Dân Nga vừa bầu Poutine (
Putin ) thêm 6 năm nữa. Sau 18 năm cầm vận mệnh nước Nga, nếu tính cả 4
năm làm Thủ tướng để lươn lẹo với hiến pháp . Sau Tập Cận Bình, Erdogan,
những hoàng đế trọn đời, thế giới có thêm một ông vua toàn quyền.
Putin đắc cử vẻ vang với 76% phiếu
bầu, với 3000 vụ gian lận. Thế hệ Internet, smartphone, người ta chứng
kiến trực tiếp những chuyện nhét phiếu vào thùng.
Số phiếu bầu nhiều nhất từ 8 tới 9
giờ, trong phòng phiếu chỉ có nhân viên kiểm phiếu ; trời lạnh, cử tri
còn ngủ, hay còn trên đường mò tới phòng phiếu, rất gian nan ở những
vùng quê
PUTIN FOR EVER
Sự thực, Putin khỏi cần gian lận, khỏi
cần tranh cử cũng vẫn đắc cử. Các hãng thăm dò cho hay một nửa dân Nga
muốn Putin tiếp tục. Tỷ lệ phiếu bàu cho Putin sẽ cao hơn nhiều, vì số
tham dự 67% , và những người chịu khó đội tuyết đi bàu hơn cả là fans
của Putin.
Tại sao dân Nga bầu cho Putin, mặc dù
kinh tế của Nga đang lúng túng, đời sống dân Nga khó khăn? Ra khỏi
Moscow giầu có, Saint Péterbourg huy hoàng (địa danh viết theo chữ Pháp
), Nga là một nước nghèo, bất công chồng chất, tham nhũng lộng hành
trong mọi tầng lớp
Tạm nêu vài lý do:
1. Không
có đối lập. Những người đối lập nặng ký hoặc nằm tù, hoặc bị ám sát,
hoặc lánh nạn ở ngoại quốc, hoặc bị cấm tranh cử vì những lý do lăng
nhăng. Bẩy ứng cử viên tranh cử với Putin chỉ để làm cảnh. Putin không
thèm tranh cử, tranh luận.
2. Media
hoàn toàn trong tay nhóm cầm quyền, suốt ngày suốt đêm ca tụng, đã tạo
một huyền thoại người hùng , coi Putin là người duy nhất có thể bảo toàn
lãnh thổ Nga, uy danh Nga, nhất là sau vụ Nga xâm chiếm Crimée.
Ngay
cả chuyện hai bố con cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở London, cũng được
chính quyền và media tay sai rêu rao là một âm mưu của cả thế giới, nhằm
ngăn chặn dân tộc Nga vùng lên, dưới sự lãnh đạo của Superman Putin.
Thay vì gây khó khăn, vụ đầu độc còn khiến nhiều người Nga ủng hộ Putin
hơn nữa.
3. Dân
Nga muốn ổn định, sau nhiều năm xáo trộn sau khi Nga Xô Viết sụp đổ.
Người Nga còn trong đầu những kinh hoàng thời Staline, những năm xáo
trộn, đất nước như một con tàu điên dưới thời ông quốc trưởng nghiện
rượu Eltsine.
4. Người
Nga nghĩ Putin đã mang lại thịnh vượng cho nước Nga. Sự thực, cả kinh
tế Nga xây dựng trên dầu lửa, dầu khí. Putin may mắn lên cầm quyền đúng
lúc dầu lửa lên giá, dollars đổ vào như nước. Chính quyền Nga không có
một chính sách kinh tế gì lâu dài, maffia chia chác nhau và dùng tiền
của quốc gia để củng cố quyền lực.
Nga không có kỹ nghệ gì đáng kể, không sản xuất gì ngoài dầu khí, dầu lửa, súng đạn, võ khí
Khác
với Ấn và Tàu, Nga không có một kế hoạch kinh tế gì lâu dài. Chỉ những
cam kết mơ hồ sẽ đóng vai chủ chốt trên thế giới. Khó ai biết nước Nga
sẽ đi về đâu.
Tổng
sản lượng ( PIB ) của Nga chỉ bằng Tây Ban Nha ( Espagne ). Ngân sách
Nga dồn vào quân sự quốc phòng, bỏ quên giáo dục, y tế, xã hội. Mặc dù
trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, Tây Ban Nha đã xây
dựng những hạ tầng cơ sở như xa lộ, nhà thương, trường học, trong khi ở
Nga, những cơ sở hạ tầng đó vừa hiếm, vừa trong tình trạng thê thảm của
một nước chậm tiến .
5. Dân
Nga so sánh đời sống thời Putin với thời Cộng Sản, thấy đỡ khổ, đỡ
thiếu thốn hơn trước. Không nghĩ rằng làm bệ rạc hơn kinh tế Cộng Sản là
chuyện rất khó. Không thể đói hơn thời Staline, không thể khổ hơn thời
Eltsine, khi tất cả guồng máy quốc gia tê liệt.
