Friday 14 September 2018

Francisco Goya Nhà Danh Họa vẽ Bạo Hành và Tội Ác - Phạm Văn Tuấn



Trong cuộc đời cầm cọ, Francisco Goya (1746-1828) đã khai thác các chiều sâu của nỗi sợ hãi, cơn giận dữ, các cảnh bất công và bạo hành đối với con người. Lòng say mê diễn tả thú tính của con người qua các bức vẽ, qua các nét phác thảo… đã khiến cho nhà Danh Họa Goya được mô tả vừa là một thiên tài, vừa là một kẻ điên. Nhưng, tất cả các họa phẩm của Francisco Goya đã là những ghi chép của Lịch Sử, vừa mạnh mẽ, vừa trường tồn.

1/ Thời niên thiếu và học nghề Hội Họa.

Francisco José de Goya y Lucientes chào đời vào ngày 30/3/1746 trong làng Fuendetodos, cách thị xã Zaragoza 30 dậm và thuộc tỉnh Aragon, nước Tây Ban Nha. Francisco là người con thứ tư của ông Jose Goya và bà Engracia Lucientes. Ông bố Jose là một thợ thủ công, chuyên làm các kỷ vật giát bằng các lá vàng mỏng còn bà mẹ Engracia thuộc về một gia đình có đất đai tại Fuendetodos nên được tạm coi là quý tộc cấp thấp. Fuendetodos là một vùng đất cằn cỗi, nên gia đình Goya đã dọn nhà tới thị xã Zaragoza, thời đó Francisco lên 4 tuổi.


Vào thập niên 1750, Francisco theo học trường tôn giáo Escuelas Pias de San Anton trong thị xã Zaragoza, đã học tiếng La Tinh giống như các trẻ em cùng thời. Chính trong thời kỳ này, Francisco kết bạn với Martin Zapater và nhờ các bức thư trao đổi giữa Zapater và Goya mà người đời sau mới hiểu rõ về con người của Họa Sĩ này, về các lý do tại sao Họa Sĩ Goya nhận lãnh chức vụ trong triều đình Tây Ban Nha cùng những thất vọng của ông trước các cảnh bạo hành mà Họa Sĩ là một nhân chứng.

Năm lên 13 hay 14 tuổi, Francisco Goya theo học bốn năm hội họa tại xưởng vẽ của ông José Luzan y Martinez. Tại nơi này, các học sinh học nghề thủ công, tập vẽ bắt chước những họa phẩm của các bậc thầy. Francisco cũng theo học một nghệ sĩ khác là nhà điêu khắc Juan Famirez về phương pháp đổ khuôn và tạc tượng. Vào thế kỷ 18, trong số các nghề thủ công, bộ môn Hội Họa đã vượt lên hạng trên, ngang hàng với Âm Nhạc và Văn Chương bởi vì họa phẩm là sản phẩm của các tài năng thiên phú. Tại thị xã Zaragoza, Francisco Goya còn gặp gỡ một họa sĩ trẻ là ông Francisco Bayeu. Ông Bayeu này cũng học Hội Họa tại Zaragoza, ngoài ra còn tới thành phố Madrid để theo học các họa sư người Ý do Vua Charles III mang về từ vương quốc Naples, với các kiểu mẫu hội họa mới, linh động hơn.

Vào năm 1763, họa sĩ Francisco Bayeu và người em Ramon mở ra một phòng vẽ tranh, làm quen với giới nghệ sĩ của thành phố Madrid và là bạn của họa sĩ cung đình Anton Raphael Mengs. Ông Mengs nhận được lương bổng của triều đình Tây Ban Nha và được phong là Họa Sĩ của Nhà Vua vào năm 1786.

Francisco Goya khi tới tuổi 17, đã theo học anh em ông Bayeu và là người thợ phụ trong xưởng vẽ. Vào thời đó, Hàn Lâm Viện Hoàng Gia tại San Fernando mỗi ba năm đều tổ chức một cuộc thi học bổng hội họa. Goya đã tham dự hai lần vào các năm 1763 và 1766 nhưng đều gặp thất bại. Không nản lòng, Goya qua thành phố Rome vào cuối thập niên 1760 để học hỏi thêm. Nhờ thời gian du học này, Francisco Goya đã nhìn thấy kho tàng nghệ thuật của nước Ý.

