẻ này hư hỏng rồi, không còn thuốc chữa nữa hoặc phải kỷ luật nặng mới được. Thạc sĩ Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (Q. Tân Phú, Tp. HCM), nhìn nhận bệnh vô cảm, không biết thương yêu đồng loại đang hoành hành trong bộ phận người trẻ. Theo ông Hiếu, cơ chế xử lý những vụ bạo lực học đường hiện còn nhiều bất cập. “Những vụ nào báo chí phản ánh thì mới được quan tâm, Bộ GD-ĐT và chính quyền địa phương đôn đốc xử lý. Còn không thì nhà trường thường coi đó là những chuyện nhỏ”, ông Hiếu nói.Bình thường thành… bất thường. Chuyên gia Bảo vệ trẻ em của UNICEF VN – ông Trần Công Bình cho rằng do ảnh hưởng từ môi trường gia đình, môi trường học đường và ngoài cộng đồng, nhiều học sinh ứng xử với nhau thiếu tôn trọng, chan hòa. Ông Bình kể ngay cả hai đứa con của ông khi nói chuyện với nhau cũng hay chêm những tiếng lóng và những từ khá ‘mạnh bạo’. Lần đầu tiên, ông cảm thấy hơi sốc, đã hỏi con: “Ủa, sao con nói chuyện nghe ghê quá vậy?”. Những đứa con ông Bình tỉnh bơ: “Bình thường thôi mà ba! Bạn bè con đều nói vậy hết. ” Theo ông Bình, có những thầy cô giáo xưng ‘mày – tao’ với học trò và coi đó là thể hiện sự thân thiện, gần gũi. Ông tâm sự: “Những điều mình dạy con như lễ phép, hòa đồng với bạn bè đã trở thành điều không bình thường trong môi trường của các con. Ngược lại, những điều bất bình thường lại trở thành bình thường!”. Đề cập đến vấn đề giáo dục đạo đức trong trường hiện nay, ông Bình thẳng thắn: “Học sinh cần phải biết những giá trị rất căn bản là yêu quý giá trị bản thân các em cũng như tôn trọng bạn bè cùng trang lứa, phải có những đối xử chan hòa, thân thiện với mọi người… Thế nhưng, có bao giờ chúng ta nói đến những chuyện đó đâu? Chúng ta toàn đề cập đến những chuyện vĩ đại, bao la, chung chung, tản mạn. ” Cũng theo ông Bình, học sinh cần được trang bị những phản ứng tích cực trước các hành vi xấu, bạo hành để phòng ngừa ngăn chặn. Mặt khác, cũng cần có những chương trình trợ giúp trang bị các kỹ năng làm cha mẹ cho phụ huynh. Gần đây, thạc sĩ Bùi Gia Hiếu cùng một số giáo viên khác tại Tp. HCM đã có buổi nói chuyện thân tình với những sinh viên năm cuối khối ngành sư phạm. Trong đó, ông Hiếu và các đồng nghiệp nhấn mạnh sự cần thiết của việc tích hợp giáo dục đạo đức, kỹ năng trong từng môn học. Theo ông Hiếu, để ngăn ngừa bạo lực học đường và vô cảm với bạo lực học đường, nhà trường cần tận dụng nắm bắt nhiều kênh thông tin đa chiều, từ giáo viên, giám thị, cán sự lớp, phát phiếu đồng hành nắm bắt tâm tư học sinh. Bên cạnh đó, hiệu trưởng và giáo viên nhiều lúc cũng cần ‘vi hành’ trên những trang mạng xã hội để hiểu thêm về muôn mặt cuộc sống của học sinh.Cú sốc lớn về văn hóa (Phan Hậu – Tuệ Nguyễn). ‘Sốc’ là từ rất nhiều nhà văn hóa, nhà giáo… đã thốt lên khi xem hình ảnh, clip đám đông chen lấn, giành giật, coi thường tính mạng bản thân và sẵn sàng đẩy con em mình vào tình huống nguy hiểm, sàm sỡ phụ nữ… ở công viên nước Hồ Tây hôm 19. 4. Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội, thẳng thắn: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây thực sự là một cú sốc lớn về văn hóa. Trước hết, nhà tổ chức cũng phải nhận trách nhiệm về sự việc rất đáng xấu hổ, thậm chí là nhục nhã này. Lẽ ra họ phải lường trước tình huống và có những cách thức tổ chức chặt chẽ, chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, trách nhà tổ chức một thì tôi trách ý thức của những người trèo rào để vào công viên nước hơn nhiều. Tôi thật sự bị sốc khi xem những hình ảnh này. Sốc vì không thể hiểu nổi. Cực kỳ phản cảm!”.Hành xử a dua, trẻ em lãnh đủ. Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ – TB – XH), nói ông không ngạc nhiên khi xem hình ảnh hỗn loạn với dòng người chen lấn, xô đẩy. Bố mẹ cõng, bế, đẩy, công kênh con em lên vai rồi đẩy qua hàng rào chi chít những mũi sắt nhọn như mũi chông để được vào tắm, vui chơi miễn phí ở công viên nước Hồ Tây. Bởi lẽ, những hình ảnh này đã thường thấy ở Hà Nội khi các nhà hàng, siêu thị có chương trình ăn miễn phí, bán hàng giảm giá, khuyến mãi. Theo ông An, hiện tượng này cho thấy một thực trạng xã hội nghiêm trọng, đáng báo động, khi mà cả người lớn lẫn trẻ em hành xử a dua theo đám đông, bất chấp các chuẩn mực về ứng xử, đạo đức. “Nhưng đây không phải là hành động bột phát mà là hệ lụy của sự giáo dục không đến nơi đến chốn”, ông An thốt lên: “Khi mà ngay cả cha mẹ đã không là một tấm gương tốt, chấp nhận sự rẻ mạt tính mạng của con trẻ, chỉ vì nhu cầu vui chơi mà hào hứng đẩy con em mình vượt qua hàng rào, đứng trước nguy cơ tai nạn thương tích, thì đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ hành vi ứng xử