Thursday 15 February 2018

Nhà Văn Anh George Orwell (1903-1950) và Truyện "Trại Súc Vật"


1/ Các con vật và con người trong Trại Súc Vật. 

Old Major: là một con heo đực già, được nhiều con vật trong nông trại kính trọng. Con heo này căm hờn chế độ độc đoán của loài người nên dạy cho các con vật khác trong nông trại bài ca “Thú Vật của Nước Anh” và vận động chúng nổi dậy.

Snowball: một con heo đực trẻ hơn, là một trong các nhà lãnh đạo sáng giá của cuộc nổi dậy. Sau khi trù liệu các chương trình phức tạp xây dựng nhà máy xay lúa, nó bị đàn chó của Heo Napoleon săn đuổi khỏi trại súc vật rồi sau đó, thường là “dê tế thần” khi nông trại gặp khó khăn.

Napoleon: một con heo đực trẻ khác, nhiều tham vọng, cùng với Heo Snowball lãnh đạo cuộc nổi dậy lật đổ ông Jones. Sau khi thành công, nó dần dần kiểm soát mọi sinh hoạt của nông trại cho đến khi trở thành một nhà độc tài.


Squealer: con heo mập, là phát ngôn viên của Heo Napoleon, có khả năng nhào nặn tư tưởng của các con vật khác bằng cách dùng các lời hùng biện rỗng tuếch, nhưng đầy tính thuyết phục. Nó thường cắt nghĩa tại sao các con heo thường làm trái ngược với các Giáo Điều.

Boxer: con ngựa kéo xe, nhiều sức mạnh, rất trung thành và kém thông minh, là con vật “tiên tiến” trong mọi kế hoạch cần đến sức lao động, sau này khi đã kiệt sức, thì bị bán cho lò sát sinh.

Clover: con ngựa cái thường âm thầm thắc mắc trước các quyết định của Heo Napoleon, đã giúp đỡ Boxer khi con ngựa này ngã quỵ.

Mollie: con ngựa vô dụng, ưa thích “bằng khen” và đường ngọt hơn là các lý tưởng hay cuộc nổi dậy. Sau này nó bị dụ ra khỏi nông trại vì lời hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp.

Benjamin: con lừa bi quan, hoài nghi trước mọi loại xã hội, thường đưa ra các lời nhận xét ẩn dụ, khiến cho các con vật khác kém hăng hái.

Moses: con quạ thường làm vui các con vật khác bằng câu chuyện mô tả một “thiên đường” gọi là Núi Kẹo Đường (Sugarcandy Mountain).

Bluebell, Jessie và Pincher: ba con chó này sinh ra 9 con chó nhỏ, về sau lớn lên trở thành các vệ sĩ của Heo Napoleon.

Ông Jones: chủ nhân của nông trại Manor, bị các con vật trục xuất khỏi nông trại. Ông ta đã chết vì không còn hy vọng chiếm lại tài sản cũ.

Ông Whymper: kẻ môi giới giữa Heo Napoleon và các nông trại chung quanh.

Ông Pilkington: chủ trại Foxwood láng giềng, bỏ bê công việc, thường say mê săn bắn và đánh cá, sau này đã bán đất cho Heo Napoleon và ăn nhậu, chúc mừng với con heo này.

Ông Frederick: chủ trại Pinchfield láng giềng, là một nhà buôn mưu mẹo, đã lừa đảo Heo Napoleon khi mua gỗ bằng tiền giả. Sau này ông ta tìm cách tấn công và chiếm đoạt trại súc vật nhưng thất bại.

2/ Cốt Truyện (1943).
Vào một đêm trường sau khi ông chủ Jones đã ngủ mê mệt vì say rượu, các thú vật của Nông Trại Manor tụ họp trong nhà chứa cỏ để nghe con heo Heo già Old Major kể về một giấc mộng kỳ lạ. Khởi đầu, bằng một giọng nói rõ ràng và đầy sức mạnh, Heo già Major kể lại sự hiểu biết của mình về “bản chất của cuộc đời” theo đó trên quãng đời này, các con vật đã phải làm việc cực nhọc, chịu đựng gian khổ, không được ăn no, tới khi không còn sức lao động nữa thì bị làm thịt. Tại sao có sự bất công này? Bởi vì các con vật đã bị làm nô lệ cho loài người và đây là “giới sinh vật chỉ tiêu thụ mà không sản xuất”. Vì vậy chỉ còn một giải pháp: phải lật đổ loài người. Mọi con vật phải “đoàn kết lại” vì một mục đích chung: nổi dậy.

