Đất nước Việt từ miền cực bắc là Ải Nam Quan đến vùng cực
nam Mũi Cà Mau là một dải giang sơn gấm vóc thanh tú của tổ tiên giòng giống Lạc
Hồng để lại cho con cháu. Mười tám đời Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ yên
bờ cõi từ hơn 4 ngàn năm trước. Bao phen giặc phương bắc xua quân xuống toan
thôn tính nước Đại Việt của chúng ta, thì bấy nhiêu phen sớm muộn gì chúng cũng
cam tâm thất bại nhục nhã. Hình ảnh lẫm liệt của Hai Bà Trưng thúc voi ra trận
đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi, trả xong thù nhà nợ nước, năm 40 sau công
nguyên còn đó. Bài thơ khẩu khí vang danh thiên cổ của danh tướng Lý Thường Kiệt
thế kỷ thứ 11: “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư” như vẫn còn vang vọng đâu đây. Ba trận
lừng lẫy chiến thắng quân Mông Cổ đời nhà Trần thế kỷ 13 và Hưng Đạo Đại Vương
Trần Quốc Tuấn với lời thề trên giòng sông của Ngài:” nếu ta không thắng quân
giặc, thề không trở về giòng sông này” vẫn còn ghi trong sử sách. Thế kỷ 18, Đại
Đế Quang Trung Nguyễn Huệ chuyển quân thần
tốc ra Bắc Hà để bất ngờ mùng 5 Tết đánh tan quân nhà Thanh, vào giải phóng
Thăng Long thành, khiến cho các tướng nhà Thanh không kịp mang đai chạy thục mạng
về đến bên Tầu còn hồn phi phách tán cũng còn đó.
Ngày nay, tinh thần bất khuất, anh dũng chống quân thù
phương bắc của người dân Việt đã thể hiện trong các cuộc biểu tình rầm rộ khắp nơi
từ Hà Nội đến Sàigòn, tại Phan Rí, Nha Trang, Bình Dương, Đà Nẵng, Cam Ranh,
Nghệ An, Hải Dương, Mỹ Tho, và trên khắp thế giới nơi nào có người Việt cư ngụ
đã đồng loạt nổi dậy vào ngày 10 tháng 6 vừa qua để chống lại việc đảng cộng sản
nhượng đất cho Tầu. Riêng tại Bình Thuận, theo thoibao.de, cuộc biểu tình vĩ đại
này đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, và lan rộng khắp nơi, từ biểu tình trên mạng
đến biểu tình trên đường phố. Cũng lần đầu tiên các đài phát thanh và truyền
hình báo chi ngoại quốc như Reuters,
BBC, VOA, RFI, RFA, v.v... đồng loạt đăng tin về biểu tình toàn quốc này của
người dân Việt.
Dù biết sẽ bị đàn áp, người dân vẫn xuống đường, đốt các xe của công an,
cán bộ nhà nước “hèn với giặc và ác với dân”. Và người dân đã bị trấn áp dã man
bởi các đòan xe chở công an, cảnh sát từ ngoài Hà Nội gửi vào Sàigòn, vào các tỉnh
miền Nam. Đây là chiến thuật mà nhóm lãnh đạo ở Ba Đình đã học được từ quan thầy
Tầu Cộng thực thi tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, khi các đoàn xe tăng được
điều động từ miền xa với các binh lính gốc người thiểu số để họ dễ dàng tàn sát
các sinh viên yêu nước biểu tình tay không tại Bắc Kinh. Điều nghịch lý là quan
chức địa phương tại tỉnh Bình Thuận dự định sẽ đưa ra tòa xét xử các người tổ
chức biểu tình chống nhượng đất cho Tầu ngày 10 tháng 6. Kẻ phạm tội đáng đưa
ra tòa xét xử chính là các tên lãnh đạo tại Hà Nội đã nhượng đất đai biển cả của
tổ tiên cho Tầu, đã bán nước cho Tầu, chứ không phải các người dân lương thiện
yêu nước.