của người lớn nên sự vô cảm, vô ý thức kỷ luật sẽ còn tiếp tục nối tiếp, hình thành ở những thế hệ tiếp theo. ” Chỉ những hình ảnh ông bố, bà mẹ bế con nhỏ cùng vượt rào, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang lắc đầu: “Nếu cứ gặp những gì cấm cản là bố mẹ chúng tìm cách vi phạm, luồn lách thì chắc chắn đứa trẻ ấy lớn lên sẽ coi những việc lách luật, vi phạm luật là hiển nhiên và chúng sẽ hành động như vậy một cách bản năng. ” Còn chuyên gia nghiên cứu về tâm lý, tiến sĩ Phạm Ngọc Linh, Khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên VN, phân tích: “Khi phải chứng kiến cảnh này, đứa trẻ bị tác động rất lớn đến cảm xúc, đứng trước nguy cơ cao ám ảnh trong nhận thức. Trẻ dễ hình thành tính cách hiếu thắng, nảy sinh tâm lý thích bắt chước hành động như người lớn, dễ chai lì cảm xúc, không còn sợ hãi và nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm. ”Vô cảm với cái xấu. Quan tâm hình ảnh chị em trèo tường, vượt rào thậm chí rách cả quần áo, chuyên gia xã hội học, tiến sĩ Đỗ Thị Vân Anh, Trường ĐH Công đoàn, nói: “Không giống với vẻ đoan trang, thùy mị vốn có ở những người phụ nữ, họ vượt khỏi giá trị chân, thiện, mỹ chỉ để tranh giành vào công viên vui chơi miễn phí. ” Nhưng tiến sĩ Đỗ Thị Vân Anh bức xúc hơn cả là hình ảnh hàng chục nam sinh vây quanh trong hồ bơi có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục giữa chốn đông người. Theo bà, nó liên tưởng đến nhiều vụ nữ sinh bị quấy rối tình dục trên xe buýt nhưng không nhận được sự trợ giúp từ người khác, dù giữa chốn đông người. “Dù vô cảm hay hèn nhát nhưng cả một đám đông mà không ai dám ra tay ngăn chặn hành vi xấu, sợ ảnh hưởng, liên lụy đến bản thân đã cho thấy một xã hội thực sự bất ổn, khi con người không đủ khả năng phản kháng, ngày càng bất lực trong việc tự bảo vệ mình trước hành vi xấu và thiếu vắng sự bảo vệ, can thiệp mạnh mẽ từ các cơ quan công quyền”, bà Anh nói. “Có đáng không khi chỉ vì một vé bơi miễn phí, một cuộc chơi không phải có một không hai gì mà họ phải trả giá quá đắt về nhân cách và ý thức như vậy. Trong khi họ có thể thờ ơ đi qua những vụ tai nạn, những vụ mâu thuẫn dẫn tới đánh chửi nhau ở ngoài đường, không một sự giúp đỡ, can ngăn”, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang bức xúc. Theo ông, vụ việc ở công viên nước Hồ Tây cũng như hành động bẻ hoa ở lễ hội hoa, tranh cướp đồ ăn ở cửa hàng ăn miễn phí, tranh cướp ấn ở đền chùa… phản ánh rõ nét văn hóa của một thế hệ. Không thể phủ nhận trách nhiệm của giáo dục, trong đó có giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm phát triển và bảo tồn tín ngưỡng, cho rằng: “Lịch sử văn hóa ghi nhận một trường hợp đáng sợ trong cách ứng xử với nhau. Bao giờ cũng thế, đám đông luôn dễ bị kích động. Nhưng cách tổ chức đã tăng thêm sự hỗn loạn của đám đông. Sự hỗn loạn đấy là một chỉ báo văn hóa, gọi tên ra nó là văn hóa ứng xử không được giáo dục tử tế. Cả trong ứng xử với nhau, ứng xử với phụ nữ. Những năm gần đây, có cảm giác cứ người VN ra đám đông là loạn. Bây giờ, nhiều khi chỉ hai người cũng chen nhau. Quá đông thì còn chen kinh khủng hơn. Hiện tượng như ở công viên nước là một chỉ báo cho thấy mức khó nói là con sâu làm rầu nồi canh được. Phải nói là sâu nhiều quá, chiếm số đông, đặc xịt trong nồi canh rồi. ”[1].Về vấn đề quấy rối tình dục. “Năm 2014, Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển đã tiến hành khảo sát, thu thập ý kiến của 2. 046 người từ 16 tuổi trở lên tại các địa bàn ở Hà Nội và Tp. HCM về thái độ và trải nghiệm cá nhân trong vấn đề quấy rối tình dục nơi công cộng. Kết quả công bố cho thấy, 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục với các hành vi thường thấy như: huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, nhìn chằm chằm, sờ mó vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Tại Hà Nội và Tp. HCM, 11% nữ sinh được hỏi cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng, chủ yếu là xe buýt. Theo đó, cứ 10 nữ sinh đi xe buýt thì sẽ có 1 nữ sinh từng bị quấy rối. Và cứ 3 phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối trên xe buýt thì chỉ có 1 người là dám phản ứng lại. Một số cho rằng đây chỉ là những cử chỉ đùa bỡn. ”[2].Chuyện đua xe cũng là một vấn nạn xã hội, cũng xảy ra năm này qua năm khác, làm xôn xao, bức xúc dư luận, làm nhức nhối lương tri con người, có nhiều cách để giải quyết triệt để và dứt điểm, thế nhưng, cho đến nay, hình như tệ nạn này vẫn là một vấn đề nóng.Tại ngả tư trên một số con đường trong thành phố, hàng ngày khi đi ngang qua, trong giờ tan tầm, tôi thường gặp 2 hoặc 3 anh CSGT đứng gác. Cạnh đó, hàng chục, hàng