Tôn Sùng Thượng Đế (The Adoration of the Name of God)
Tới tháng 4 năm 1771, Francisco Goya nạp tranh vào kỳ thi hội họa do Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật Hoàng Gia tổ chức tại Parma và đoạt giải nhì. Sau lần thành công này, Goya trở về thị xã Zaragoza vào tháng 6 năm đó, và khi ở lứa tuổi 25, đã nhận đơn đặt hàng đầu tiên là vẽ bức tranh tường (fresco) có tên là "Tôn Sùng Thượng Đế" (The Adoration of the Name of God) bên trong Giáo Đường Santa Maria del Pilar.

Josefa Bayeu
Họa sĩ Goya được trả công 15,000 đồng reales, một số tiền tương đương với 18 tháng lương của một viên chức cùng thời. Bức tranh tường đã làm cho Francisco Goya nổi tiếng và vào năm 1773, Goya đã kiếm được nhiều tiền hơn ông thầy Luzan. Chàng họa sĩ Goya cưới cô nàng Josefa Bayeu vào ngày 25-7-1773 và cư ngụ tại đường Noah's Ark.

Francisco Goya được họa sĩ Anton Mengs mời tới Madrid vào mùa đông năm 1774, để làm việc tại xưởng dệt thảm hoàng gia, nơi có các người thợ Flemish danh tiếng làm ra sản phẩm từ các bức họa của ông Mengs. Do là một người ham săn bắn, Vua Charles III đã đặt xưởng dệt làm 9 tấm thảm mô tả cảnh đi săn để treo trong phòng ăn của Lâu Đài Escorial, tọa lạc tại phía bắc của thành phố Madrid. Goya vì vậy đã sáng tác 9 bức vẽ trong đó có đủ các thú vật như chó săn, lợn rừng, chim muông…, 5 bức xong vào ngày 24/5/1775, 4 bức còn lại vào ngày 30/8. Tới tháng 7 năm 1776, họa sĩ Mengs đã thu xếp cho Francisco Goya được trả lương năm là 8,000 đồng reales.

Vào ngày 29/6/1779, hoạ sĩ Mengs qua đời. Francisco Goya nạp đơn xin làm họa sĩ cung đình nhưng gặp thất bại trước họa sĩ Mariano Salvador Maella, rồi nhờ họa phẩm "Chúa Ki-Tô trên Cây Thánh Giá" (Christ on the Cross), Goya được chấp thuận vào Hàn Lâm Viện Hoàng Gia San Fernando, là một Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật quan trọng bậc nhất của xứ Tây Ban Nha.

Một tháng sau, Hàn Lâm Viện kể trên lại nhận một nhà văn kiêm luật sư tên là Gaspar Melchor de Jovellanos. Ông Jovellanos là người đã được Vua Charles III chọn làm quan tòa hoàng gia (royal magistrate), là một nhân vật tiến bộ, đã đặt nền móng kinh tế và chính trị mới, tìm cách hủy bỏ chế độ phong kiến tại Tây Ban Nha, theo đuổi Phong Trào Khai Sáng (The Enlightenment) của thời đại Lý Trí (the Age of Reason) chủ trương do các nhà tư tưởng hàng đầu của thế kỷ 18 như Voltaire, Diderot, J.J. Rousseau …

Do cùng ở trong Hàn Lâm Viện San Fernando, Francisco Goya đã chịu ảnh hưởng của ông Jovellanos và được ông này giới thiệu vẽ nhiều tác phẩm trả thù lao cao tại thành phố Salamanca nhưng các họa phẩm này bị phá hủy khi quân đội Pháp xâm lăng Tây Ban Nha. Về sau vào năm 1798, Francisco Goya vẽ chân dung của ông Jovellanos, một tác phẩm biểu lộ lối họa pháp trưởng thành.