Buổi họp bị gián đoạn một thời gian ngắn vì vài con chó chạy đi đuổi chuột, tiếp theo Heo già Major đề nghị bỏ phiếu quyết định loài chuột là “đồng chí” (comrades), kế tiếp mọi con vật đều tán thành một quyết định khác của Heo già Major như sau: “Con người là Kẻ Thù”. Các con vật vì vậy cần phải tránh xa các thói quen của con người: không xài nhà ở, giường nằm, quần áo, tiền bạc, mậu dịch, rượu. Và trên hết “Tất cả chúng ta đều là Bạn. Không con vật nào được Giết một con vật khác. Mọi con vật đều bình đẳng”.
Heo già Major đã không thể mô tả hết giấc mộng tốt đẹp của nó cho các con vật khác nghe, đây là “giấc mộng về một trái đất không còn loài người”, và nó cũng dạy cho các con vật kia hát bài ca “Các Thú Vật của Nước Anh” mà nó học được trong giấc mộng. Nhờ hát đi hát lại bài ca cách mạng này, các con vật đều trở nên cuồng nhiệt.
Không lâu sau đó, Heo già Major qua đời nhưng các con vật còn sống khác đều cần phải hiểu rõ nền Triết Học “Súc Vật Chủ Nghĩa” (Animalism), đều phải nổi dậy chống lại ông chủ Jones. Công tác giảng dạy và tổ chức quần chúng được giao phó cho các “con heo” bởi vì loài heo được coi là những con vật tinh khôn, khéo léo. Trong số các con vật này, có hai con tài giỏi nhất là Heo Snowball và Heo Napoleon. Ngoài ra còn có Heo Squealer, một kẻ ăn nói xuất sắc.
Ngày tháng trôi dần qua, ông chủ trại Jones càng uống nhiều rượu mạnh và càng trễ nải việc chăm sóc nông trại. Rồi vào một buổi chiều kia, khi ông Jones quên cho súc vật ăn uống sau một ngày dài, các con vật phá cửa, xông vào máng ăn và giành ăn uống. Ông Jones và các người làm công bèn dùng roi, gậy, đánh đập các con vật. Các con vật đói ăn này không thể chịu đựng hơn được nữa. Chúng bèn tấn công các kẻ đàn áp. Vừa ngạc nhiên, vừa hoảng sợ, cả chủ lẫn tớ đều bị đuổi khỏi nông trại. Thật là bất ngờ. Cuộc nổi dậy đã thành công. Ông chủ Jones không còn nữa, Nông trại Manor từ nay thuộc về các súc vật.

Niềm vui của tất cả súc vật thật là vô kể, chúng là chủ nhân và sẽ làm việc hòa thuận với nhau suốt đời. Chúng rất phấn khởi khi các con heo dạy chúng biết đọc và biết viết. Bảng hiệu “Nông Trại Manor” nay được đổi thành “Trại Súc Vật” (Animal Farm), đồng thời trên vách tường của vựa lúa, Bẩy Giáo Điều của Chủ Nghĩa Súc Vật được viết rõ như sau:

1- Ai đi hai chân đều là kẻ thù.
2- Ai đi bốn chân hay có cánh đều là bạn.
3- Không con vật nào được phép mặc quần áo.
4- Không con vật nào được phép ngủ trên giường.
5- Không con vật nào được phép uống rượu.
6- Không con vật nào được phép giết một con vật khác.
7- Mọi con vật đều bình đẳng.

Dù cho Bẩy Giáo Điều này được dạy cho các con vật học thuộc lòng, nhưng cũng có vài con vật quá ngu dốt, học không thuộc bài! Vì thế Heo Snowball đã tóm tắt tất cả các Giáo Điều thành một câu châm ngôn dễ nhớ: “Bốn chân Tốt, hai chân Xấu”.
Sau cuộc Nổi Dậy thành công, mọi con vật đều phải ra đồng làm việc và vào ngày Chủ Nhật, chúng tụ họp trong vựa lúa để thảo luận về các đường lối, chính sách của nông trại mới. Các con heo trở nên các kẻ giám sát vì được coi là thông minh nhất. Công tác cần phải làm ngay là vắt sữa bò và các con heo lo công việc này. Một con vật nêu thắc mắc là “sẽ phải làm gì với lượng sữa này” thì Heo Napoleon nói lớn: “Xin đồng chí đừng quan tâm tới sữa bò. Công tác chính là phải lo hoàn thành vụ thu hoạch”. 

