Khi vận mệnh một quốc gia được giao phó vào một cá nhân hay một nhóm nhỏ , thì quốc gia đó, dân tộc đó có nguy cơ bị tận diệt, hay cùng lắm sống vật vờ thoi thóp giữa những kẻ thù của mình, gậm nhấm một nỗi căm hờn mà thời gian không thể xóa nhòa.Không cần phải nhìn đâu xa, lịch sử của Chiêm Thành và Chân Lạp đã chứng tỏ điều này, nhìn thấy hay không, là tùy theo trình độ của đa số, và cũng tùy lòng dũng cảm, chí quật cường. Nhân loại tiến hóa theo một quy luật là những ai yếu kém thì bị đào thải, chỉ tại mình và cũng không nên đổ lỗi cho ông trời không có mắt.Lịch sử Việt Nam còn ghi lại công trạng của mấy vị công nương mà đời sau còn ca tụng cho đến tận nay, nhưng thử hỏi suy nghĩ của những người Chiêm Thành hay Chân Lạp ra sao, chắc rằng họ không nghĩ như chúng ta, và đó cũng là điều hợp lý.
Năm 1301, đời nhà Trần, Thái Thương Hoàng Trần Nhân Tông du ngoạn Chiêm Thành và được quốc vương xứ này là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu. Sau khi ở lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng, ông ra về và hứa gả con gái cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là vương hậu Tapasi. Được lời hứa, Chế Mân cử sứ sang hỏi về hôn lễ. Sử ghi : Năm Bính Ngọ 1306, Chúa Chiêm Thành là Chế Mân dâng hai châu Ô, Rý làm hồi môn. Đọc lại sử ký ghi lại sự kiên này, ta không thể không đặt câu hỏi là ông Trần Nhân Tông ở lại Chiêm Thành 9 tháng chỉ vì lý do du ngoạn hay là dòm ngó xứ này, và lý do nào mà Chế Mân có thể dùng đất đai mà tổ tiên để lại như của riêng của ông để đem dâng đem biếu Trần Nhân Tông ?? Chỉ vài năm sau, Chế Mân chết. Vua Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung cướp Huyền Trân Công Chúa đưa về nước. Theo dã sử, vị công chúa này là con Khâm Tử Bảo Thánh Hoàng Hậu, trưởng nữ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Vị công nương thứ hai sống sau Huyền Trân Công Chúa 300 năm, bà tên là Ngọc Vạn. Cha bà là Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lên ngôi chúa năm 1613. Bối cảnh lần này không phải là nước Chiêm Thành nữa mà là xứ Chân Lạp, Cambodge ngày nay. Theo Phan Khoang, từ thế kỷ 17, đã có nhiều người Việt Nam đến hai xứ Đồng Nai và Mỗi Xuy của Chân Lạp để vỡ đất làm ruộng. Hai xứ này là Biên Hòa, Bà Rịa ngày nay. Chúa Sãi (Hy Tông) có mưu đồ xa xôi, năm 1620, gả Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetta II . Cuộc hôn nhân này có ảnh hưởng lớn lao đến vận mạng Chân Lạp sau này. Năm 1623, một sứ bộ của chúa Nguyễn được phép lập cơ sở ở Prey Kôr tức Sài Gòn , nay đổi tên là TP. HCM để thu thuế hàng hóa.
Hai câu chuyện trích dẫn chỉ để chứng tỏ một điều là hai ông Chế Mân và Chey Chetta II đều lụy vì nữ sắc (chết vì gái) và chỉ nghĩ đến bản thân thay vì nghĩ tới dân tộc, đất nước !! Đúng như vậy, với họ, trí lớn trong thiên hạ chứa không đầy đôi mắt mỹ nhân. Các nhân vật Chiêm Thành và Chân Lạp này hành động không có gì làm chúng ta ngạc nhiên, ai cũng vậy, khó có thể chống lại sự cám dỗ của Vàng và Mỹ Nhân. Nhưng đó là chuyên của dĩ vãng, thế kỷ thứ 14 và 17. Nhiều thế kỷ đã qua đi kể từ những biến cố lịch sử này, tốt đẹp về phía Việt Nam nhưng tràn đầy đắng cay cho những người Chiêm Thành và Chân Lạp, đến nỗi cho đến ngày hôm nay, hậu duệ của họ vô phương đòi lại những gì đã mất, nhất là về phía các người Chăm, có nguy cơ tuyệt chủng.
Nay đến phiên người Việt Nam đang lâm vào bước đường cùng. Tổ Quốc chúng ta ngày nay nằm trong tay Đảng CSVN và đúng hơn, trong tay một nhóm nhỏ, những người có tên Trọng, Ngân và Quang. Mua chuộc là sở trường của người Trung Hoa. Nếu không mua được bằng tiền, thì họ mua bằng sắc, Nếu không mua được bằng Tiền hay Sắc, thì họ dùng võ lực, kề dao vào cổ : Mày có nghe tao hay không thì nói. Trong tình cảnh đó, khó ai có thể can cường được như Trần Bình Trọng ngày xưa.
Chúng ta không thể thụ động như những người Chiêm Thành hay Chân Lạp
Lối thoát duy nhất người Việt Nam có thể làm, là truất đi cái quyền định đoạt số phận của dân tộc và đất nước trong tay một vài cá nhân hay một đảng ( đảng CSVN hay bất cứ một đảng phái nào sau này), một cơ quan nào cho dù cơ quan đó là Quốc Hội.Phải có một cuộc Trưng Cầu Dân Ý, một Référendum trước các vấn đề như cho thuê đất đai dài hạn, hay thành lập các đặc khu Kinh Tế…v..v.Đó là sự đòi hỏi tối thiểu của một dân tộc, nếu họ muốn trường tồn. Và chúng ta có cách nào hơn để đòi hỏi, nếu không là xuống đường, như những người dân Ai Cập, Venuziela…Đảng CSVN phải được đặt ra ngoài vòng pháp luật, vì những tội ác trong quá khứ cũng như trong hiện tại.
Trần Mộng Lâm