Francisco Goya đã sáng tác rất phong phú trong thập niên 1780. Các bức họa chân dung của ông đã vượt ra khỏi truyền thống diễn tả cũ, với đề tài có vẻ như bị lạc lõng trong một thế giới xa lạ và trống rỗng. Theo nhà sử học về nghệ thuật Fred Licht, các bức họa chân dung này mô tả bản chất cô đơn của đời người trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Nhà danh họa Goya cũng vẽ một nhóm người, chẳng hạn như hai họa phẩm "Gia đình của Don Luis" (1784) và "Gia đình của Bá Tước Osuna" (1788).

Gia đình của Don Luis
Vào năm 1781, Vua Charles III tổ chức một kỳ thi để chọn ra 7 họa sĩ có tài, dùng vào việc trang trí Nhà Thờ San Francisco del Grande của thành phố Madrid. Francisco Goya dĩ nhiên được chọn lựa và được coi là người đứng đầu, lo việc vẽ bức tranh lớn nhất và quan trọng nhất của khu thờ chính. Họa sĩ Goya còn được giới thiệu vẽ chân dung gia đình của người em nhà vua là Don Luis de Borbon và họa phẩm của Goya được đánh giá rất cao, tới độ người vợ của họa sĩ được trao tặng một chiếc mũ bằng vàng và bạc, trị giá tới 30,000 đồng reales. Điều không may cho họa sĩ Goya là Hoàng Thân Don Luis sớm qua đời, khiến cho mối liên lạc hoàng gia này đã bị chấm dứt.

Francisco Goya có một đứa con trai vào năm 1784, đặt tên là Francisco Javier Pedro. Đây là người con duy nhất sống còn tới tuổi trưởng thành và bức họa mà họa sĩ Goya vẽ cậu Javier khi 19 tuổi được coi là một trong các bức danh họa mô tả thời thanh niên. Danh tiếng của Francisco Goya vẫn gia tăng. Hoạ sĩ được chọn làm phụ tá giám đốc về Hội Họa tại Hàn Lâm Viện Hoàng Gia San Fernando vào năm 1785 rồi vào tháng 6 năm sau, trở thành họa sĩ cung đình với người anh vợ tên là Ramon Bayeu, lãnh lương năm là 15,000 đồng reales. Trong thời gian này, Goya làm quen được với ông bà Bá Tước Osuna.

Bà Bá Tước Osuna được mọi người coi là "phụ nữ đặc sắc nhất của thành phố Madrid", bà ta cũng là người ham cưỡi ngựa, mê coi đấu bò rừng, thích làm bạn với các nhà văn, các nghệ sĩ, các diễn viên… Họa sĩ Goya được ông bà Bá Tước coi trọng, thường được mời tới lâu đài tại miền quê tên là La Alameda và chính tại nơi đây, Francisco Goya đã sáng tác vài họa phẩm đặc sắc. Thế nhưng, bà Bá Tước Osuna cũng là đối thủ của một phụ nữ đẹp là bà Bá Tước Alba, một người đã ảnh hưởng vào cuộc đời và nghệ thuật của họa sĩ Goya.

Ngày 14/12/1788, Vua Charles III qua đời. Các sử gia Tây Ban Nha đều công nhận rằng đây là nhà vua vĩ đại bậc nhất của nước này trong khi Vua Ferdinand VII bị coi là con người tệ hại nhất. Lên nối ngôi là Vua Charles IV. Vào ngày 25/4/1789, Francisco Goya được thăng cấp thành họa sĩ của nhà vua.

2/ Họa sĩ Cung Đình.

Trong hai thập niên 1780 và 1790, Francisco Goya đã vẽ rất nhiều chân dung cho hoàng gia, cho các nhà quý tộc, các nhân viên cao cấp, các nhà giàu của nước Tây Ban Nha. Nhà danh họa phải làm việc mỗi ngày 10 giờ và chuyện còn kể rằng vào ban đêm lúc vẽ trong phòng, ông Goya đã phải đội một chiếc mũ lớn trên đó có gắn nhiều ngọn nến. Do làm việc nhiều, Francisco Goya mua được một căn nhà và sắm được một chiếc xe ngựa hai bánh, đây là thứ đắt tiền, sang trọng và hiếm thấy của thành phố Madrid. Nhà danh họa cũng hưởng thụ một cuộc sống vật chất đầy đủ, với âm nhạc, với các loại thực phẩm đắt tiền.