trăm chiếc xe máy chen nhau leo lề, thỉnh thoảng có vài chiếc vượt đèn đỏ. Đem chuyện bất thường này tới thắc mắc cùng mấy anh Giao thông. Anh ta nhìn tôi trân trối rồi bảo, với giọng hằn học: “Mặc kệ nó, thôi anh đi đi.” Lần khác, khi chạy trên đường, từ những con hẻm bên phải, vài chiếc xe máy đâm ra, quá bất ngờ, một số người đánh tay lái tránh qua bên trái, lấn sang làn đường bên cạnh, ngay lập tức, một anh Giao thông từ đâu nhảy ra, cầm gậy ra hiệu cho xe máy lấn làn tấp vào lề. Chứng kiến cảnh này, nhiều người bảo, mấy anh CSGT ra đường không hẳn là để giữ gìn trật tự đường phố, họ rình bắt những trường hợp nào dễ bắt nhất chỉ với mục đích để kiếm chút ít, tăng thêm thu nhập. Cũng có lần, tại một ngả ba vừa xảy ra tai nạn, giao thông tắc nghẽn, lại không thấy bóng một anh Giao thông nào. Tôi liền cho xe chạy đến một ngả tư gần đó. Tìm gặp 2 CSGT đang chốt chặn tại đây, tôi thông báo cho họ biết, mong họ liên lạc cấp tốc đến cơ quan để điều người đến giải quyết. Họ nhìn tôi với vẻ kinh ngạc một lúc không nói gì rồi quay sang tiếp tục câu chuyện dở dang lúc nãy. Tôi để ý thấy, suốt một thời gian dài sau đó, họ vẫn không có bất cứ động thái nào để xử lý vụ việc.Tình trạng ‘cha chung không ai khóc’ từ thành thị đến thôn quê nơi nào cũng có. Vỉa hề, lòng lề đường bị chiếm dụng, họp chợ tự phát tràn lan, đặc biệt, trước các bệnh viện, trường học, hàng quán tụ tập buôn bán xô bồ, nhếch nhác mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị, v. v… tồn tại hàng chục năm không được xử lý, thỉnh thoảng vài chiếc xe chở cán bộ phòng quản lý đô thị chạy qua kiểm tra, sau cái cảnh dân tình chạy tán loạn một lúc, xe chở cán bộ tịch thu vài cái ghế, vài cái bàn rồi bỏ đi, tình hình trở lại như cũ, đâu lại vào đấy. Nhìn cái cảnh này, mọi người cứ đứng cười, khách du lịch nước ngoài tình cờ chứng kiến một hài kịch thì chỉ biết há hốc mồm kinh ngạc. Tôi không thể hiểu tại sao họ (các cơ quan chức năng liên quan) có thể để cho tình trạng này cứ tiếp diễn (chỉ làm cho có lệ) mà không có một chút hổ thẹn hay một nỗi niềm băn khoăn, bức xúc, mặc dù xử lý dứt điểm việc đó không khó?!Thêm chuyện gì nữa đây, à, chuyện cần cẩu rơi làm chết người, và nó xảy ra không chỉ một lần. Mới đây thôi, ngày 5/05/2015, 3 mẹ con chết thảm dưới đống sắt hàng chục tấn. Nhìn thấy cảnh này, nói thật, tôi muốn đứng tim, vì đau lòng và vì phẫn nộ đến cực điểm. Mạng sống của người Việt sao mà rẻ mạt, rẻ còn hơn bèo… Nhật Bản. Ai là người chịu trách nhiệm? Xin thưa, người lái cần cẩu, đơn vị thi công, nhà thầu, chủ đầu tư và đặc biệt là Chính quyền địa phương, nơi tai nạn thương tâm xảy ra.Một lần chạy xe trên quốc lộ vào buổi chiều, tôi đã thấy rõ vết máu và những hình vẽ màu trắng còn khá mới trên mặt lộ, cạnh đó là những chiếc xe hủ lô. Vào buổi tối, đèn đường không có, nơi đây tối om, những chiếc xe hủ lô đậu san sát dọc bên đường, chiếm gần hết 2/3 mặt lộ (2 chiều) lại không có đèn cảnh báo an toàn. Một xe máy chạy qua, khi vừa phát hiện có xe hủ lô phía trước, người cầm lái quá bất ngờ bẻ ngay tay lái sang bên trái để tránh, một chiếc xe khác từ phía sau đâm tới, và chuyện gì xảy ra thì mọi người đã hiểu. Tôi đem chuyện bất bình này chất vấn mấy ông quản lý công trình, ông ta nhìn tôi ngạc nhiên, bao biện một lúc rồi mỉm miệng cười: “Vâng, tôi sẽ xem xét lại. ” Ngày hôm sau chạy ngang qua, tôi vẫn thấy tình hình không có gì thay đổi, họ chỉ cho mở nhỏ một ngọn đèn để đối phó, nhưng lại đặt trên chiếc hủ lô nằm giữa đoàn xe, không có bất kỳ một cái bản cảnh báo nào, như vậy thì có giúp được gì. Trách nhiệm đối với công việc, với mạng sống con người sao mà cẩu thả và tệ hại thế.Hạ tầng cơ sở bất cập, yếu kém. Đường sá, cầu cống… thi công ì ạch, cẩu thả, chỗ thấp, chỗ cao, nơi bằng phẳng, nơi gồ ghề, 3, 4 đơn vị liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu, thiết kế, giám sát, v. v… thông đồng rút ruột công trình hay khai gian để ăn chặn tiền đầu tư (thường là cùng một cơ quan nên ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’). Công trình vừa làm xong, đưa vào sử dụng không bao lâu thì hư hỏng, sụt lún, rồi đào, rồi đấp, rồi lại đào, lại đấp (ông cấp thoát nước, ông điện lực, ông thông tin, v. v…, mạnh ai nấy làm, không bao giờ kết hợp để làm đồng bộ với nhau) mà đào đấp xong thì bỏ mặc hoặc có tráng lại thì cũng chỉ làm cho có lệ, mặt lộ sau đó trở nên gồ ghề và nham nhở… Cách đây không lâu, mọi người không khỏi bàng hoàng trước thông tin, chỉ trong một thời gian ngắn, đường ống cấp nước Sông Đà đã 15 lần bị vỡ (bể), hàng vạn người dân Hà Nội khổ sở vì phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Và sau đó thì