Ngày 3/9, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất các cuộc đàm phán với Washington nhằm chấm dứt quá trình dài thương lượng về việc nhập khẩu thịt bò Mỹ, trong nỗ lực tránh một cuộc chiến thương mại với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất đồng ý tăng hạn ngạch nhập khẩu đối với thịt bò không chứa hormone của Mỹ. Tuy nhiên, EC đã không bày tỏ bất kỳ ý định nào về việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với thịt bò có chứa hormone - một hạn chế mà Washington xem là vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ủy ban cho biết đã yêu cầu các nước thành viên EU đàm phán với Mỹ về "hạn ngạch nhập khẩu thịt bò không chứa hormone hiện nay".
Cao ủy EU phụ trách nông nghiệp Phil Hogan cho hay, EC quan tâm giải quyết những lo ngại của phía Mỹ về vấn đề hạn ngạch. Ông nêu rõ, EC muốn một giải pháp thỏa đáng cho cả hai phía và tuân thủ các quy định của WTO.
Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất đồng ý tăng hạn ngạch nhập khẩu đối với thịt bò không chứa hormone của Mỹ. (Nguồn: AP)
Ủy ban dự kiến sẽ phân bổ cho Mỹ một phần hạn ngạch thịt bò không chứa hormone, tương tự như đối với các nhà xuất khẩu từ các quốc gia khác.
Ông Hogan cũng trấn an các nhà sản xuất châu Âu rằng, hạn ngạch nhập khẩu thịt bò sẽ vẫn được giữ ở mức tương đương hiện nay, đồng thời khẳng định, người tiêu dùng sẽ dễ dàng thấy các sản phẩm thịt không chứa hormone trên quầy hàng.
Sản phẩm thịt bò có chứa hormone được đưa ra thị trường năm 1988 và khi đó châu Âu đã cấm nhập khẩu các loại thịt động vật được tiêm hormone tăng trưởng, trong khi đây lại là một thực tế phổ biến tại Mỹ.
Để trả đũa theo sự cho phép bởi một phán quyết được WTO đưa ra, vào năm 1999 Washington đã áp dụng mức thuế quan cao hơn với một số sản phẩm từ châu Âu và hành động này đã gây ra những cuộc biểu tình giận dữ tại Pháp.
Dựa trên một thỏa hiệp ký năm 2009 và được sửa đổi năm 2014, Mỹ đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và EU đã mở lại hạn ngạch nhập khẩu thịt bò ngoại "chất lượng cao", trong đó có sản phẩm đến từ Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất khác từ Argentina, Australia và Uruguay đã chiếm giữ một phần lớn hạn ngạch, điều này đã khiến chính quyền Barack Obama lúc đó đe dọa gia hạn các lệnh trừng phạt về thuế quan.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết cùng đàm phán để tiến tới một thỏa thuận thương mại hạn chế, sẽ loại bỏ thuế hải quan xuyên quốc gia về hàng công nghiệp, trừ ngành ô tô. EU cho biết nông nghiệp không phải là một phần của cuộc thảo luận.
Cuộc gặp song phương đã xoa dịu một tranh chấp thương mại nổ ra sau khi Mỹ đánh thuế lên các mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu từ EU vào tháng 6 vừa qua, bất chấp nỗ lực kéo dài hàng tháng giữa các nhà lãnh đạo và các quan chức EU.