Nữ Bá Tước Benavente
Công việc vẽ chân dung cho các nhân vật thuộc vương triều Tây Ban Nha thực ra chỉ bắt đầu vào năm 1783 khi Francisco Goya nhận lệ phí để vẽ một chân dung toàn thân của Bá Tước Floridablanca, tên thực là Jose Monino y Redondo. Đây là nhân vật quan trọng nhất trong triều đình Tây Ban Nha, một người có cảm tình với Phong Trào Khai Sáng (the Enlightenment), với các đạo luật cấp tiến về kinh tế và xã hội được thi hành dưới thời Vua Charles III. Bá Tước Floridablanca đã vừa lòng về tác phẩm chân dung của mình, nên đặt Francisco Goya vẽ thêm 6 tấm tranh cho ngân hàng San Carlos mà ông mới sáng lập.

Trong hai năm 1785-86, nhà danh họa Goya cũng vẽ các bức "Chân dung của Nữ Bá Tước Benavente" và "Chân dung của Hầu Tước Pontejos". Các họa phẩm này có màu sắc rất rực rỡ, diễn tả rõ ràng thứ chất liệu của y phục đề tài. Nữ Bá Tước Benavente cũng là bà Bá Tước Osuna và bức chân dung của bà này đã ảnh hưởng tới một trong các họa sĩ danh tiếng người Pháp của thế kỷ 19, đó là ông Edouard Manet, thuộc trường phái Hội Họa Mới. Các họa sĩ Pháp thời đó đã gọi Manet là "người Tây Ban Nha của thành phố Paris".

Từ năm 1794, Francisco Goya quay sang tìm hứng khởi và sự trợ giúp của một người đàn bà đẹp nhất thời đó: bà Bá Tước Alba. Nữ Bá Tước tóc đen này, sinh năm 1762, đã thừa hưởng danh hiệu quý tộc, một tài sản lớn và kết hôn ở lứa tuổi 13 với một nhà quý tộc cao cấp là Hầu Tước miền Villafranca. Bà Bá Tước Alba nổi danh về sắc đẹp tới độ khi bà ta đi qua đường, các trẻ em đã ngừng chơi đùa để ngắm nhìn diện mạo và dáng vẻ của bà. Ngoài vẻ đẹp, bà Alba còn là một phụ nữ hay thay đổi tính tình và cứng đầu, bà tin rằng các người đàn ông thường thèm muốn bà và vẻ đẹp của bà là mẫu mực của các phụ nữ khác. Bà Alba lại coi thường lối sống quy ước, ưa thích ăn mặc giống như lớp người "maja" thuộc giai tầng thấp của xã hội.

Vào một ngày trong năm 1794, bà Bá Tước Alba, khi đó 32 tuổi, đã tới phòng tranh của Francisco Goya để nhờ nhà danh họa 50 tuổi này vẽ một bức chân dung toàn thân: áo lụa trắng, tóc dài đen, vòng đeo cổ màu đỏ… với con chó con màu trắng nằm dưới chân, toàn cảnh trong sự nhịp nhàng về màu sắc. Vào mùa hè năm 1895, Francisco Goya thường lui tới lâu đài của bà Alba để vẽ các chân dung cho gia đình này trong khi đó, bà Bá Tước này còn tìm cách gây cảm tình với nhà đấu bò danh tiếng Pedro Romero, ưa thích gây bất hòa với nữ Bá Tước Osuna và Hoàng Hậu Maria Luisa. Kết quả của mối tị hiềm là bà Bá Tước Alba bị Hoàng Hậu cấm lui tới triều đình.