sao, khi có sự cố (có cả trường hợp chết người) xảy ra thì đổ vấy trách nhiệm cho nhau rồi tiếp tục chi thêm tiền để sửa chữa, mà nguồn tiền này thật ra là tiền đóng thuế của dân (hoặc tiền vay của nước ngoài). Có nhiều trường hợp, công trình được bàn giao, lợi ích đã trao tay cũng có nghĩa là trách nhiệm lập tức bị rũ bỏ. Tại VN, có nhiều hình ảnh, hiện tượng độc quyền, khác thường thỉnh thoảng bạn có thể bắt gặp được đâu đó khi ra đường mà trên thế giới không nơi nào có, như cái bản hiệu ‘Đường chờ lún’ được đặt chễm chệ tại những con đường nhựa vừa mới thi công xong ít lâu chẳng hạn. Lúc mới về nước, khi nhìn thấy những bản hiệu như thế này, nói thật, tôi rất đỗi ngạc nhiên vì không hiểu ‘Đường chờ lún’ là con đường gì, quái, sao lại có cái thứ tên đường gì kỳ lạ vậy? Sau này mới hiểu ra ‘Đường chờ lún’ là con đường vừa mới làm xong, nền đường còn yếu, chờ cho lún dần đến khi thật sự ổn định mới cho thảm nhựa lại. Cây chết khô nhiều năm đe dọa sự an toàn của người dân thì không được cưa bỏ đúng lúc, kiến nghị thì bị làm ngơ, cây xanh tốt thì vì quản lý yếu kém hay lợi ích cục bộ lại bị ‘san bằng’ vô tội vạ. Cây mới trồng sau một cơn giông đã bật gốc, lộ nguyên bầu bọc bằng lưới, túi ni lông, dây kiềng chằng chịt… Chứng kiến mà giật cả mình. Đây là sự cẩu thả vô nguyên tắc hay là trách nhiệm bị buông lỏng có hệ thống?Thực tế là vậy, nhưng để biện minh cho sự yếu kém, cho tiêu cực và những bất cập tồn tại trong xã hội, nhiều người, nhất là các cơ quan công quyền thường hay có thói quen đổ lỗi cho nhau hay cho kinh tế thị trường (cũng giống như việc thời gian đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng để biện minh cho sự chậm phát triển của đất nước, người ta vẫn thích đổ lỗi cho chiến tranh). Sai phạm xảy ra, nếu chỉ với điệp khúc ‘rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ’ rồi ‘khiển trách hay cảnh cáo’ như trò trẻ con sẽ không thể giải quyết triệt để được vấn đề. Ở VN, khi ra đường, bạn sẽ lập tức chứng kiến nhiều chuyện lạ thường, chướng tai gai mắt, dở khóc dở cười mà khắp nơi trên thế giới không bao giờ có. Tại các quốc gia văn minh, tiên tiến trên thế giới, thiên hạ cũng áp dụng kinh tế thị trường (không có sự nhập nhằng, nửa vời), nhưng xã hội rất quy củ, lành mạnh, yên bình, giáo dục, y tế, an sinh,v. v… phát triển ở một một tầm thật cao, khả năng quản lý trên mọi lãnh vực của Nhà nước rất tốt, luật lệ đâu đó nghiêm chỉnh, rõ ràng, quan hệ con người với nhau có tính nhân văn cao và đặc biệt là rất trung thực. Họ sống độc lập, tôn trọng sự riêng tư chứ không phải vô cảm hay vô tổ chức.Nền tảng văn hóa bị đánh mất, nền giáo dục thì trì trệ, bất cập và lạc hậu, từ đó, dân trí sẽ chậm phát triển nên ý thức của người dân không có điều kiện và cơ sở để được nâng cao. Nhiều giá trị bị đảo lộn, lòng người bất an, khả năng thích nghi với cuộc sống thấp kém làm con người càng trở nên thiếu tự tin và mất dần phương hướng, mạnh ai nấy bương chảy, bằng mọi giá để tồn tại. Và tất nhiên, sự xấu hổ và lòng tự trọng cũng bị xem thường. Người Việt Nam, đa phần thiếu lòng tự trọng, nếu thua kém họ thì họ sẽ khinh bỉ, xa lánh, đối với kẻ hơn họ, nhất là với người nước ngoài, họ lại khúm núm, khép nép và nịnh nọt. Vì tiền, vì lợi ích trước mắt, họ có thể đánh đổi mọi thứ, kể cả bán rẻ nhân phẩm và danh dự của mình. Những cô gái Việt vì muốn được đổi đời, bất chấp tất cả, chấp nhận lấy những ông chồng ngoại quốc già nua, bệnh tật. Những thông tin trên các mặt báo về nạn lạm dụng, bạo hành, giết người của các ông chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, v. v… đối với các cô dâu Việt không phải là hiếm nhưng vẫn không làm cho những cô gái ham đổi đời này thức tỉnh. (Một số cô gái khác thích lấy chồng ngoại quốc cũng vì lẽ, từ lâu cám cảnh các ông chồng Việt bên hàng xóm vừa đen đúa, thô kệch, lại sáng say chiều xỉn, hở một chút là động tay động chân với vợ con). Các cô gái trẻ, một số người mẫu, hoa hậu, hoa khôi, diễn viên, ca sĩ, học sinh, sinh viên đang còn ngồi ghế nhà trường, v. v… có thể vì tiền, vì danh vọng, làm đủ mọi trò để được chú ý, để được nổi tiếng, kể cả việc bán dâm. Chuyện hiệu trưởng, thầy giáo, quan chức môi giới hay mua dâm, mua trinh học sinh trung học hay trẻ vị thành niên không phải là chuyện lạ. Tệ nạn mại dâm đang biến tướng và mất dần kiểm soát. Thời gian gần đây, dư luận xôn xao, bàn tán việc nên hoặc không nên cho phép mại dâm được tập trung hoạt động công khai tại một hoặc vài khu vực nhất định ở một số thành phố lớn để làm thí điểm, trên thế giới nhiều nơi đã làm thế. Và việc làm này đáng để mọi người cùng nhau bàn tính một cách nghiêm túc, nhất là