Buổi tối thật im lắng, tôi lại lang thang trên Facebook để đọc đi đọc lại những câu chúc mừng Sinh Nhật vừa qua của bạn bè. Chợt cuối trang, có dòng tin nhắn mới, có lẽ rất mới vừa được gởi với hình nhiều trái tim nhảy múa. Tôi khựng lại vài giây và run run đọc:
"Chúng ta thường dành rất nhiều thời gian để nghĩ về những món quà, những bữa tiệc cho ngày Sinh Nhật của mình mà quên mất rằng có một người đã từng vì ngày sinh này của ta mà dám đánh cuộc cả sinh mạng không chút đắn đo suy nghĩ.
"Vì vậy, hãy dành lời cảm ơn chân thành nhất, những món quà yêu thương nhất cho MẸ mỗi dịp sinh nhật mình, bạn nhé...”
"Vì vậy, hãy dành lời cảm ơn chân thành nhất, những món quà yêu thương nhất cho MẸ mỗi dịp sinh nhật mình, bạn nhé...”
Tôi cảm thấy cay cay trong mắt và tim tôi chợt tê buốt như có bàn tay ai vừa bóp xiết. Đúng vậy, bao lần sinh nhật chúng ta tổ chức tiệc tùng linh đình, quà cáp tưng bừng, nhưng có lúc nào nghĩ đến MẸ, mà đã không nghĩ, không nhớ thì làm gì có chuyện gửi quà cho MẸ!
Bạn và tôi, chúng ta đều đã là những người mẹ. Những lần "vượt cạn" với những cơn đau tột cùng tưởng như banh da xẻ thịt khiến chúng ta hiểu và thương mẹ biết là bao nhiêu. Nhưng trong những khoảnh khắc đau đớn đó, chúng ta vẫn được sự thương yêu chia sẻ hoặc từ ánh mắt xúc động lo âu của người bạn đời, hoặc từ bàn tay ôm ấp vỗ về của mẹ. Chúng ta hình như chưa bao giờ phải "vượt cạn" một mình!
Tôi thật xót xa quặn lòng khi nghĩ đến những người đàn bà "bụng vượt mặt," tất tả hoảng hốt rời bỏ thôn xóm khi chiến tranh lan tràn về làng quê, mà những người chồng vẫn đang chiến đấu tại vùng giới tuyến nào đó. Trong cơn binh lửa, những đứa bé sơ sinh có thể chào đời bên những rãnh nước, cạnh bờ đê, hoặc ngay bên lề đường trong tiếng vọng ầm ì của pháo kích, hay tiếng đạn bay veo véo ngay trên đầu.
Người mẹ nghiến chặt đôi môi gần rướm máu vì những cơn đau, cắt cuống rốn của đứa con bé bỏng vừa chào đời bằng khúc nứa sắc lấy từ bụi tre dại, hoặc bằng mảnh thủy tinh, hay miếng sắt rơi rớt lại bên đường. Chẳng cần hiểu sự nhiễm trùng nguy hiểm như thế nào! Mà hiểu sao được với đầu óc đơn sơ giản dị của những người phụ nữ suốt đời chân lấm tay bùn đó? Với chị, chỉ cần tiếng khóc oe oe chào đời của con, là trên khuôn mặt thật mệt nhọc của chị đã tươi nở một nụ cười.
Rồi chị cũng phải đứng lên bước theo dòng người đang hối hả chạy trên đường, nhưng chị không thể "chạy," mà chỉ có thể lê từng bước chân khó nhọc, hình như có những giọt máu đang chảy dài xuống đôi bàn chân chị.
Ôi, với những người MẸ khốn khổ đáng thương nhưng rất can đảm đó, liệu có MÓN QUÀ nào xứng đáng để trao tặng cho họ trong những ngày sinh nhật?
Tôi lại miên man nhớ về khu xóm nhỏ lao động ngày xa xưa của tôi. Xóm nghèo, nhà tranh vách đất san sát nhau, nhưng không lúc nào không vang tiếng cười đùa của trẻ thơ, hoặc tiếng oa oa khóc của những đứa bé sơ sinh. Những người phụ nữ trong con hẻm nhỏ này dù nhiều lần cãi nhau ỏm tỏi chỉ vì những đụng chạm thật nhỏ nhoi như con gà chạy lạc qua sân, hoặc hai đứa trẻ hàng xóm uýnh nhau, nhưng điều thật thú vị là họ có chung một niềm vui hạnh phúc: "Con là Của, càng đông con càng dzui!"
Như chị Ba Xôi Vị ở cuối con đường, mỗi lần chị "lâm bồn" là cả xóm được nghe điệp khúc... rủa chồng của chị cùng một câu đe nẹt: "Tui nói rồi, lần này là lần chót, ông nhớ nghen!" Và sau nhiều cái "lần này là lần chót," chị Ba hình như đang mang bầu đứa thứ bảy!
Như thím Năm có chồng là thợ sơn trong xóm. Khi đi bảo sanh viện, may mắn lắm thì thím chỉ được chồng chở trên chiếc Honda tới nhà thương. Bỏ vợ lại đó rồi quay xe về nhà với câu tuyên bố... xanh dờn:
- Chiện sanh đẻ là của đàn bà, "MẮC CHI" mà đàn ông tụi tui ... xía dzô!
