Tóm tắt bài viết
· Hướng tới hội nghị thượng đỉnh với ông Putin, Tổng thống Trump có một mục tiêu quan trọng là cải thiện mối quan hệ với Nga, sao cho có lợi nhất cho nước Mỹ.
· Nga là nước quá lớn và quá quan trọng đối với bất kỳ tổng thống Mỹ nào. Sẽ là lợi ích chung của 2 nước khi Mỹ và Nga không còn là kẻ thù của nhau nữa.
· Theo ông Harry, giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia, ông Trump nên ghi nhớ 5 sự thật quan trọng khi hướng tới hội nghị thượng đỉnh, trong đó nhấn mạnh Washington phải xem xét mối quan hệ Mỹ - Nga trong bối cảnh của một Trung Quốc trỗi dậy, một mối đe dọa thực sự đối với lợi ích quốc gia của Mỹ.
· Khi Trung Quốc và Mỹ quên đi hàng thập kỷ xung đột để đối phó với Liên bang Xô viết, một ngày nào đó người ta có thể thấy Moscow và Washington làm việc cùng nhau theo cách tương tự, để hạn chế những tham vọng của Bắc Kinh trong tương lai.
Hôm 16/7, tờ Fox News cho đăng bài viết của ông Harry J. Kazianis, cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Trump – Putin có thể cải thiện quan hệ Mỹ – Nga, qua đó kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.
Theo ông Harry, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia, khi hướng tới hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin tại Phần Lan hôm 16/7, Tổng thống Trump có một mục tiêu chính. Đó là cải thiện mối quan hệ với cường quốc hạt nhân đứng thứ hai trên thế giới, nhưng chỉ làm như vậy nếu nó có lợi cho nước Mỹ.
“Quan hệ tốt với Nga sẽ là một điều tốt, không phải là một điều xấu”, Tổng thống Trump cho biết trong tháng 4/2018, một quan điểm mà ông đã nhiều lần bày tỏ trước đây, kể từ những ngày ông còn là một ứng cử viên tổng thống.
Ông Trump hiểu rằng cải thiện quan hệ với Nga, và thay đổi hành vi của Nga, không phải là một nhiệm vụ dễ dàng gì. Nhưng ông tin rằng đó là điều đáng để thử.
Sự thật rõ ràng Nga là nước quá lớn và quá quan trọng đối với bất kỳ tổng thống Mỹ nào, để đơn giản từ chối quan hệ. Vì lý do đó, sẽ là lợi ích chung của 2 nước, khi Mỹ và Nga không còn là kẻ thù của nhau nữa.
Chắc chắn, lợi ích của Mỹ không bị chồng chéo, đủ để xem xét mối quan hệ đối tác rộng lớn hoặc liên minh. Nhưng, Mỹ có thể hợp tác với Nga trên một số lĩnh vực, ngay cả khi không thể tránh được đối lập với Nga.
Ông Harry cho rằng sự ngờ vực và hận thù cay đắng của nhiều người ở Moscow và Washington ngày hôm nay cần phải kết thúc với Chiến tranh Lạnh. Nhưng thật không may, điều đó đã không xảy ra. Nga và Mỹ hiện đang cố gắng khôi phục những mối quan hệ bị rạn vỡ nhất.
Ông Harry tự hỏi liệu tất cả những điều này có thể tránh được không?. Lịch sử cho thấy có thể có một giải pháp khác, đặc biệt là đối với Nga, nếu một câu hỏi cơ bản được trả lời một lần, và cho tất cả: Vị thế của Nga là gì trên thế giới?
Liệu Nga có thuộc về phương Tây, nhờ vào một nền tảng văn hóa và tôn giáo được chia sẻ, tham gia các tổ chức như Liên minh châu Âu hay thậm chí NATO?
Hay Nga khác thường đến mức là một nền văn minh tách biệt với phương Tây, nhờ có lãnh thổ rộng lớn nằm giữa châu Âu và châu Á? Điều đó có nghĩa là Nga và phương Tây sẽ luôn luôn bị ‘khóa cứng’ trong một cuộc đụng độ của nền văn minh?
Lớn lên vào đầu những năm 1990, ông Harry là một trong nhiều người Mỹ ủng hộ Nga tham gia các nước phương Tây, hy vọng sẽ thấy sự chấm dứt của hàng thập kỷ xung đột giữa Nga với Mỹ và các đồng minh, cũng như sự kết thúc thực sự của Chiến tranh Lạnh.