Khi các con vật từ cánh đồng trở về thì lượng sữa bò đã biến mất. Thực ra Heo Napoleon đã ăn cắp lượng sữa này cùng một số trái táo, dành cho chính nó và các con heo khác. Heo Napoleon đã cắt nghĩa rằng sữa tươi tuyệt đối cần thiết cho loại lao động trí óc mà loài heo đang thi hành bởi vì nếu không có loài heo suy tính, ông Jones sẽ trở lại nông trại và chẳng con vật nào mong muốn điều này. Ngoài ra, nó còn dùng Heo Squealer, một con heo có khả năng thuyết phục các con vật khác tin rằng loài “heo” luôn luôn sống “đạo đức” và bao giờ cũng quyết định đúng đắn, “chí công vô tư”. Kể từ nay mọi con vật đều phấn khởi, hoàn thành mọi công tác trong thời gian kỷ lục, xuất sắc nhất làm công việc nặng nhọc là con ngựa Boxer.

Vào mùa thu năm đó, ông Jones và các gia nhân cố gắng tìm cách chiếm lại nông trại nhưng nhờ sự khôn khéo và lòng can đảm của Heo Snowball, nhờ các chiến thuật của con heo này mà các con vật đã chiến thắng ông Jones sau một trận đánh được gọi là “Trận Chiến tại Chuồng Bò” (The Battle of the Cowshed). 

Mùa đông tới. Mollie là một con ngựa vô dụng, chỉ quan tâm tới “bằng khen” và đường ngọt, đã bị một người lạ dụ ra khỏi nông trại. Rồi ngày tháng qua, giữa Heo Snowball và Heo Napoleon đã xẩy ra các bất đồng ý kiến. Heo Snowball nói cần phải khiến cho các con vật khác nổi dậy tại các nông trại khác, còn Heo Napoleon cho rằng chúng phải tự kiếm ra súng đạn. Khi Heo Snowball bắt đầu phác thảo ra chương trình xây dựng một cối xay gió để sản xuất điện năng và nhờ vậy cung cấp cho súc vật thêm thời gian nhàn rỗi, thì Heo Napoleon lại cho rằng kế hoạch này vô ích, chỉ khiến cho các con vật mất đi thời gian cần thiết để sản xuất thực phẩm.
 
Vào một ngày Chủ Nhật, khi các con heo tập trung mọi con vật lại để bỏ phiếu về cối xay gió, khi Heo Snowball hùng hồn diễn thuyết về một loại điện tiết kiệm sức lao động sẽ được sản xuất ra, thì Heo Napoleon ra một hiệu lệnh, 9 con chó hung dữ do Heo Napoleon nuôi dưỡng từ trước, đã xông ra, tấn công Heo Snowball và đuổi con heo này chạy thục mạng, vĩnh viễn bị loại ra khỏi nông trại. Vây quanh là bầy chó hung dữ, Heo Napoleon tuyên bố rằng từ nay, không duy trì các buổi thảo luận mất thời giờ nữa, một ủy ban đặc biệt của loài heo do nó làm chủ tịch, sẽ ra lệnh mỗi ngày. Bốn con heo trẻ lên tiếng phản đối nhưng tiếng gầm gừ của bầy chó hung dữ khiến cho bốn con heo kia phải im lặng, đồng thời bầy cừu cũng đồng thanh và liên tục kêu be be câu châm ngôn “Bốn chân Tốt, hai chân Xấu”, ngăn cản cuộc tranh luận.
Sau đó vài ngày, Heo Napoleon lại tuyên bố rằng Heo Snowball đã ăn cắp ý tưởng của nó về việc xây dựng cối xay gió, rằng cối xay gió này sẽ phải được thực hiện, rằng công trình này do mọi con vật hy sinh. Công việc xây dựng được tiến hành. Ngựa Boxer to, khỏe, đã tỏ ra có giá trị nhất trong công tác này. Nhưng rồi một trận bão đã làm sụp đổ cối xay gió dang dở. Heo Napoleon đã đổ tội “phá hoại” cho Heo Snowball và ra lệnh làm lại công trình. Sau đó, Heo Napoleon đã mướn một kẻ trung gian để mua bán với các nông trại láng giềng. Việc làm này trái với các Giáo Điều của “Chủ Nghĩa Súc Vật”.

