Wednesday, 6 June 2018

Đã Đến Lúc Phải Thành Lập Một Lực Lượng Đặc Nhiệm Hàng Hải ở Thái Bình Dương

Sự bành trướng quân sự cùng với tham vọng kinh tế và chính trị của Trung Cộng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã đòi hỏi sự lãnh đạo và tham dự lâu dài của Hoa Kỳ trong khu vực này. Thế nhưng để tránh những xung đột không cần thiết, chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia trong vùng phải tìm một phương thức hợp tác mới phỏng theo mô hình của Hải Quân Thường Trực ở Đại Tây Dương (Standing Naval Forces Atlantic) mà NATO đã thành lập trong thập niên 1970 và 1980, và gọi là Lực Lượng Đặc Nhiệm Hàng Hải Kết Hợp ở Thái Bình Dương. Lực lượng này là kết hợp của các hoạt động riêng lẻ của Hoa Kỳ và các quốc gia liên hệ trong vùng. Sự thành lập một Lực Lượng Đặc Nhiệm sẽ thúc đẩy các quốc gia trong vùng phải đồng lòng hợp tác với Hoa Kỳ và góp phần để kết hợp thành một khối hoạt động của các đơn vị hải quân trong toàn khu vực hầu bảo đảm cho một môi trường hàng hải tự do và rộng mở trong vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương. Mời quý vị đọc bài bình luận của Eric Sayers qua phần lược dịch của Lâm Viên để nhận thức một đề nghị quan trọng và hợp lý hầu giải quyết tình trạng bất an trong vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương trong hiện tại và tương lai.


Trên đường tới tham dự hội nghị "Cuộc Đối Thoại Shangri-la - Shangri-la Dialogue" trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã lập lại các điểm then chốt quen thuộc để thảo luận về phương thức Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “các cuộc tập trận hải quân” và các hoạt động hàng hải tự do (freedom of navigation operations - FONOP) trên Biển Đông. Nhưng trong khi Hoa Kỳ tiếp tục các hoạt động trên không và dưới biển ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép trên biển Thái Bình Dương, Trung Cộng (TC) vẫn tiếp tục nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở Biển Đông và thi hành các phương pháp mới để đàn áp các nước láng giềng trong vùng. Hoa Kỳ cần những ý tưởng mới để tạo ra cân bằng khu vực chống lại hành vi của Trung Cộng, đồng thời ngăn chặn các hành động trong tương lai, như củng cố quyền kiểm soát tại các hòn đảo vẫn còn đang có sự tranh chấp chủ quyền với các quốc gia trong vùng.

Một ý tưởng mà Eric Sayers đã nêu ra trong các bài bình luận trước đây là việc thành lập một Lực Lượng Đặc Nhiệm Hàng Hải Kết Hợp ở Thái Bình Dương (Combined Maritime Task Force Pacific) dựa theo mô hình của Hải Quân Thường Trực ở Đại Tây Dương (Standing Naval Forces Atlantic) mà NATO đã thành lập trong thập niên 1970 và 1980. Đây là một phương pháp bình thường của Hải Quân Hoa Kỳ, và các quốc gia có đồng quan điểm, hoạt động độc lập khắp nơi và thỉnh thoảng kết hợp để tập trận. Sự bành trướng của TC trên biển đã đòi hỏi sự tiếp tục tham gia của Hoa Kỳ với những phương pháp mới. Thành lập một Lực Lượng Đặc Nhiệm Hàng Hải Kết Hợp ở Thái Bình Dương sẽ thúc đẩy các quốc gia trong vùng phải đồng lòng hợp tác với Hoa Kỳ và góp phần vào các hoạt động của hải quân trong toàn khu vực để cam kết cho một môi trường hàng hải tự do và rộng mở trong vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Lực Lượng Hải Quân Thường Trực Đại Tây Dương được thành lập năm 1968 là đơn vị hải quân đa quốc gia đầu tiên hoạt động trong thời bình. Nó bao gồm 6-10 chiến hạm (khu trục hạm, tuần dương hạm, hộ tống hạm và tàu yểm trợ) cùng với một phi đội chiến đấu luân phiên trong nhiệm kỳ sáu tháng. Canada, Đức, Hòa Lan, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ là năm quốc gia đóng góp thường trực cho lực lượng này, cùng với các quốc gia châu Âu khác thường đóng góp lực lượng với các chiến hạm của họ. Sự chỉ huy được luân chuyển giữa các quốc gia đóng góp và báo cáo lại cho Tư Lệnh Đồng Minh Tối Cao Đại Tây Dương ở Virginia. Lực lượng này đã chứng minh khả năng của NATO để mang lại sức mạnh hải quân đa phương đáng kể trong khoảng thời gian và địa điểm được lựa chọn để hoạt động. Sự quan trọng và đáng chú ý ở đây là tính cách thường trực và đồng nhất của lực lượng đã cho phép các đơn vị hải quân của các quốc gia cùng nhau đóng góp để tạo dựng một khả năng hợp tác và tương trợ trong thời bình. Thay vì tiến hành các cuộc tập trận liên tục trong năm, Lực Lượng Hải Quân Thường Trực Đại Tây Dương đã giúp cho liên minh các quốc gia  có được một công cụ để bảo đảm sự liên kết ngày càng tăng của các đơn vị hải quân và mong muốn làm việc cùng nhau.