những nhà lãnh đạo thuộc các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đây không còn là vấn đề thuần phong mỹ tục để phải tiếp tục né tránh, lên án hay bao biện cho việc ‘Vẽ đường cho hưu chạy’ vì không vẽ thì hưu cũng đã chạy tán loạn lên rồi. Đây cũng không phải là vấn đề đạo đức hay không đạo đức, khi thực trạng đã thật sự đáng báo động. Mô hình mại dâm tập trung như một nghề giúp cho Chính phủ thu được thuế, kiểm soát tốt hơn về sức khỏe, về nạn bảo kê hay buôn bán phụ nữ, trẻ em, v. v… Đã từ lâu, do thiếu hiểu biết, thiếu ý thức hay vô trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, một số không nhỏ người dân, trong đó có gái mại dâm, những người lao động, thậm chí cả những anh trí thức, một số sinh viên… cho rằng nhiễm HIV (lây bệnh AIDS) chỉ có thể xảy ra với người dân Âu Mỹ, người Việt thì được miễn dịch, do đó, họ rất chủ quan khi quan hệ với gái mại dâm mà hoàn toàn không sử dụng bất cứ phương tiện an toàn nào. Khi khách yêu cầu không sử dụng bao cao su, các cô gái mại dâm vì tiền vẫn vô tư chiều lòng khách. Điều này quá nguy hiểm. Có không ít trường hợp gái mại dâm đã nhiễm HIV thông báo cho khách biết để phòng ngừa nhưng vẫn có những ông khách ham vui từ chối sử dụng phương tiện an toàn để tự bảo vệ cho mình, chưa nói đến việc các cô gái mắc bệnh cố tình muốn truyền cái bệnh chết người này cho người khác với mục đích trả thù đời. Có ông còn ngây thơ trêu cợt: “Em trắng trẻo, xinh xắn, dễ thương và sạch sẽ thế này thì làm sao mà nhiễm HIV được. Anh không tin!”, và rồi họ lại ‘vô tư’ mang mầm bệnh lan truyền cho vợ con và cộng đồng xung quanh.Những xì-căng-đan quay cảnh làm tình rồi tung lên mạng như trường hợp của Hoàng Thùy Linh, những phát ngôn gây sốc, thiếu trưởng thành của Hồ Ngọc Hà, của Ngọc Trinh, những trò thiếu văn hóa, vô ý thức của Đàm Vĩnh Hưng, Ngọc Sơn, những buổi trình diễn khoe thân thiếu văn hóa trên sân khấu, v. v… đôi lúc bị lên án, nhưng sau đó, những nhân vật này lại được cánh báo chí tung hê, săn đón và tiếp tục được ca ngợi, lăng xê trên nhiều phương tiện truyền thông (vì lợi ích vật chất và danh tiếng nên bất chấp) khiến cho một số người có tâm huyết cảm thấy hổ thẹn và bất an khi mọi giá trị hay dở, tốt xấu của xã hội dường như bị xáo trộn. Không nghi ngờ gì cả, để che mắt và đánh lừa dư luận, thực tế có những phóng viên còn được các doanh nhân, các nhân vật showbiz gợi ý chi trả tiền để đánh bóng tên tuổi, để viết bài ca ngợi, dù không có thành tích hoặc có thành tích xấu, một cách khiên cưỡng và cường điệu. Cách đây một thời gian, sau khi tôi chính thức cho phát hành một văn hóa phẩm, một nhà văn nổi tiếng rất có uy tín, lại là bạn thân, đã không ngần ngại, thẳng thừng đặt điều kiện tôi phải chi tiền để anh ấy viết bài quảng bá cho ấn phẩm. Nói thật, nghe xong tôi hơi bị… sốc. Do thiếu tự trọng hay vì quá thực dụng? Làm báo nói chung cần có nhân cách và lòng tự trọng, phải trung thực và biết tôn trọng sự thật. Không thể chối cãi hay lập lờ bao biện, nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam ngày nay thật sự xuống cấp nghiêm trọng (tỉ lệ thuận với sự xuống cấp của đạo đức xã hội).Những hiện tượng nhảy nhót khỏa thân trong tiệc cưới, mặc áo tứ thân đội nón quai thao hay mặc áo dài, áo bà ba nhảy nhót theo những điệu nhạc disco, hip-hop trong những buổi lễ hội thôn làng, những chiêu trò rẻ tiền trong giới showbiz ngày càng lan rộng như cơn dịch.Đồng tình luyến ái, xét về mặt y học, không hẳn là một bệnh lý. Nó được phân chia ra nhiều loại. Đồng tính nam (gay or homosexual), đồng tính nữ (lesbian) và lưỡng tính (bisexual). Dạng bẩm sinh khi hình hài của thai nhi có những cấu tạo bất thường do trục trặc nhiễm sắc thể (XX ở người nữ, XY ở người nam). Một đứa trẻ trai có đủ bộ phận sinh dục nam (tinh hoàn) nhưng lại có buồng trứng hoặc có cặp ngực của một cô gái (thừa nhiễm sắc thể X). Ngược lại, một bé gái vừa có đầy đủ bộ phận sinh dục nữ, vừa có cả râu (thừa nhiễm sắc thể Y). Bên cạnh đó, do hấp thụ nền giáo dục lệch chuẩn hay do môi trường phát triển thiếu cân bằng giới tính, về mặt tâm lý, đứa trẻ có thể bị ngộ nhận rồi từ đó hình thành giới tính lệch lạc của mình. Thí dụ: Vì quá mong muốn có con trai, nên khi sinh được cô con gái, từ khi còn nhỏ, cha mẹ của cô bé này luôn xem cô gái ấy như một đứa con trai thực thụ, từ cách ăn mặc, đi đứng cho đến những chi tiết nhỏ trong cách dạy dỗ, khi lớn khôn, cô gái đó có thể trở thành một người đồng tính luyến ái. Một hiện tượng của tự kỷ ám thị. Một đứa trẻ khi còn nhỏ, sống lâu dài trong môi trường toàn là những người cùng giới tính, nam hoặc nữ, khi lớn lên, nó cũng có thể trở nên đồng tính. Trong