Một cặp trai gái Việt du lịch ở Mỹ, đi thăm nhiều nơi. Một bữa đang ngồi uống cà phê trong một khu mua sắm nổi tiếng ở New York, trao đổi với nhau những nhận xét về nước Mỹ thì bất ngờ một người Mỹ ngồi bàn bên cạnh lên tiếng bằng tiếng Việt thật chuẩn:
“Chào mừng hai bạn đến thăm nước Mỹ!”
Cặp trai gái người Việt hơi bất ngờ, nhưng cùng đáp lại:
“Chào ông!…”
Người đàn ông Mỹ cười, nói tiếp:
“Tôi có thể ngồi chung bàn trò chuyện với hai bạn được không?”
Cặp trai gái Việt có vẻ lúng túng nhưng rồi gật đầu:
“Ok. Ông nói tiếng Việt giỏi quá!”
Người đàn ông Mỹ bưng tách cà phê của mình sang kéo ghế ngồi xuống xong cười đáp:
“Cảm ơn hai bạn. Trước năm 75 tôi có ở miền Nam VN khoảng 10 năm.. Tôi yêu đất nước và con người ở đó nên đã bỏ công ra học tiếng Việt! Cũng may là tôi không đến nỗi dốt lắm nên dù tiếng Việt rất khó cũng học nói được chút chút…“
Người đàn ông Mỹ nói xong cười lớn rất thoải mái. Còn cặp trai gái Việt thì có vẻ bẽn lẽn, chắc lo lắng không biết mình đã có nói gì không tốt trước đó. Người đàn ông Mỹ gợi chuyện:
“Hai bạn thấy nước Mỹ thế nào?”
Anh trai Việt đáp:
“Dĩ nhiên là giàu có rồi.”
Người đàn ông Mỹ quay sang nhìn cô gái:
“Còn cô?”
Cô gái Việt ngập ngừng:
“Tôi cũng thấy nước Mỹ thật là giàu!”
Người đàn ông Mỹ cười lớn rồi hỏi tiếp:
“So với nước bạn thì thế nào?”
Cô gái Việt nhanh nhẩu đáp:
“Dĩ nhiên đất nước chúng tôi không giàu bằng Mỹ vì mới thoát ra khỏi chiến tranh. Chúng tôi đang phấn đấu để tiến lên. Và trên thực tế thì đất nước tôi cũng đã tiến bộ vượt bực. Thành phố, khu đô thị được xây dựng nguy nga; đường sá được mở rộng; nhiều khu nghỉ dưỡng, ăn chơi; nhiều người có xe hơi nhà lầu. Ở Việt Nam bây giờ không thiếu thứ gì cả…"
Cô gái vừa nói vừa quơ quơ cái điện thoại iphone x cố ý cho người đàn ông Mỹ nhìn thấy.
Người đàn ông Mỹ khen:
“Cái điện thoại của bạn… hiện đại thật! Mà công nhận hai bạn giàu thật. Trên người hai bạn toàn hàng hiệu. Chuyện đó cũng không có gì lạ. Theo tôi biết thì nhiều quốc gia trên thế giới cùng với ngân hàng thế giới, mấy chục năm nay, vừa cho không, vừa cho vay nhẹ lãi cho VN mấy trăm tỷ đô la ; ngoài ra còn cộng đồng người Việt ở Mỷ mỗi năm gởi về trên dưới chục tỷ đô la, và liên tục mấy chục năm như vậy rồi. Với số tiền khổng lồ đó, nếu phần lớn không chạy vào túi các lãnh đạo của quí vị thì chắc đủ để mua cho mỗi gia đình ở Việt Nam một chiếc xe hơi…”
Người đàn ông Mỹ ngừng lại nhìn hai người VN thăm dò, rồi tiếp:
“Nhưng thôi, bằng cách nào mà đất nước quí bạn “giàu có” lên thì cũng không nên “moi móc” ra làm chi, đúng không?; miễn sự “giàu sang” đó đã làm cho các bạn hãnh diện là được rồi, đúng vậy không?…”
Người đàn ông Mỹ ngừng lại chờ đợi vì thấy anh thanh niên Việt mấp máy môi như định nói gì đó. Nhưng chờ một lúc không thấy gì nên người đàn ông Mỹ nói tiếp:
“Tiếng Việt thật thâm thuý.. Cái chữ human being của chúng tôi thì tiếng Việt gọi là “con người”. Tức là trong cái “con người” có hai phần. Một phần “con” và một phần “người”. Một đất nước văn minh tốt đẹp, một thể chế văn minh tốt đẹp là một đất nước, một thể chế trong đó con người được phát triển cân bằng, đầy đủ về cả hai phần: phần “con” và phần “người”. Đất nước của các bạn hiện nay chỉ mới có phát triển phần “con”, dù vẫn còn nhan nhản rất nhiều người nghèo đói, nhưng có vẻ như các bạn đã cảm thẩy đầy đủ rồi, thoả mãn rồi và một người dân như bạn tự thấy mình đã văn minh tiến bộ ngang ngang với thế giới rồi… Chính vì cái suy nghĩ thiển cận đó mà khi các bạn đi du lịch sang nước tôi, các bạn chỉ trầm trồ sự giàu sang, sung túc, tức là các bạn chỉ thấy cái phần “con”….”
Người đàn ông Mỹ nhìn thấy rõ vẻ ngượng ngùng trên khuôn mặt hai người bạn Việt, mỉm cười tiếp:
“Vì tôi thích VN nên thích kết bạn với người Việt. Tôi có mấy người bạn là Người Việt tỵ nạn cọng sản ở đây. Các bạn ấy cho tôi xem nhiều comments của người Việt trong nước trên các trang mạng facebook. Người Việt trong nước bảo rằng họ không cần nhân quyền, không cần đa nguyên đa đảng; họ bảo mỗi ngày họ được ăn nhậu phủ phê; họ nói mỗi sớm mai thức dậy họ thấy mặt trời vẫn mọc trên quê hương… v.v… . Ha ha… thoả mãn được cái phần “con” là họ thấy thoả mãn rồi, thấy hạnh phúc rồi… Hai bạn có thấy như vậy không?”
Nói xong người đàn ông Mỹ đứng dậy đưa tay bắt tay hai người Việt Nam, cười cười nói:
“Tôi có việc không ngồi được lâu hơn. Chúc hai bạn một chuyến du lịch thật vui vẻ và học hỏi được nhiều điều mới mẻ. Hy vọng khi các bạn về nước sẽ không quên nói cho bạn bè của bạn trong nước hiểu về cái phần “người” của nước Mỹ, chứ không phải chỉ riêng cái phần “con”…”
Ngô Du Trung