Mùa Xuân là đề tài vô tận cho các thi nhân, vui cũng có mà buồn cũng không ít. Ngày đầu Xuân đọc Thơ Xuân là một thú vui của người Việt ta. Nhưng Thơ Xuân của người Việt tha hương lại mang nhiều nỗi buồn hơn vui!
Năm nay, Ất Dậu 2005, có hai điều mà chúng ta đáng ghi nhớ nhất: Trận đói năm Ất Dậu 1945 ở miền Bắc Việt Nam khiến hơn một triệu người chết, nay đúng 60 năm; và cuộc di tản vĩ đại ngày 30-04-1975 (Tân Dậu), nay đúng 30 năm.
Nhân dịp Xuân về và cũng để đánh dấu 30 năm ly hương, người viết đọc lại một số thi phẩm đã xuất bản tại hải ngoại sau cái mốc lịch sử 1975 để tìm hiểu tâm sự ly hương của các thi nhân mỗi khi Xuân về. Vì tủ sách có hạn nên người viết không thể trích dẫn hết các thi phẩm đã xuất bản trong 30 năm qua, mong các thi hữu bị sót tên niệm tình tha thứ.
Kể theo thứ tự thời gian (tính theo năm xuất bản), người viết chia các thi phẩm ra làm 6 thời kỳ, mỗi thời kỳ là 5 năm: 1975-1980, 1981-1985, 1986-1990, 1991-1995, 1996-2000, và 2001-2005.
1975 – 1980
Hà Huyền Chi: Tên Nô Lệ Mới (TNLM)
Những năm đầu tiên của cuộc tị nạn là những năm buồn thảm nhất, kể cả những ngày thiêng liêng của đầu năm âm lịch. Nhà thơ Hà Huyền Chi đã phải bật tiếng than:
Ðón xuân trên đất nước người
Cạn bao nhiêu rượu không vơi cơn sầu.
(Xuân Trên Xứ Người, TNLM, tr. 58)
Chẳng những không khí Tết không còn giống như ở Việt Nam, mà thời tiết cũng rất khác biệt: lạnh lẽo và tuyết rơi. Nhà thơ chỉ còn cách đón nhận một thực tế buồn thảm.
Tuyết thả xuống nụ hoa trời lạnh ngắt
Xuân ham vui không ghé lại nơi này
Giòng thư em như chất rượu nồng say
Tôi thở với mặt trời trong cuống phổi.
(Một Trời Xuân, TNLM, tr. 20)
Vì cái lạnh cắt da của mùa Ðông quê người nên Xuân ta cũng chỉ là Xuân ảm đạm:
Ðông tha hương chỉ là xuân dẫy chết
Mình xa nhau trời đất nghĩa gì đâu.
(Ðông Quê Ta Ðông Quê Người, TNLM, tr. 77)
Vĩnh Liêm: Tị Nạn Trường Ca, tập I (TNTC1)
Mùa Xuân nơi đất khách buồn thảm quá, nhất là những người độc thân như tác giả. Lần đầu tiên nhận được thư của gia đình, chuyển từ Pháp qua Mỹ, tác giả đành nhỏ lệ mà thôi!
Ðầu xuân đọc lá thư nhà,
Vô tình giọt lệ xóa nhòa dòng thư.
(Ðộc Ẩm, TNTC1, tr. 45)
Ðã nhận được thư nhà thì phải hồi âm chứ? Nhưng sẽ viết gì đây?
Nghe tin xuân đến tình cờ,
Hồn anh đầy ứ những tờ thư em.
Vội vàng dở lịch ra xem,
Âm dương nhật nguyệt giao duyên đổi dời.
Hỏi sao lòng chẳng ngậm ngùi?!
Xuân anh đã mất khi rời quê hương.
(Thư Xuân Cho Người Ở Lại, TNTC1, tr. 61)
Người Mẹ già ở quê nhà hằng mong đợi tin con, nhưng làm sao để gặp lại Mẹ?
Ðón xuân bằng nỗi ngậm ngùi,
Mơ về quê cũ gặp người Mẹ yêu.