Chiến tranh Lạnh của châu Âu không giống như tình trạng ngày hôm nay của châu Á, cũng như không cần đến NATO để hướng dẫn tổ chức hợp tác tại Thái Bình Dương ngày nay. Tuy nhiên, các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực vẫn còn nghi ngờ về sự có mặt lâu dài của Hoa Kỳ và tiếp tục kêu gọi đến sự cần thiết cho sự lãnh đạo có khuynh hướng sáng tạo và bền vững của Hoa Kỳ trong khu vực. Về mặt quân sự, khái niệm Hải Quân Thường Trực Đại Tây Dương đưa một lộ trình lịch sử về cách khuyến khích các đối tác cùng quan điểm phải đối mặt với những thách thức chung để đóng góp nhiều hơn cho an ninh khu vực. Một tương đồng hiện nay cho châu Á, mà Eric Sayers đề nghị gọi là Lực Lượng Đặc Nhiệm Hàng Hải Kết Hợp Thái Bình Dương, có thể giúp mở rộng việc hợp tác của các đơn vị hải quân trong khu vực từ các cuộc tập trận liên tục thành một nỗ lực lâu dài hơn để bảo vệ môi trường hàng hải Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng mở và tự do. Để làm được điều này, lực lượng đặc nhiệm có thể hoạt động liên tục với 4–6 chiến hạm của các quốc gia có cùng quan điểm. Hoa Kỳ nên sử dụng các cuộc họp sắp tới “2+2” với Nhật Bản và Australia để đàm phán và hoàn thiện để trở nên thành viên sáng lập của lực lượng đặc nhiệm mới này. Ấn Độ, các đối tác châu Âu như Anh và Pháp, và các đối tác Đông Nam Á khác như Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Singapore cũng có thể được mời tham gia.

Nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm sẽ rất nhiều: thực hiện các cuộc thăm viếng các hải cảng khắp Nam Á (South Asia), Châu Đại Dương (Oceania) và Đông Bắc Á (Northeast Asia), thực hiện các cuộc tập trận, tham gia các cuộc tập đa phương hiện có và ứng phó với thiên tai cũng như các trường hợp khẩn cấp khác, trong sự tin cậy về khả năng hợp tác và tương trợ. Trong một tháng, lực lượng đặc nhiệm có thể thực hiện các cuộc thăm viếng hải cảng trên khắp Nam Thái Bình Dương; tiếp theo họ có thể tham gia một cuộc tập trận hàng hải cao cấp ở Ấn Độ Dương. Sau đó, lực lượng có thể được chuyển hướng để giúp đáp ứng với một cơn bão ở Đông Nam Á, sau đó có thể đi đến Manila Harbour và tổ chức một bữa ăn tối cho các các viên chức của ASEAN trên tàu, trước khi các thành viên của lực lượng cùng nhau đến Hawaii tham gia RIMPAC 2020. Trong khi các hoạt động này vẫn được thực hiện thường xuyên bởi các đơn vị hải quân một cách biệt lập, việc kết hợp họ thành một lực lượng hàng hải liên tục trong khu vực sẽ là một cách thức mới để Hoa Kỳ thể hiện vai trò lãnh đạo trong khu vực. Đồng thời, nó sẽ thách thức những người đang đòi hỏi nhiều hơn từ Hoa Kỳ phải bước ra khỏi vùng thoải mái (comfort zone) của mình và đóng góp nhiều hơn cho an ninh khu vực của họ.

Các nhà phê bình sẽ cho rằng Hải Quân Hoa Kỳ đã phải trải quá rộng ở thời điểm này để đưa ra một đề nghị quá xa vời, ngoài sức hoạt động. Các sự kiện của năm ngoái chắc chắn sẽ xác nhận những mối quan ngại đó. Nhưng tai nạn làm thiệt hại nhân mạng của Hải Quân Hoa Kỳ không thể được xem là một lý do để mơ ước nhỏ hơn. Nếu chính phủ của tổng thống Trump thực sự nghiêm chỉnh về các mục tiêu lớn được đặt ra trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, thì họ có thể phân bổ nhân lực và nguồn lực để bổ sung cho việc xây dựng ý tưởng về lực lượng đặc nhiệm. Các tàu chiến Littoral mà Hoa Kỳ đang có kế hoạch điều động đến Singapore có thể là hạt nhân, khởi sự cho việc đóng góp hải quân của Hoa Kỳ, cùng với lực lượng của Hạm Đội 7 đang có mặt ở Nhật Bản và Hawaii sẵn sàng tham dự nếu tình hình trở nên cần thiết.

