Vũ Đông Hà (Danlambao) - Chúng ta hãy tượng tượng trong một căn nhà đã từng bị cháy rụi, sau khi thanh tra để "khắc phục" thì những nỗ lực để "khắc phục" là có thêm 1 xô nước chữa cháy, một bình cứu hỏa, một vòi nước... và tổng cộng có 52 thứ "khắc phục" như vậy. Tuy nhiên, 1 thứ cần "khắc phục" thì vẫn còn y nguyên: thùng xăng rất to, mở nắp, nằm ngay giữa nhà đã đốt rụi căn nhà trước đây.
Đó là hình ảnh, tình trạng của căn nhà Vũng Áng qua cái gọi là "Formosa đã khắc phục 52/53 lỗi, đủ điều kiện vận hành lò cao số 1" (1) của đảng và nhà nước CSVN.
Ngày 4/4/2017, hàng loạt các trang báo lề đảng đăng tin "Formosa đã khắc phục 52/53 lỗi, đủ điều kiện vận hành lò cao số 1". Chỉ cần đọc nhan đề, nhiều người dân có thể an tâm với con số 52/53 được khắc phục để chấm dứt mọi băn khoăn về việc Formosa tiếp tục hoạt động và mọi âu lo về hiểm họa môi trường được giải tỏa.
Vậy thì 1 lỗi duy nhất còn lại chưa khắc phục là gì?
Thưa đó chính là "lỗi" đã gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử Việt Nam.
Tức là từ bây giờ cho đến 2019 toàn bộ nguy cơ ô nhiễm biển miền Trung vẫn còn y nguyên 100%! Vậy thì tại sao lại có kết luận "Formosa đã khắc phục 52/53 lỗi, đủ điều kiện vận hành lò cao số 1". Rõ ràng là Bộ Tài nguyên & Môi trường nói riêng và đảng / nhà nước CSVN nói chung đang cố tình tiếp tay với Formosa để tàn phá môi trường Việt Nam.
Theo thỏa thuận ký kết ban đầu của dự án Formosa, quy trình dập cốc được phê chuẩn là "dập cốc khô". Tuy nhiên, Formosa đã tự ý xây lò cao để sử dụng phương thức "dập cốc ướt". Công trình xây lò và thực hiện một quy trình như vậy rất là lớn, không thể nào giữ bí mật được bên trong nội bộ ban giám đốc điều hành Formosa. Do đó:
Kết luận 1: Đảng và nhà nước CSVN biết rõ Formosa vi phạm ký kết và sử dụng công nghệ "dập cốc ướt" thay vì "dập cốc khô" trước khi thảm họa môi trường xảy ra vào đầu tháng 4, 2016.
Tại sao Formosa sử dụng quy trình dập cốc ướt?
Quy trình sản xuất thép có 2 giai đoạn luyện thép:
1 - Biến than đá thành than cốc (coke);
2- “Nấu” sắt chung với than cốc ở nhiệt độ cao.
Giai đoạn 1 biến than đá thành than cốc chính là giai đoạn thải ra nhiều hóa chất độc hại nhất. Phế thải chính là ammonia ở dạng khí và lỏng trong nước làm lạnh cùng một số hóa chất độc hại như Chlorine, Phosphorous và Arsenic.
Trong giai đoạn này, sau khi than đá được "nấu" ở nhiệt độ cao để tạo ra than cốc thì có phần làm mát / nguội cốc. Việc này có thể thực hiện bằng hai cách “dập cốc ướt” và “dập cốc khô”.
Để cắt giảm chi phí đầu tư cho lò dập cốc từ 15 đến 20 lần, Formosa đã gian lận xây lò “dập cốc ướt”, sử dụng quy trình làm nguội cốc bằng nước và từ lượng nước thải này đã tống xuất hóa chất độc hại và có dung lượng gấp nhiều lần so với phương cách “dập cốc khô”.
Ở đây cần ghi nhận 2 yếu tố song hành: hệ thống lò dập cốc ướt và quy trình dập cốc ướt.
Muốn thực hiện quy trình dập cốc ướt thì phải xây dựng hệ thống phù hợp để thực hiện quy trình này. Chi phí giảm 15, 20 lần nằm ở chi phí xây dựng hệ thống lò dập cốc. Muốn đổi sang phương thức dập cốc khô, tức không còn dùng nước thì phải xây lại toàn bộ lò luyện cốc theo phương cách dập cốc khô. Không thể nào chỉ thay đổi quy trình từ ướt sang khô với cùng một hệ thống dập cốc ướt đang sử dụng. Do đó:
Kết luận 2: Tuyên bố "Formosa đủ điều kiện vận hành lò cao số 1" là một tuyên bố láo khoét, lừa đảo. Tuyên bố "Formosa khắc phục 52/53 lỗi vi phạm, còn lại một hạng mục từ dập cốc ướt sang dập cốc khô theo lộ trình sẽ hoàn thành vào năm 2019" cũng là một tuyên bố lừa đảo. Đây không phải chỉ là một "hạng mục" đơn giản mà Formosa phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống lò luyện cốc với chi phí rất cao để có thể áp dụng phương thức dập cốc khô.