Bà Bá Tước Alba
Khi người chồng qua đời vào năm 1796, bà Alba trở về miền đất sở hữu tại Sanlucar de Barrameda, gần thành phố Cadiz và sau đó, nhà danh họa Goya cũng lui tới nơi này. Hai người từ nay là hai tình nhân và Francisco Goya đã vẽ người đàn bà này mặc bộ áo lụa đen, với cánh tay trái đeo hai cái vòng, một chiếc ghi chữ "Alba" còn chiếc kia ghi tên "Goya". Trong tấm tranh, bàn tay phải của đề tài lại chỉ xuống mặt đất, có vạch giòng chữ "Chỉ có Goya" (Solo Goya). Người ta tin rằng chính vào thời gian này, Francisco Goya đã vẽ bức họa "Maja khỏa thân" (The Naked Maja) với thân hình là của bà Bá Tước Alba còn bộ mặt được thay thế bằng diện mạo của người đàn bà khác. Sự liên hệ giữa nhà danh họa và bà Bá Tước không kéo dài được lâu vì Francisco Goya rời khỏi Sanlucar vào năm 1797 rồi 5 năm sau, bà Bá Tước Alba qua đời ở lứa tuổi 40.

Vào ngày 31/10/1799, Francisco Goya được Thủ Tướng Mariano Luis de Urquijo chấp nhận là Họa Sĩ bậc nhất của cung đình với lương năm là 50,000 đồng reales, rồi tới đầu năm 1800, được mời vẽ cho gia đình Vua Charles IV. Đây là một trong các vị vua bất tài của nước Tây Ban Nha và con trai của nhà vua này là Ferdinand VII về sau trở thành con người tệ hại nhất trong lịch sử của xứ Tây Ban Nha.

3/ Tâm tư của Nhà Danh Họa Goya.

Qua đầu thế kỷ 19, Francisco Goya là nhà danh họa bậc nhất được khen ngợi với danh vọng và tài sản được bảo đảm. Ông thường giao du với nhiều nhân vật uy tín nhưng trong hoàn cảnh sinh sống tốt đẹp này, nhà danh họa đã mắc bệnh tâm thần.

Từ năm 1792, họa sĩ Goya cảm thấy bị mất thăng bằng, khó khăn khi lắng nghe, mắt kém, nói năng mê sảng. Tình trạng bệnh hoạn này đã biểu lộ qua một loạt bản khắc họa (etchings) có tên là "Los Caprichos". Francisco Goya đi tìm thứ thế giới nội tâm rồi các tư tưởng và cảm giác cá nhân được bộc lộ ra bằng những sáng tác nghệ thuật và những thứ này không phải do đơn đặt hàng. Trí tưởng tượng của nhà danh họa đã thể hiện ra bằng một loạt công trình sáng tạo riêng tư vừa mang tính bí ẩn, vừa mô tả sự ghê rợn, đó là loại "Họa Phẩm Màu Đen" (Black Paintings).

Khởi đầu, Francisco Goya vẽ 11 bức tranh nhỏ mà nhà danh họa gọi là "Tranh Lạc Hướng" (Diversiones Nacionales) và gửi sáng tác cho ông Bernado de Iriate, một nhà văn giữ chức vụ Phó Giám Đốc của Hàn Lâm Viện San Fernando. Đề tài của những bức họa này là cảnh đấu bò rừng, cảnh đắm tầu, cảnh người bán hàng rong, cảnh nhà thương điên…

Sân chứa người khùng
Họa sĩ Goya bắt đầu nhìn thấy một thứ thế giới đồi bại, trong đó con người bị đối xử xấu xa hơn con vật. Đây là thứ "thế giới đen" và trong mọi bóng tối của nơi này đều chứa đựng các điều ác. Hai bức họa "Nhà của kẻ điên" (Madhouse) và "Sân chứa người khùng" (Courtyard with Lunatics) là cách mô tả theo hiện thực các diện đen tối của đời sống.  Francisco Goya tiếp tục khai thác "tính chất điên dại" của con người, với bộ mặt bị vẽ méo xẹo đi, với cảnh người điên treo cánh tay, treo đầu vào các thanh sắt của phòng giam. Nhà danh họa còn vẽ các kẻ nghiện rượu, các gái điếm, bộc lộ cảm tưởng đối với mọi khía cạnh bất thường của cuộc sống xã hội.

