Sunday 11 February 2018

ĐIỀU TRA NGA TỚI ĐÂU RỒI? - Vũ Linh


Cách đây 9 tháng, bộ Tư Pháp bổ nhiệm công tố đặc biệt Robert Mueller điều tra về sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Cuộc điều tra này được kích động bởi những tố giác liên tục của đảng DC và TTDC là Nga đã can dự vào cuộc bầu cử để giúp ứng cử viên CH, ông Donald Trump. Vì áp lực chính trị, cuộc điều tra trở thành chuyện bắt buộc khi TT Trump sa thải ông giám đốc FBI khi ông này bắt đầu điều tra.
Dựa trên việc ông Mueller được TT Bush bổ nhiệm làm giám đốc FBI trước đây, ông được TTDC gọi là ‘thành phần CH’ thật ra là muốn bao che trước cho ông Mueller, vì ông này trước đây là quan tòa, chưa bao giờ là đảng viên CH. Điều rõ ràng hơn là việc ông Mueller là bạn chí thân với giám đốc FBI, James Comey, bị TT Trump sa thải.
Công tố Mueller được giao trách nhiệm ‘điều tra tất cả mọi hình thức can dự của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, cùng tất cả những tội liên hệ có thể được khám phá ra trong cuộc điều tra’. Cuộc điều tra của ông Mueller không có giới hạn về thời gian cũng như chi phí. Vì là ‘công tố đặc biệt’ (Special Prosecutor) được bổ nhiệm bởi bộ Tư Pháp, ông chịu trách nhiệm trước bộ này, phải nộp báo cáo cuối cùng cho bộ, và bộ sẽ quyết định việc công bố hay không công bố, cũng như việc trừng phạt ai hay không. Hoàn toàn trong phạm vi Hành Pháp, dưới quyền của TT Trump.
Đây là điểm khác biệt với ‘công tố độc lập’ (Independent Prosecutor) bổ nhiệm bởi quốc hội, mà báo cáo phải nộp cho quốc hội, như trường hợp công tố Ken Starr điều tra TT Clinton trước đây.
Thượng Nghị Sĩ DC Mark Warner la hoảng “TT Trump sa thải ông Mueller sẽ tạo “khủng hoảng hiến pháp”, constitutional crisis. Fake news! Ngay cả tạp chí TIME cũng nhận định trên phương diện pháp lý, ông Mueller có thể bị giải nhiệm bất cứ lúc nào bởi bộ Tư Pháp theo lệnh của tổng thống. Hiến Pháp cho ông toàn quyền đó. Dĩ nhiên, dưới khiá cạnh chính trị, sa thải ông Mueller sẽ là đại họa cho TT Trump, không khác gì TT Nixon đã sa thải công tố đặc biệt Archibald Cox khi đó đang điều tra về Watergate. [TT Nixon ra lệnh bộ Tư Pháp giải nhiệm ông Cox; cả bộ trưởng lẫn thứ trưởng Tư Pháp đều bất tuân lệnh, từ chức. Cả nước bị sốc. Các thượng nghị sĩ và dân biểu CH đồng ý với khối DC, đi gặp TT Nixon và cho biết họ sẽ chấp nhận đàn hặc và truất phế ông, khiến ông này phải từ chức trước].
Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Mueller đã mướn hơn một tá đại luật sư tên tuổi nhất, một nửa công khai ủng hộ và yểm trợ tiền cho bà Hillary (trong đó có một bà luật sư trước đây là luật sư của bà Hillary, và một ông luật sư trước đây đã truy tố con rể TT Trump), nửa còn lại không có quan điểm chính trị rõ rệt, không có một người nào ủng hộ CH hay TT Trump hết. Ai nghĩ đây là một cuộc điều tra vô tư, công bằng, xin giơ tay!
Qua 9 tháng điều tra, ông Mueller đã truy tố 4 phụ tá của TT Trump, trong đó có hai người nổi bật nhất là tướng Micheal Flynn, cựu Cố Vấn An Ninh, và ông Paul Manafort, cựu giám đốc Ủy Ban Vận Động Tranh Cử của ông Trump. Cả bốn người đều bị truy tố vì những tội chẳng dính dáng gì đến việc Nga can dự.
Ông Manafort bị tố về vài tội liên quan đến hoạt động kinh doanh của ông trước khi ông quen biết và làm việc cho ông Trump. Ông này đã chính thức kiện ông Mueller ra tòa vì tội lạm quyền, truy tố ông về những việc làm không liên quan gì đến trách nhiệm điều tra Nga can dự vào cuộc bầu cử.
Ông Flynn bị truy tố về tội ‘khai gian’ một tiểu tiết, khai lộn ngày đi gặp đại sứ Nga. Ông đi gặp một cách chính thức, công khai, có biên bản, hoàn toàn hợp pháp, theo chỉ thị của TT Trump (sau khi đã đắc cử), không có gì là ‘thông đồng với Nga trong việc tranh cử’. Ông Flynn nhận tội khai sai, hứa sẽ hợp tác với ông Mueller. Dù vậy cũng có một cụ tỵ nạn mau mắn bóp méo ngay “ông Flynn cam kết sẽ nhận tội có liên lạc với người Nga về việc nhờ họ giúp cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ”. Bệnh fake news đã lan qua TTTN (truyền thông tỵ nạn)! Nếu đã “cam kết sẽ nhận tội” thì có nghĩa là đã nhận tội rồi, còn gì mà phải “cam kết sẽ nhận tội” nữa? Hơn nữa, tướng Flynn chưa bao giờ nhận có liên lạc với Nga để nhờ họ giúp việc tranh cử.