(Năm Nay Mẹ Có Mừng Xuân?, TNTC1, tr.69)
Thôi thì hứa với Mẹ rằng con sẽ về trong một dịp nào đó:
Mẹ ơi! Ðừng quá mỏi mòn,
Hẹn vài xuân nữa có con Mẹ về!
(Năm Nay Mẹ Có Mừng Xuân?, TNTC1, tr. 70)
Trần Phùng Linh Duyên: Ly Hương (LH)
Khi rời quê hương, bố mẹ đã già. Tác giả hẹn với lòng là chẳng vui say trong những ngày Xuân để cho bố mẹ được yên tâm:
Con thương
Bố Mẹ đã già
Ðón Xuân
Hiu hắt
Cho qua mấy ngày
Ở đây
Con chẳng vui say
Quê người
Con đón
Xuân này ly hương.
(Lại nhớ mùa Xuân, LH, tr. 38 & 39)
1981 – 1985
Vĩnh Liêm: Tị Nạn Trường Ca, tập II (TNTC2)
Có ly hương trong hoàn cảnh cực kỳ bi thương của đất nước mới thấm được niềm đau. Nhưng niềm đau thống thiết nhất là khi nhận được tin ở quê nhà: Mọi quyền sống đều bị tước đoạt!
Xuân có thấy Quê Hương đang tủi nhục?
Người đói ăn, thiếu mặc, ngủ vệ đường…
Kẻ lao tù khổ nhọc, chết bi thương…
Mọi Quyền Sống bị xiết từng hơi thở!
(Tâm Sự Ðêm Xuân, TNTC2, tr.24)
Ngày Xuân ở xứ tạm dung là ngày Ðông lạnh lẽo, nhà nhà im tiếng, chẳng ai biết tới ai!
Ngày tan
Theo nỗi đợi chờ
Sáu Xuân qua
thật tình cờ
thong dong
Xuân xa xứ
lạnh mùa Ðông
nhà nhà lặng tiếng
pháo hồng im hơi
Ðón Xuân
Như một trò chơi
Tan canh vắng
lắng tiếng cười
nhẹ tênh!
(Ðêm Xuân Nhớ Bạn Bè, TNTC2, tr. 33)
Nào ai biết được nỗi cô đơn của người Việt ly hương trong dịp Xuân về?
Ðón xuân cùng nỗi cô đơn
Quãng đời lưu lạc, tay còn trắng tay.
(Ðón Xuân, TNTC2, tr. 53)
Hà Huyền Chi: Cõi Buồn Trên Ta (CBTT)
Càng xa quê hương lòng càng nhớ thương quay quắt; càng ở lâu nơi xứ nguời thì càng cảm nhận cái thân phận của mình càng nát nhầu.
Xuân này là sáu xuân xa xứ
Ðã sáu mùa đau đến võ vàng
Mộng nát như đời người lữ thứ
Trong hồn liệm trắng một màu tang.
(Cho quê hương và người tình lỡ, CBTT, tr. 13)
Mỗi mùa Xuân ở xứ người là một mùa đau.
Ðã tám mùa xuân nơi xứ lạ
Tám mùa khắc khoải, tám mùa đau
Trái tim Từ Thức trơ như đá
Lạc dấu quê hương, lạc dấu nhau.
(Qua những ngày câm những tháng đen, CBTT, tr. 56)
Hà Huyền Chi: Như Ðá Ngàn Năm (NÐNN)
Xuân tha hương – Xuân chẳng ra Xuân, Tết chẳng ra Tết. Ðó là điều thực tế. Ðón Xuân chỉ là đón gượng mà thôi!
Tết không ra tết, càng thêm tủi
Xuân chẳng giống xuân, khiến ngậm ngùi
Cũng tháng, cũng ngày, sao tẻ ngắt
Nào thơ, nào rượu, buồn nào vơi.