xã hội hiện nay, do mọi người có cái nhìn tương đối cởi mở hơn đối với thế giới đồng tính nên ta có cảm giác số người nằm trong giới này càng lúc càng đông hơn, một phần là do họ dễ dàng công khai thể hiện bản thân, không còn nhiều mặc cảm như trước, phần khác, có không ít trường hợp mơ hồ về giới tính của mình hoặc bắt chước, học đòi theo phong trào như một cái mốt thời thượng. Không ít người có khuynh hướng thể hiện cái chất đồng tính một cách kệch cỡm, thái quá.Nạn trộm cắp của người Việt được báo chí đăng tải nhiều lần ở nước ngoài, cảnh tranh giành từng món ăn trong các nhà hàng buffet, v. v… đã khiến cho không ít người khi xem cảm thấy thật xấu hổ và ngao ngán cho cái sự vô ý thức và thiếu lòng tự trọng của người Việt Nam.“Theo Cơ quan cảnh sát Nhật Bản vừa công bố tình hình bắt giữ tội phạm nước ngoài năm 2014, trong đó liên quan đến người Việt Nam là 2488 vụ, tăng 61,6% so với năm 2013. Tính ra, trung bình mỗi ngày xảy ra 8 vụ ăn trộm dính đến người VN, chỉ sau Trung Quốc về số người phạm tội tại Nhật. Một con số biết nói khiến cho nhiều người trong chúng ta phải dở khóc, dở cười, và chắc chắn rằng sẽ có người thật sự rơi nước mắt. ”[3]. Không chỉ ăn cắp ở Nhật mà tại nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Châu Á, nạn ăn cắp của người Việt đã quá nghiêm trọng đến nỗi, tại các cửa hàng, dân bản địa phải cho treo bảng, ghi hẳn bằng tiếng Việt, để cảnh cáo người Việt và nhắc nhở người dân bản xứ. Thật hổ thẹn!Cộng đồng người Việt đang sinh sống khắp nơi trên thế giới đã gặt hái được khá nhiều thành công trong vấn đề hội nhập, thông qua công việc làm ăn và sự học hành siêng năng (khoảng ¼ dân số của khoảng 4 triệu người tốt nghiệp Đại học và có học vị sau Đại học, đang công tác trong các ngành nghề khác nhau). Họ đã tạo được nhiều thiện cảm và sự mến phục của đa số người dân bản xứ. Bên cạnh đó, khi ra nước ngoài học tập, công tác hay định cư lâu dài, một số người Việt Nam cũng mang theo trong hành trang những thói hư tật xấu cố hữu của mình. Họ cũng đố kỵ, đấu đá, thích gièm pha và đâm chọc lẫn nhau, đặc biệt là sự thiếu trung thực. Hiện tượng làm giấy tờ giả để bảo lãnh người thân, thuê người làm hôn thú giả để ăn tiền, khai gian tình trạng hôn nhân để được lãnh hai đầu lương, khai thất nghiệp để lãnh tiền trợ cấp xã hội, rồi lén lút đi làm trốn thuế để kiếm thêm thu nhập, v. v… không phải là chuyện hiếm.Thói ăn bẩn, vòi vĩnh, tham lam, vơ vét, nhặt nhạnh tại các cơ quan công quyền thì đã rõ như ban ngày, nó đã trở thành thông lệ, thành một nếp sống len lỏi vào bất cứ ngóch ngách nào của cuộc sống, từ thấp lên cao, từ trên xuống dưới, nhỏ ăn theo nhỏ, lớn ăn theo lớn. Người nghèo thì chịu thiệt, kẻ có địa vị, tiền bạc thì sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của người dân lao động. Và những phần tử này đa số là không có liêm sỉ, không biết tự trọng. Họ trơ trẽn và trâng tráo. Nhiều lần, khi tham dự những buổi tiệc mà gia đình hay bạn bè thân quen của tôi thiết đãi quan chức (đổi lại cái quyền lợi gì đó trong quan hệ, trong hoạt động kinh doanh, đại khái là phải biết điều, trả ơn khi được gợi ý, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và nó lập đi lập lại như đã trở thành thông lệ), họ đến dự, họ mang theo cả một đại gia đình, gọi đến chung vui vài người bạn thân thiết và chọn thức ăn toàn là cao lương mỹ vị.Trong những trường hợp đó, dù có cố tình che dấu hay kín đáo cỡ nào, tôi vẫn cảm nhận được trên gương mặt của người ‘chủ xị’ những cái méo mó, những cái nhếch mép cười gượng gạo. Một năm làm việc cực lực, lo cho gia đình thiếu trước túng sau, không biết lợi nhuận được bao nhiêu, nhưng thỉnh thoảng phải gồng mình để chi ra một khoảng tiền không nhỏ cho những buổi tiệc hào nhoáng như thế.Điều đáng nói ở chỗ, nhìn gương mặt hớn hở, ăn uống thản nhiên tươi cười no say, phè phỡn hay phải nghe những lời đòi hỏi khiếm nhã của những người khách mời mà tôi thấy chạnh lòng, sao họ lại có thể thiếu văn hóa, thiếu tự trọng và vô liêm sỉ đến thế. Đây chỉ mới là những buổi tiệc vui chơi, còn tiền lại quả, tiền bôi trơn thì đã chi đủ hàng tháng.