Khi tôi lên 4, 5 tuổi, mỗi độ xuân về, tôi ở nhà với mẹ và Bà Nội, nhưng chẳng biết ba tôi ở đâu và làm gì! Tuổi thơ của tôi thật ngây thơ, chẳng hề để ý đến việc của người lớn. Tết đến là tôi cùng Bà Nội và má tôi lo sắm Tết. Bà Nội lo làm mứt gừng, mứt bí…; má tôi lo gói bánh tét, bánh ú…; còn tôi lo vườn hoa bông mười giờ, vạn thọ, và cây mai… Đó là nhiệm vụ mà Bà Nội sắp đặt cho ba người trước khi đón Tết. Còn Ba tôi thì sao? Tôi không rõ! Chỉ sau nầy lớn lên tôi mới biết Ba tôi trong những năm đó đang ở trong Đồng Tháp Mười, vừa đánh giặc Tây vừa chống lại Việt Minh gian ác. Ông làm đại đội phó trong đoàn quân chống Pháp và Việt Minh của Phật Giáo Hòa Hảo (sau nầy được biết dưới danh xưng Dân Xã Đảng). Lúc ông trở về với gia đình thì đất nước đã chia đôi (năm 1954).
Khi tôi lớn lên, tới tuổi quân dịch, sống đời quân ngũ mới biết thế nào là sự hy sinh cao qúi của người cha yêu nước. Rồi ngày 30-4-1975 xảy ra, tôi phải rời bỏ quê hương trong giây phút cuối để thoát thân (sau nầy tôi mới biết VC đã khép tội tôi là “kẻ ác, có nợ máu với nhân dân”).
Tôi chẳng làm gì mà “ác” đến như vậy! Chẳng qua vì chúng (VC) thấy tập thơ (Tị Nạn Trường Ca, tập I của tôi (xuất bản năm 1980 tại Mỹ) nằm tại nhà của nhà thơ Tường Linh ở Saigon năm 1981 (Tôi không rõ ai tặng tập thơ cho Tường Linh!). Tường Linh bị khép tội “phản động”, còn tôi “có nợ máu với nhân dân”! (Họa sĩ Vũ Thái Hòa cho tôi biết). Tôi rất ân hận vì tập thơ của tôi mà nhà thơ Tường Linh bị khép tội oan! Sau đó, tôi hỏi Tường Linh thì anh cho biết: “họ” (tức công an VC) muốn ghép tội ai thì đem “tang vật” vào nhà để có bằng chứng mà khép tội. À thì ra họ (VC) đã mua tập thơ của tôi để ghép tội nhà thơ Tường Linh liên lạc với “Mỹ Ngụy” và có “tư tưởng phản động”! Thơ phú mà cũng “phản động” đến thế à? Chuyện VC nói hoài không hết!
Trước thềm năm mới (Ất Mùi), kính mời qúi thân hữu bỏ chút thì giờ đọc qua những vần thơ xuân của kẻ tị nạn (thứ thiệt, không vì cơm áo). Tôi không ghi lại hết vì nhiều quá, hễ bóc được bài thơ nào thì cho nó vào khung. Kính chúc qúi thân hữu thân tâm thường an lạc trọn năm mới.
Tâm Sự Ðêm Xuân
Xuân có thật hay Xuân trong mộng tưởng?
Ta chờ Xuân từ độ biết hoa cười.
Ba mươi năm đời phiêu bạt nhiều nơi,
Nghe Xuân đến, lòng rộn ràng mở hội.
Ta tưởng tượng tình Xuân đang phơi phới,
Rót hồn ta đầy ắp chất men Xuân.
Nhưng than ôi! Ta khổ sở vô ngần!
Xuân lạnh nhạt, thờ ơ, và xa lạ!
Xuân thoáng đến rồi ra đi vội vã,
Không một lời tái ngộ với năm sau.
Thế mà ta nuôi hy vọng, van cầu,
Xuân trở lại bằng nụ cười thân mật.
Ta nhắp rượu chờ Xuân, đêm vô tận,
Mở thơ tình ngâm lại mấy vần thơ.
Xuân biết không? Ta đã luống mong chờ,
Xuân mang đến tình thương và hạnh phúc.
Xuân có thấy quê hương đang tủi nhục?
Người đói ăn thiếu mặc, ngủ ven đường...