Một hôm, Heo Napoleon ra lệnh tất cả con vật phải tập họp trên sân rộng rồi sau đó, các con chó cắn tai bốn con heo nhỏ, lôi chúng ra trước mặt Heo Napoleon. Các con heo nhỏ này nhận tội đã âm mưu với Heo Snowball để phá hoại cối xay gió và rồi giao nạp nông trại cho con người. Sau khi thú tội, bốn con heo nhỏ đã bị các con chó cắn cổ chết. Điều này cũng xẩy ra với ba con gà mái, một con ngỗng v.v... Các vụ thú tội tăng dần, đồng thời cũng chất cao đống xác thú vật. Sau các lần hành quyết này, các con vật khác đều khiếp đảm, rón rén lủi đi.

Cũng có vài con vật còn nhớ rằng những vụ tàn sát này vi phạm Giáo Điều Thứ Sáu, nhưng khi tới vựa lúa, chúng đã thấy ghi trên đó câu: “Không con vật nào được phép giết một con vật khác mà không có lý do”. Rồi tiếp theo, nhiều con vật đã bị hành quyết vì âm mưu ám hại Heo Napoleon. Kể từ nay, con heo “lãnh tụ” này luôn luôn có bầy chó hung dữ bao quanh, lại được truy tặng nhiều danh dự, chẳng hạn một bài thơ ca ngợi tài năng của Heo Napoleon được viết trên vách tường của vựa lúa. 

Lòng tham lam quyền lực đã khiến cho Heo Napoleon trở nên một nhà độc tài, nó cùng với các con heo khác dọn vào trong nhà của nông trại, nơi này chúng bắt đầu ngủ trên giường. Heo Squealer nói rằng điều này tuyệt đối cần thiết. Như vậy việc làm này có đi ngược với Giáo Điều Thứ Bốn không? Khi các con vật kiểm soát lại các Giáo Điều đã được viết rõ bằng sơn, thì thấy ghi rằng: “Không con vật nào được phép ngủ trên giường có trải khăn”.

Việc xây dựng cối xay gió cần tới nhiều vật liệu, nên thực phẩm phải bán đi. Các con vật đều nhận lượng đồ ăn bị cắt giảm, trong khi các con heo lại mập hơn. Vào tháng 8, cối xay gió được hoàn thành và Heo Napoleon đã bán cho ông Frederick một đống gỗ nhưng ông này đã trả lại bằng một đống tiền giả. Sau đó ông Frederick và các người thuộc phe của ông ta đã tấn công “Trại Súc Vật”, đặt chất nổ phá cối xay gió. Sau trận đánh ác liệt, các con vật đã đẩy lui được các kẻ xâm lăng dù cho một số bị chết, hầu hết bị thương. Các con heo đã ăn mừng chiến thắng bằng một bữa tiệc rượu. Do nhiều con heo nghiện rượu, Giáo Điều Thứ  Năm được sửa là “Không một con vật nào được uống rượu tới quá độ”.

Thời gian vẫn trôi dần qua, khẩu phần dành cho các con vật bị bớt đi ngoại trừ phần ăn của loài heo và loài chó bởi vì hai loài này cần “bồi dưỡng” nhiều hơn. Ngoài cối xay gió, Trại Súc Vật cần phải xây dựng một trường học để dạy dỗ lớp heo trẻ. Con ngựa Boxer to lớn vẫn làm việc không than mệt, dù cho nó mỗi ngày một già hơn. Nó muốn xây xong một dãy nhà trước khi nghỉ hưu.
Một hôm khi đang kéo một xe chở nặng, ngựa Boxer ngã quỵ xuống. Heo Squealer công bố rằng đồng chí Napoleon đang dàn xếp đặc biệt để ngựa Boxer được điều trị trong một bệnh viện thú y gần đó. Nhưng khi chiếc xe tải tới nông trại để chở con bệnh đi, thì anh bạn lừa Benjamin đã đọc được dòng chữ viết bên cạnh xe: người ta mang Boxer tới lò sát sinh! Rồi chiếc xe tải khuất bóng nơi xa. Tới lúc này, không còn cách cứu vãn anh ngựa Boxer! 

Ba ngày sau, Heo Squealer cho vẽ một bức tranh mô tả anh ngựa Boxer qua đời một cách yên lành trong bệnh viện! Tất cả con vật khác đều tin tưởng điều này. Để đề cao danh dự của Ngựa Boxer, các con heo tổ chức yến tiệc, chúng ca hát với giọng khàn khàn suốt đêm bởi vì nhờ một món tiền nào đó, loài heo đã mua thêm được một thùng rượu uýt-ki.

