Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành hình từ năm 1967 gồm Thái Lan, Tân Gia Ba, Mã Lai Á, Indonesia, Phi Luật Tân nhằm thể hiện tình đoàn kết trong vùng với các mục đích chính: "tăng tốc tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, tiến hoá văn hoá xã hội, đồng hành với sự bảo vệ ổn định trong vùng và cung ứng một bộ máy giúp các quốc gia hội viên giải quyết khác biệt bằng biện pháp hoà bình".
Họ cùng chia sẻ nỗi sợ hãi Chủ nghĩa Cộng sản, cũng như ấp ủ khát vọng về sự phát triển kinh tế nên dễ hiểu biết và phối hợp hơn nhờ thể chế chính trị và kinh tế tương đồng.
Vì thế, mỗi quốc gia đều đã chống cộng sản quyết liệt khi Mao Trạch Đông phát động chiến tranh giải phóng tại Đông Nam Á. Khối ASEAN cũng đã tham gia liên minh quốc tế nhằm ngăn chặn tham vọng của Cộng sản Việt Nam trên lộ trình tiến về Đông Nam Á thông qua con đường Cambodge năm 1979.
Brunei gia nhập ASEAN năm 1984, chỉ một tuần sau khi giành được độc lập.
Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991 cho phép ASEAN thực thi nền chính trị độc lập mạnh mẽ hơn nên đã thu nhận Việt Nam từ năm 1995, Lào và Myanmar 1997, Cambode 1999.
Tuy nhiên, tham vọng ASEAN giữ vai trò chính trong các giải pháp về Biển Nam Trung Hoa, hoặc trở thành nền kinh tế quan trọng trên thế giới chỉ là mộng mơ.
Châu Á đã có bốn con hổ Đài Loan, Đại Hàn, Hồng Kông, Tân Gia Ba từ cuối thế kỷ trước, nhưng, chưa thấy dấu hiệu sẽ có quốc gia nào đó trong ASEAN có thể thành rồng, thành hổ trong tương lai.
Bởi lẽ, khi ASEAN có đầy đủ 10 quốc gia thành viên Đông Nam Á đã mắc phải những khuyết tật khó thay đổi.
Thứ nhất, chất keo gắn kết 10 quốc gia trong ASEAN đã bị pha loãng làm cho sự đoàn kết chỉ nằm trên khẩu hiệu. Sáu quốc gia kỳ cựu không có cách nào khiến bốn hội viên mới từ bỏ chọn lựa chủ nghĩa cộng sản hoặc quân phiệt (Myanmar). Hơn nữa, bốn quốc gia đó là đàn em thân tín của Trung Quốc nên việc gia nhập chỉ với mục đích gây phân hoá ASEAN. Lào, Cambode đã công khai, Việt Nam và Myanmar "tình trong như đã, mặt ngoài còn e" nên Bắc Kinh thao túng ASEAN ngày càng quá dễ dàng.
Thứ hai, chính sách đồng thuận tạo ra quyền phủ quyết đương nhiên cho mỗi hội viên đã phá vỡ tinh thần đoàn kết trong ASEAN. Mọi chính sách được thai nghén và bàn cãi, thảo luận trước và sau Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tại Lào năm 2016 bổng chốc vô hiệu vì phía Cambode không đồng ý lên án Trung Quốc. Trước khi ra Tuyên bố chung, các ngoại trưởng ASEAN đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị.
Bản Tuyên bố chung kêu gọi các bên "tôn trọng quy trình pháp lý, ngoại giao theo các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)"..
Tuy nhiên, Phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển (PCA) ngày 12-07-2016 và hành động của Trung Quốc không được đề cập trực tiếp trong bản Tuyên bố chung làm cho Vương Nghị thở phào nhẹ nhỏm và Bắc Kinh cứ làm điều mình muốn trên Biển Nam Trung Hoa.
Năm 2012, lần đầu tiên kể từ khi thành lập, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã không đưa ra Tuyên bố chung bởi lẽ Cambode với cương vị Chủ tịch Luân phiên đã không muốn nêu lên vấn đề tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa.