Thật ra, đây chỉ là cách ông Mueller bắt chẹt họ để họ khai ra những chuyện lớn hơn về vận động tranh cử.
Gần đây, ông Mueller đánh tiếng sẽ xin phỏng vấn TT Trump. Ngay sau đó, TT Trump tuyên bố ông “mong chờ một cuộc phỏng vấn, hữu thệ nếu cần”. Ông cũng nói thêm là dù sao ông cũng phải tham khảo luật sư của ông.
TTDC theo đúng mô thức gian trá, chạy tít trang nhất câu đầu, nhưng dấu nhẹm việc TT Trump nói sẽ tham khảo luật sư. Mai này, nếu luật sư khuyến cáo ông không nên để cho ông Mueller chất vấn, TTDC sẽ có dịp hô hoán TT Trump tráo trở, nói một đàng làm một nẻo. Nhìn vào kinh nghiệm ông Flynn, việc TT Trump chấp nhận cho ông Mueller phỏng vấn cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần TT Trump nhớ lộn ngày, hay bỏ quên một chi tiết, hay nhớ sai một câu nói, là ông Mueller và hơn một tá đại luật sư của ông sẽ vồ lấy để truy tố TT Trump nói láo, khai gian, ngăn cản công lý ngay. Các luật sư của TT Trump đang khuyến cáo ông chỉ nhận trả lời qua giấy trắng mực đen, để các luật sư và phụ tá xét lại kỹ trước khi trao cho công tố Mueller. Họ cũng cho biết ông Mueller chưa đạt được tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu để có quyền phỏng vấn tổng thống, vì chưa chứng minh rõ ràng tổng thống bị nghi ngờ tội gì, dựa trên dữ kiện cụ thể nào.
Phỏng vấn tổng thống có quy luật rõ ràng, không phải muốn giăng bẫy đi mò cua là có quyền bắt tổng thống ra hỏi cung.
Ngoài những việc trên, cuộc điều tra được giữ kín như bưng, không ai biết đã đi đến đâu.
New York Times cũng đã tung tin giựt gân là tháng Sáu vừa qua, TT Trump đã tính giải nhiệm ông Mueller, nhưng giờ chót, đổi ý vì gặp phản đối mạnh của Cố Vấn Pháp Luật Tòa Bạch Ốc, và ông này đã đe dọa sẽ từ chức.
Sau khi tin này được bung ra, TT Trump đã chính thức tố đây là fake news. Không hề có chuyện ông ‘dự tính’ sa thải ông Mueller. Một thượng nghị sĩ DC, Joe Manchin, nói đây vẫn chỉ là loại tin dân New York đồn đại cho nhau mà ông Manchin miệt thị là “New York talk”.
Phe DC trong quốc hội nhẩy nhổm vào cơ hội, đốc thúc việc ra luật ‘bảo vệ’ ông Mueller để TT Trump không thể sa thải ông này được.
Chỉ là tiểu xảo chính trị để đám dân chống Trump... tự sướng.
Cho dù quốc hội có thông qua được một luật bảo vệ ông Mueller –hầu như không thể vì CH ủng hộ TT Trump vẫn nắm đa số- thì TT Trump cũng sẽ không bao giờ ký, do đó, sẽ không bao giờ thành luật. Không có gì vô lý bằng chuyện quốc hội ra luật cấm tổng thống không được đụng đến nhân viên của mình. Có thưa lên đến Tối Cao Pháp Viện thì TT Trump cũng thắng thôi vì lập pháp không thể can dự vào quyền hạn của tổng thống đối với nhân viên trong nội các của ông, vi phạm nguyên tắc tam quyền phân lập. Tất cả vẫn chỉ là màn xiếc của các chính trị gia che mắt dân ngu khu đen.
Bàn về cuộc điều tra, có một điều kẻ này thắc mắc không thể hiểu nổi. Nên đọc cho kỹ: trách nhiệm của ông Mueller là “điều tra việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử”, tuyệt đối không hề nói gì về ông Trump hay bà Hillary.
Thế nhưng theo những tin báo chí, cho đến nay, ông công tố Mueller hình như chỉ điều tra có đúng một bên CH và ban vận động tranh cử của ông Trump thôi. Thế còn bên DC và ban vận động của bà Hillary thì sao? Tại sao chỉ điều tra có một bên? Thắng mới bị điều tra, còn thua thì tha sao?
Điều quái lạ là theo báo chí, hình như việc phe DC và bà Hillary hợp tác với Nga có nhiều dữ kiện khá rõ rệt, rõ hơn quan hệ của Nga với phe ông Trump nhiều.
Trước hết là vụ Wikileaks xì ra hàng chục ngàn emails của ban vận động của bà Hillary, và của ông John Podesta, giám đốc ban vận động đó. Không ai biết chính xác những emails đó bị đánh cắp bằng cách nào, từ trong máy nào, do ai làm, nhưng tất cả những dự đoán của các chuyên gia đều chỉa mủi dùi vào bàn tay lông lá của Putin. Ngay cả bà Hillary cũng tố đó là hành động của Nga. Ông Mueller có điều tra không?