Khi Francisco Goya trở về Madrid vào năm 1797, ông đã đi tìm mua các đĩa lớn bằng đồng và các dụng cụ khắc nét rồi bằng phương tiện này, nhà danh họa đã mô tả theo trí tưởng tượng. Vào ngày 6/2/1799, người ta thấy xuất hiện trên tờ báo Diario de Madrid lời rao bán một loạt 80 bức vẽ khắc nét bởi Francisco Goya với giá 4 đồng reales một đĩa. Ông bà Bá Tước Osuna là người đầu tiên mua loại bản vẽ này. Thế nhưng, nhà danh họa Goya phải ngưng loại sáng tác này bởi vì loại tranh Los Caprichos đã chế giễu sự tham nhũng của giới tu sĩ, chỉ trích tính ngu xuẩn của giới quý tộc Tây Ban Nha, đã phản kháng loại thuế bất công làm cho giới lao động nghèo khó.

Đề tài của các bản vẽ mới là sự ngu xuẩn và nhầm lẫn của xã hội, tính ích kỷ và dối trá của con người, lòng cuồng tín tôn giáo và loại tòa án tôn giáo áp chế… Hơn nữa, loại tranh Los Caprichos còn phản ánh các tư tưởng của Phong Trào Khai Sáng Tây Ban Nha, chẳng hạn bức vẽ Caprichos số 43 đã mô tả một nghệ sĩ hay một nhà văn đang gục đầu ngủ, phía trên là các con cú, các con dơi, đây là những con vật của cơn ác mộng.

Vào thế kỷ 18, con cú không tượng trưng cho sự khôn ngoan như theo ý nghĩa của thời nay, mà là hình ảnh của sự ngu đần và điên khùng. Nhà danh họa Goya muốn nói ra rằng một xã hội sẽ không thể có được lý trí (reason) nếu đặt căn bản trên các điều mê tín của tôn giáo và trên tập quán mù quáng của giới quý tộc. Ngoài ra còn có các bản vẽ số 39, số 42, số 49, số 79… vẽ con lừa, vẽ loại quỷ mặc áo thầy tu…  Francisco Goya đã bị ảnh hưởng của ông Jovellanos, một nhà trí thức thường công kích hệ thống thuế vụ, chỉ trích đời sống quý tộc và chế riễu các bà mệnh phụ ưa thích kết hôn vì địa vị hơn là vì tình yêu.

Các bản vẽ khắc nét Los Caprichos đã được vị Đại Sứ Pháp tại Tây Ban Nha chú ý, đó là ông Ferdinand Guillemardet. Ông Đại Sứ này đã mua một số bản vẽ và mang về Pháp. Người con đỡ đầu của ông là Eugène Delacroix, một họa sĩ danh tiếng của Phong Trào Lãng Mạn. Delacroix đã phải cảm phục Goya về cách diễn tả ánh sáng và bóng tối, và thiên tài của Goya bộc lộ qua cách bố cục mới lạ. Các bản vẽ Los Caprichos đã tránh né các chi tiết dư thừa, đề tài được đặt rải rác khiến cho con mắt của người ngắm tranh phải tập trung vào bi kịch trung tâm. Cách mô tả cơn ác mộng trong các bản vẽ này còn gây ảnh hưởng tới nhà thơ người Pháp Charles Baudelaire, một thi hào hàng đầu của thế kỷ 19.

Trong các năm từ 1815 tới 1824, Francisco Goya đã cho ra đời một loạt bản vẽ khắc nhỏ hơn với tên là "Disparates" (Điên Rồ) và loạt thứ hai "Tauromaquia" mô tả cảnh đấu bò rừng. Nhưng loạt tác phẩm hội họa danh tiếng nhất của Francisco Goya là bộ tranh "Tai họa của Chiến Tranh" (Disasters of War) với 85 bức vẽ mô tả cuộc chiến tranh đẫm máu của người dân Tây Ban Nha khi quân đội Pháp của Napoléon xâm lăng xứ sở này.