Kẻ lao tù khổ nhọc, chết bi thương...
Mọi quyền sống bị xiết từng hơi thở!
Muốn độc lập thì máu xương phải đổ,
Nhưng còn ai nuôi tâm huyết phục thù?
Bao nhieu người mang uất hận mùa Thu,
Chưa sáng mắt-để giặc Hồ cướp nước!
Quê hương hỡi! Bao giờ ta về được?
Mỗi ngày vui là mỗi một ngày Xuân.
Mỗi đêm trăng là mỗi ngọn hoa đăng,
Mỗi tấc đất là tấc vàng vô giá...
Nay Xuân đến, chớ ra đi vội vã,
Hãy cùng ta trao đổi khối sầu này!
Bao nhiêu năm ta ước vọng ngày mai:
Xuân hạnh phúc, thanh bình trên Quê Mẹ.
(Suối Bạc, ngày 23 tháng 1 năm 1981)
VĨNH LIÊM
--------------------
Mùa Xuân Khép Kín
Xuân sang rồi nhỉ! Xuân đây chứ?
Mười sáu năm trường Xuân ngóng ai?
Xa tít quê hương, người lữ thứ
Vội vàng gỡ lịch sớm ban mai.
Áo ấm mặc vào, đi lẩn thẩn
Căn phòng vắng vẻ chẳng mùi hương
Hàng xóm ngủ say chưa thức giấc
Ngoài xa xe cộ vút trên đường.
Ta lại đãi ta ly sữa nóng
Hững hờ điếu thuốc cháy trên tay
Dở quyển sổ đời, tờ giấy mỏng
Ghi đầy dấu tích vẫn chưa phai.
Xa em từ buổi buông tay súng
Nước mắt lưng tròng em khóc thương
Vội vã anh đi không báo trước
Chia lìa vợ trẻ, bỏ quê hương.
Mỗi độ Xuân về anh lại nhớ
Mẹ già còm cõi mắt xa trông
“Thằng con lưu lạc phương nào đó,
Xuân này nó có được vui không?”
Rồi anh mường tượng bóng cha già
Lặng lẽ ngồi bên bộ tách trà
Ngẫm nghĩ: “Thương con mình lưu lạc,
Nó còn nhớ Tết ở phương xa?”
Và anh lại nhớ em quay quắt
Trong bộ bà ba đã nhạt màu
Cái dáng mảnh mai gầy héo hắt
Nụ cười chất chứa nỗi thương đau.
Xuân này lại đến trong hờ hững
Khép kín niềm riêng một nỗi buồn
Mai mốt anh về hoa sẽ nở
Một màu vàng rực khắp quê hương.
Em ơi! Xuân đến coi như mộng
Gắng đợi ngày anh bước trở về
Xây lại cuộc đời thêm sức sống
Tràn đầy hạnh phúc với dân quê.
(Ðức Phố, Xuân Tân Mùi 1991)
VĨNH LIÊM
----------------------
Mùa Xuân Quạnh Quẽ
Phố tôi tọa lạc trên đồi
Chung quanh không một bóng người đồng hương
Bước ra xa lạ phố phường
Bước vào đụng bốn bức tường quạnh hiu
Ngó ra cảnh vắng tiêu điều
Ngó vào chỉ thấy ít nhiều bâng khuâng
Trên tờ lịch báo mùa xuân
Nắng vàng trải lối chập chùng đồi xa
Trông vời chẳng thấy quê cha
Có con chim lượn la đà ngọn cây
Nhìn trời chỉ thấy cụm mây
Một màu trắng nhạt xa bay lững lờ
Thả hồn lạc lõng hằng giờ
Tìm tôi tuổi trẻ dật dờ nơi nao
Sao lòng không thấy xôn xao!
Tuổi xuân đã mất hay vào hư vô?
(Ðức Phố, Xuân Tân Mùi 1991)
VĨNH LIÊM
------------------
Xuân Như Ý
Thử tưởng tượng Xuân này vui hội ngộ,
Ðất trời Nam bừng nở rợp hoa mai.
Từng đoàn người lũ lượt, cả gái trai,
Vui đáo để, tiếng cười vang dậy khắp.
Chợ Nguyễn Huệ, rừng-hoa-người tấp nập,
Xác pháo hồng vung vãi khắp nơi nơi.
