Friday, 20 July 2018

Thử Thách Của NATO Là Đức - Không Phải Mỹ

Trong tuần qua, Tổng Thống Donald Trump đã sang 3 quốc gia tại Âu Châu. Trong chuyến đi này, ông Trump đã tạo ra nhiều tranh cãi, cả trên thế giới và tại nội địa Hoa Kỳ.
Chỉ nói riêng đến hội nghị tại Tổng Hành Dinh của NATO ở Brussels, Bỉ, ông Trump đã làm cả thế giới sửng sốt vì những công khai chỉ trích một thành viên quan trọng nhất của NATO tại Âu Châu là Đức.
Trước đây, đã rất nhiều lần ông Trump đã bày tỏ sự không hài lòng của Mỹ đối với Đức trong khối NATO. Tuy nhiên, nhưng những tuyên bố thẳng thừng nhắm vào Đức ngay tại Hội Nghị của NATO là một điều đã vượt khỏi mọi khuôn khổ ngoại giao thường thấy giữa các vị nguyên thủ quốc gia trong khối NATO.
Chúng tôi xin mời quý vị theo dõi phần phân tích và ý kiến của Victor Davis Hanson về sự căng thẳng giữa Mỹ và Đức trong tương quan giữa hai "đồng minh" trong NATO qua sư chuyển ngữ của Huỳnh Thạnh trong bài "Thử Thách Của NATO Là Đức - Không Phải Mỹ."



Vào ngày 11/7/18, Tổng Thống Trump đã đến Brussels, Bỉ, để dự hội nghị của NATO. Tại đây ông đã tạo ra những sóng gió về những tuyên bố có tính cách làm thay đổi chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Tại hội nghị, ông Trump đã công khai chỉ trích Đức trước sự hiện diện của ông Jens Stoltenberg, đương kim Tổng Thư Ký NATO.

Trước sự xung đột này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị phần chuyển ngữ bài NATO's challenge is Germany, not America (1) đăng trên Washingtontimes.com ngày 18/7/18. Tác giả bài báo là ông Victor Davis Hanson, nhà nghiên cứu ngành Cổ Điển (Classics = Hy Lạp cổ đại và tiếng La Tinh), nhà quân sử tại Hoover Institution at Stanford University, và là tác giả của quyển “The Second World Wars: How the First Global Conflict Was Fought and Won” (Basic Books, 2017).

Huỳnh Thạnh chuyển ngữ

 Khi Nga sẽ cung cấp hơn một nửa lượng khí đốt của Đức thay vì đe dọa phóng hỏa tiễn hạt nhân chiến thuật vào Bá Linh, thì quân đội Mỹ được xem là không còn quan trọng đối với an ninh của Đức nữa.

Trong cuộc họp thượng đỉnh NATO gần đây, một Donald Trump lỗ mãng (rumbustious) đã xé tung ra mảng vẩy mỏng manh để bộc lộ ra vết thương cũ kỹ và sâu thẳm của NATO - một vết thương đã có trước thời Tổng Thống Trump gần 30 năm và quay lui trở lại thời chấm dứt Chiến Tranh Lạnh.

Trong thời đại khi mà Liên Xô và Khối của Hiệp ước Warsaw hiện đang là lịch sử cổ xưa, mọi người vẫn ca ngợi NATO là “không thể bỏ đươc” và “thiết yếu” đối với sự đoàn kết của phương Tây và sự an ninh của Âu Châu. Nhưng ít ai cảm thấy có nhu cầu cần phải giải thích làm thế nào và tại sao điều đó vẫn có thể là như vậy.

Liệu NATO vẫn còn bảo vệ phương Tây? Liệu nó có ngăn cản được sự xung đột tàn hại (trong nội bộ) của Âu Châu không? Liệu nó có bảo đảm được trật tự toàn cầu thời hậu chiến về  tự do mậu dịch, thương mại, du lịch và truyền thông không? Và NATO - hay Hoa Kỳ và sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đối với NATO - mới là lý do thực sự để không có một cuộc Thế Chiến Thứ III hay là một sự trở lại của chủ nghĩa bộ lạc (tribalism) và hỗn loạn trên toàn cầu?  [Ghi chú về tribalism: ý nói chủ nghĩa đặt nặng vào bản sắc văn hóa hoặc sắc tộc, cultural or ethnic identity, của địa phương.]

Ở vào thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh, NATO bành trướng lên đến 29 quốc gia và tới bên biên giới của Nga. Điều đó có nghĩa là liên minh đã trở nên rộng lớn hơn vào đúng thời điểm mà mối đe dọa sinh tử từ Liên Xô cũ đã biến mất. Có thêm nhiều thành viên dễ đưa đến việc làm suy yếu đi các mối quan hệ chung, ngay cả khi những nguy hiểm chung đã biến mất.

Kết quả là việc trở thành thành viên của NATO sẽ là điều quan trọng hơn đối với các quốc gia hội viên so với thực tế và trách nhiệm đối với sự sẵn sàng thực sự về mặt quân sự.


Thành viên của NATO qua các thời kỳ - Nguồn: www.britannica.com
Có nhiều cuộc thăm dò cho thấy trong phần lớn các quốc gia của NATO, ý tưởng chiến đấu cho một quốc gia khác chỉ nhận được sự hỗ trợ ít oi của công chúng (scant public support). Quan điểm cho rằng người Hòa Lan sẽ tiến vào thủ đô Tallinn của Estonia để cứu quốc gia này thoát khỏi tay Nga chỉ là một trò đùa tàn nhẫn.

