Wednesday, 6 June 2018

Bài thơ "Đánh thức con"- 24 giờ sau Facebook Nguyễn Trung Hiếu không còn nữa

Đánh Thức Con

Dậy đi con, Dậy ba dắt con đi
Đến Vân Đồn.  Đến Bắc Vân Phong , Phú Quốc. 
Nhanh lên con kẻo không còn kịp
Ngày hôm nay người ta bấm nút
Quyết định cho thuê đất của tổ quốc mình
Con tôi vẫn ngái ngủ trong giường
"Người ta thuê chứ có phải mua đâu cha
Thuê rồi trả lại! "

99 năm sau ơi con khờ dai
Lúc đó con và cha xanh cỏ mấy đời.
Nhanh lên con sắp tới giờ bấm nút rồi.
Có thể những đặc khu kia láng giềng người ta đến ở
Và cư dân nói chuyện bằng hoa ngữ
Cha con mình đến đấy có được ko?
Con tôi vẫn uể oải trong màn


"Đặc khu là gì cha?"

Là nơi mà người ta đến đầu tư nhận nhiều ưu đãi
Là nơi mà tiền mọc ra chúng ta chỉ thò tay là hái.
 Là chốn người ta cày để chia lãi cho mình.

Con tôi bật dậy thật nhanh
"Thật không cha. Có quốc gia nào mà ngu như rứa.
Mà làm ra tiền chia ta nhiều rứa ????"
"Sao người ta không làm đặc khu cho dân mình cha nhỉ??? "
Chỉ cho dân mình thuê thôi!???

Dậy đi con trời tảng sáng rồi.
Dậy để cha nói với con những điều cha suốt đêm cha không tài nào chợp mắt
Người ta dậy cha nền kinh tế việt nam nên bước lên bằng nội lực
Bằng mũi nhọn xoáy vào công nghiệp nặng con ơi
Bao nhiêu năm mà vẫn thế thôi
Ngành luyện kim ì ạch.
Bán dầu thô cho nước khác
Mua về xăng dầu đã lọc
Buồn ơi.

Dậy đi con.  Mở bản đồ tổ quốc ra cha nói con này
Tổ quốc mình một dải 
Bờ biển xanh xanh nối tiếp chân trời
Những quần đảo hoàng sa trường sa ở giữa biển khơi
Nước lạ ngang nhiên cướp của mình hơn phân nửa. 
Người ta ngang nhiên kéo giàn khoan thăm dò dầu khí
Người ta dùng tàu đánh đuổi ngư dân
Người ta xây cả đường băng 
Nếu Nối Trên bản đồ vào ba đặc khu 
Như hình chân vạc

Tim cha như có ai bóp nghẹt
Đi thôi con đến thăm những mảnh đất
99 năm cho thuê
Rất có thể
Thành chỗ di dân
Người nước ngoài đông hơn cả việt nam
"sao không là một trăm năm hả cha"
Một trăm là số có ba chữ số
Nghe thấy kinh rồi
99 thôi con ơi

Cái này cha sẽ chỉ cho con thấy ở chiêu bài định giá
Của những nhà marketing
Dậy mà xem những chuyện nực cười
ông giao dục nước mình vẫn luẩn quẩn trong vòng cải cách
Ông giao thông trưng tấm biển "thu giá" cho trạm bot
Ông giáo dục cũng chẳng vừa
Thay "học phí" bằng học giá liền sau
Cha một đời cúi cổ cày sâu
Con chữ cắn đôi chưa rành mà vẫn thấy gai con mắt
Mà thấy tim mình đau thắt
Người ta ngang nhiên nhân danh cho thế hệ hậu sinh mình.

