(VNF) – Từng là một cường quốc kinh tế của Nam Mỹ với lượng dự trữ dầu khí lớn, thế nhưng giờ đây Venezuela lại là quốc gia nợ nần nhiều nhất thế giới do mô hình kinh tế nhà nước kém hiệu quả và nạn tham nhũng nghiêm trọng kéo dài. Người dân Venezuela chìm vào nghèo đói, cướp bóc và bệnh tật triền miên.
Từng là một quốc gia phồn thịnh nhất Nam Mỹ
Venezuela sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú như kim cương, bauxite, vàng, nickel, khí đốt và đặc biệt là dầu mỏ. Đất nước này là thành viên của OPEC và là quốc gia từng có thế lực xếp trên nước Nga về ảnh hưởng dầu khí trên thị trường giao dịch Commodities.
Những năm sau Thế chiến thứ 2, khi mà các cường quốc đang vật lộn để hồi phục, thì Venezuela đã là đất nước giàu có thứ tư trên thế giới tính theo GDP đầu người (cao gấp đôi Chile, gấp bốn lần Nhật Bản và mười hai lần so với Trung Quốc).
Từ năm 1950 đến đầu những năm 1980, nền kinh tế nước này phát triển ổn định. Thậm chí cho tới 1982, Venezuela vẫn là một trong những nước giàu có nhất khu vực Mỹ Latin . Trong giai đoạn 1960-1980, GDP bình quân đầu người của Venezuela đã tăng 82%.
Venezuela sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú.
Chính phủ tận dụng nguồn dầu mỏ dường như vô tận nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân. Giao thông, giáo dục, chăm sóc y tế được chú trọng. Công nhân ở Venezuela được trả lương cao hàng đầu trong khu vực.
Năm 1999, nền chính trị Venezuela chuyển hướng sang đường lối dân túy, với chiến thắng bầu cử của cựu sĩ quan quân đội Hugo Chavez. Tổng thống Chavez đã cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Mỹ và quay sang ủng hộ Trung Quốc và Nga, cả hai nước này cho Venezuela vay hàng tỷ USD. Chavez giữ chức tổng thống cho đến khi qua đời vào năm 2013 và ngày nay ông vẫn được coi là anh hùng của những người nghèo khổ.
Những chính sách lỗi thời và sản lượng dầu mỏ sụt giảm nghiêm trọng
Chính phủ của Chavez đã chi tiêu quá đà cho phúc lợi xã hội và đã áp giá cố định cho mọi thứ. Chavez cũng tuyên bố đất nông nghiệp là tài sản của nhà nước, dẫn tới việc ngành nông nghiệp rơi vào tình trạng rối loạn khi nhiều nông dân không còn muốn đầu tư vào mảnh đất của mình. Trong giai đoạn 2006-2016, sản lượng bắp ngô tại Venezuela giảm 50%, còn sản lượng thịt bò giảm 32%.
Điều này khiến cho Venezuela phụ thuộc vào việc bán dầu ra nước ngoài để mua thực phẩm. 80% lượng thực phẩm được tiêu thụ tại Venezuela ngày nay là đến từ nhập khẩu.
Quá đói, người dân buộc phải bới rác để tìm thức ăn.
Trước khi chết, Chavez chọn Maduro làm người kế vị và Maduro đã giữ nguyên các chính sách của ông Chavez. Chính quyền Maduro cũng đã ngừng đưa ra bất kỳ số liệu thống kê đáng tin cậy nào, bao gồm cả tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Đồng thời chính quyền này cũng để mặc cho tình trạng hối lộ tràn lan trong các dự án hạ tầng, trong khi số nợ công thì gia tăng chóng mặt.
Kết quả gần 20 năm cầm quyền, Hugo Chavez, sau này là Nicolas Maduro, đã để lại di sản là một đất nước Venezuela yếu ớt, què quặt trong tình trạng hỗn loạn, tham nhũng, cướp bóc, bạo lực, lực lượng lao động ỷ lại, luôn trong tâm thế thù địch với phần còn lại của thế giới.
Sau cuộc khủng hoảng giá dầu năm 2014, Venezuela đã gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ nần lâu hơn so với dự đoán của các nhà đầu tư.
Nước Nam Mỹ này đã sản xuất 2,072 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2017 so với 2,373 triệu thùng/ngày năm 2016, giảm gần 300.000 thùng/ngày. Đây là mức sụt giảm lớn nhất trong số các thành viên OPEC đã cam kết hạn chế sản lượng kể từ đầu năm 2017 đến hết năm 2018.
Động vật nuôi cũng gầy trơ xương vì bị bỏ đói lâu ngày.
Chỉ trong tháng 12/2017, sản lượng của Venezuela sụt giảm 216.000 thùng/ngày so với tháng 11, xuống còn 1,621 triệu thùng, giảm 29% so với mức tháng 12/2016.