(Lộc Xuân, NÐNN, tr. 26)
Kim Y: Tiếng Quyên (TQ)
Nữ sĩ Kim Y đã sống tại Hoa Kỳ trước chúng ta nhiều năm, nhưng Nữ sĩ cũng chẳng vui gì mỗi khi Tết đến.
Tết đến càng thương người hỏa ngục,
Xuân về thêm tủi kiếp lưu vong!
Vui chung ai đó, riêng ta chỉ
Chào đón nàng Xuân với lạnh lùng!
(Sầu Xuân Riêng Nặng…, TQ, tr. 33)
Minh Hà: Vọng Cố Hương (VCH)
Nữ sĩ Minh Hà là hậu duệ của Cô Giang, Cô Bắc. Năm hết Tết đến, Nữ sĩ cũng phải bật than:
Ôi đông đã tàn, năm đà sắp hết
Nơi quê người, chán nản bước chân đi
Chúa Xuân ơi, ta biết nói năng gì
Ðể chào đón, mừng Xuân đầu năm mới.
(Xuân Tha Hương, VCH, tr. 51)
Theo thông lệ, ngày đầu năm Nữ sĩ rót rượu cúng Tổ Tiên và Tiên Hiền Liệt Sĩ, rồi sau đó mới thấm giọng để hưởng lộc. Nhưng quê hương đã nghìn trùng xa cách, rượu chỉ làm cho cõi lòng Nữ sĩ thêm lao đao, xốn xang.
Ngày Xuân rót chén rượu hồng
Mềm môi uống cạn thấy lòng lao đao.
(Ngày Xuân Uống Rượu, VCH, tr. 21)
Vi Khuê: Cát Vàng (CV)
Người nghệ sĩ, cho dù an phận nơi xứ người, mỗi khi Xuân về cũng thấy ngậm ngùi cho quê hương thân yêu:
Xuân này là xuân thứ mười
Khuây quê hương mới, ngậm ngùi quê xưa.
(Xuân trong bốn bức tường, CV, tr. 23)
Nguyễn Mạnh Trinh: Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (TNMT)
Ða số những nhà thơ VN, trước năm 1975, đã từng chạm trán với tử thần thế mà họ vẫn hiên ngang, chẳng hề lùi bước trước gian nguy. Nhưng 30 tháng 4 là một cái bẫy, nó giăng ra và bó tay những anh hùng yêu nước. Vì thế cái Tết ở quê người, đối với những chàng trai hào kiệt, chỉ là cái Tết sầu chắn lối mà thôi:
Ta nốc hơi men đầy miệng đắng
Lửa sầu bốc ngọn ngả nghiêng đời
Ðêm ba mươi Tết sầu chắn lối
Tìm thử quê nhà lửa biếc soi.
(Bài thơ cuối năm, TNMT, tr. 18)
1986 – 1990
Luân Hoán: Ngơ Ngác Cõi Ngoài (NNCN)
Có lẽ Luân Hoán mới vừa đặt chân tới Montréal nên vẫn còn chất trữ tình cố hữu khi đón xuân lần đầu nơi đất khách.
xuân ngoài trời tuyết âm u
xuân trong lòng vẫn lu bù nở hoa
thơm lừng hương vị xót xa
thơm qua nửa trái đất già yêu thương
(mùng một Tết ở Montréal, NNCN, tr. 82)
Nhưng khi suy gẫm lại, thì:
xuân đâu còn của đất trời
xuân chừ của lũ hết thời ngâm nga
(mùng một Tết ở Montréal, NNCN, tr. 83)
Minh Viên: Ðêm Việt Nam (ÐVN)
Nhà thơ Minh Viên đã hai lần di tản (1954 và 1975). Nhưng lần thứ hai này (1975) thì nhà thơ không đem được Mẹ đi theo. Tâm sự của nhà thơ khi Xuân về sau mười mấy năm xa cách Mẹ.
Mười mấy xuân rồi xa cách mẹ
Nhớ thương trĩu nặng những vần thơ
Mùa đông rét mướt hồn con trẻ
Thôi hết rồi hoa bướm mộng mơ!