Các năm trôi qua. Trại Súc Vật được mở mang rộng thêm do Heo Napoleon đã mua được hai cánh đồng lân cận của ông Pilkington. Các con vật đã xây thêm được vài tòa nhà, lắp thêm máy móc nhưng chúng vẫn phải làm việc rất cực nhọc, vẫn thiếu ăn hơn trước do số chó và số heo gia tăng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì nông trại là sở hữu của hai loài súc vật này.

Một hôm, Heo Squealer lùa các con cừu qua một khu riêng trong một tuần lễ, lúc trở về các con vật này nhìn thấy những cảnh vừa ngạc nhiên, vừa đáng sợ: một con heo đi thẳng người bằng hai chân sau! Vâng, đây chính là Heo Squealer, rồi các con heo khác cũng đi đứng theo cách quý phái này. Cuối cùng Heo Napoleon xuất hiện, đi qua đi lại bằng hai chân sau, bên hông còn đeo một cây roi. Các con vật muốn lên tiếng phản đối, nhưng tất cả loài cừu đều kêu be be câu nói: “Bốn chân Tốt, Hai chân Tốt Hơn”.
Sau đó tất cả loài heo xếp hàng đi vô trong nhà. Như vậy khi đi bằng hai chân, các con heo đã học tập các thói quen của loài người áp chế! Thấy vậy, con ngựa cái Clover bèn nhờ chú lừa Benjamin đọc lại các Giáo Điều, thì trên tường vựa lúa chỉ còn một câu tuyên ngôn: “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng vài con vật lại bình đẳng hơn các con khác” (All animals are equal, but some animals are more equal than others). Cũng từ nay, cách gọi lẫn nhau bằng “đồng chí” (comrades) bị loại bỏ, giống như nhiều năm về trước, bài ca “Các Thú Vật của Nước Anh” đã bị cấm hát. Bảng hiệu của nông trại được viết giống như trước: “Nông Trại Manor”.
Từ nay, các con heo đều mang roi bên mình, chúng mua máy truyền thanh, mặc quần áo giống như ông Jones. Chúng cũng tiếp đón các chủ trại láng giềng. Vào một đêm tối, tiếng ồn ào và tiếng nhạc bay ra từ căn nhà của nông trại. Mặc dù sợ hãi, các con vật khác cũng tò mò, lại gần cửa sổ và nhìn thấy bên trong cảnh trí nhiều người và nhiều heo ngồi chung quanh cái bàn rộng, cùng nhau đọc diễn văn và uống rượu. Khi một chủ trại chúc mừng sự thành công của Trại Súc Vật thì Heo Napoleon đáp lời, hứa sẽ tăng cường các liên lạc thương mại với các nông trại láng giềng. Về khuya, bữa ăn nhậu này kéo dài thành một đám cãi lộn. Ngó nhìn qua cửa sổ, các con vật bên ngoài không thể phân biệt nổi ai là heo, ai là người.

3/ Cuộc đời của Nhà Văn George Orwell.
George Orwell tên thật là Eric Blair, chào đời năm 1903 tại Bengal, nước Ấn Độ. Cha của Eric là nhân viên người Anh phục vụ tại Ấn Độ khi quốc gia này là một phần của Đế Quốc Anh. Vài năm sau khi Eric ra đời, người cha hồi hưu và trở về sống tại nước Anh, vì vậy Eric thuộc giới trung lưu cấp thấp. Vào tuổi lên 8, Eric được gửi đi sống nội trú để chuẩn bị thi vào Trường Eton, dù cho phí tổn ăn ở rất cao, bằng một phần tư lợi tức của gia đình. Sau đó, Eric nhận được học bổng để theo học ngôi trường danh tiếng Eton này. Đây là nơi dành cho con em các gia đình giàu có, tại nơi đây tiền bạc, họ hàng danh giá, tài nghệ thể thao, y phục thời trang... là các thước đo của con người cao sang trong khi Eric lại là kẻ nghèo nhất trong thứ xã hội trưởng giả này. Trong thời kỳ từ tuổi lên 8 tới 18, Eric đã gặp nhiều cảnh bất bình đẳng và áp chế trong trường học và cũng tại nơi này, Eric làm quen với các ý tưởng xã hội và cấp tiến, đặc biệt trong thời gian sau Thế Chiến Thứ Nhất.
Sau khi tốt nghiệp từ Trường Eton với hạng gần chót, do không thể xin học bổng theo học Đại Học Oxford nên chàng thanh niên Eric theo bước chân của cha, đậu kỳ thi công chức của Đế Quốc Anh (the Empire’s Civil Service Examination), qua xứ Miến Điện (Burma) phục vụ trong ngành cảnh sát đế quốc.
Cũng tại xứ thuộc địa này mà Eric đã trực tiếp quan sát nhiều cảnh áp chế và bất công, nhận ra sự xa cách và căm thù giữa các tầng lớp xã hội. Vào năm 1937, Eric từ chức rồi trở về sống tại thành phố Paris, nơi đây ông làm nghề dạy học, và có khi phải đi rửa chén trong khách sạn. Mặc dù công việc cực nhọc, Eric không muốn trở về nước Anh sinh sống bằng sự trợ giúp của họ hàng, bởi vì ông cho rằng các năm nghèo khó này là cách trừng phạt giai cấp đàn áp mà ông là một thành viên. Eric bắt đầu cầm bút, viết ra các truyện ngắn và tiểu thuyết nhưng các sáng tác ban đầu đều bị các nhà xuất bản từ chối.