Nhưng có lẽ mãi mãi tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh của cô Hồng Hạnh, cô giáo trẻ dậy lớp Một của khu xóm tôi. Chồng cô là một chuẩn úy đóng quân mãi tận Pleiku, cô còn mẹ già sống xa tít ngoài miền Trung. Ngày khai hoa nở nhụy, cô lặng lẽ một mình mệt nhọc, ột ệt bước lên chiếc xích lô của chú Tư. Trời mưa xối xả, từ trên căn gác ngồi học, tôi vẫn nghe được câu nói vang vang, lấn áp tiếng mưa của chú Tư:
- Gáng lên nha cô giáo, tui cũng gáng đạp thiệt lẹ. Chút xíu nữa là tới bệnh dziện. Gáng nha cô giáo!
Trên xe, có lẽ cô giáo Hồng Hạnh đang cố ngồi nép sát vào trong, trên tay cô chỉ vỏn vẹn chiếc giỏ xách mà có lẽ trong đó chỉ có vài bộ quần áo sơ sinh mà cô đã lui cui, lụi cụi may từ những tháng trước.
Hai ngày sau, cũng trên chiếc xích lô của chú Tư, cô giáo dễ thương của xóm tôi trở về nhà. Vẫn với dáng dấp thanh thanh nhỏ nhắn, cô chầm chậm bước xuống xe, khuôn mặt thật xanh xao mệt mỏi, nhưng ánh mắt cô choáng ngợp niềm vui. Trên tay cô là một hình hài nhỏ bé xinh xinh được "gói" trong lớp khăn bông ấm áp. Trên gác cao, chúng tôi lại len lén quan sát cô với niềm thương mến dạt dào, nhất là khi nhìn bóng hai mẹ con cô thật đơn độc lẻ loi đang lặng lẽ bước vào nhà.
Rồi từng ngày khi nhìn thấy cô phờ phạc giặt từng chồng tã ngoài sân sau, hoặc từng đêm nghe tiếng khóc vì đói sữa của em bé với những câu ru con của người mẹ trẻ, lòng cảm mến của tôi chuyển dần sang sự ngưỡng phục vì đức tính chịu thương chịu khó từ trái tim nhân ái của cô.
Rồi sẽ có một ngày đến khi người chồng chuẩn úy của cô được phép về thăm vợ, có khi đứa bé đã biết lẫy hoặc biết bò!
Nhưng dù sao chị Ba, thím Năm, cô giáo Hồng Hạnh cũng là những người mẹ "may mắn," vì những đứa trẻ sinh ra vẫn còn có cha. Trong khu xóm lao động này của tôi, biết bao nhiêu lần những câu chuyện thương tâm với những đứa bé thiếu vắng tình phụ tử được kể đi kể lại. Như lời than trách. Như câu hát ru con phát ra từ căn nhà cuối phố của cô Kim. Lời ru nghe như muối xát lòng người, như một định mệnh nghiệt ngã cho chính bản thân mình:
"Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ..."
Anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ..."
Tôi giật mình vì tiếng cell phone vang lên đưa tôi trở về thực tại, khẽ liếc nhìn, tôi nhận ra đó là cậu con trai cả. Cậu nhỏ gọi tôi với lời chúc sinh nhật muộn màng. Bằng vốn liếng Anh Ngữ từ thời "English for Today" xa xưa, tôi cố gắng dịch câu chúc mừng vừa đọc được ở trên cho con trai hiểu.
Im lặng vài giây, cậu cả nhà tôi trả lời, giọng nói pha chút hài hước:
- Như vậy mỗi năm, ngoài Christmas, Tết và Mother's Day, mẹ còn Được tụi con NHỚ thêm ba lần trong ba ngày Birthdays của ba đứa tụi con, phải không mẹ!!!
Tôi bật cười vì câu nói đó. Cậu cả nhà tôi chợt đổi giọng, nghiêm trang hỏi:
- Nhưng mẹ Đã Gọi cho BÀ NGOẠI chưa?
Câu hỏi khiến tôi bật khóc. Bạn ơi, Tháng Tám là mùa của Lễ Vu Lan!
Mùa Báo Hiếu với câu chuyện hiếu thảo của nhà sư Mục Kiền Liên, ông đã lặn lội qua mấy mươi tầng địa ngục, chịu muôn ngàn khổ ải để cứu mẹ.
Ngày nay, chỉ một lần lướt nhẹ trên phone, chúng ta có thể NÓI và NGHE tiếng MẸ. Chỉ ngồi thoải mái trên một chuyến bay vài tiếng đồng hồ là chúng ta có thể GẶP mẹ, NGỒI cạnh mẹ, NẮM được đôi bàn tay mẹ.
DỄ DÀNG như vậy sao những người con chúng ta luôn cảm thấy thật KHÓ KHĂN để thực hiện?
Vậy bạn nhé, xin cho tôi gửi đến mẹ bạn, mẹ tôi và cho tất cả những người MẸ Việt Nam những câu thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh như một lời VINH DANH, một lòng tri ân của những người con trước sự HY SINH vô bờ bến, và một tấm lòng chan chứa TÌNH YÊU THƯƠNG của Mẹ:
Cô Gái Việt Nam ơi,
Nếu chữ HY SINH có trên đời
Tôi muốn NẠM VÀNG muôn KHỔ NHỌC
Cho lòng Cô Gái Việt THÊM TƯƠI...
Nếu chữ HY SINH có trên đời
Tôi muốn NẠM VÀNG muôn KHỔ NHỌC
Cho lòng Cô Gái Việt THÊM TƯƠI...
Ngô Phương Liên
Cảm Xúc thơ Hồ Dzếnh - Hoàng Oanh ngâm