“Tòm tem nơi công sở: nên xử lý như hành vi mua bán dâm. Theo TS. Nguyễn Văn Cừ, Chủ nhiệm khoa Luật Dân sự, ĐH Luật Hà Nội, hành vi quan hệ tình dục nơi công sở ở một khía cạnh nào đó là có sự trao đổi, mua bán để đôi bên cùng có lợi. Xét trên khía cạnh này thì đây là hành vi trao đổi, mua bán dâm.Hỏi: Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng quan hệ tình dục nơi công sở và những hệ lụy của nó đối với xã hội? Có ý kiến cho rằng nên xử lý hình sự với hành vi này nhằm làm “trong sạch” các cơ quan Nhà nước?Trả lời: Thực tế hiện nay, chuyện quan hệ tình dục nơi công sở phải nói là ‘nở rộ’. Ngay ở Hà Nội, buổi trưa, các nhà nghỉ luôn chật kín, những người cùng cơ quan ‘gặp nhau’ và có những hành vi như vợ chồng. Xong, đường ai nấy về. Vấn đề này đang bào mòn đạo đức và lối sống của cán bộ công chức, là một trong những nguyên nhân khiến hạnh phúc gia đìnhrạn nứt, đồng thời gây ra các vụ khiếu nại, khiếu kiện, gây gổ, làm mất trật tự xã hội. Hệ lụy của nó vô cùng nguy hiểm, nhưng rất khó xử lý trách nhiệm hình sự với những hành vi này. Như tôi được biết, hiện chỉ có hai hành vi thuận tình bị luật Hình sự ngăn cấm đó là việc người có vợ có chồng nhưng sống với người khác như vợ chồng và hành vi kết hôn với người đã có vợ có chồng. Do đó, trước mắt thì chưa thể xử lý hình sự hành vi quan hệ tình dục nơi công sở, bao gồm cả trường hợp đôi bên tự nguyện.Hỏi: Rõ ràng, luật của chúng ta chưa kín kẽ khi hành vi trên gần như chưa có chế tài xử lý. Ở góc độ một chuyên gia về luật Hôn nhân và Gia đình, theo ông, biện pháp xử lý nào mới thỏa đáng với trường hợp này?Trả lời: Theo tôi, đối với hành vi quan hệ tình dục nơi công sở, chúng ta nên xử lý theo hai cách. Thứ nhất, phạt hành chính ngang mức hành vi mua bán dâm. Bởi, hành vi tình dục nơi công sở ở một khía cạnh nào đó là có sự trao đổi, mua bán. Không ít trường hợp nhiều người dùng ‘vốn tự có’ để được nâng đỡ, thăng tiến trong công việc. Và không ít người tận dụng chức vụ, quyền lực của mình để đổi lấy sex. Xét trên khía cạnh này thì đây là hành vi mua bán dâm, trao đổi tình dục. Ngoài ra, tôi cũng cho rằng tất cả các hành vi quan hệ tình dục kiểu này là những hành vi mua bán lén lút. Cả người mua và người bán đều cố tình che giấu bản thân và rất sợ phải công khai danh tính. Chính vì vậy, chúng ta nên quy định công khai danh tính những người có quan hệ trao đổi tình dục nơi công sở ở ngay tại địa phương họ sinh sống. Chỉ có những dạng chế tài mới ngăn chặn được hành vi quan hệ tình dục bất chính đang phá nát hạnh phúc gia đình, bào mòn đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, ảnh hưởng đến văn hóa công sở hiện nay. ”[4].Tại các tỉnh thành, lãnh đạo các cấp thi thua nhau dùng ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân, xây dựng những công trình như đài tưởng niệm (điển hình nhất là Đài tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh Quảng Nam mà thời gian gần đây dư luận xôn xao nhiều nhất), những dinh thự, văn phòng Ủy ban, cơ sở Chính quyền, doanh trại quân đội, nhà lưu niệm, v. v… đồ sộ và hoành tráng, gây lãng phí nghiêm trọng. Chưa kể những biệt thự xa hoa của các cấp lãnh đạo hay con cháu của họ ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nếu chỉ dựa vào đồng lương công chức cơ bản thì họ lấy tiền đâu ra để có thể xây dựng nhà cửa đồ sộ cho riêng mình như thế? Với tư duy nhiệm kỳ, Chính quyền các tỉnh thành ‘tranh thủ’ tự vẽ ra dự án để ‘tận dụng’ ngân sách Nhà nước hay cấu kết với doanh nghiệp thành lập dự án, mà có dự án thì có tiền lại quả, tiền phần trăm huê hồng, thản nhiên bỏ túi riêng mặc dù mọi người đều biết rất rõ dự án đó không mang lại lợi ích thiết thực gì cho người dân, cho xã hội, nhiều nơi dân còn mất đất canh tác, vùng quê mất dần đi những mảnh vườn, những cảnh quan cây cối xanh tươi. Nơi này qui hoạch chưa tới đâu thì lại mở rộng những khu qui hoạch mới, mà cách qui hoạch và thực hiện những dự án do Chính quyền, nói chung là do người Việt Nam thực hiện thì thường là nham nhở, nhếch nhác, xô bồ, xấu xí, không đâu vào đâu cả. Do quy hoạch không hợp lý, nhiều khu chợ, khu thương mại xây dựng xong nhiều năm rồi bỏ hoang, về lâu về dài, cơ sở nhếch nhác và xuống cấp nghiêm trọng, trở thành địa điểm thích hợp để trâu bò trú mưa hoặc bọn tội phạm, hút chích, mại dâm sử dụng làm nơi tụ tập ‘hành động’. Quá lãng phí! Ngoài động cơ tiền bạc và lợi ích nhóm, việc làm này mang tính hệ thống và còn có tác động của việc chạy theo thành tích. Việc lấp sông Đồng Nai là một thí dụ rất điển hình. Việt Nam có xây được nhà trên mây, cầu đường trên Trời mà y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, đạo đức con người, chất lượng cuộc sống… vẫn tồi tệ và xuống cấp nghiêm trọng thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Đất nước còn lạc hậu, yếu kém nhiều mặt, đời sống kinh tế của dân chúng nói chung có cải thiện phần nào, nhưng ở nhiều nơi, đặc biệt ở thôn quê, vùng sâu vùng xa (khoảng 80% người dân sống ở nông thôn) còn rất khó khăn, nhất là các vấn đề liên quan đến y tế, giáo dục và dân sinh thì còn nhiều bất cập và trì trệ. Ở nhiều nơi, trường học và các cơ sở y tế, khám chữa bệnh cho người dân xuống cấp