Năm 1933 Eric Blair cho in cuốn “Đi xuống và đi ra tại Paris và London” (Down and Out in Paris and London) và để tránh cho gia đình khỏi bị mang tiếng, Eric đã dùng bút hiệu: George Orwell. George là một tên phổ thông của người Anh, Orwell là giòng sông mà tác giả yêu mến. Năm sau, George Orwell phát hành cuốn tiểu thuyết “Các Ngày tại Miến Điện” (Burmese Days), rồi cuốn truyện “Con Gái của Tu Sĩ” (Clergyman’s Daughter) xuất bản vào năm 1935, nói về các kinh nghiệm dạy học.

Qua năm 1936, George Orwell được một nhà xuất bản gửi tới một vùng mỏ than của nước Anh để tìm hiểu đời sống của người dân. Cảnh lao động cực khổ trong hầm mỏ tối tăm, ngày này qua tháng khác của dân thợ mỏ, vừa thiếu ăn, vừa thiếu việc làm, đã khiến cho George Orwell viết ra cuốn truyện mô tả nhiều kinh nghiệm đầu tay: “Con Đường tới Bến Wigan” (The Road to Wigan Pier). Kể từ nay George Orwell là một nhà văn “thiên xã hội” (Pro-Socialist), nhưng thường chỉ trích cay đắng các nhà xã hội người Anh bởi vì ông muốn nói lên “sự thật không đẹp”. 

Vào thời kỳ này đang phát triển các chế độ phát xít và độc tài: nước Ý có Mussolini nắm chính quyền, nước Đức nằm trong tay Hitler. Tại Tây Ban Nha, một chính phủ xã hội mới ra đời, hứa hẹn cải tổ ruộng đất, cải cách bầu cử và phân cách nhà thờ với chính quyền. Năm 1937, do lòng mong muốn đấu tranh vì công bằng xã hội, George Orwell tình nguyện tham gia vào Nhóm Cộng Hòa trong cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha chống lại phe đối nghịch của Tướng Franco được Đức Quốc Xã yểm trợ. Các kinh nghiệm thực tế trong cuộc nội chiến này rất quan trong đối với nhà văn.
Tại Barcelona, George Orwell đã tìm thấy một bầu không khí vui vẻ, tương kính giữa các “đồng chí”, mọi người đối xử với nhau một cách công bằng. Ông tin tưởng vào sự thành công của chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, các chiến hữu đấu tranh cho dân chủ, cho tự do, đã bị các thành phần Cộng Sản áp đảo, bắt giam, đem ra bắn bỏ. Các người Cộng Sản không đồng ý với quan điểm của nhóm dân quân mà George Orwell tham gia. Những người sau này bị nghi ngờ phản bội con đường Cộng Sản. Rất may, George Orwell không bị các người Cộng Sản bắt giam mà bị thương ngoài mặt trận rồi được trở về nước Anh để điều trị.
Khi trở lại nước Anh, George Orwell đã tường thuật những điều mắt thấy tai nghe, nhưng không ai tin. Ông đã nhận thấy các lý tưởng xã hội bị đàn áp không phải do cánh Hữu, mà do chính cánh Tả của các người Cộng Sản, đồng thời ông cũng nhận ra sự bất lực của cánh Tả không Cộng Sản, họ không chấp nhận sự thật.
Năm 1939, George Orwell cho xuất bản cuốn tiểu thuyết “Lên Cao” (Come Up for Air) và đây là tác phẩm đầu tiên mang lại lợi tức. Cuộc chiến tranh thế giới mà tác giả tiên đoán trong tác phẩm này đang dần dần diễn ra. Geoge Orwell lại tình nguyện tham gia quân đội Anh nhưng bị từ chối vì lý do không đủ sức khỏe. Sau đó, ông làm việc cho Đài Phát Thanh BBC.