(Thư xuân gửi mẹ, ÐVN, tr. 136)
Tâm trạng của những người xa cách Mẹ hầu như đều giống nhau: Như chiếc thuyền hoang lạc bến.
Con vẫn là thuyền hoang lạc bến
Chim mùa xuân vỗ cánh bay xa
Bướm mùa xuân hững hờ không đến
Và gió mùa xuân lạnh buốt da!
(Thư xuân gửi mẹ, ÐVN, tr. 138)
Minh Viên: Vết Thương Sài Gòn (VTSG)
Dường như những người Việt ly hương đều có nỗi sầu vong quốc giống nhau?
Xuân lại về đây, Xuân xứ lạ
Khối sầu vong quốc trĩu vai thêm.
(Xuân Tha Hương, VTSG, tr. 52)
Cứ mỗi lần Xuân đến là người Việt ly hương càng thêm tủi phận.
Mười năm đất khách mười năm tủi
Xuân đến buồn thêm phận cỏ hèn.
(Xuân Tha Hương, VTSG, tr. 52)
Thân phận của người Việt tị nạn khi Xuân về cũng giống như con chim lạc đàn, hoa chẳng buồn nở.
Xuân sang chẳng thắm lòng hoa nở
Ngơ ngác chim đơn chiếc lạc đàn.
(Xuân Tha Hương, VTSG, tr. 54)
Hoàng Xuân Sơn: Viễn Phố (VP)
Người tị nạn ví như kiếp chim. Trong khi đó, người chị ở quê nhà vẫn luôn đổ lệ nhớ thương em.
Sao khiến mẹ già đi xa xứ…
Em lạc quê nhà như kiếp chim
Chị còn ở lại trồng thương nhớ
Trên mảnh đất khô tuới lệ mềm.
(thư xuân gửi chị, VP, tr. 93)
Thuý Trúc: Thơ Thuý Trúc (TTT)
Ða số người Việt ly hương, ít có ai đốt pháo ngày Mùng Một, lại càng chẳng đón Giao Thừa đêm ba mươi. Vì Tết buồn nên chẳng ai may áo mới.
Không pháo ngày mùng một
Chẳng giao thừa ba mươi
Tết buồn chưa may áo
Chậu sành chờ mai tươi.
(xuân cảm, TTT, tr. 93)
Ngô Văn Thọ: Giọt buồn trên quê hương (GBTQH)
Càng lưu lạc, mái tóc càng đổi màu. Thế thì còn vui gì mà đón Xuân?
Xuân đến quê người nhớ cố hương
Thân ta lưu lạc mấy năm trường
Bụi đời rải trắng lên mầu tóc
Môi đắng, nhạt lòng rượu viễn phương!
(xuân cảm, GBTQH, tr. 70)
1991 – 1995
Lê Khắc Anh Hào: Tự Thuở Vầng Trăng Vỡ Cuối Nguồn (TTVTVCN)
Mỗi lần Xuân về, nhớ quê hương, nhớ Mẹ Cha. Càng nhớ càng nhỏ lệ, càng căm hờn…
Thương ai trời rủ xuân về,
Ðể anh đoài đoạn mấy bề không gian.
Mẹ Cha… xuân, lệ hai hàng,
Nước non… xuân, nổi ngút ngàn hận căm.
Tay lần bấm đốt tháng năm,
Tủi thân mấy cọng tóc ngầm bạc ra.
(Ðêm về ươm mấy hạt thơ…, TTVTVCN, tr. 24)
Nguyễn Văn Quảng Ngãi: Hoen Màu Thời Gian (HMTG)
Ðón Xuân ở miền tuyết trắng thì chỉ thấy tuyết bay đầy trời mà thôi. Viết thư cho gia đình, cứ viết hoài mà vẫn chưa xong.
Bơ vơ quá giữa quê người
Ðón Xuân lặng ngắm đầy trời tuyết bay
Mà nầy sao rượu chẳng cay?
Niềm thương, nỗi nhớ viết hoài chưa xong.