Thiếu đầu tư, trì hoãn thanh toán cho các nhà cung cấp, các lệnh trừng phạt của Mỹ và chảy máu chất xám đã gây thiệt hại cho ngành dầu mỏ Venezuela. Sản xuất giảm đã làm giảm xuất khẩu dầu mỏ và lọc dầu, tạo ra sự khan hiếm nhiên liệu trong nước và tại một số đồng minh chính của họ như Cuba.
Hiện tổng cộng Venezuela cần phải thanh toán các khoản nợ và lãi vay lên đến 150 tỷ USD và đây sẽ là một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử. Năm 2012, Hy Lạp đã từng vỡ nợ và phải tái cơ cấu các khoản tín dụng trị giá hơn 200 tỷ Euro.
Nhiều trẻ sơ sinh qua đời vì suy dinh dưỡng.
Venezuela hiện là quốc gia nợ nần nhiều nhất thế giới bởi không có quốc gia nào có khoản nợ lớn hơn cả GDP, hơn cả kim ngạch xuất nhập khẩu.
Việc Venezuela không còn đủ khả năng giữ sản lượng như trước là do thiếu các nguyên liệu đầu vào như điện năng, nhân công… Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở đây là nước này sẽ tiếp tục thiếu tiền trả nợ, qua đó tạo nên một vòng tuần hoàn.
Chìm trong đói kém, bệnh tật và cướp bóc
Sự sụt giảm sản lượng có thể làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái và gia tăng nhanh lạm phát mà những người nghèo Venezuela đã phải nhịn đói hoặc ăn rác. Những hình ảnh người dân phải bới rác, ăn trộm trái cây hay giành giật nhau thực phẩm đang lan tràn trên mạng xã hội cũng như truyền thông.
Trong khi đó, số liệu của tổ chức OVV cho thấy khoảng 28.479 người Venezuela đã thiệt mạng năm 2016 và số vụ tử vong nhiều nhất là ở chính thủ đô Caracas. Nếu so sánh vởi tổng dân số, tỷ lệ tử vong của Venezuela vào khoảng 91,8 trên mỗi 100.000 người, mức cực kỳ cao trên thế giới.
Rất nhiều bệnh nhân đang phải sử dụng thuốc quá hạn để điều trị.
Báo cáo của HRW Americas cho thấy năm 2017, khoảng 124 người biểu tình đã thiệt mạng và 2.000 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát.
Ngoài ra, tình trạng đốt cướp siêu thị, trấn lột cũng diễn ra tràn lan trên đất nước. Ông Zuley Urdaneta đến từ Merida cho biết đã chứng khiến một vụ cướp xe tải trên đường quốc lộ và một vụ cướp khác với sự tham gia của 800 người dân tại trung tâm thực phẩm gần đó. Cảnh sát đã phải kiểm soát tình hình bằng cách phân phát nốt số thực phẩm còn lại.
Mới đây, một nhóm người đói ăn chỉ mất 30 phút để cướp sạch một cửa hàng tạp hóa ở Puerto Ordaz, thành phố phía đông Venezuela. Khi đó, chủ tiệm Luis Felipe Anatael bất lực nhìn đám người quét sạch mọi thứ trong cửa hàng mới mở 5 tháng trước, lấy đi từ chai nước sốt cà chua cho tới két đựng tiền, theo Guardian.
Cảnh tượng hoang tàn của một siêu thị sau khi bị người dân tràn vào cướp phá.
Giận dữ vì siêu thị không có hàng và giá cả tăng vọt, một số người đã đột nhập vào nhà kho, lục soát xe tải chở thực phẩm, thậm chí tới các nông trại xa xôi tìm đồ ăn. Trên đảo Margarita, hàng chục người đã xuống biển, lên tàu cá cướp cá mòi.
Nhưng người Venezuela vẫn đói ăn và buộc phải hành động để sống sót. Ở thành phố phía tây Maracaibo, người dân đã tràn ra đường chặn xe tải chở đầy bột mỳ, bánh kẹo và cướp sạch.
“Chúng tôi buộc phải cướp, nếu không sẽ chết đói”, Maryoli Corniele, một trong những người tham gia vụ cướp, giải thích với báo địa phương.
Người dân tranh giành đồ ăn trước cửa một chiếc xe tải viện trợ.
Nhà sáng lập Lorena Surga của Angeles Invisibles chuyên cung cấp thuốc cho 3 bệnh viện lớn tại Venezuela cho biết việc thiếu thuốc tránh thai đang làm gia tăng tỷ lệ sinh đẻ tại đây, trong khi bao cao su đắt đỏ lại khiến dịch bệnh lây qua đường tình dục tăng cao.
Thậm chí, rất nhiều bệnh nhân đang phải sử dụng thuốc quá hạn để điều trị do không còn đủ thuốc men cung cấp..