Điều này thậm chí có thể là những gì mà Tổng thống Trump cũng đề cập đến khi ông nói về việc muốn có một mối quan hệ tốt hơn với Moscow. Chắc chắn ông Trump nhớ đến một thời điểm mà tương lai có vẻ tươi sáng khi phương Tây và phương Đông không còn bị chia rẽ nữa, ông Harry nhận xét.
Nghe có vẻ ngu ngốc nếu ngày hôm nay hy vọng vào mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Nga. Nhưng lịch sử cho thấy rằng kẻ thù cay đắng nhất trong một thời gian ngắn có thể trở thành đồng minh. Bạn và kẻ thù có thể thay đổi theo năm tháng.
Nhìn lại Thế chiến II, chỉ một thời kỳ ngắn ngủi của lịch sử. Đức, Ý và Nhật Bản là những kẻ thù của Mỹ, trong khi Liên Xô là đồng minh của Mỹ.
Không ai biết chính xác số người chết trong cuộc chiến tranh khủng khiếp đó. Ước tính có hơn 60 triệu người đã bị mất mạng. Tuy nhiên, ngày nay, Đức, Ý và Nhật Bản là đồng minh của Mỹ, trong khi Nga lại là đối thủ của Mỹ.
Ngay bây giờ, nước Mỹ dường như đang định lặp lại một chu kỳ nguy hiểm của những căng thẳng Mỹ – Nga, gợi nhớ đến những ngày đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh.
Theo ông Harry, khi ông Trump làm việc để cải thiện quan hệ với Nga, một cách thận trọng, thực tế và cảnh giác cao, Tổng thống Trump nên ghi nhớ 5 sự thật quan trọng khi hướng tới hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Putin.
Thứ nhất, Chiến tranh Lạnh chưa bao giờ đã thực sự kết thúc – chỉ có một giai đoạn ngừng ngắn ngủi .
Một nước Nga ‘bất hảo’ dường như đã sẵn sàng đối đầu với phương Tây mọi lúc. Từ việc 2 lần xâm chiếm lãnh thổ cũ, đến việc xây dựng lại sức mạnh quân sự trong thập kỷ qua, tấn công những nền tảng dân chủ của Mỹ thông qua chiến tranh mạng, Moscow đã cho thấy rõ họ sẽ theo đuổi lợi ích của mình, với sự mãnh liệt to lớn. Nga không sợ thách thức Mỹ.
Thứ hai, sự tan rã của Liên Xô là sự kiện địa chính trị trong 50 năm qua.
Lá cờ Liên Xô đã ngừng bay trên điện Kremlin vào ngày Giáng sinh năm 1991. Đó là một món quà Giáng sinh lịch sử cho nước Mỹ, một chiến thắng cuối cùng của Mỹ và các nước đồng minh.
Nhưng sự tan rã vẫn để lại vị đắng nhất trên lưỡi người Nga. Hãy nghĩ xem hầu hết người Mỹ sẽ cảm thấy thế nào nếu nước Mỹ bị tan rã thành 15 quốc gia riêng biệt, giống như Liên Xô? Liệu điều này có thể là một cái gì đó mà không phải là một trải nghiệm đau khổ?
Một trong những đế chế hùng mạnh nhất mọi thời đại đã tan rã sau một đêm, khiến cho kinh tế của Nga bị phá vỡ và bị ‘đánh tơi tả’; một quốc gia trải qua một trong những vụ sụp đổ nhanh nhất trong lịch sử nhân loại.
Ông Harry cho rằng rất nhiều nhà lãnh đạo Nga, trong đó có ông Putin, đã cảm thấy đau nhói trong tim. Nhiệm vụ đòi lại sự vinh quang trong quá khứ rõ ràng nhìn thấy trong tâm trí ông Putin. Lịch sử cho thấy đó có thể là một điều thực sự rất nguy hiểm.
Thứ ba, bất kể đảng Dân chủ nói gì, Mỹ rõ ràng là ở vị trí chỉ huy trong bất kỳ cuộc đối đầu nào với Nga.
Nga đang ở trong tình trạng suy giảm tương đối, sẽ không dễ dàng dừng lại. Nền kinh tế Nga dễ bị tác động, không được kiểm soát do các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây, hoạch định kém, và ‘các đầu sỏ chính trị’ có xu hướng lấp đầy túi họ hơn là biến nước Nga thành cường quốc kinh tế.
Như Thượng nghị sỹ John McCain (bang Arizona) chỉ ra một vài năm trước đây rằng Nga là một ‘trạm xăng khổng lồ’ hơn bất cứ điều gì khác, không có thương hiệu toàn cầu hoặc các sản phẩm thực sự sáng tạo để bán hoặc trưng bày.