Rồi đến vụ bà Hillary xóa hơn 30.000 emails (hay 300.000 ai biết được?) mà chẳng ai biết có gì trong đó? Biết đâu có vài cái trao đổi với Putin hay vài viên chức Nga, hay với tòa đại sứ Nga? Ai biết được? Sao không điều tra?
Rồi mới đây đã nổ bùng ra vụ ‘Hồ Sơ Nga’, Russian Dossier.
Trước đây, mọi người đều nghĩ hồ sơ có tính vớ vẩn, nhưng bây giờ đã biến thành một vụ xì-căng-đan vĩ đại sau khi Hạ Viện công bố báo cáo cho thấy FBI có thể đã dùng tài liệu cuội được bà Hillary trả tiền cho công ty Fusion GPS mua lại từ một cựu gián điệp Anh để xin phép tòa án đi theo dõi một cố vấn cao cấp của Trump trong những ngày quyết liệt cuối của cuộc vận động tranh cử.
Bỏ qua những chi tiết bậy bạ, một số vấn đề đang chờ câu trả lời:
-       Nếu nội vụ có thật, đúng là mật vụ Nga đã thu hình và cung cấp hồ sơ cho anh gián điệp và Fusion, thì như vậy có phải là Nga đã thực sự can thiệp vào cuộc bầu cử để hại Trump, chứ không phải thông đồng để giúp Trump không? Ông Mueller có điều tra không?
-       Làm sao ngay từ 2013, Nga đã biết ông Trump sẽ là ứng cử viên rồi đắc cử tổng thống ba năm sau để ‘thu hình làm tài liệu sau này bắt chẹt’ ông?
-       Sau khi tin ban vận động của bà Hillary trả 9 (hay 12?) triệu đô cho Fusion để đi lục thùng rác của ông Trump bị bung ra, bà Hillary, ông John Podesta (giám đốc Ủy Ban Vận Động), ông Joel Benenson (giám đốc Chiến Lược) và bà Debbie Wasserman Schultz (chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng Dân Chủ) đều tuyên bố chẳng hay biết gì. Vậy ai là người có quyền và đã ký chi phiếu tới cả chục triệu đô trong khi cả bốn vị lãnh đạo tối cao không ai hay biết gì hết? [Tin giờ chót: hai TNS Cộng Hòa đã gửi thư cho bốn vị này, cùng với 30 viên chức cao cấp nhất của đảng DC, chính thức hỏi chi tiết về vụ trả tiền và quan hệ với Fusion].
-       Bà Hillary trả tiền mua một hồ sơ do Nga cung cấp, như vậy có thể gọi là thông đồng với Nga được không?
-       Việc FBI dùng hồ sơ này làm căn bản để xin theo dõi ban vận động của ông Trump có vi phạm luật không, và có thể bị trừng phạt không?
-       Câu hỏi quan trọng nhất: vai trò của bà Hillary và TT Obama trong toàn bộ câu chuyện như thế nào? Họ biết những gì, khi nào, và quyết định những gì?
Hạ Viện cho biết cuộc điều tra vẫn tiến hành, bước qua giai đoạn 2, và hiện nay nhiều bộ trong đó có cả bộ Ngoại Giao dưới bà Hillary và ông Kerry cũng đang bị điều tra. Trong khi đó, quốc hội cũng đang điều tra ông công tố Mueller luôn, gọi là điều tra cái ông lo việc điều tra.
Ông Mueller trở thành đối tượng điều tra khi câu chuyện ông Strzok (đọc như Strok, không có chữ z) nổ bùng ra. Ông này khi là một nhân viên cao cấp của FBI, có một tình nhân là luật sư cũng của FBI, Hai người trao đổi emails với nhau hàng ngày, nếu không phải là hàng giờ, toàn là để sỉ vả Trump. Chắc vì vậy nên hợp nhau, tối tối nằm ôm nhau tâm sự bằng cách chửi Trump để … cùng sướng? Ông Strzok và cả bà tình nhân sau đó được bổ nhiệm làm những nhân vật hàng đầu trong nhóm của công tố Mueller điều tra về sự can dự của Nga.
Mùa hè vừa qua, không rõ cách nào, ông Mueller biết được ông Strzok đã từng viết email đả kích TT Trump ngay từ ngày còn tranh cử, khi ông này còn làm cho FBI. Ông Mueller sợ mang tiếng phe đảng, trả cả ông Strzok và bà tình nhân về lại FBI. Trước đó, ông Strzok đã là người chất vấn tướng Flynn, cựu chánh văn phòng của TT Trump, để rồi dựa trên báo cáo của ông Strzok, ông Mueller đã truy tố ông Flynn. Việc ông Strzok, tác giả của báo cáo dùng để truy tố tướng Flynn, có thành kiến nặng với ông Trump, bảo đảm luật sư của ông Flynn sẽ nêu lên khi ông Flynn bị ra tòa.
Ông Mueller kín đáo sa thải cặp tình nhân, nhưng rồi nội vụ cũng bị xì ra. Người ta khám phá ra ông Strzok và người tình đã trao đổi cỡ 50.000 emails trong đó vô số kể bàn chuyện phải hạ Trump bằng mọi giá.
