Sunday, 11 February 2018

Đề cử Giải Nobel Hòa bình – Phép thử quyền lực mềm của Trung Quốc

Phong trào Dù
Hoàng Chí Phong, thủ lĩnh phong trào Dù của Hồng Kông (Ảnh: REUTERS)

Tóm tắt bài viết

  • Trung Quốc có thể gây áp lực cho Na Uy để phản đối việc trao giải Nobel Hòa bình cho các nhà hoạt động của Phong trào Dù Hồng Kông. Điều này đã xảy ra trước đây khi Ủy ban Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho nhà hoạt động Lưu Hiểu Ba. Nhưng lần này, Trung Quốc ở thế khó khi giới trẻ Hồng Kông ngày càng muốn thoát khỏi cái bóng của Bắc Kinh.
  • Nền kinh tế và quân sự mới mẻ của Trung Quốc có thể khiến các quốc gia nhỏ hơn và yếu hơn phải cắn răng nhẫn nhịn. Nhưng để có sự tôn trọng và ngưỡng mộ phải mất nhiều thời gian hơn, điều này thậm chí cũng đúng với chính các công dân của toàn bộ Trung Quốc.
  • Ở trong nước, chính quyền Bắc Kinh bị lên án vì các hoạt động vi phạm nhân quyền, thậm chí mổ cướp nội tạng của các tín đồ Công giáo, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công.
Trung Quốc có thể gây áp lực để phản đối việc trao giải Nobel Hòa bình cho các nhà hoạt động của Phong trào Dù Hồng Kông, nhưng có những giới hạn đối với quyền lực của Bắc Kinh, theo một quan sát viên của Đại học Khoa học Xã hội Singapore.
Nếu bạn cho rằng chống lại đề cử giải Nobel Hòa bình cho các nhà lãnh đạo Phong trào Dù của Hồng Kông là điều “kỳ cục”, có lẽ bạn chưa từng nghe đến giải Hòa bình Khổng tử của Trung Quốc hoặc những người đạt giải này.
Được thành lập năm 2010 bởi một nhóm người Trung Quốc như một giải pháp thay thế cho Giải Nobel Hòa bình, giải Hòa bình Khổng Tử được trao cho những nhân vật như Robert Mugabe(cựu lãnh đạo Zimbabwe) và Fidel Castro (cố lãnh đạo Cuba).
Và trong năm 2017, những nhà lãnh đạo như Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng có tên trong danh sách đề cử của giải thưởng này.
Cho dù điều đó nghe rất lố bịch, nhưng thực tế là Trung Quốc nhiều năm qua đã rất tích cực phát triển quyền lực mềm của mình, song song với quyền lực cứng – sử dụng sức mạnh kinh tế hoặc quân sự để ép buộc những người khác tuân thủ.
Nhiều quốc gia đã có kinh nghiệm về cách tiếp cận theo kiểu “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc trong các hoạt động.
Phong trào Dù
Phong trào Dù ở Hồng Kông (Ảnh: AFP).
Na Uy – Giải Nobel Hòa bình và cá hồi
Gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ gây áp lực cho Na Uy để chống lại việc trao giải cho các ứng cử viên đến từ Hồng Kông.
Ủy ban 5 người trao giải Nobel Hòa bình do quốc hội Na Uy bổ nhiệm và phần lớn là người Na Uy từ các đảng chính trị quan trọng, nhưng hoàn toàn độc lập với chính phủ.
Khoảng tháng 2 đến tháng 3, ủy ban sẽ đưa ra một danh sách ngắn các ứng cử viên và tìm kiếm lời khuyên từ cả các chuyên gia Na Uy và nước ngoài trước khi thông báo người đạt giải vào tháng Mười.
Theo nhà kinh tế Ivar Kolstad, quyết định của Ủy ban Nobel là một thử thách về sự độc lập của mình, cũng như thử thách đối với quyền lực của Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Phong trào Dù có hoặc không thể đạt giải thưởng hòa bình vì nhiều lý do khác nhau không liên quan đến ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng dường như có nhiều yếu tố chống lại các ứng cử viên Hồng Kông lần này.
Quan hệ của Na Uy với Trung Quốc đã xuống thấp kể từ khi giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà hoạt động dân chủ Lưu Hiểu Ba cuối năm 2010.
Ngay sau công bố trao giải, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách đóng băng quan hệ song phương và đàm phán với Na Uy.
Trong 6 năm kế tiếp, xuất khẩu cá hồi hàng năm của Na Uy sang Trung Quốc đã giảm 95%, từ 12.434 tấn năm 2010 xuống còn 598 tấn vào năm 2016.
Từ năm 2011 đến năm 2013, các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đã cắt giảm tổng xuất khẩu của Na Uy 780 triệu USD xuống còn 1,3 tỷ USD, tức giảm từ 9-14%.
Phong trào Dù Hồng Kông