trầm trọng và thiếu thốn đủ thứ, dân đói khổ cần được cứu trợ hàng năm (hàng cứu trợ còn bị ngăn chặn hoặc bớt xén).Khi có sự cố hay những bất cập xảy ra, lãnh đạo các cơ quan chức năng liên quan thường có thói quen bao biện, tránh né hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, họ thiếu lòng tự trọng đến nổi không có đủ can đảm để nhận lỗi hoặc từ chức. Không công nhận sai phạm, không can đảm nhìn thẳng vào sự thật thì điều bất cập hay tiêu cực sẽ khó được ngăn chặn kịp thời. Họ bám chặt chiếc ghế quyền lực vì nó mang lại cho họ quá nhiều quyền lợi vật chất. Theo một thống kê chính thức của Nhà nước (thực tế còn trầm trọng hơn), trên khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn, trong các cơ quan công quyền, số lượng cán bộ, công viên chức Nhà nước không đủ trình độ và năng lực để hoàn thành tốt công việc được giao phó vẫn chiếm đa số. Điều này dễ hiểu, vì từ khi xây dựng đất nước theo mô hình XHCN, thành phần lãnh đạo được cơ cấu chủ yếu là những nhân vật nồng cốt, có lý lịch tốt thuộc giai cấp công nông. Trong thành phần này, đa số có trình độ học vấn quá thấp so với yêu cầu (vì trình độ thấp nên thường có tư duy, quan điểm độc đoán, bảo thủ, trì trệ và lạc hậu). Qua thời kinh tế thị trường, kinh tế tri thức, để hợp thức hóa vai trò lãnh đạo của mình, một số cán bộ cao cấp được cho đi đào tạo, học tại chức để nâng cao trình độ, mà thật ra, có nhiều trường hợp, việc học chỉ mang tính hình thức, điểm danh cho có, lên lớp đã có người học thế, thi thế, và dĩ nhiên, những bài luận văn tốt nghiệp cũng có người làm hộ. Cuối cùng, bằng cấp, học vị được mua bán, cấp phát tràn lan. Đến giao dịch tại các công sở, người dân thường xuyên gặp phải những gương mặt quan liêu, nhũng nhiễu của một số không nhỏ cán bộ các cấp. Sự việc được yêu cầu giải quyết thường xuyên bị dây dưa, kéo dài không cần thiết, dù là những việc đơn giản nhất. Người dân luôn phải chờ đợi mỏi cổ, nhiều lúc còn bị cố tình phớt lờ hay hẹn tới hẹn lui, đẩy đưa nơi này nơi khác, ở đó, ngoài tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp và lạc hậu của cán bộ thì sự tiêu cực là điều khó tránh khỏi.Xin điểm qua vài thông tin liên quan đến việc kiện cáo vượt tuyến, xử án oan sai mà thực tế trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần đề cập tới. Ngoài thái độ làm việc vô trách nhiệm và thiếu nguyên tắc của một số cán bộ thuộc các cơ quan chức năng liên quan thì sự sai phạm lập đi lập lại nhiều lần trong thời gian mấy chục năm qua còn thể hiện rõ từ cái lỗ hổng của luật pháp, từ việc chạy theo thành tích cho đến sự yếu kém về trình độ và năng lực của những cán bộ này. Điển hình là trường hợp án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) và 17 năm oan ức (2 án oan, án chồng lên án) của ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận). ‘Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại’, một đời người có là bao, 10 hay 17 năm tù oan coi như đánh mất rồi một đời trai trẻ. 7,2 tỉ tiền bồi thường được lấy ra từ ngân sách Nhà nước, mà ngân sách Nhà nước là tiền đóng thuế của dân. Hãy chờ xem, những kẻ chịu trách nhiệm gây ra án oan sẽ nhận hình phạt gì và phải bồi thường ra sao cho xứng đáng với tội ác của họ.Vấn nạn xã hội đã rành rành ra đó, dịch Sars, dịch Mers… có thể khắc phục hoặc điều trị được nếu phát hiện kịp thời, nhưng cơn dịch đạo đức suy đồi không được chặn đứng đúng lúc có nguy cơ lan rộng khiến cho một đất nước trở nên nguy kịch. Điều quan trọng là chúng ta phải can đảm nhìn thẳng vào sự thật, có nhìn nhận sự thật mới có áp lực buộc phải bắt tay ngay vào việc xử lý vấn đề một cách đúng đắn và triệt để. Tránh né hoặc phủ nhận thực tế (vì công nhận nghĩa là nhận rằng mình sai, mình yếu kém) chỉ càng khiến cho vấn nạn càng thêm nhức nhối. Khi sự yếu kém, bất cập và tiêu cực trong xã hội vừa mới manh nha không được ngăn chặn, triệt tiêu ngay tức khắc và kịp thời, nó có nguy cơ sẽ tồn tại lâu dài và càng lúc càng trở nên nghiêm trọng hơn, có thể biến tướng thành dịch, thành một thói quen, một nếp sống tồi tệ làm lũng đoạn xã hội và khó có khả năng để khắc phục được.(Trích NGƯỜI VIỆT NAM TỒI TỆ của Lâm Nhược Trần, tr.157-190)[1] Báo Thanh Niên, số ra ngày 20/21/ tháng 04/2015, có đăng 2 bài viết do các tác giả Như Lịch và Phan Hậu – Tuệ Nguyễn biên soạn.
[2] Báo mạng Vietnamnet, số ra ngày 20/06/2015, do Thu An tổng hợp.
[3] Báo mạng Vietnamnet, số ra ngày 16/05/2015.
[4] Báo Đời sống & Pháp luật, số ra ngày 04/06/2015, đăng bài phỏng vấn TS. Nguyễn Văn Cừ.
Trang chủ › Bài hay trên net. › Lâm Nhược Trần – Người Việt Nam Tồi Tệ: Sự vô cảm, thiếu tự trọng và tinh thần vô trách nhiệm