(lại xuân, HMTG, tr. 41)
Trần Trung Ðạo: Ðổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười (ÐCTTTMC)
Mỗi mùa Xuân lại nhớ đến Mẹ ở quê nhà. Nhà thơ cứ hứa với Mẹ mà chẳng bao giờ được về thăm Mẹ.
Năm mới đến con cũng gìa thêm tuổi
Xa mẹ hiền một tuổi nặng bằng hai
Tuổi nước Việt chất chồng lên quá khứ
Tuổi xứ người quần quật với tương lai.
(Mỗi Mùa Xuân Thêm Một Lần Dối Mẹ, ÐCTTTMC, tr. 43)
Hà Bỉnh Trung: Dấu Chân Viễn Khách (DCVK)
Mùa Xuân xứ người đâu bằng mùa Xuân ở quê nhà, nơi có hoa cười trong nắng Xuân ấm áp.
Nghe mưa xuân động đêm dài
Ðá xanh nào để kiếm mài dưới trăng?
Quê hương mình đẹp đâu bằng
Xuân xa quê chẳng nghĩ rằng là xuân.
(Xuân Ðộng Quê Người, DCVK, tr. 117)
Tô Giang: Mầm Xanh Trong Ðá (MXTÐ)
Nhà thơ Tô Giang đã từng đối bóng hơn mười năm trong lao tù Cộng sản. Khi ra hải ngoại, nhà thơ cảm thấy bơ vơ trong đêm giao thừa đầu tiên ở Gia Nã Ðại.
Một mình ta với bóng
Thêm rượu nữa là ba
Đêm giao thừa câm lặng
Chia nhau niềm xót xa.
(Giao thừa đối bóng, MXTÐ, tr. 28)
Thu Ngân: Tình Mộng (TM)
Dường nhu nỗi buồn ly hương trong lúc Xuân về của người Việt tị nạn đều giống nhau: Nhớ nhung, xót xa, ngậm ngùi, đau đớn…
Xuân nay về giữa mùa đông,
Ngoài trời băng giá nỗi lòng đầy vơi.
Bao năm xa cách quê tôi,
Sống đời lưu lạc ngậm ngùi đớn đau.
(Mùa Xuân Hy Vọng, TM, tr. 80)
Thanh Hiền: Biển Nhớ (BN)
Thanh Hiền ở miền nắng ấm Florida nhưng vẫn cảm thấy thiếu cái gì đó trong đầu năm mới.
Tháng giêng mưa đến trái mùa
Nắng buồn chẳng đến xuân vừa mới đi.
(Mưa tháng giêng, BN, tr.122)
Thanh Hiền: Biển Sầu (BS)
Mùa Xuân ở Florida cũng không thể nào giống mùa Xuân ở quê nhà. Nếu ở miền Ðông Bắc có tuyết rơi thì ở miền Ðông Nam cũng bị những cơn mưa đến viếng hàng ngày. Nhưng mưa ngoài trời đâu lạnh bằng mưa trong lòng!
Tháng giêng mưa rớt ngập ngừng
Mới vừa đón Tết chưa mừng lại xa…
Trong tôi mưa bỗng nhạt nhòa
Mùa Xuân lạ nhỉ tưởng là mùa mưa.
(Buồn Ơi Tôi Chẳng Có Mời, BS, tr. 62)
1996 – 2000
Ngô Minh Hằng: Tiếng Lòng (TL)
Nam cũng như nữ, ai ai cũng hứa với lòng mình là sẽ trở về quê hương trong sứ mạng quang phục đất nước. Nhưng giấc mộng ấy cho đến ngày nay vẫn chưa thành.
Lại một mùa Xuân lặng lẽ về
Nửa vòng trái đất phía bên kia
Quê hương tôi đó, ôi buồn lắm
Mười chín xuân qua lỗi hẹn thề!
(Quà Xuân và Niềm Hy Vọng, TL, tr.23)
Hà Huyền Chi: Một Túi Bình Sinh Một Túi Thơ (MTBSMTT)
Ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ, tuyết cũng đổ mịt mùng vào dịp Tết của người Việt ly hương.
