Saturday, 15 April 2017

Tản mạn với dòng nhạc phản chiến














Đồ Hiếm (Danlambao) - Hôm rồi đang thơ thẩn trên con đường xưa em đi, Đồ tui gặp lại một học trò cũ, sau vài lời thăm hỏi, cô học trò khoe rằng hôm 8/4 đã lên Đà Lạt để tham dự đêm nhạc Trịnh. Cô học trò kể thêm rằng, báo đài nổ là có gần 30.000 khán giả đến xem, nhưng riêng cô lại rất thất vọng, vì chủ đích đi để nghe lại các bài phản chiến như "Nối vòng tay lớn, Gia tài của Mẹ, Huế-Sàigòn-Hà Nội" nhưng lại không thấy trình diễn? Nghe kể mà Đồ tui thở một hơi dài thườn thượt, tưởng như từ Sài Gòn ra tận Hà Tĩnh!

Nói đến Trịnh Công Sơn thì hầu như tất cả người dân Miền Nam đều biết tên tuổi nhạc sĩ này, một thiên tài trong âm nhạc. Đúng, Đồ tui không phủ nhận điều đó, TCS quả thực là một phù thủy âm nhạc qua những bài tình ca tuyệt vời, bất hủ sống mãi với thời gian. Trong phạm vi bài này, Đồ tui chỉ xin nói về dòng nhạc phản chiến.

Đồ tui nhớ rất rõ những năm tháng còn mặt áo sinh viên tại Sài Gòn. Sau cuộc tổng khủng bố đỏ Tết Mậu Thân, miền Bắc CS và lũ nằm vùng tuy thua cay nhưng chúng vẫn tiếp tục điên cuồng gia tăng pháo kích, khủng bố dân tình trên khắp nơi. Là trai thời loạn, bạn bè Đồ tui rời ghế nhà trường tản mác bốn phương trời: Đứa du học, đứa vào đại học, đứa khoác chiến y. Nhưng mỗi lần có đứa nào về phép, lại tụ tập nhau đi cà phê hoặc vào sân trường đại học nghe nữ hoàng chân đất Khánh Ly cùng TCS ôm đàn song ca. Tình ca có, mà phản chiến cũng có. Nối vòng tay lớn, Huế-Sàigòn-Hà Nội, Người con gái VN da vàng, Du mục (Đàn bò vào thành phố), Hát trên những xác người... bài nào cũng chứa chất những âm hưởng nỉ non, rền rỉ, mô tả một cuộc nội chiến thấm đẫm máu me và xác người chồng chất, dẫn đến tác dụng giới sinh viên học sinh chán ghét chiến tranh, phản đối nhà cầm quyền. Những người bạn chiến sĩ của Đồ tui nghe xong không kìm được bực bội chua chát, tiền tuyến gian khổ, đối mặt từng giờ với cái chết để hậu phương bải hoải, nghe những loại nhạc mê mụ như vầy hay sao?

Những người bạn khoác chiến y của Đồ tui, có đứa đi không trở lại, bỏ lại cha già mẹ yếu em thơ, bỏ người yêu học trò, người vợ góa phụ ngây thơ vật vã bên quan tài. Ai đã hy sinh xương máu, một phần thân thể thậm chí cả tính mạng cho TCS bình an ở thành phố để viết những ca khúc có lợi cho CS?

Phải công nhận chính phủ VNCH đã quá sức là tự do và nhân bản, khi cho phép nhạc phản chiến của TCS được phổ biến rộng rãi. Và TCS đã lợi dung khe hở đó tuy biết rằng, trong cuộc nội chiến này, Miền Nam chỉ đấu tranh phòng vệ, còn chính Miền Bắc CS mới là giặc xâm lược, nhưng vì tư tưởng của Trịnh bị thiên cộng quá nhiều, nên vẫn ngấm ngầm tiếp tay cho cộng sản trong công tác tuyên truyền ru ngủ thanh niên miền Nam.

Chúng ta đều nhớ rất rõ, trưa ngày 30/04 TCS đã hồ hỡi đứng lên phát biểu trực tiếp trên đài phát thanh Sài Gòn: 

"Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta... Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này... Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả kết quả đó... Hôm nay tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam, các bạn trẻ và Chính phủ Cách mạng lâm thời xem những kẻ ra đi là những kẻ phản bội đất nước... Chính phủ Cách mạng lâm thời đến đây với thái độ hòa giải, tốt đẹp. Chúng ta không có lý do gì để sợ hãi mà ra đi cả. Đây là cơ hội duy nhất và đẹp đẽ nhất để đất nước Việt Nam được thống nhất và độc lập."