Sau khi thôi việc từ đài phát thanh, George Orwell khởi công viết cuốn truyện “Trại Súc Vật” (The Animal Farm) vào tháng 11 năm 1943. Ông muốn phơi bày sự bí ẩn của chế độ Xô Viết. Vào thời kỳ này Liên Xô và Anh Quốc là đồng minh chống lại Quốc Xã Đức. Nhiều người không muốn lắng nghe những điều xấu xa của Liên Xô. Bốn nhà xuất bản đã từ chối in và phát hành tác phẩm “Trại Súc Vật”. Năm 1946 xuất hiện tác phẩm danh tiếng nhất của George Orwell: “1984” (Nineteen Eighty-Four), trong đó ông mô tả một xã hội tương lai gần.
George Orwell qua đời tại thành phố London vào đầu năm 1950 do sức khỏe suy giảm. Ngoài các tiểu thuyết, hai tuyển tập sau cùng của ông là “Bắn Voi, và các bài khảo luận khác” (Shooting an Elephant, and Other Essays, 1950), và “Các Niềm Vui như thế” (Such, Such Were the Joys, 1953).

4/ Vài nhận xét về cuốn truyện “Trại Súc Vật”.
Vào giữa thế kỷ 19, Karl Marx cũng như vài nhà tư tưởng xã hội, đã tố cáo các bất công trong xã hội tư bản công nghiệp. Marx cho rằng Lịch Sử của Thế Giới là Lịch Sử của các cuộc đấu tranh giữa các giai cấp, giữa kẻ bị trị và kẻ thống trị. Marx mong muốn chấm dứt cảnh “người bóc lột người” và ước mơ thiết lập một xã hội “không giai cấp” trong đó mọi người đều bình đẳng. Cũng theo ý kiến của Marx, muốn thực hiện lý tưởng tốt đẹp này, cần tới một cuộc nổi dậy của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư bản nhờ vậy công nhân sẽ làm chủ các tư liệu sản xuất như cơ xưởng, máy móc v.v..  Lenin đã dùng tư tưởng của Marx, coi Đảng Cộng Sản là giới lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh.

Tại nước Nga vào năm 1917 đã xẩy ra cuộc cách mạng chống lại chế độ phong kiến của Sa Hoàng. Chính quyền Kerensky ban đầu mang tính cách dân chủ tư sản, đã bị Lenin lật đổ bằng Cuộc Cách Mạng Tháng 10 với tính cách xã hội cấp tiến. Tiếp theo là 4 năm nội chiến đẫm máu trong đó Hồng Quân do Leon Trotsky chỉ huy, đã đánh bại các đạo quân Bạch Vệ trung thành với Sa Hoàng và cộng tác với các đạo quân ngoại quốc.
Sau khi Lenin qua đời vào năm 1924, đã diễn ra cuộc tranh giành quyền lực giữa Trotsky và Stalin. Qua năm sau, nhờ các hành động tàn bạo hơn, Stalin thắng thế và Trotsky bị loại ra khỏi Đảng Cộng Sản rồi bị ám sát chết vào năm 1940. Trong thập niên 1930, Stalin trở thành nhà độc tài, đã dùng Công An, Mật Vụ làm công cụ khủng bố, thi hành các vụ bắt giam tập thể và vô số vụ hành quyết để loại trừ mọi kẻ tình nghi không theo đúng đường lối Stalin-nít. Nạn nhân của chế độ độc tài chuyên chế này gồm hàng trăm ngàn đảng viên Bolshevik trung thành và hàng triệu người dân Nga vô tội.