Xứ người tuyết đổ mịt mùng
Ðón xuân hiu quạnh nát lòng hoài hương
(Xuân Hiu Quạnh, MTBSMTT, tr. 202)
Tay bắt mặt mừng cùng với lời chúc tụng đầu năm là tục lệ của người Việt; nhưng trong hoàn cảnh tị nạn, sau lời chúc tụng là nỗi ngậm ngùi, cay đắng.
Ta chào nhau năm mới
Lời chúc trượt trên môi
Bắt tay cười hể hả
Quay lưng dấu ngậm ngùi
(Xuân Lữ Thứ, MTBSMTT, tr. 203)
Ngô Minh Hằng: Gọi Ðàn (GÐ)
Quả thật, người Việt ly hương cũng giống như kiếp con chim lạc đàn, chẳng biết tìm đâu ra tổ ấm trong buổi Xuân về.
Quê người, nhìn mai nở
Lòng ta thấy sầu mang
Hăm mốt năm ngơ ngác
Kiếp con chim lạc đàn!
(Mùa Xuân Bất Diệt, GÐ, tr. 87)
“Hẹn lần hẹn lữa đã bao phen” là sự nhắc nhở rất quen thuộc của người Việt tị nạn không chấp nhận cái cảnh “áo gấm về làng”.
Xuân về con vẫn chưa về được
Ðường của con đi lắm muộn phiền
Gió cản đường bay, rừng cản lối
Hẹn lần hẹn lữa đã bao phen…
(Xuân Hẹn, GÐ, tr. 22)
Trần Trung Ðạo: Thao Thức (TT)
Xuân về trên đất khách khiến ngườI Việt ly hương buồn não lòng, nhất là khi nhớ đến Mẹ già còn ở lại quê nhà.
Vẫn đếm xuân về trên đất khách
Nghe buồn nhỏ giọt xuống vai tôi
Ðèn ai thắp sáng bên kia phố
Nhớ quá, chao ôi, tiếng mẹ cười.
(xuân đất khách, TT, tr. 29)
Ngày Xuân thì uống rượu mừng Xuân để hưởng lộc cho cả năm. Nhưng đối với người Việt ly hương, nhất là đối với những người còn nặng lòng với đất nước, những nỗi ngậm ngùi trong đêm Xuân đã thay cho những ly rượu đỏ sủi bọt.
Lòng tôi cũng bạc theo màu áo
Chiếc pháo giao thừa đã tả tơi
Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống
Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi.
(xuân đất khách, TT, tr. 30)
Nguyễn Thị Ngọc Dung: Ðiểm Trang Làm Dáng Cuộc Ðời (ÐTLDCÐ)
Ly hương tị nạn là sự ly biệt tủi hờn, cay đắng. Bây giờ chỉ còn biết nhớ đến nhau mà thôi.
Thế rồi ly biệt tủi hờn
Kẻ đi người ở ai còn nhớ ai
Tết này mưa tuyết trắng vai
Vùng Hoa Thịnh Ðốn đông dài giá băng
(Tết Nay, ÐTLDCÐ, tr. 30)
Vũ Hối: Chiêm Bao Trở Giấc (CBTG)
Sao Tết ở quê người toàn đắng cay, ngậm ngùi, buồn thảm…!
Tha hương tết lắm ngậm ngùi…
Thương quê, thương bạn, đâu nguôi lòng này
Ngồi đây đếm vạn đắng cay,
Giao thừa quê Mẹ, phương này tuyết rơi.
Giăng giăng lệ trắng khắp trời,
Lạc loài đất khách, chao ôi! Là buồn.
Xuân nào ta lại về nguồn,
Vui ngày tái ngộ, bốn phương, rượu mừng…
(nét thảo đầu xuân, CBTG, tr. 25)
Hồ Công Tâm: Ngày Tháng Lưu Vong (NTLV)
Dù Xuân tha hương buồn tẻ nhưng người Việt vẫn mong đợi một mùa Xuân chiến thắng ở quê nhà, lúc đó người Việt ly hương sẽ trở về quê cũ để cùng người Việt quốc nội uống rượu mừng chiến thắng.