Vấn đề của NATO trong thế kỷ 21 không phải là Hoa Kỳ, quốc gia cung cấp số phần trăm lớn về cả nhân và vật lực cho khối phải là Đức. Là một quốc gia đông dân nhất và giàu có nhất Âu Châu, Đức vẫn ngấm ngầm thống trị Âu Châu như đã từng làm kể từ khi lập quốc vào năm 1871.

Bá Linh đã gửi ra các tối hậu thư đến các quốc gia mắc nợ tại Nam Âu. Bá Linh một mình cố gắng áp đặt (dictate) chính sách di dân lên cả Liên Minh Âu Châu. Bá Linh dựng lên các điều kiện khó khăn mà Vương quốc Anh phải đáp ứng thỏa đáng mới có thể rời bỏ Liên Minh Âu Châu. Và khi Bá Linh quyết định sẽ không nhả ra (pony up) 2% GDP đã hứa để đóng góp vào NATO, thì các quốc gia chậm lụt khác liền theo gương Đức. Chỉ có sáu trong số 29 thành viên NATO (ngoài Hoa Kỳ) cho đến nay đã đáp ứng đúng với các phần họ đã hứa.

Sự kết hợp của Đức về sự giàu có và sự keo kiệt (stinginess) ở mặt quân sự là điều không tưởng tượng được (surreal). Đức đã gồm thâu phần thặng dư mậu dịch lớn nhất thế giới lên đến khoảng 300 tỷ USD, trong đó có khoảng 64 tỷ USD là phần thặng dư mậu dịch đối với nhà tài trợ quân sự của họ là Hoa Kỳ, nhưng (dù dư tiền như vậy) Đức lại trang bị nghèo nàn về mặt xe tăng và chiến đấu cơ.

Ngoài mặt, NATO vẫn bảo vệ Âu Châu trước một nước Nga của Vladimir Putin, cũng giống như đã từng chặn giữ Hồng quân Liên Xô bên ngoài Tây Đức. Nhưng mặc kệ sự phản đối của các nước láng giềng Baltic và Ukraine, Đức vừa mới đạt được một thỏa thuận về đường ống dẫn khí đốt với Nga - vốn chính yếu là mối đe dọa mà từ đó cần đến sự bảo trợ của Mỹ về mặt an ninh.

Đáng lạ lùng hơn nữa là sự thù địch ngày càng gia tăng của Đức đối với Hoa Kỳ. Ở vào cuối thời của chính quyền Obama, 57% người Đức bày tỏ quan điểm tích cực về Mỹ trong cuộc thăm dò Pew. Con số đó giảm xuống 35% trong năm đầu tiên của chính quyền Trump. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy rằng người Đức xem ông Putin của Nga đáng tin cậy hơn so với Hoa Kỳ.

Tại sao Đức là thành viên bài Mỹ nhất trong các thành viên của NATO?

Đức đã khởi động và thua hai cuộc thế chiến - và đã bị đánh bại một phần do bởi sự tham dự lúc về sau của Hoa Kỳ. Sự thống nhất của Đức đã mang hàng triệu người Đông Đức vào Tây Đức, nhiều người trong số đó được nuôi dưỡng dưới một hệ thống cộng sản đã đổ lỗi cho Hoa Kỳ về những căn bệnh của thế giới.

Khi Nga sẽ cung cấp hơn một nửa lượng khí đốt của Đức thay vì đe dọa phóng hỏa tiễn hạt nhân chiến thuật vào Bá Linh, thì quân đội Mỹ được xem là không còn quan trọng đối với an ninh của Đức nữa.

Cộng tất cả những thực tế khác nhau này lại và cuộc khủng hoảng thực sự của NATO sẽ trở nên rõ ràng hơn. Thành viên giàu có nhất và trọng yếu nhất Âu Châu của liên minh này đã đặt ra một ví dụ nguy hiểm bằng cách không đáp ứng đúng với các bổn phận (obligations) của mình đối với liên minh.

Đức đòi hỏi Hoa Kỳ tiếp tục là nhà tài trợ lớn nhất của NATO nhưng Đức lại có một cái nhìn không ưu ái đối với Mỹ - và (ngược lại) có một cái nhìn ngày càng ưu ái về Nga – một quốc gia đúng ra phải là mối đe dọa chung của NATO.
Thủ Tướng Merkel và Tổng Thống Trump trong hội nghị G7, Tháng Sáu, Năm 2018 tại Canad
Các quốc gia yếu kém khác của NATO tại Âu Châu thường vẫn bị thống trị (dominated) bởi Đức và họ hoặc là giữ im lặng hoặc là phải đi theo sự dẫn đầu của Đức.

Đây là một NATO mà ông Trump đã thừa hưởng và ông đã cố gắng lay chuyển bằng với những hành vi kịch cỡm thái quá (customary art-of-the-deal antics) của ông. Có thể ông Trump lớn miệng (loud) và thô lỗ (uncouth), nhưng lập luận của ông cho rằng các nước NATO cần phải trả nhiều tiền hơn cho việc phòng thủ chung của liên minh thì rất đúng. Nếu thành công, nó sẽ dẫn đến một NATO mạnh mẽ hơn.

Ngược lại, Thủ tướng Đức Angela Merkel với một dáng vẻ chuyên nghiệp và ngoại giao trong khi bà vẫn tiếp tục làm suy yếu liên minh và theo đuổi những lợi ích thương mại và tài chính của Đức trước sự thiệt hại của các thành viên khác trong NATO.
Huỳnh Thạnh chuyển ngữ

Chú Thích:
(1) Nguyên bản của bài "NATO's challenge is Germany, not America":  www.washingtontimes.com/news/2018/jul/18/natos-challenge-is-germany-not-america/