Từ đó, Hạ viện nhẩy vào cuộc, đòi FBI giao nộp tất cả các emails và tin nhắn của ông Strzok.
Quốc hội khám phá ra có email bàn về việc bà Hillary sẽ chẳng bị FBI kết tội gì ngay trước khi FBI phỏng vấn bà, tức là bộ Tư Pháp và FBI của TT Obama đã quyết định không đụng tới bà Hillary, chỉ là điều tra cho có vì áp lực chính trị thôi. Cũng có email bàn việc TT Obama đòi phải phúc trình thường xuyên cho ông về vụ điều tra emails của bà Hillary (trong khi TT Obama tuyên bố trước báo chí ông không dính dáng gì và không hay biết gì về cuộc điều tra đó).
Một email khác bàn đến một hội bí mật –secret society- trong nội bộ FBI và bộ Tư Pháp nhằm phối hợp các hoạt động để cản không cho ông Trump đắc cử. Đây có lẽ là bằng chứng quan trọng nhất về sự hiện diện của một “Nhà Nước Ngầm" –Deep State- tìm đủ cách phá TT Trump.
Quan trọng hơn, quốc hội khám phá là không nhận được email nào trong khoảng 5 tháng từ tháng Chạp 2016 tới tháng 5, 2017, là khoảng thời gian then chốt, chuyển tiếp từ chính quyền Obama qua Trump, và cũng là thời điểm ông Mueller được bổ nhiệm làm công tố đặc biệt.
Y chang như khối emails của bà Hillary, biến mất mà không ai biết bao nhiêu và có gì trong đó. FBI giải thích bị mất vì lý do kỹ thuật, điện thoại Samsung ông Strzok dùng bị trục trặc.
Sau khi tin ‘mất emails’ nổ ra, thiên hạ chỉ trích tứ phiá, quốc hội dọa điều tra, bất thình lình FBI loan báo đã tìm lại được (!) mấy emails mất tuy chẳng ai biết có tìm lại đủ hết không, và bây giờ đang ‘truy cứu’.
Đây là tuyệt chiêu của đám Deep State. Thế mới thấy việc làm của tân bộ trưởng Tư Pháp hay tân giám đốc FBI không dễ chút nào khi chung quanh họ, toàn là những viên chức kỳ cựu quan trọng nhất, phần lớn thuộc khối Deep State.
Ở đây, phải nói cho rõ: phần lớn các viên chức cao cấp trong chính quyền Trump hiện nay là những người có khuynh hướng cấp tiến hay thiên tả đã leo nấc thang cầm quyền dưới tám năm của TT Obama. Họ không chấp nhận chính sách thiên hữu của TT Trump và ra công phá. Ngay cả trong quân lực và các cơ quan an ninh, các tướng không đồng ý với ý thức hệ của TT Obama đều bị cách chức (tướng McChrystal) hay nhẹ lắm là không được thăng chức (tướng Mattis). Chỉ có các tướng cấp tiến mới thăng tiến (như James Clapper, cựu giám đốc An Ninh Quốc gia, bây giờ suốt ngày lên CNN sỉ vả TT Trump). Bây giờ những ông tướng này ra công đánh TT Trump luôn.
Tin tốt là hình như chính quyền Trump đã chặn được phần nào đám Deep State này rồi. Cả mấy tháng qua, đã không còn thấy tin gì bị xì ra nữa.
TTDC mô tả việc quốc hội điều tra FBI như cách phe CH phá cuộc điều tra của ông Mueller, đỡ đòn cho TT Trump.
Tin mới nhất: hình như có một tài liệu khác liên quan trực tiếp đến Hồ Sơ Nga, được đúc kết từ những nguồn tin Nga, được một nhà báo thân cận với bà Hillary tên là Cody Shearer, chuyền qua cho ông Sydney Blumenthal, là phụ tá đặc biệt của bà Hillary, chuyên viên 'hành động đen' trong hậu trường, rồi được chuyển tiếp qua một viên chức bộ Ngoại Giao, Jonathan Winer. Cả ba người này đều từ chối trả lời câu hỏi của báo chí. Chưa biết tài liệu có gì, chỉ biết là rõ ràng đã có nhiều cố gắng trong ban vận động của bà Hillary để truy lùng tin xấu về ông Trump, dính líu tới mật vụ Nga.
Để tóm gọn câu chuyện: qua tin loạn xà bần của báo chí, chẳng ai biết chuyện gì đã xẩy ra, do đó điều tra là điều cần thiết. Cần thiết để mai này có thể ngăn ngừa Nga hay Trung Cộng, hay bất cứ ai khác, như Iran hay al-Qaeda,… xâm phập và phá các cuộc bầu cử của xứ này. Cần thiết để hiểu rõ vai trò của FBI, của bộ Tư Pháp, của bà Hillary, của TT Obama, và cả của TT Trump luôn. Điều hiển nhiên ai cũng biết là những chuyện ‘lộn xộn’ xẩy ra trong cả hai ban vận động tranh cử. Nếu công tố Mueller chỉ điều tra một bên, thì bất cứ kết quả gì, kết luận như thế nào cũng đều vô giá trị vì một chiều.