Chủ đích của George Orwell khi viết ra cuốn truyện “Trại Súc Vật” là để mô tả thành quả của Cuộc Cách Mạng Cộng Sản năm 1917, đã tạo nên một chính quyền độc tài hơn, đàn áp hơn, tàn sát hơn. Nông trại Manor là hình ảnh của nước Nga thời kỳ trước năm 1917 với các nhân vật tương đương như sau:
  • Ông Jones tượng trưng cho Sa Hoàng Nicholas II (1868-1918), Hoàng Đế cuối cùng của nước Nga, một người nhu nhược, không chấp nhận cải cách. Dưới thời Sa Hoàng này, hàng triệu người dân bị đói khổ, đàn áp, giống như các súc vật trong nông trại Manor.
  • Heo Old Major là nhà tiên tri của cuộc Cách Mạng Súc Vật, là con heo đã gieo vào trong đầu óc các con vật khác tư tưởng “nổi dậy”. Đây là hình ảnh của Karl Marx, người mơ mộng về một cuộc cách mạng toàn cầu, về một xã hội không giai cấp. Con heo già này còn là hình ảnh của Lenin (1870-1924), một con người không nhân nhượng, đã làm thay đổi nước Nga thành Liên Xô, một quốc gia tổ chức theo lý tưởng Cộng Sản.
  • Một trong các đồng chí của Lenin là Trotsky (1879-1940), lãnh tụ của Hồng Quân. Hình ảnh của Trotsky là Heo Snowball với chương trình xây dụng cối xay gió, sự kiện này tượng trưng cho tư tưởng của Trotsky muốn biến đổi lý thuyết Marx thành hiện thực. Snowball là con heo khéo léo, nhiều sáng kiến nhưng thiếu khả năng âm mưu, tranh giành quyền lực. Các thất bại trong Trại Súc Vật đều bị đổ lỗi cho Heo Snowball, là kẻ vắng mặt, là “dê tế thần”.
  • Heo Napoleon là nhân vật chính trong truyện. Có lẽ tác giả dùng tên riêng này để chỉ Hoàng Đế Napoleon của nước Pháp, một nhà độc tài nắm quyền thống trị sau cuộc cách mạng vì “tự do, bình đẳng và tình huynh đệ”. Heo Napoleon trong truyện còn tiêu biểu cho Joseph Stalin (1879-1953), một con người không quan tâm tới thảo luận và tư tưởng, chỉ tập trung vào hành động, vào việc giành lấy quyền lực qua các vụ khủng bố và thanh trừng. Heo Napoleon đã dùng các con chó hung dữ khi thi hành các vụ tàn sát giống như Stalin sử dụng cơ quan mật vụ KGB để loại trừ các đối thủ rồi trở nên một nhà độc tài nhiều quyền uy. Các con chó hung dữ này còn là hình ảnh của giới Công An, Mật Vụ của chế độ Cộng Sản.
  • Heo Squealer là phát ngôn viên của Heo Napoleon, tượng trưng cho loại bộ trưởng tuyên truyền, giống như Dr. Goebbels trong chính quyền Quốc Xã Đức. Heo Squealer luôn luôn đe dọa các con vật trong nông trại về sự trở lại của ông chủ Jones. Nó che giấu sự thật, đã viết lại các Giáo Điều, dùng nhiều mỹ từ trong luận điệu, làm nhiệm vụ mô tả các hành động tốt đẹp của lãnh tụ sao cho có lợi nhất trong công tác tuyên truyền.
  • Ngựa Boxer tượng trưng cho giới lao động Nga, làm việc cực nhọc mà không được hưởng thụ các thành quả. Con ngựa ngu dốt này tin tưởng một cách mù quáng vào tài lãnh đạo của lãnh tụ, chấp nhận rằng mọi điều Heo Napoleon nói ra đều là chân lý.
Khi viết ra cuốn truyện “Trại Súc Vật”, Geoge Orwell là nhà văn hoàn toàn không tin tưởng vào các đảng phái thuộc cả phe Tả lẫn phe Hữu. Đường lối xã hội cấp tiến của ông có tính cách cá nhân hơn chính trị, ông biện hộ các quyền lợi của cá nhân chống lại các đòi hỏi của các tổ chức, ông tấn công các chế độ chuyên chế tồn tại trong Đế Quốc Anh tại Ấn Độ và Miến Điện, trong nền độc tài Phát Xít tại Tây Ban Nha, trong chế độ Cộng Sản Xô Viết của Liên Xô và cả sự tàn nhẫn, không tôn trọng cá nhân trong các bệnh viện công của nước Pháp.
Tài năng của George Orwell thể hiện trong cách tạo ra các hoàn cảnh vừa linh động, vừa gây tai tiếng, tác giả đã dùng hành động của những con vật để chỉ trích, mỉa mai các tật xấu và hành động độc ác của con người, phê phán mọi loại tổ chức mà kết quả thử nghiệm thường dẫn tới các loại quản lý chuyên chế, tới cách lường gạt tàn bạo và tệ hại hơn trước.
  
Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: 

1. George Orwell
2. Animal Farm
3. Joseph Stalin (1879 - 1953) Con Người Thép Của Liên Xô
4. Encarta Encyclopedia
5. Britannica Encyclopedia
6. The Book of Great Books by W. John Campbell, 2000MetroBooks, N.Y., 1997