Trở lại với biến cố đầu tháng 4, 2017. Vào thời điểm thảm họa môi trường xảy ra, nước thải Formosa chỉ với dung lượng 12.000 m3/ngày đã có "khả năng" giết cá hàng loạt trên một vùng biển dài trên 700km, rộng hơn 30 hải lý, và sâu trên 30m - khoảng chừng 1.160 tỷ m3 nước. Cuộc tàn sát môi trường này xảy ra trong bao lâu?
Ngày 18.06.2016 Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Formosa gửi công văn cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết lý do dẫn đến chất thải độc hại ra biển là vì bị mất điện trong thời gian đầu tháng 4, 2016 và hệ thống quản lý không kiểm soát được nước thải. (2)
Như vậy, từ đầu tháng 4 đến ngày 6 tháng 4, chỉ trong 6 ngày là cá chết tràn ngập bờ biển Đông được phát hiện. Do đó với dung lượng 72.000 m3/6 ngày thì dù với công nghệ dập cốc ướt, Formosa cũng không thể nào giết sạch cá trên mặt, dưới đáy biển trên một vùng biển mênh mông dài 700km với chừng 1.160 tỷ m3 nước.
Vậy thì biến cố xả thải là một tai nạn hay một âm mưu cố tình xả thải và xả nhiều chất độc hại hơn là chỉ từ số nước thải từ quá trình luyện cốc?
“Khi đầu tư, Formosa đều mở thầu quốc tế, có doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia. Cuối cùng chúng tôi đã chọn nhà thầu Trung Quốc có kinh nghiệm, hai khâu sản xuất quan trọng nhất trong nhà máy là luyện gang, luyện thép đều do Trung Quốc thiết kế, lắp ráp, thi công...” (3)
Đó là thú nhận của Vương Văn Tường - phó tổ trưởng Ban quản lý Formosa Hà Tĩnh của Tập đoàn Formosa.
Nhà thầu Tàu cộng này chính là Tập đoàn MCC - China Metallurgical Group Corporation (Công ty - Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc).
Không ai khác, chính MCC với 3 công ty con là CISDI Group, CIE và ACRE của Trung cộng đã xây dựng các lò cao, lò nung, các lò luyện than cốc cho tiến trình dập cốc nước.
Không ai khác, chính MCC của Tàu cộng là bộ phận xây dựng, điều hành và kiểm soát toàn bộ hệ thống xả thải ra biển Đông tại Vũng Áng. Và vì yếu tố thủ phạm là Tàu cộng nên ngay sau khi thảm họa xảy ra, Nguyễn Phú Trọng đã thân chinh đến Hà Tĩnh, có mặt ngay tại Formosa để trấn an, chữa cháy. Vì thủ phạm đứng đằng sau là Tàu cộng nên Ba Đình mới loay hoay đến 3 tháng trời để ngụy biện cho nguyên nhân cá chết. Formosa gửi công văn chính thức nhận lỗi vào ngày 18.06.2016 nhưng mãi đến ngày 30.06.2016 nguyên nhân cá chết mới được trình bày với công chúng. Nó chỉ được công bố 3 ngày sau khi Dương Khiết Trì đến Hà Nội để thảo luận và ra chỉ thị cho Nguyễn Phú Trọng phương hướng giải quyết.
Kết luận 3: Ngày nào Việt cộng còn tồn tại và làm chư hầu cho Tàu cộng, ngày đó vẫn còn Formosa. Formosa chỉ là vỏ bọc Đài Loan cho một căn cứ địa 70 năm của Tàu cộng. Nó không chỉ là một căn cứ địa mà còn giống như những công trình khác như Boxit Tây Nguyên, là pháo đài cho những cuộc tấn công sinh hóa tàn sát môi trường và sức khỏe của người dân Việt Nam, biến Việt Nam thành một đất nước và dân tộc bệnh hoạn vì nhiễm độc, để đạt được mong muốn sau cùng của Bắc Kinh là dân tộc Việt Nam chỉ còn đường duy nhất là cúi đầu chịu thần phục để trở thành một tỉnh lỵ của Tàu.
07.04.2017