Vũ Linh

TÁC GIẢ VŨ LINH TRẢ LỜI BÀI PHÊ BÌNH CỦA "CƯỜNG HÀO ÁC BÁ "

Diễn Đàn mới nhận được một ‘góp ý’ của một độc giả. Một góp ý nêu lên vài điểm mà tôi nghĩ nhiều người cũng đang có trong đầu. Vị độc giả yêu cầu tôi đăng và phản biện. Cung kính không bằng tuân lệnh.

Đây là nguyên văn góp ý của ông “Cường Hào Ác Bá”:

Tôi thiết nghĩ, tác giả là người có nhân cách, có văn hoá, có giáo dục, có đạo đức, có kiến thức sâu rộng, có học vị lắm cho nên tác giả mới nhìn thấy và viết lên được những điều mà Trump và tác giả vẫn thường chê bai chỉ trích là liberal và báo thiên tả yếu kém không thể nhận ra; bên cạnh đó tác giả còn có những lời khuyên cho các độc giả của tác giả là hãy lịch sự tế nhị với nhau, không nên dùng những ngôn từ, tục tỉu, rẻ tiền để trao đổi với nhau trên diễn đàn này cũng như diễn đàn khác.
Và tôi cũng thiết nghĩ tác giả bây giờ cũng là người "Thất thập cổ lai hy" nghĩa là người có tuổi, từng trãi, và biết lẻ sống ở đời. 
Với những sự hiểu biết dày dặn kinh nghiệm của tác giả như tôi đã trình bay thì tôi xin được hỏi tác giả một câu: Tác giả còn nhớ câu: "TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN" nghĩa là gì không?
Tôi xin thưa với tác giả luôn câu nói này có nghĩa là: Con người trước khi học tất cả mọi môn như toán lý hoá thì việc đầu tiên là phải học Lễ; học Lễ ở đây không phải là để viết văn dài lê thê hoa lá cành để biểu diễn tài năng khoác lác như tác giả đã từng viết; mà Lễ ở đây có nghĩa là Lễ Phép, lịch sự, là thật thà, là tôn trọng, là phong cách, là tế nhị, là biết cách dùng ngôn từ cao đẹp để trao đổi với nhau như là một con người có văn hoá có giáo dục, chứ chúng ta không dùng những câu chuyện láo phét, gian ngoa, chụp mũ, kết tội bất cứ một ai và đặc biệt không dùng những lời lẻ, ngôn từ bẩn thỉu, tục tỉu, dơ dáy, dâm ô như "Bullshit, shithole, f*ck, mother f*ck, p*ssy" như tổng thống Trump đã từng dùng để trao đổi mọi người trên giới này.
Thưa tác giả, tôi tin chắc rằng ông bà cha mẹ của tác giả, chính tác giả, vợ con của tác giả, và bạn bè thân hữu xa gần của tác giả chưa từng dùng những ngôn từ của TT Trump đã dùng mà tôi nêu trên để tiếp xúc, giao dịch, và đối xử với một ai. 
Với sự khẳng định của tôi về tác giả, tác giả là một con người có văn hoá có giáo dục tại sao tác giả lại đi ủng hộ cuồng nhiệt Donald Trump có một nhân cách, giáo dục, đạo đức hoàn toàn trái ngược hẳn với tác giả nghĩa là sao? Tác giả có thể trả lời cho tôi và mọi độc giả của tác giả biết được không?
"Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu"
Nghĩa là tôi, tác giả, và mọi người là người có văn hoá có giáo dục thì sẽ tìm đến những người ăn nói lịch sự, lễ độ, tôn trọng mọi người và đã phá lên án những người vô nhân cách vô văn hoá vô đạo đức.
"Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã."
Nghĩa là tôi, tác giả, và mọi người là những người vô nhân cách vô văn hoá vô giáo dục thì sẽ tìm đến những ngưòi thích ăn nói thô lỗ tục tỉu hèn hạ mà làm bạn, mà ủng hộ, mà tâng bốc có đúng vậy không thưa tác giả?
Hôm nay tôi có vài dòng trái chiều xin được trân trọng gởi đến tác giả như là một lời chia sẽ cũng như là những lời phản biện lại tất cả những gì mà tác giả đã cho là đúng là chân lý kể từ ngày Donald Trump xuất đầu lộ diện để đại diện cho đảng Cộng Hòa.
Tôi rất mong tác giả cho đăng bài này và mong mỏi nhận được sự phản biện của tác giả.
Chúc tác giả sức khoẻ dồi dào, tâm trí được sáng suốt, lương tâm trong sáng để phát huy quảng bá nền văn hoá của người Việt cũng như của Mỹ cho mọi người biết và làm cho xã hội Việt-Mỹ ngày càng văn minh nhân bản phú cường về cả nhân cách lẫn của cải vật chất.
Trân Trọng.
Cường Hào Ác Bá. 

Dưới đây là trả lời của Vũ Linh:

Thưa ông “Cường Hào Ác Bá”
Trước hết, tôi xin cám ơn ông đã góp ý một cách cụ thể và nghiêm chỉnh nhất. Đây chính là những góp ý tôi mong đón nhận từ tất cả quý độc giả đã vào Diễn Đàn này. Như tôi đã cam kết, tôi sẽ đăng những góp ý nghiêm chỉnh, cho dù đi ngược lại quan điểm cá nhân tôi hay đả kích tôi luôn, và tôi sẽ trả lời nếu chính đáng.