Xuân này viễn xứ sao mà tẻ
Ðợi mãi không nghe vọng núi đồi
Xuân tới quê ta rền vó ngựa
Rượu mừng chiến thắng sẽ mềm môi.
(Xuân tha hương, NTLV, tr. 22)
Trần Quốc Bảo: Ðối Diện Niềm Vui (ÐDNV)
Màu Xuân lữ thứ chỉ là màu tím buồn thảm, khiến cho người Việt ly hương tím ruột bầm gan mỗi độ Xuân về trên đất khách.
Tuyết sương tím một phương trời
Hai mươi năm tím cuộc đời lưu vong
Mầu xuân dâng tím cõi lòng
Nhìn quê hương vẫn tím trong lệ sầu.
(xuân tím, ÐDNV, tr. 135)
Bùi Thanh Tiên: Trăng Nhớ Ðêm Rằm (TNÐR)
Giấc mộng hồi hương là giấc mộng muôn trùng của người Việt ly hương. Câu hỏi đầy cay đắng, xót xa “Bao giờ ta lại gặp quê ta?” được lặp lại mỗi độ Xuân về trên đất khách.
Xuân qua lặng lẽ, cành trơ lá
Ðất khách quê người, nỗi nhớ xa
Giấc mộng muôn trùng sao chưa đến
Bao giờ ta lại gặp quê ta?
(Xuân và Quê Ta, TNÐR, tr. 7)
Vũ Lang: Hạnh Ngộ (HN)
Cái cảnh “đón Tết, vui Xuân” ở hải ngoại là cảnh tẻ ngắt, vì:
Ðón tết, không còn nghe pháo nổ,
Vui xuân, chẳng được ngắm mai vàng.
(Xuân Canh Ngọ, HN, tr. 122)
Trần Hoài Thư: Thơ Trần Hoài Thư (TTHT)
Người Việt ly hương chẳng bao giờ nhìn thấy được “bếp lửa đêm trừ tịch” để đón giao thừa.
Thèm ơi bếp lửa đêm trừ tịch
Chiều cuối năm rồi, anh nhớ em.
(Cuối năm bên dòng Hudson, TTHT, tr. 118)
2001 – 2005
Ngô Minh Hằng: Có Những Vùng Trời (CNVT)
Mỗi mùa Xuân đến gợi cho người Việt ly hương thêm nỗi buồn nhớ thương quê Mẹ.
Từ ngày lạc bước viễn phương
Mỗi mùa Xuân đến, một chương sử buồn
(Xuân Vong Quốc, CNVT, tr. 86)
Mạc Phương Ðình: Lời Ru Của Mẹ (LRCM)
Xuân tha hương gợi cho người Việt tị nạn một mối sầu dai dẳng.
Long đong từ buổi lìa quê mẹ
Ôm mối sầu chung mãi chẳng nguôi.
(xuân tha hương, LRCM, tr. 31)
Cứ mỗi mùa Xuân tới làm cho nỗi đau nhớ nước thêm một trang sử buồn.
Nỗi đau cố quốc nghìn trang sử
Ngày tháng vùi chôn những hẹn thề.
(xuân viễn xứ, LRCM, tr. 40)
Mạc Phương Ðình: Thơ Mạc Phương Ðình (TMPÐ)
Tiếng gió Xuân lướt nhẹ cũng đủ làm cho người Việt ly hương giật mình: Thêm một mùa Xuân nữa nơi đất khách!
Phương nào lữ khách nhìn sương khói
Nghe gió xuân qua bỗng giật mình…
(niềm xuân, TMPÐ, tr. 145)
****
Việc trích dẫn thơ đã dài, mặc dù còn nhiều thiếu sót. Xin kính chúc qúi độc giả một năm Ất Dậu (2005) tha hương được dồi dào sức khỏe và gia đạo bình an. “Thân, Dậu niên lai kiến thái bình” có thật sự đến với đồng bào trong nước năm nay hay không? Mong lắm thay!
Vĩnh Liêm