Trong lịch sử bốn ngàn năm, chưa bao giờ người dân vì yêu
nước, vì chống lại bạo quyền, vì chống lại ngoại xâm, mà lại bị đàn áp và giết
hại như hiện này ở Việt Nam. Lý do đơn giản là cộng sản đang đàn áp dân lành để
làm vừa lòng đám lãnh đạo Bắc Kinh. Các nhóm Quyết Tử cho Tổ Quốc Trường Tồn đã
xuất hiện, người dân dù là ít học như làng chài Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, Tuy
Phong, tỉnh Bình Thuận đã mạnh mẽ lên tiếng tố cáo nhà nước cộng sản đã mở cửa
cho Tầu Cộng vào mở nhà máy nhiệt điện khai thác Titan làm ô nhiễm môi trường sống.
Địa phương vốn đã thiếu nước sạch trầm trọng, nay nhà máy của Tầu công khai
khai thác mạch nước ngầm cho các tiến trình chế tạo Titan của họ, rồi xả ra
sông ngòi các vòi nước vàng đục nguy hại đến tính mạng người dân nếu uống phải
nước thải này. Người dân Bình Thuận vốn đã quá cơ cực vì cuộc sống lầm than dưới
sự cai trị tàn ác của cộng sản trong nước, nay lại khốn khổ vì nhà máy Titan này
của Tầu. Bây giờ trước hành động toan tính bán nước, cho thuê ba vị trí chiến
lược ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, hàng vạn người đã đứng dậy biểu tình
chống lại cái ác của đám cầm quyền và chấp nhận cái chết. Trong kế hoạch đàn áp
người dân, điện và hệ thống mạng đã bị cắt để Bình Thuận không còn liên lạc được
với bên ngoài, hàng trăm người đã bị bắt, và máu đã đổ - máu của những người
dân trong nước và của người Việt hải ngoại trở
về như cậu sinh viên William Nguyễn từ Texas và Singapore, nhưng người
dân Bình Thuận cũng như trên toàn quốc nhất quyết không đầu hàng.
Từ Bình Thuận chiếu ra các tỉnh thành khác sẽ thấy nhan
nhản khắp nơi, không chỉ là Formosa, hay bùn than quặng bô-xít ở Tây Nguyên,
nhà máy Titan ở Bình Thuận, v.v..., mà đạo quân hàng trăm ngàn công nhân của Tầu
(chính thức và nhập cư lậu) tại các nhà máy phục vụ cho kỹ nghệ của Bắc Kinh đã
nhung nhúc trên đất Việt. Những Việt kiều về thăm quê hương cũng nhận thấy đi
đâu cũng thấy Tầu, và những khu vực dành riêng cho Tầu.
Thử nhìn qua đặc khu kinh tế Sihanoukville
bên Campuchia đã hoàn toàn thuộc Tầu, để thấy mai kia VN cũng không khác gì nếu
không chống lại âm mưu nhượng đất này. Đặc khu
kinh tế Sihanoukville của Campuchia được thành lập năm 2008 với diện tích
khoảng 11 km vuông. Trong số 121 công ty đầu tư vào đây, 104 là của Tầu Cộng.
30 sòng bạc đã được xây dựng và 70 sóng bạc nữa đang và sẽ được xây thêm.
Theo tạp chí
Sihanoukville, đặc khu kinh tế Sihanoukville là một trong những dự án trọng
điểm trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” do Trung Cộng đưa ra. Sau 10
năm, đặc khu kinh tế Sihanoukville đã như một thành phố Tầu với các tiệm ăn,
ngân hàng, công ty cho thuê nhà, các tiệm cầm đồ, các cửa hàng miễn thuế, các
siêu thị và khách sạn đều treo biển tiếng Tầu. Nhiều cửa hàng của người
Campuchia cũng treo biển tiếng Trung Hoa. Mặc dù thành phố này chỉ có 90.000
dân, nhưng trong 2 năm 2016 và 2017, số du khách Tầu tới đây đã tăng gấp đôi,
lên 120.000 người vào năm 2017.
Sòng
bạc Bao Du/ Đặc khu kinh tế Sihanoukville/ Campuchia với biển hiệu Trung Quốc