Vấn đề ông nêu lên rất chính đáng, do đó tôi sẽ trả lời rất kỹ, từng điểm một. Tôi xin trả lời một cách thẳng thắng nhất, nếu có xúc phạm gì thì xin ông tha lỗi.
Tôi cũng xin phép đăng bài của ông và trả lời của tôi trên trang “Bài Khách” để xác nhận tôi rất tôn trọng góp ý chính đáng của ông.
1.     Vấn đề văn hoá
Ông trích lại câu “tiên học lễ, hậu học văn”, tôi xin lỗi không thấy đúng lúc và đúng chỗ. Đây là câu nói có tính ‘thánh kinh’ trong văn hoá cổ điển của Á Châu từ cả ngàn năm trước, thuộc loại mà bây giờ người ta gọi một cách thiếu tôn trọng là ‘quân tử Tàu’. Sự thật là chúng ta đang trực diện văn hoá Mỹ của thế kỷ 21. Trong cái văn hoá đó, mà nhiều người khinh thường, miệt thị hay dè bỉu, người ta thành thật với nhau hơn, không giả dối như kiểu hai tướng Tàu cầm quân ra vái chào nhau rồi vung kiếm giết nhau như trong Tam Quốc Chí. Trong con mắt của người Mỹ, những chuyện đó mang tính giả dối, họ không thích và không tôn trọng.  
Ông có thể nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, vì Trump là người Mỹ, sống trên đất Mỹ, lớn lên trong văn hoá Mỹ, nói chuyện với dân Mỹ, muốn lấy phiếu của dân Mỹ, không thể áp dụng quy luật của cụ Khổng hay giả dối kiểu Nhạc Bất Quần.
Trong văn hoá Mỹ, kết quả tối hậu là thành công cá nhân, định nghĩa như có tiền, có quyền, có thế để có dịp thực hiện những ước mộng vật chất cũng như tinh thần mà mình có cho chính mình, cho gia đình mình, và đi xa hơn nữa cho xã hội mình đang sống. Một cụ đồ ngồi trong lều tranh, dạy lễ nghĩa cho vài anh nông dân không phải là định nghĩa của thành công trong văn hóa Mỹ. Một nhà tỷ phú, bảo đảm đời sống vật chất đầy đủ cho mình và con cháu mấy đời, rồi làm tổng thống để xây dựng lại xã hội, mang lại ấm no hạnh phúc cho cả nước theo ý mình, đó là ý nguyện của ông Trump, và theo tiêu chuẩn Mỹ, ông đã thành công.
Tôi nhắc lại, tôi không có ý định phê phán Tàu hay Mỹ, ai tốt ai xấu, chỉ là nhận định sự khác biệt văn hoá. Ông không thể lấy thước Khổng Tử đo Trump.
2.     Vấn đề giáo dục, đạo đức và chính trị
Ông nhìn Trump như một người vô giáo dục, vô đạo đức,... Đó chính là cái nhìn mà TTDC muốn tô vẽ lên con người ông Trump. Và họ đã thành công lớn đối với những người như ông.
Vô giáo dục? Ông Trump tốt nghiệp The Wharton Business School thuộc đại học Pennsylvania. Đây không phải là trường đa khoa mà là trường chuyên về kinh tế, tài chánh và kinh doanh. Một trong hai trường cao học kinh tế nổi tiếng nhất, khó vào và khó tốt nghiệp nhất trên thế giới (trường thứ hai là London School of Economics bên Anh). Mức lương của một anh sinh viên vừa tốt nghiệp Wharton khoảng 200.000 đô một năm.
Vô đạo đức? Thế nào là vô đạo đức theo ý ông? Ăn nói thô tục? Thưa ông, tôi không biết ông có sống ở Mỹ hay không, nếu có, đã bao lâu, và có bao nhiêu bạn Mỹ, hay đã coi bao nhiêu phim Mỹ, nhưng thực tế, những danh từ như shit, fuck, ... là những câu nói từ cửa miệng của cả triệu triệu dân Mỹ, hết sức bình thường, không mang một ý nghĩa gì đặc biệt cả. Nếu muốn hiểu theo nghĩa bậy bạ dơ bẩn thì bậy bạ, dơ bẩn thật. Nếu không để tâm, thì chẳng thấy có gì đáng bàn. Như trong Phật giáo có dạy, tất cả tùy cái ‘tâm’.
Việc TTDC đang xúm vào tố câu “shithole” chỉ là trò xiếc của TTDC, cố tình xé ra cho thật to và bóp méo ý nghĩa để khích động dân da màu (vì liên quan đến các xứ Phi Châu) cũng như để miệt thị Trump. Dĩ nhiên đó là chưa nói tới chuyện TT Trump có nói câu đó thật hay không.
Khi TT Obama gọi Libya là “shitshow” thì có gì khác? Chắc ông chưa nghe chuyện này? Chỉ vì khi đó TTDC chẳng ai hó hé chửi Obama nói câu đó hết.