Đây không phải là quy kết về chính kiến của TCS mà thật sự trong một lần đi thăm Nhà bảo tàng tại Quảng Bình năm 1984, Trịnh đã xúc động trước hình ảnh bà mẹ VN anh hùng chuyên nuôi giấu bọn nằm vùng giết người, để rồi viết lên bài hát “Huyền thoại Mẹ”: 

Mẹ lội qua con suối. Dưới mưa bom không ngại. Mẹ nhẹ nhàng đưa lối. Tiễn con qua núi đồi. Xóa sạch vết con về...

Hay bài ca “Khăn Quàng Thắp Sáng Bình Minh”, sáng tác thời gian đầu sau 1975, thuộc bộ sưu tập của các nhạc nô chuyên bưng bô cho Hồ Chí Minh, TCS đã đầu độc cả thế hệ măng non:

“Em luôn cùng kết đoàn. Vì các em đã thuộc Năm điều Bác dạy. Học cho ngoan lớn cho nhanh. Bay vào đời xây dựng. Rèn đôi tay, chắc đôi chân. Lao động là vinh quang. Kìa các em xinh xinh. Chân bước vội đến trường. Từng chiếc khăn em quàng thắm đỏ bình minh. Từng cánh tay măng non. Đang xây ngày mai hồng. Đoàn thiếu nhi em là Hy vọng Việt Nam”.

Một thứ nghệ sĩ phản trắc, ca ngợi bác và đảng như thế, thì có đáng cho người Miền Nam thần tượng, rầm rộ tập trung đến 30.000 người đi nghe nhạc của hắn không?

Tình ca của TCS lãng mạn đẫm chất thơ bao nhiêu, thì dòng nhạc phản chiến của hắn lại đẫm độc hại bấy nhiêu. Chuyện gì “công-tội“ đều phải phân minh, Miền Nam chúng ta thất thủ vì do nhiều yếu tố, nhưng cái loại Ăn cơm quốc gia, Thờ ma cộng sản như TCS cũng đã góp một tay vào. Ngay cả hàng trăm bản tình ca thơ mộng, mà TCS viết ra được, cũng là nhờ không khí tự do của Miền Nam, chứ ví như TCS mà sinh ra tại Miền Bắc CS, thì chỉ cần một bài tình ca cũng đủ cấm tiệt việc sáng tác rồi, thế mà TCS đã không biết cám ơn xương máu Miền Nam, lại ngấm ngầm đâm sau lưng chiến sĩ thì đúng là thứ phản bội.

Nhớ lại, hôm Tết bọn học trò cũ có đến nhà chơi, Đồ tui muốn biết suy nghĩ của giới trẻ thành phố về hiện tình biển chết nên đưa ra thảo luận, đứa thì ú ớ xem như chuyện nước ngoài, không biết ất giáp gì cả, đứa thì ngốc nghếch nhai lại cái luận điệu của đảng: “Phải ráng chịu chớ sao, muốn có thép mà thầy” (Tuy làm ngành sư phạm, mà nghe nói như vậy Đồ này cũng muốn đờ mờ.) Chẳng kiêng cử ngày tư ngày tết gì cả, tuy bình thường Đồ tui rất thương bọn học trò như con của mình, nhưng trí dục chưa đủ, mà phải kèm theo cả đức dục, xạc cà rây cho bọn bò tót này một trận.

Biển miền Trung đã chết tức tưởi, vì Formosa với sự giúp đỡ và bao che của ĐCSVN đã quăng quả bom hóa học với nguy hại nặng nề cho những năm tháng sắp tới, thế mà biểu tình chỉ thấy những nạn nhân trực tiếp tại Hà Tĩnh, còn những người Việt khác trên khắp miền đất nước, cùng máu đỏ da vàng sao không thấy đau lòng với đồng bào Miền Trung để cùng nhau xuống đường đuổi cổ Formosa?

Thưởng thức âm nhạc là quyền tự do của mỗi người. Đồ tui chỉ đau lòng là hiểm họa diệt vong đang đến gần, cái chết vì bệnh và ô nhiễm môi trường đang xảy ra hàng ngày, chỉ có điều là chưa đến phiên mình hay người thân của mình đi “bán muối”, thử hỏi ba chục ngàn người đó ngày mai có còn được ung dung mà nghe nhạc bằng tiếng Việt nữa không? Hay họ giống như những người nghèo cùng khổ trong xã hội nhưng quá dễ tin, được đảng đỏ chủ trương dùng tiền dân rồi đốt pháo bông xem cho đỡ đói? Hay họ cũng giống như những ngư dân Miền Trung, mà đảng chủ trương phát cờ quần què ra bám biển để bọn cảnh sát biển hèn hạ bám bờ? Hay họ cũng như những học sinh giỏi, mà đảng phát thưởng mấy tấm hình Bả Chó để... liệng kống! Buồn!

12.04.2017