Phong trào Dù Hồng Kông (Ảnh: AP)
Mãi đến tháng 12/2016 quan hệ song phương căng thẳng mới được nới lỏng khi Bộ Ngoại giao Na Uy thăm Trung Quốc. Đợt đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-Na Uy lần thứ 9 bắt đầu năm 2008 cuối cùng đã diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 8/2017.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, dưới áp lực của Trung Quốc, đã đưa ra phản ứng khá nhẹ nhàng đối với việc điều trị tàn ác của Trung Quốc đối với Lưu Hiểu Ba, người đã chết vì bệnh ung thư trong khi bị giam giữ.
Châu chấu đá xe?
Trong khi Trung Quốc ngày càng trở nên khôn ngoan trong việc sử dụng ảnh hưởng to lớn của mình để hình thành nên chính sách đối nội và đối ngoại với các đối tác thương mại, sức mạnh ghê gớm này dường như đã giảm trong những thế hệ trẻ hơn của cư dân Hồng Kông.
Từ năm 2009, một cuộc thăm dò dư luận theo chiều dọc của Đại học Hồng Kông đã cho thấy sự gia tăng trong việc muốn tách bạch khỏi Trung Quốc.
Các kết quả mới nhất được công bố vào tháng 12/2017 cho thấy tỷ lệ những người trả lời là “người Hồng Kông” vượt xa số người tự cho mình là “người Trung Quốc” từ 25-37%.
Xu hướng này đặc biệt nổi bật trong giới trẻ Hồng Kông từ 18-29 tuổi, những người cũng cảm thấy không hài lòng với sự phát triển của Hồng Kông vào năm 2017 và bi quan về năm tới.
Nhiều cư dân Hồng Kông cũng không thấy mình là công dân của Trung Quốc.
Điều này nói lên rất nhiều về nỗ lực của Trung Quốc để thấm nhuần niềm tự hào quốc gia, từ giáo dục yêu nước đến ra luật kết tội hình sự cho việc chế giễu bài quốc ca, đã thất bại trong việc “đồng hóa” thuộc địa cũ của Anh 2 thập kỷ sau khi trở lại với sự cai trị của Trung Quốc.
Và thật khó chịu cho Bắc Kinh, khi những nhà dân chủ trẻ lãnh đạo Phong trào Dù lại trở thành những người được đề cử tập thể cho Giải Nobel Hòa bình năm nay.
Với uy tín trên toàn thế giới của giải thưởng, chỉ cần đề cử thôi cũng đủ để lại một dấu hiệu không thể xóa nhòa trong tâm hồn của những người Hồng Kông trẻ tuổi.
Vì vậy, không có gì bất ngờ khi nhiều người hoan nghênh Tòa án Tối cao của Hồng Kông hôm 6/2 lật ngược phán quyết trước đó đối với ba nhà lãnh đạo Phong trào Dù.
Trước đó, tòa phúc thẩm kết án những người này phải ngồi tù từ 6-8 tháng với cáo buộc lãnh đạo một cuộc biểu tình bất hợp pháp kéo dài 1 tháng tại trung tâm Hồng Kông vào năm 2014.
Bất kỳ sự can thiệp nào của Trung Quốc trong quá trình lựa chọn Nobel Hòa bình năm nay có thể sẽ làm hao tổn và làm suy yếu thêm suy nghĩ của giới trẻ Hồng Kông.
Những giới hạn của Trung Quốc
Được thúc đẩy bởi sự phát triển kinh tế thần tốc, dấu chân của Trung Quốc đã mở rộng đến nhiều góc độ của thế giới trong vài thập kỷ qua.
Bằng sức mạnh kinh tế, Trung Quốc ngày nay có những ảnh hưởng sâu rộng ở nhiều quốc gia dựa vào mối quan hệ thương mại của họ với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, liệu điều đó có chuyển thành mối quan hệ mạnh mẽ hay không là một vấn đề khác.
Trong cuộc khảo sát Toàn cầu của Pew năm 2014, hình ảnh tổng thể của Trung Quốc trong mắt người Mỹ và châu Âu phần lớn là tiêu cực. Ở châu Á, Nhật Bản, Việt Nam và Philippines cũng đánh giá Trung Quốc khá tiêu cực, với tỷ lệ cao đến 91% ở Nhật Bản và 78% ở Việt Nam.
Sự nổi lên của danh tính Hồng Kông là một vấn đề nữa.
Vì tất cả sức mạnh của nó, người khổng lồ kinh tế dường như đang phải vật lộn để hiểu được bản chất của quyền lực mềm.
Nền kinh tế và quân sự mới mẻ của Trung Quốc có thể khiến các quốc gia nhỏ hơn và yếu hơn phải cắn răng nhẫn nhịn, nhưng để có sự tôn trọng và ngưỡng mộ phải mất nhiều thời gian hơn, điều này thậm chí cũng đúng với chính các công dân của toàn bộ Trung Quốc.
Ở trong nước, chính quyền Bắc Kinh bị lên án vì các hoạt động vi phạm nhân quyền, thậm chí mổ cướp nội tạng của các nạn nhân như người Công giáo, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công, môn khí công ôn hòa có mặt tại hơn 100 quốc gia.
Trung Dung