Cũng
như ở Việt Nam, có người nói đời sống ở VN bây giờ thoải mái hơn nhiều,
so với thời đói khát trước 75 ở miền Bắc, thời ăn bo bo ở miền Nam
những năm sau 1975.
Không
nghĩ rằng nhóm cầm quyền đã bán thổ bán tháo tài nguyên quốc gia, xuất
cảng lao động kiếm tiền, chưa nói tới hàng tỷ dollars của người Việt hải
ngoại gởi về. Ngân khoản khổng lồ đó rơi vào túi nhóm cầm quyền và tay
chân, ngày nay gọi là các “đại gia”. Dân chúng chỉ được hưởng những hạt
gạo rớt dưới sàng.
Eltsine
và các đại gia, nghĩa là mafia đỏ, đã chia nhau những cơ sở quốc doanh
béo bở. Khi Eltsine tư hữu hóa kinh tế, nhiều người trong phe đảng chỉ
việc ký tên mua một cơ sở bằng tiền lèo (tiền ngân hàng hứa cho vay),
băng qua đường, có thể bán lại với giá gấp 100 lần giá mua. Có người nói
kỷ lục là …700 lần giá mua.
Putin
kín đáo hơn, không khoe của, nhưng không ít tham nhũng hơn. Medvedev,
người ra làm tổng thống làm vì, dính dáng tới nhiều vụ tai tiếng về kinh
tài. Chung quanh Putin là cả một tập đoàn cựu KGB, ngày nay trở thành
mafia đỏ
6. Sau
gần một thế kỷ tẩy não, dân trí Nga còn thấp. Ý niệm dân chủ còn mơ hồ.
Ước vọng dân chủ hầu như không có, trừ ở một thiểu số, bị cô lập, đàn
áp. Đa số vẫn nghĩ một nhóm người nắm toàn quyền, toàn tài sản đất nước
là chuyện thường tình, ở đâu cũng vậy, thời nào cũng thế. Giống y chang
như tâm não nhiều người VN.
7. Nhiều người Nga ủng hộ Putin vì thấy chung quanh ông ta là sa mạc, không có ai có đủ khả năng , bản lãnh.
Putin
dồn mọi nỗ lực vào quân sự và ngoại giao. Nhờ sự táo bạo hiếm có, khả
năng chiến thuật cao, và cũng nhờ sự rụt rè, chia rẽ của Tây Phương,
Putin đã thắng ở Crimée, gây rối loạn ở Ukraine, gây khó khăn cho Tây
Phương ở Trung Đông và từ đó, chứng tỏ cho dân Nga thấy ông ta đón lãnh
tụ của một cường quốc.
Sự
thực, khả năng quân sự của Nga chỉ ngang với một nước trung bình. Nga
có khả năng phá hoại hay đe dọa lớn nhờ hai yếu tố : 1. Có bom nguyên tử
2. Là thành viên của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, có quyền và luôn
luôn, cùng với Tàu, sử dụng quyền phủ quyết để gây khó dễ cho các nước
Tây Phương.
Nga,
ngoài vấn đề kinh tế, còn một vấn đề cực kỳ nan giải: dân số. Mỗi năm
dân số Nga giảm hàng trăm ngàn người, có năm gần một triệu, vì y tế lạc
hậu, nạn rượu chè trầm trọng, nhất là trong giới trẻ. Trên một lãnh thổ
mông mênh, lớn nhất thế giới (17 triệu km2!), dân số Nga không tới 150
triệu người.
Dân số ít, khả năng chuyên nghiệp thấp, y tế lạc hậu, giáo dục lỗi thời, giấc mơ cường quốc của Nga còn xa vời.
Khó khăn về kinh tế, xã hội, Putin dung chiêu bài quốc gia cực đoan làm lá bùa hộ mệnh.
Phải công bằng mà
nói : Putin ngày nay tận dụng chính sách đương đầu với Tây Phương, để
củng cố quyền lực, cũng vì thái độ của Tây Phương.
Khi mới lên cầm
quyền, Putin đã tìm cách xích lại với Otan, với Liên Hiệp Âu Châu. Hoa
kỳ không muốn một Âu Châu quá mạnh. Các nước Âu Châu nhìn Nga với con
mắt e ngại, nếu không nói là lo sợ đối với Nga, nhất là các quốc gia
Đông Âu đã từng bị Nga Xô Viết xâm chiếm, cai trị.
Putin
ngồi lì trên ngai, Tập Cận Bình, Erdogan trở thành hoàng đế trọn đời.
Thực tế nham nhở đã cải chính lý thuyết “ la fin de l’histoire ‘’ ( the
end of history ) nổi tiếng của Francis Fukuyama . Fukuyama nói lịch sử
đã chấm dứt, không thay đổi nữa, vì thế giới sẽ đi dần dần tới chế độ
dân chủ.
Từ Thức (Paris, tháng 3/2018 )