Monday, 27 August 2018

Trung Quốc trong thế thủ trước Mỹ - Anh Vũ

media
Xe hơi xuất khẩu tại cảng Liên Vân, Trung Quốc.REUTERS/Stringer

Hôm nay Washington áp dụng loạt trừng phạt thương mại mới đối với Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc đang lao đao về mặt kinh tế cũng như ngoại giao vì những đòn tấn công thương mại của chính quyền Trump.

Bài viết của Le Monde chạy tựa : « Trung Quốc ở thế thủ trước Hoa Kỳ ». Tờ báo ghi nhận « Chiến tranh thương mại do Hoa Kỳ phát động, thất thế ngoại giao liên tiếp, các chỉ số kinh tế đầy thất vọng... Lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn bất thường, mà theo một số nhà quan sát, những khó khăn đó đang gieo rắc hoài nghi về đường lối chính trị mà nước này đang theo đuổi ».

Đòn nặng nề nhất với Trung Quốc đến từ Hoa Kỳ. Hôm nay quyết định áp thuế 25% vào 279 mặt hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ trị giá 16 tỉ đô la bắt đầu có hiệu lực. Tháng trước hàng Trung Quốc với tổng trị giá 34 tỉ đô la xuất khẩu sang Mỹ cũng đã chịu chung khốn đốn. Tất nhiên Bắc Kinh cũng có đáp trả lại tương xứng, nhưng về số lượng Trung Quốc xuất khẩu nhiều hơn so với Mỹ ở chiều ngược lại, vì thế mà thiệt hại nghiêng nhiều về Bắc Kinh.

Theo Le Monde, đến lúc này hiệu quả trừng phạt Mỹ chưa thấy rõ bằng con số, nhưng nó có tác động tâm lý. Tờ báo dẫn lời một số nhà phân tích Trung Quốc nhận định, các trừng phạt của Mỹ có tác dụng ngăn lại tâm lý tán dương thành công Trung Quốc. Nó cho thấy mô hình kinh tế Trung Quốc không có khả năng duy trì tăng trưởng bằng cách thay thế xuất khẩu bằng tiêu dùng nội địa.

Le Monde ghi nhận « Kinh tế không phải là nguồn cơn gây bất hòa giữa Washington và Bắc Kinh . Gần đây, Donald Trump và chính quyền của ông đã tố cáo thẳng thừng Trung Quốc can thiệp vào chiến dịch vận động bầu cử Quốc Hội đang diễn ra tại Hoa Kỳ. Hôm 13/08 , ông Donald Trump ký ban hành điều luật mới về an ninh quốc gia, một luật mà Bắc Kinh coi như là một hành động thù địch thực sự ». Lý do là vì văn kiện luật trên chỉ rõ Trung Quốc là một mối nguy hiểm và cấm hầu như toàn bộ các cơ quan Mỹ sử dụng thiết bị của một số công ty Trung Quốc, trong đó tiêu biểu là hai tập đoàn truyền thông Hoa Vi và ZTE.
Về mặt ngoại giao, Le Monde cũng chỉ ra những thất bại của Trung Quốc. Đó là sự kiện Mỹ cho phép tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trên đường công du châu Mỹ Latinh, không chỉ dừng chân mà còn đọc diễn văn giữa California hồi giữa tháng này. Rồi trước đó tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève, Bắc Kinh bị chất vấn về chính sách đối với người Duy Ngô Nhĩ, trước các tố cáo Trung Quốc đang giam giữ tập trung hơn triệu người thiểu số theo Hồi giáo này.

« Các lãnh đạo Trung Quốc và đặc biệt chủ tịch Tập Cận Bình với tham vọng lớn trên bình diện quốc tế, đang phải đối phó với những khó khăn trên tất cả các mặt trận đối nội và đối ngoại », nhật báo Pháp khẳng định.

Trung Quốc chinh phục từng phần Đài Loan

39273603_1247670932036673_3188124614316261376_n

Vẫn liên quan đến Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, nhật báo Le Monde còn có bài « Kim Môn, phòng thí nghiệm cho sự xâm nhập của Trung Quốc vào Đài Loan ».

Le Monde cho biết, Bắc Kinh liên tiếp tung ra các biện pháp để thu hút và gây ảnh hưởng với người dân trên hòn đảo nhỏ Kim Môn thuộc Đài Loan, nằm gần Hoa Lục hơn là Đài Bắc.
Đảo Kim Môn có hơn 130 ngư dân nằm đối diện với thành phố Hạ Môn của tỉnh Phúc Kiến giàu có. Thành phố Hạ Môn được Bắc Kinh giao sứ mệnh lôi kéo người dân Kim Môn về với Hoa Lục. Theo Le Monde, Hạ Môn đã có không dưới sáu chục biện pháp kích thích, lôi kéo những người Đài Loan sống ở Kim Môn, đặc biệt là giới trẻ có bằng cấp, đến làm ăn ở thành phố Hoa Lục này.

Thí dụ như những người dưới 35 tuổi có bằng thạc sĩ nếu đến Hạ Môn làm ăn sinh sống được hỗ trợ định cư ban đầu 4.000 euro. Với lứa tuổi từ 35 đến 40 khoản hỗ trợ đó là 6.500 euro. Các chuyên gia Đài Loan, làm việc trong các cơ quan thành phố Hạ Môn được tuyển dụng theo hợp đồng 3 đến 5 năm còn được thưởng hàng năm 25 nghìn euro.