Từng nhóm người tụ tập, đủ trù chơi,
Người thanh lịch khoe áo màu sặc sỡ.
Nam chí Bắc tưng bừng vui hội ngộ,
“Người nước ngoài” về gặp lại thân nhân.
Gương mặt tươi hớn hở, nét thanh tân,
Ăn cái Tết trời Nam đầy hạnh phúc.
Nhìn đường nét thanh xuân lòng rạo rực,
Cõi huy hoàng rực sáng dậy trời Nam.
Trút muộn phiền, cởi vất vả, lầm than,
Ðời chan chứa lòng nhân hòa, phúc đức.
Ta mơ tưởng chuyện này là có thực,
Biết đâu chừng bạo chúa phải nhường ngôi.
Cho người dân được hưởng phút thảnh thơi,
Cuối thế kỷ lẽ nào lầm than mãi!
Kẻ cai trị không lý nào khờ dại,
Bám ngoại bang xin súng đạn trị dân.
Thuyết Mác-Lê nên vứt bỏ ngoài sân
Nhường cơm áo cho dân lành sống sót.
Ðừng lầm lẫn, giáo điều theo ngu dốt,
Không thuyết nào bằng manh áo chén cơm.
Và Tự Do vẫn là miếng mồi thơm,
Ðừng ngu muội chạy theo điều hoang tưởng!
Ðời ngắn ngủi sao không vui thụ hưởng?
Lý thuyết nào bằng bao tử, ấm no?
Hạnh phúc là khi đạt được Tự Do,
Thì Cộng Sản sẽ không còn đất sống.
Cái chân lý – không phải là dục vọng,
Ðem niềm vui, hanh phúc đến toàn dân.
Là phú cường, là nước mạnh, giàu sang…
Là Ðộc Lập, Tự Do, không lệ thuộc…
Thử tưởng tượng Xuân này vui cả nước,
Là anh em tay bắt mặt mừng nhau.
Xóa hận thù, dẹp hết mọi sầu đau,
Ðời vui vẻ là tột cùng chân lý.
Và tận hưởng một mùa Xuân Như Ý.
(Ðức Phố, 20-10-91)
VĨNH LIÊM
-----------------
Nghinh Xuân
Ðêm đen im vắng lạ thường
Nhà ngưng tiếng nhạc, phố phường ngủ yên
Giao thừa năm mới trinh nguyên
Lắng nghe từng phút thần tiên bước vào
Xiêm y nghi thức đón chào
Cửa lòng rộng mở dạt dào hương xuân.
(Ðức Phố, Xuân Nhâm Thân 1992)
VĨNH LIÊM
------------------------
Tết nhứt!
Cuộc đời như chong chóng
Mở mắt đã hết ngày!
Tám giờ trong lửa bỏng
Ðêm ngủ vùi như say.
Lơ mơ ngày tháng tận
Tới Tết mà chưa hay!
Số đời còn lận đận
Tết nhứt gì! Ô hay!
Vợ con chưa áo mới
Khóe mắt còn hơi cay
Không mong mà Tết tới
Cuộc thế đầy chua cay!
Tết rồi thêm Tết nữa!
Tới Tết là ta say
Như nhà quên khóa cửa
Chuyện cũ nào ai hay!
Nước non còn đó cả!
Sao ta đành chia tay?!
Tết này còn vất vả
Ngậm phải gì đắng cay!
Thôi thôi đừng đến Tết!
Lũ nhỏ chừ chưa hay
Lì xì thêm choáng mệt
Vờ ngủ thế là hay!
(Ðức Phố, cuối năm 1992)
VĨNH LIÊM
------------------
Mùa Xuân và Tuổi Thơ
Thương con tuổi hãy còn thơ
Như mùa Xuân thắm ước mơ tuyệt vời
Con ơi! Xuân đã đến rồi!
Mùa Xuân xa xứ, đất trời có hay?
Con ơi! Hãy nối vòng tay
Yêu thương dân tộc đọa đày, lầm than…
Người còn đói khổ, cơ hàn…
Làm sao biết được Xuân sang giao mùa!
Nơi đây rượu thịt dư thừa
Trẻ em trong nước ăn chưa no lòng
Tết về, ai cũng chờ mong
Nhưng đời nghèo khổ, nhà không có gì!