Với việc dân số suy giảm và những câu hỏi thực sự về việc ai sẽ là người thay thế ông Putin khi ông hết nhiệm kỳ, Nga rõ ràng là một quốc gia gặp khó khăn, không thể so sánh với một nước Mỹ hùng mạnh.
Thứ tư, mặc dù có một lịch sử quan hệ khó khăn với Mỹ, quay trở lại cuộc Cách mạng Nga năm 1917, vẫn có những lĩnh vực quan tâm chung của 2 nước để xây dựng.
Ví dụ, cả 2 quốc gia cần hợp tác để chấm dứt xung đột ở Syria và Ukraine, vốn là nguyên nhân của những căng thẳng gần đây trong quan hệ Mỹ – Nga.
Moscow và Washington cũng có lý do rõ ràng để gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (START), dự kiến sẽ hết hạn trong vài năm tới.
Cả 2 quốc gia cũng nên làm việc cùng nhau để thiết lập các quy tắc giải quyết và một bộ tiêu chuẩn rõ ràng trong không gian mạng. Cả hai bên đều không có bất kỳ lợi ích nào khi xung đột diễn ra trên Internet, bùng nổ thành một cuộc chiến tranh giữa các siêu cường hạt nhân.
Thứ năm, Washington phải xem xét mối quan hệ Mỹ – Nga trong bối cảnh của một Trung Quốc trỗi dậy, một mối đe dọa thực sự đối với lợi ích quốc gia của Mỹ trong nhiều thập kỷ tới.
Moscow và Bắc Kinh hiện có những quan hệ ‘thân thiết’. Nhưng về lâu dài, Nga chắc chắn quan ngại cho tương lai, khi Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, ngay ngưỡng cửa nhà mình.
Bởi vì Trung Quốc trở nên hùng mạnh và thịnh vượng hơn, Bắc Kinh đã tìm cách xóa bỏ trật tự sau Thế chiến 2 ở châu Á. Trung Quốc cảm thấy sự sắp xếp này đã lỗi thời bởi vì nó được tạo ra khi Trung Quốc còn yếu kém, không có tiếng nói trọng lượng, một giai đoạn bị ‘làm nhục’, nay phải được đền bù.
Bằng cách tuyên bố các phần của Biển Đông như “ao nhà” của mình, cố gắng chinh phục và giảm bớt dân chủ của Đài Loan, sử dụng sức mạnh quân sự kinh tế để chi phối châu Á, Bắc Kinh đang tìm cách biến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng lớn thành khu vực riêng chịu ảnh hưởng của họ.
Theo ông Harry, vào một thời điểm nào đó, Trung Quốc có thể chuyển sự chú ý sang những vùng đất gần như trống trải ở vùng Viễn Đông của Nga, một số trong đó là một phần của đế chế Trung Quốc trước đây. Với những vùng đất rộng lớn chứa đầy tài nguyên thiên nhiên gần như vô tận trên ngưỡng cửa của Bắc Kinh, Moscow sẽ khôn ngoan để cảnh giác, và cân nhắc mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Mỹ, như một chính sách ‘bảo hiểm’.
Khi Trung Quốc và Mỹ quên đi hàng thập kỷ xung đột để đối phó với Liên bang Xô viết, một ngày nào đó, người ta có thể thấy Moscow và Washington làm việc cùng nhau theo cách tương tự để hạn chế những tham vọng của Bắc Kinh trong tương lai.
Cuối cùng, không quan trọng kết quả hội nghị thượng đỉnh Trump – Putin hôm 16/7 diễn ra thế nào, tất cả người Mỹ cần phải ủng hộ Tổng thống Trump.
Tất cả người dân thế giới đều hưởng lợi khi có cuộc đối thoại giữa những đối thủ cay đắng nhất. Đặc biệt đây là những nước có hàng nghìn đầu đạn hạt nhân, có thể biến hành tinh của con người thành tro bụi nguyên tử.
“Chúng ta nên nhớ lại cách mà đảng Dân chủ đã cổ vũ như thế nào khi Tổng thống Obama tìm cách thiết lập lại quan hệ Mỹ – Nga. Ít nhất, họ cũng nên cho Tổng thống Trump không gian để xem điều gì là có thể. Nhưng mọi người biết họ sẽ không làm điều đó. Đấy đúng là một sự xấu hổ thực sự”, ông Harry nhận định.
Phạm Duy