Nguyễn Trung Hiếu


Mai Quốc Ấn
31-5-2018
alt Ảnh: internet

Đặc khu là khu vực đặc biệt. Những ai từng quan tâm phim Hongkong thập niên 90 sẽ thấy cách hành xử giữa chính quyền với người dân và giữa người dân với nhau khá đặc biệt.
“Nói gì phải có chứng cứ đó nha. Nếu không là tôi kiện anh/chị/ông/ bà tội vu khống đó!” Câu thoại Việt ngữ giọng nhừa nhựa này xuất hiện trong rất nhiều bộ phim. Người dân có thể nói với nhau như vậy và nói với đại diện chính quyền như vậy.
Hongkong là đặc khu từ tô giới mà Từ Hy Thái Hậu nhà Thanh đã cắt đất cho nước Anh để đổi lấy hòa bình vào 1897 và “đế quốc” Anh trả lại vào 1997. Vấn đề là cách hành xử Ăng-lê ngấm sâu nên người Hongkong đòi hỏi quyền tự trị và các nhân quyền khác mà chính quyền Trung Quốc muốn áp đặt. Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và phong trào “dù vàng” là điển hình cho khao khát tự do của Hongkong.
Có một đặc khu khác, ngay trong lòng Trung Hoa đại lục: Thâm Quyến. Đặc khu này hình thành từ câu nói của Đặng Tiểu Bình “Đừng tranh luận nữa. Hãy làm đi!”. Và có người đem dẫn chứng về số tiền 400 tỉ đô GDP mà đặc khu này mang lại để dẫn chứng về việc nên làm đặc khu. (Đây chỉ là góc nhìn cơ học không thuyết phục. Tôi sẽ viết về sự khác biệt các đặc khu trong bài khác.)
Tại Việt Nam, đặc khu kinh tế Vũng Tàu – Côn Đảo ra đời năm 1979 và giải thể năm 1991 cho thấy Việt Nam chưa đủ cơ sở để vận hành đặc khu. Chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế vẫn được đưa vào Hiến pháp năm 1992 nhưng đến 26 năm sau mới được ồn ào trở lại với việc nên làm 3 đặc khu Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn bằng cách giao đất 99 năm hay không?
99 năm là gần 10% của thời gian “nghìn năm Bắc Thuộc”. 99 năm cũng là lời đề nghị sở hữu đất nếu đầu tư vào đặc khu của Trung Quốc. Nghĩa là dòng tiền chủ đạo sẽ là nhân dân tệ. Đã có cảnh báo về “đặc quyền, đặc lợi” ở các đặc khu. Đã có phân tích về việc ưu đãi làm casino ở đặc khu là không đáng. Cũng có luôn nỗi lo “nhượng địa” (bao gồm địa kinh tế lẫn địa chính trị) nếu làm đặc khu.v.v..
Tôi là một phó thường dân ham đi đây đó và thấy rằng với nội lực Việt Nam thì chỉ cần nhà nước giảm tối đa sự can thiệp vào doanh nghiệp Việt, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện cho nhân tài thực sự phát triển thì không cần phải có đặc khu nào cả.
Vì so với cái được về tiền sử dụng đất và thuế đặc khu thì cái mất nếu đặc khu trở thành một “tô giới mang màu sắc Trung Quốc” sẽ nguy hại hơn nhiều. Nếu nhìn từ Formosa, đến cả ông Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường muốn vào kiểm tra phải thông báo thì nguy cơ người Việt không được tự do ở đặc khu Việt nam là có thật. Dòng người di cư (từ Trung Quốc) và hệ lụy “gieo giống” với hậu quả là các đứa trẻ hai quốc tịch Việt- Trung cũng là thứ cần cảnh báo.v.v..
Nhìn Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988, biên giới 1979 và nhìn Biển Đông nhiều năm nay mà không thấy dã tâm của “bạn vàng” thì hết sức khó hiểu. Ngư dân bị đưa khỏi bờ biển bởi du lịch và công nghiệp nặng có “dòng tiền Trung Quốc” đầu tư chủ đạo để gom đất chưa đủ nỗi lo hay sao mà còn giao thêm trọng địa cho kẻ chỉ muốn thôn tính mình?
Đặc khu có màu gì khi giao 99 năm thì cứ nhìn 20 năm (1407-1427), từ lúc kết thúc nhà Hậu Trần (và nhà Hồ ngắn ngủi) đến khi khởi nghĩa Lam Sơn của nhà Hậu Lê. 20 năm ấy là đỉnh cao của tủi nhục và đớn đau của Việt Nam dưới ách thống trị nhà Minh. Mọi quyền cơ bản của người dân đều bị tước đoạt không thương tiếc. Muốn có 1 ví dụ gần hơn, hãy tìm hiểu cách Chính quyền Trung Quốc ứng xử với Tây Tạng...
Đặc khu thành công mang màu sắc Việt Nam đến giờ vẫn chưa phải là suy nghĩ của các lãnh đạo? Hay màu đỏ của nhân dân tệ mới ánh lên “tin ở hoa hồng”? Tôi không biết đặc khu có màu gì nhưng với kinh nghiệm của hơn nghìn năm Bắc thuộc và nghìn năm chống xâm lăng mới thấy chỉ có màu máu đỏ mới rửa được căm hờn mất nước.
Lịch sử. Luôn có những chương nói về lòng ái quốc. Nhưng có những trang sử cũng chỉ dành riêng để nhắc tên bọn bán nước, kể cả bán nước bằng nút bấm biểu quyết. Và lịch sử của mai sau luôn bắt đầu từ hôm nay…