Có cả chục cuốn sách viết về ông bà Clinton. Bất cứ sách nào cũng nói ông chồng và nhất là bà vợ, trong hậu trường Tòa Bạch Ốc, cứ mở miệng là fucking this, fucking that. Chắc ông cũng không biết, vì TTDC im re, có khi nào viết về chuyện này đâu.
Nếu ông đọc sách về TT Johnson, sẽ thấy ngay ông là dân Texas, nói năng thô tục nhất, không bao giờ mở miệng mà không có fuck hay shit. Nói chuyện riêng với các nghị sĩ, dân biểu DC, ông gọi dân da đen là “fucking niggers”. Sao không có báo nào nhẩy nhổm lên tố ông là vô văn hoá, kỳ thị?
Vô đạo đức? Ý ông muốn nói đến câu nói về chộp “pussy” và những chuyện vài bà tố ông này đã sàm sở tình dục?
Thưa ông, đây là một câu nói có tính bốc phét trong lúc trà dư tửu hậu của một người, nói chuyện riêng với một người khác, không ngờ bị thu lén, rồi hai chục năm sau tung ra cho thiên hạ nghe. Chẳng mang ý nghĩa gì ghê gớm, nhưng dĩ nhiên đã bị TTDC khai thác và bóp méo để đánh Trump, cũng y chang như chiến thuật “shithole” bây giờ. Tôi thấy cái vô đạo đức là bỏ cả chục ngàn giờ ra đi lục nghe những băng thu từ mấy chục năm trước, để lôi ra một câu đúng vài chục giây đồng hồ để khai thác, đánh đối thủ, gọi là bới rác cũ để tìm sâu, đó mới là chuyện vô đạo đức.
Khi TT Clinton bị đàn hạc về vụ Monica Lewinsky ngồi dưới gầm bàn trong Phòng Bầu Dục, cả khối DC đoàn kết sau lưng ông để bảo vệ ông. Họ nói “it’s all about sex, no big deal!”. Chẳng liên quan gì đến chuyện làm tổng thống, nên biểu quyết không truất phế ông. Sao bây giờ họ lại lấy một cái thước khác để đo lường một câu nói của Trump hai chục năm trước khi ông làm tổng thống, và phán chỉ một câu nói đó là đã không xứng đáng làm tổng thống? Bà Hillary bênh vực chồng, cho rằng đó là chuyện hai người trưởng thành đồng ý với nhau. Tôi xin hỏi thẳng ông:
-     TT Clinton làm vậy có vô đạo đức không? Một hành động có dấu vết cụ thể có đáng tội hơn một câu bốc phét không? Sao khi đó xúm lại bênh Clinton, bây giờ chuyện nhỏ hơn nhiều thì lại thổi lên tới chín từng mây?
-     Theo bà Hillary, ông Clinton đi ăn vụng không sao hết nếu có sự đồng ý của tình nhân (2 consensual adults). Có nghĩa là các ông, các bà tha hồ đi ăn vụng, miễn sao người tình đồng ý, bất kể người chồng hay người vợ chính thức có đồng ý không. Ông có đồng ý với lập luận này không, thưa ông?
Còn việc ông Trump bị cả chục bà tố? Thưa ông, đã có tin vài bà được trả tiền để tố TT Trump. Ông nghĩ sao? Trong cái xã hội Mỹ này, không thiếu gì người muốn thấy tên tuổi của mình trên báo và TV, và TTDC mau mắn chiều ý họ ngay, nếu họ nhẩy ra tố Trump thế này, thế nọ. Đã có ai đưa ra bằng chứng gì rõ ràng như vết tinh khí trên áo đầm của cô Monica chưa? Thế ông Bill Clinton bị cả chục bà thưa ra tòa, phải trả cho một bà 850.000 đô thì sao?
Nói chuyện đạo đức, ông có biết Kennedy là vua dâm dục, đi đến đâu cũng bắt đám cận vệ kiếm gái để ngủ; chính ông ta thú nhận, một ngày không làm tình là ông không chịu được. Ông có biết các ông Eisenhower và Johnson đều có vợ bé hết không? Ông có biết ngay cả ông Washington cũng có vợ bé, và ông Jefferson còn ngủ với bà nô lệ da đen, đẻ ra cả đống con không?
Mang những tiêu chuẩn đạo đức như vậy ra nói chuyện, thế thì còn bao nhiêu người được làm tổng thống? Ông Carter có lẽ là tổng thống đạo đức nhất, để rồi chỉ làm tổng thống được một nhiệm kỳ, chủ trì một xứ Mỹ trong tình trạng bết bát nhất lịch sử.
Nói về cá nhân, ông có biết ông Trump không uống một giọt rượu, chứ đừng nói “hút mà không hít” như Clinton, cũng không hút thuốc lá lén như Obama không?
3.     Vấn đề quan điểm của cá nhân tôi về TT Trump.
Ông muốn có phán xét nghiêm chỉnh thì cần tìm hiểu cho kỹ và không nên nói quá lời. Tôi viết rất nhiều bài bênh vực chính sách của TT Trump, không sai, nhưng chưa bao giờ có thái độ “ủng hộ cuồng nhiệt” ông ta.
Trước ngày bầu cử, tôi đã viết khá nhiều bài về ứng viên Trump, bất lợi nhiều hơn là lợi. Trên trang “Lưu Trữ” của Diễn Đàn này, có tất cả những bài tôi viết từ cả chục năm qua để ông có thể tham khảo. Riêng về Trump, ông có thể đọc lại vài bài trước khi phán quyết bừa bãi.