Chiến dịch quyến rũ Kim Môn của Trung Quốc nằm trong một chương trình tổng thể được thông báo hồi tháng Hai năm nay. Đó là một loạt các biện pháp ưu đãi miễn thuế, trợ cấp … dành cho người Đài Loan làm việc tại Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại Hoa Lục.

Bên cạnh đó còn có các hoạt động của Mặt Trận Thống Nhất, một cơ quan đảng chuyên về tuyên truyền lôi kéo nhằm vào các đối tượng là các tổ chức, hiệp hội thân Hoa Lục ở Đài Loan. Le Monde nhận thấy, Kim Môn chính là phòng thí nghiệm cho các hoạt động của Mặt Trận Thống Nhất nói trên.

Thậm chí một đảng chính trị đã được thành lập ở Kim Môn để quy tụ khoảng 3.000 bà vợ đến từ Hoa Lục có chồng là dân Kim Môn Đài Loan. Tất nhiên lãnh đạo đảng này có quan hệ thân cận với Mặt Trận Thống Nhất và đảng được tài trợ từ Hoa Lục. Nhật báo Pháp cho biết thêm, một đảng nhỏ thân Trung Quốc có tên là China Unification Promotion Party, do Trương An Lạc (Chang An Lo) biệt danh « Sói trắng » một trùm găng-tơ Đài Loan đã có thời gian dài sống ở Hoa Lục lãnh đạo, mới đây đã mở cơ sở đảng ở Kim Môn.

Hiện tại theo các nhà quan sát, các đảng nhỏ này còn tạm chầu rìa bên trường chính trị Đài Loan, nhưng vài năm nữa  có thể làm thay đổi ván bài chính trị ở hòn đảo này. Chính vì vậy mà Bắc Kinh đang tăng cường ủng hộ sự trỗi dậy của lực lượng thứ ba để trong tương lai có thể giành chiến thắng trước hai đảng truyền thống là Quốc Dân Đảng (KMT) và Đảng Dân Tiến (DPP). Mục tiêu dài hạn có thể sẽ là dựng lên được người đứng đầu Đài Loan là một ông chủ đang làm ăn ở Trung Quốc.

Mỹ : Trừng phạt, công cụ đối ngoại truyền thống
Chuyển qua nhật báo Công Giáo La Croix. Hồ sơ lớn của tờ báo liên quan đến trừng phạt Mỹ. Tựa chính của La Croix : « Hoa Kỳ, vũ khí trừng phạt » nhân việc gần đây Donald Trump và Quốc Hội Mỹ liên tiếp đưa ra các biện pháp trả đũa thương mại, chính trị ở khắp nơi với mọi đối tượng, bất kể đó là kẻ thù hay đồng minh.

La Croix dành bài viết dài « Các trừng phạt Mỹ phục vụ "nước Mỹ trước tiên" ». Tờ báo ghi nhận :« Bắc Triều Tiên, Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, đó là mới kể những cái tên mang tính biểu tượng nhất, các trừng phạt đơn phương của Mỹ nối tiếp nhau với nhịp điệu dồn dập. Xu hướng này càng gia tăng từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng tháng Giêng 2017. Trừng phạt thậm chí còn trở thành công cụ cho chính sách đối ngoại hữu hiệu ».

Các chuyên gia được La Croix trích dẫn cho rằng « kiểu chính sách này là một truyền thống thực sự từ khi khai sinh nước Mỹ ». Truyền thống đó đã ăn sâu trong khung cảnh chính trị đất nước này, vượt trên cả các chia rẽ đảng phái dù đó là Cộng Hòa hay Dân Chủ.

Bà Annick Cizel, chuyên gia về chính trị Mỹ thuộc Đại học Sorbone Paris 3 nhận định : « Trừng phạt đã trở thành thứ vũ khí ưa chuộng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump ». Với Donald Trump, trong chính sách cây gậy và củ cà rốt ông ta chỉ giữ lại duy nhất cây gậy. Hơn thế cây gậy đó sẵn sàn được giơ lên với tất cả kẻ thù lẫn đồng minh, không từ một ai.

Vẫn theo nhà nghiên cứu Annick Cizel : «Chiến lược của tổng thống Mỹ hiện nay là đặt đất nước mình vào vị thế có lợi trong mọi cuộc thương lượng với bất kỳ nước nào khác trên thế giới, trong bất kỳ lĩnh vực nào ». Tuy nhiên nhà nghiên cứu này cũng nhìn nhận « nếu như trước đây Hoa Kỳ là trụ cột chính cho trật tự thế giới nào đó thì giờ đây Mỹ không còn được như vậy nữa ».

Với Donald Trump, có lãnh đạo thế giới hay không, không quan trọng. Nhờ vào trừng phạt ông ta có cảm tưởng Mỹ có mặt khắp nơi trên trường quốc tế, trong khi trên thực tế Mỹ đang rút khỏi một số trận địa, như Trung Đông chẳng hạn.

Mục tiêu trước mặt của Donald Trump là lôi cuốn cử tri trong kỳ bầu cử sắp tới, rằng ông là tổng thống của « nước Mỹ trước tiên » . Chỉ có yếu tố duy nhất làm lay chuyển lòng tin của cử tri với Trump là kinh tế xuống dốc. Hiện tại tổng thống đang giữ lời hứa trong tranh cử, và đó là ưu tiên của ông hiện nay.