Thứ ba, Chủ tịch ASEAN Luân phiên có quyền thiết lập nghị trình và là phát ngôn viên chính thức nên thường hành động dựa theo lợi ích quốc gia hơn số phận của Khối. Hạt giống độc tài, độc đoán trong dòng máu Á Đông được dịp phát tác. Các lãnh tụ ở Thái Lan, Mã Lai Á, Cambodge đang công khai củng cố quyền lực trước bầu cử năm 2018.
Bộ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc thường thăm vài nước có thể điều khiển được để thảo luận về các nội dung Bản Tuyên bố chung trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng hoặc Thượng đỉnh ASEAN. Áp lực kinh tế, ngoại giao từ Bắc Kinh đã làm cho các quốc gia Đông Nam Á đánh mất quyền tự chủ.
Vì thế, Tuyên bố chung thường tránh lên án trực tiếp hành động của Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa trong khi một số quốc gia công khai tuyên bố vấn đề tranh chấp không liên quan đến toàn khối ASEAN, hoặc Trung Quốc có chủ quyền về biển và đảo.
Thứ tư, nỗi sợ chiến tranh của ASEAN tạo điều kiện cho Bắc Kinh thực hiện thành công chiến lược "cắt lát xúc xích" trên Biển Nam Trung Hoa, và vô-hiệu-hoá sức mạnh pháp lý của Phán quyết từ Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển.
Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á tiếp tục xây cất, bồi đắp các hòn đá, bãi cạn ở Trường Sa trong khi Trung Quốc hoàn thiện các đảo nhân tạo thành tiền đồn quân sự. Những nước đó đều là thành viên trong UNCLOS mà làm sai quy định, đồng nghĩa với hành động chống lại luật pháp quốc tế. Chẳng ai thừa nhận đã làm sai.
Phi Luật Tân không dám tiếp tục xây cất trên đảo Thị Tứ , hoặc nối lại vụ thăm dò dầu khí tại Bãi Cỏ Rong (Red Bank) đã tạm ngưng suốt ba năm tại Trường Sa.
Tổng thống Rodrigo Duterte đích thân cho phép Trung Quốc nghiên cứu khoa học ngoài khơi bờ biển phía Đông nơi có Rãnh Benham (Benham Rise) được Uỷ ban Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc công nhận là của Phi Luật Tân từ năm 2012.
Năm 2005, Phi Luật Tân, Trung Quốc và Việt Nam cũng hợp tác nghiên cứu địa chấn trên Biển Nam Trung Hoa mà sau đó bị Quốc hội và Tối cao Pháp viện Manila bác bỏ vì vi hiến.
Hồi tháng 8-2017, Hà Nội buộc đối tác Repsol ngưng khoan thăm dò dầu khí trong lô 163/3 nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) Việt Nam và lọt vào Lưỡi Bò do Trung Quốc vẽ vì Bắc Kinh đe dọa tấn công các vị trí trấn đóng ở Trường Sa.
Sau khi Trung Quốc củng cố các đảo nhân tạo thành các cứ điểm quân sự thì nền an ninh, chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á sẽ đứng trước nguy cơ khó lường.
Dù cho tận lực, các quốc gia Đông Nam Á cũng không đủ sức đương cự với Trung Quốc. Không đoàn kết, thiếu hợp tác chẳng thể nào chống được tham vọng bành trướng, bá quyền Bắc Kinh.
Chia sẻ trách nhiệm và nghĩa vụ với các cường quốc biển là con đường duy nhất để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền trên biển và nền hoà bình, an ninh, phát triển tại Đông Nam Á.
Đại-Dương
Tài liệu tham khảo:
- Philippines cho phép Trung Quốc nghiên cứu biển (VOA)
- Việt Nam cũng đang 'xây cất ở Biển Đông' (BBC)
- Singapore atop Asean with a wary eye on China (Asia Times)
- Southeast Asia’s strongmen are looking forward to elections in 2018 (Quartz)
- Vietnam’s diplomatic acrobatics in the post-American era (East Asia Forum)