Trung Cộng cũng chắc chắn sẽ phàn nàn rằng sự hình thành của lực lượng mới này là để ngăn chặn họ. Bắc Kinh vẫn có thói quen phàn nàn về bất kỳ hoạt động quân sự trong khu vực mà họ không cảm thấy hài lòng, nhất là với một chiến thuật có thể đem đến những nỗ lực hợp tác mới, của các quốc gia trong vùng, đáng sợ hơn cho họ. Cần lưu ý rằng những hành động hung hăng của Trung Cộng là lý do đã tạo ra những sự hợp tác như thế này nhiều hơn so với cách đây chỉ một thập kỷ trước.

Tuy nhiên, các thành viên tương lai của lực lượng đặc nhiệm có thể sẽ ngần ngại tham gia vì nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách áp lực và phá hoại các quốc gia có ý định tham gia lực lượng đặc nhiệm này. Để tránh sự việc như trên, các kế hoạch phải được nghiên cứu thật cẩn thận.

  1. Thứ nhất, lực lượng đặc nhiệm có thể bền bỉ và có tác động hơn nếu ý tưởng bắt nguồn từ Tokyo (Nhật) hoặc Canberra (Úc). 
  2. Thứ hai, để tránh nhận thức rằng đây sẽ là một liên minh chống Trung Cộng, các nước thành viên nên nhấn mạnh rằng lực lượng đặc nhiệm được hình thành xung quanh một tuyên bố về các nguyên tắc mà họ sẽ cam kết duy trì, từ tự do hàng không và hàng hải, đến việcc bảo vệ môi trường sinh thái biển, cũng như đồng ý rằng mọi tranh chấp trong vùng nên được giải quyết một cách hòa bình. 
  3. Thứ ba, lực lượng đặc nhiệm ban đầu nên được đưa ra như một cơ chế để thực thi các biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên hoặc tập trung vào các hoạt động ở mức độ thấp. Tương tự như sự kết hợp để đáp ứng với tai họa sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 đã thúc đẩy sự xuất hiện của bốn quốc gia (tứ cường - quad) Mỹ - Nhật - Úc - Ấn Độ, lực lượng đặc nhiệm nên tập trung vào một vấn đề cụ thể ngay từ đầu để kết quả cho phép nó được phát triển thành một khái niệm khu vực trưởng thành hơn. 
  4. Cuối cùng, để bảo đảm lực lượng đặc nhiệm này được xem như một đơn vị hợp tác hơn là chiến đấu, việc chỉ huy và kiểm soát có thể được điều hành bởi một vị Tư lệnh, Kế Hoạch Tây Thái Bình Dương, tập trung nhiều hơn vào các hoạt động hợp tác hàng hải.
Sự hợp tác hàng hải ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã bắt đầu sau một thảm họa thiên nhiên và đã tiếp tục cho đến ngày nay. Khi khu vực phải đối mặt với những vấn đề cũ như thiên tai, những thách thức hiện tại như sự gia tăng của Bắc Triều Tiên và sự xâm lấn, tranh chấp ngày càng tăng của Trung Cộng đang xảy ra trong vùng biển của Ấn Độ-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ và các đối tác trong khu vực cũng như các đồng minh phải cùng nhau nghiên cứu các mô hình hoặc phương pháp mới cho việc hợp tác. Một lực lượng đặc nhiệm hàng hải kết hợp cho Thái Bình Dương chắc chắn sẽ đưa các thành viên tương lai, bao gồm cả Hoa Kỳ, ra khỏi vùng thoải mái bình thường của họ, nhưng nó sẽ cung cấp cho họ một số phương pháp để giải quyết những thách thức, những khó khăn trong hiện tại và tương lai không thể bỏ qua.

Lâm Viên
Lược dịch theo bài viết của Eric Sayers

Eric Sayers là thành viên phụ trách An Ninh Châu Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc tế - Center for Strategic and International Studies (CSIS). Trước đây, ông từng là Chuyên Viên của Ủy Ban Dịch Vụ Vũ Trang Thượng Viện (Senate Armed Services Committee) và là cố vấn cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nơi ông làm Phụ Tá Đặc Biệt cho vị Tư Lệnh.

Tham khảo:
TIME TO LAUNCH A COMBINED MARITIME TASK FORCE FOR THE PACIFIC
https://warontherocks.com/2018/06/time-to-launch-a-combined-maritime-task-force-for-the-pacific/