Tôi xin giới thiệu ông nguyên văn vài đoạn trong vài bài:
-       Cách ông Trump ăn mặc, nói chuyện, hết sức tự nhiên, khoa tay múa chân, chỉ trích tất cả mọi người, gọi cả thiên hạ là ngu (stupid), v.v..., tất cả phản ảnh một người cực kỳ tự tin, tự kiêu, tự mãn, tự coi mình như thông minh tài giỏi hơn hết, coi cả nhân loại như pha. Một người như vậy làm tổng thống, thật ra rất ... đáng sợ. (Thần Tượng Cộng Hoà Trump: Một Dấu Than (!) Lớn - 25/10/15)
-       Khi ta nhìn vào cách lên TV của ông, ta thấy một người nói năng thô bạo, cử chỉ vung vít, không một chút tư cách nào của một tổng thống. Cách diễn đạt của ông rất được hậu thuẫn của giới da trắng bình dân vì họ cảm nhận được là ông rất giống họ, từ phong cách đến cử chỉ, ngôn từ, rất “bình dân” như họ, không phải thuộc loại chính khách “dởm mà lại chảnh”. Nhưng nghĩ cho cùng, có phải đó là một minh quân đủ đức và đủ uy để cả nước nhìn vào như tấm gương lãnh đạo sáng giá không? (Một Lựa Chọn Đau Đầu - 22/05/16)
-       ... Cho đến những trở ngại “tự tạo”, những câu nói hớ không biết cố tình hay vô ý, chẳng giống ai, vung vít, xóc họng, thô tục, xúc phạm tất cả, bất cần thiên hạ, phùng mang trợn mắt, trề môi nhíu mày, khoa tay múa chân,...  (Ông Trump Bị Đánh Và Tự Đánh – 23/10/16)
-       Ông Trump là chính khách thời cơ, khai thác sự bất mãn của thiên hạ, phục vụ cho cái tôi của riêng ông, không có quan điểm chính trị rõ ràng và dứt khoát. ... Ông bất cần đảng CH, do đó là con ngựa bất trị, không ai kiểm soát được, cực kỳ nguy hiểm. (Bầu Hay Không Bầu Cho Trump? – 30/10/16)
-       Riêng với kẻ này, chiến thắng của ông Trump đáng lo với quan điểm cực đoan, tính tình nóng nẩy, làm ẩu trước khi suy nghĩ, cực kỳ nguy hiểm của ông. (Sóng Thần Trump - 13/11/16)
Nói trắng ra, trước đây tôi không ủng hộ ông Trump. Nhưng ngày nay tôi chấp nhận và ủng hộ vì nhiều lý do tôi cho là rất chính đáng:
-       Ông là tổng thống được dân Mỹ bầu một cách hợp pháp và chính danh, tôi chấp nhận để ông ta làm việc. Đó là nền tảng của chế độ dân chủ của Mỹ. Ai không vừa ý, có quyền đi bầu người khác lần tới. Trước đây, tôi chống TT Obama kịch liệt, nhưng vẫn tôn trọng ông như là tổng thống được dân Mỹ bầu.
-       Dân Mỹ không ai bầu cho ông Trump vì tư cách cá nhân, vì đạo đức, vì giáo dục, vì văn hoá, vì nhân cách của ông, mà chỉ vì những chương trình ông đưa ra như thu hồi Obamacare, giảm thuế, ngăn chặn khủng bố len lỏi vào Mỹ, giải quyết vấn nạn di dân lậu, diệt tan ISIS,  không muốn nước Mỹ lãnh đạo từ phiá sau lưng ai hết, ngăn cản chủ nghĩa bành trướng qua thương mại của TC, kềm hãm mối nguy cơ Bắc Hàn,...  Tất cả đều đáp ứng quyền lợi của cả nước Mỹ, và ông đang cố gắng thực hiện những lời hứa đó cho dù đang gặp phải chống đối tàn bạo đến mức phi lý của đảng đối lập DC và TTDC.
-       Đối với tôi, cá nhân tổng thống không phải là chuyện quan trọng. Ngày mai, lỡ ông có chết hay bị truất phế, đối với tôi không nghĩa lý gì hết. Những gì tổng thống làm có lợi hay có hại cho tôi, cho gia đình tôi, và cho cả nước Mỹ mới là quan trọng, do đó tôi không thấy có lý do gì nghiến răng chống đến cùng chỉ vì ghét người vì tính phe đảng, bất kể ông ta làm gì. Không ít người chửi TT Trump làm luật giảm thuế, nhưng hớn hở nhận thêm tí tiền mỗi tháng. Có câng bằng với Trump không?
Một điểm cuối cùng muốn thưa với ông: ông có quyền chỉ trích, sỉ vả cá nhân tôi, tha hồ, và tôi chấp nhận, nhưng làm ơn xin đừng mang bố mẹ, vợ con hay bạn bè thân hữu của tôi vào câu chuyện, cho dù để nói thẳng hay nói xéo chuyện tốt hay chuyện xấu.
Xin đa tạ ông đã cho tôi cơ hội nói cho rõ vấn đề

Vũ Linh