Tết nghèo, mơ ước làm chi!
Dưa hành, thịt mỡ… mấy khi được nhìn!
Bao năm dân tộc hòa bình
Bấy nhiêu khổ nhọc, hy sinh, đọa đày!…
Xuân về khắp ngõ nhà ai
Hương Xuân hãy nở cho say lòng người
Kẻo qua Xuân của đất trời
Mùa Xuân dân tộc tuyệt vời thế gian!
(Ðức Phố, Tết Nhâm Thân 1992)
VĨNH LIÊM
-----------------
Xuân Gợi Niềm Ðau
Người ta hớn hở khi xuân tới
Chỉ có mình tôi lặng lẽ buồn!
Tôi viết những vần thơ sầu tủi
Gửi về tạ lỗi với quê hương.
Nơi đây đất khách hồn quay quắc
Mơ ước thanh bình – chuyện tích xưa!
Ước vọng, thèm, mơ… đời huyễn hoặc
Phong sương còn lại chút hương thừa!
Tôi mơ níu cả càn khôn lại
Ðể bóp cho tàn những khổ đau
Ðể gieo hạt giống mầm nhân ái
Ðể thấy tình thương mãi dạt dào.
Bên ni bên nớ đều thương cảm
Mỗi phút sầu dâng rợn cả người
Một áng mây che, trời ảm đạm
Làm sao tiếng nói đượm lời vui!
Ngày xuân là cả trời thao thức
Một tiếng chim kêu cũng ngỡ ngàng
Giữa cảnh đêm trường tôi vẫn thức
Thì thầm đối bóng lúc xuân sang.
Mỗi năm người lại chờ xuân mới
Ðể vẽ lên môi những nụ cười
Còn tôi mong mỏi xuân đừng tới
Ðất khách tha hương luống ngậm ngùi!
Bao năm xa cách, đời ly biệt
Nỗi nhớ khôn rời tiếng thở than
Xuân gợi niềm đau, buồn da diết
Làm sao ngăn được lệ tuôn tràn!
Ôi thôi! Xuân đến làm chi nữa!
Thịt mỡ dưa hành cũng nhạt môi!
Ðất khách nào đâu là đất hứa
Mà xuân lại đến ở quê người!
(Ðức Phố, Xuân Giáp Tuất 1994)
VĨNH LIÊM
-----------------
Xuân Này Con Vẫn Chưa Về Ðược!
Xuân này con vẫn chưa về được!
Trời đã vào đông ở xứ này.
Quê Mẹ mùa xuân như thuở trước?
Hay mùa xuân đến vẫn chưa hay?
Nơi đây tuyết phủ ngày xuân tới,
Lạnh cóng da người, lạnh buốt tim!
Quê Mẹ ngày xuân lòng phơi phới,
Hay ngày xuân thảm, tiếng lòng im?
Xuân này con vẫn chưa về được!
Khúc ruột lìa xa vạn dặm đường.
Khúc ruột quặn lòng khi mất nước,
Trông vời Quê Mẹ, hận ly hương!
Có ai hiểu thấu tình xa xứ?
Mẫu tử chia lìa bao tháng năm.
Mẹ đợi Cha chờ người lữ thứ,
Mà ngày sum họp vẫn xa xăm!
Xuân này con vẫn chưa về được!
Những kẻ điên cuồng vẫn sống nhăn.
Quyền lực trong tay phường cướp nước,
Phố phường dày đặc bóng công an.
Con đi ngững mặt, đời thanh thản,
Chẳng lẽ hồi hương lại cúi đầu?
Vâng dạ, thưa trình – đời khốn nạn!
Vui gì trong những phút thương đau!
Xuân này con vẫn chưa về được!
Không phải con ham ở xứ người.
Chẳng phải con quên tình đất nước,
Mà vì hoàn cảnh chẳng về thôi!
Xuân này con gửi lòng yêu nước,
Về với non sông, khắp mọi nhà.
Chúc một mùa xuân vui thuở trước,
Người người đồng hát khúc hoan ca.
Xuân sau có thể con về được,
Giải phóng quê hương, dẹp bạo tàn.
Hàng vạn người về vui đất nước,
Góp phần xây dựng lại giang san.
(Ðức Phố, Xuân Giáp Tuất 1994)
VĨNH LIÊM