Vào năm 1807, người dân Tây Ban Nha chán nản trước cảnh tham nhũng của triều đình Vua Charles IV, đồng thời Hoàng Tử Ferdinand VII cũng muốn tranh giành ngôi báu. Lợi dụng sự chia rẽ trong vương triều và lòng bất mãn của dân chúng, quân đội Pháp đã tràn vào xứ Tây Ban Nha, chiếm đóng thành phố Madrid và Trận Chiến Tranh Bán Đảo (the Penisular War) bắt đầu vào ngày 2/5/1808. Ngày 6/6/1808, Hoàng Đế Napoléon Bonaparte phong cho người anh là Joseph làm Vua xứ Tây Ban Nha. Dân chúng Tây Ban Nha đã bất phục, nổi lên chống lại quân đội Pháp bằng những toán quân du kích, với số lượng 30,000 toán hoạt động rải rác trên toàn lãnh thổ Tây Ban Nha.

Tai họa số 5
Tới tháng 8/1808, do lòng can đảm của người dân địa phương, quân đội Pháp đã bị đẩy lui khỏi thành phố Zaragoza và Tướng Jose de Palafox đã mời nhà danh họa Goya tới viếng thăm thành phố này để ghi chép các vinh quang của người dân. Khi quay trở lại, quân đội Pháp đã trả thù. Thành phố Zaragoza bị phá hủy vào ngày 21/2/1809, hàng ngàn người bị giết chết. Các bản vẽ số 36 -39 của nhà danh họa Goya đã mô tả nhiều cảnh tàn nhẫn. Xác người treo trên cây trong khi binh lính Pháp đứng nhìn. Có nhiều cảnh vẽ binh lính Pháp tàn sát dân chúng, cảnh đàn bà trẻ em chống cự quân xâm lăng. Bức "Tai Họa số 5" có phụ đề là "họ giống như các con thú dữ", vẽ cảnh một phụ nữ một tay bế con thơ, một tay cầm ngọn giáo đâm vào bụng của một binh lính Pháp.

Tuy nhiên vào năm 1810, Francisco Goya được tòa thị chính Madrid đặt vẽ chân dung của Vua Joseph Napoléon. Người ta đã nghi ngờ lòng ái quốc của nhà danh họa Goya. Thực ra, Francisco Goya có cảm tình với Phong Trào Khai Sáng và vài người bạn của ông, như các ông Moratin và Valdes đã làm việc cho triều đình của Vua Joseph. Nhà vua người Pháp này khi cai trị xứ sở Tây Ban Nha, đã ra các đạo luật hủy bỏ loại tòa án tôn giáo (the Inquisition), triệt hạ hai phần ba các tu viện và tước quyền của hai giới quý tộc và tu sĩ. Cho nên phải nói một cách công bằng rằng nhà danh họa Goya đã ủng hộ các tư tưởng "xây dựng mới" của chính quyền Pháp đồng thời cũng lên án "sự tàn ác" của người Pháp xâm lăng. Một câu chuyện kể lại rằng có người hỏi nhà danh họa tại sao vẽ các cảnh man rợ mà con người phạm phải, thì Francisco Goya trả lời: "để nói cho mọi người đừng bao giờ hành động man rợ".

Vào năm 1813, người dân Tây Ban Nha vùng dậy do sự giúp đỡ của quân đội Anh chỉ huy bởi Hầu Tước Wellington, Vua Joseph Napoléon phải chạy khỏi thành phố Madrid và Ferdinand VII lên ngai vàng. Sau khi chiếm quyền, nhà vua này đã hủy bỏ mọi cải cách, phục hồi quyền lực của nhà thờ Cơ Đốc, đặt ra tòa án tôn giáo. Người dân Tây Ban Nha lại chịu cảnh đàn áp mới. Các người có cảm tình với người Pháp khi trước, như hai ông Moratin và Valdes, phải bỏ xứ ra đi, nhiều người khác bị bắt giam. Nhà danh họa Goya phải vẽ ra vài tác phẩm mang tính ái quốc để làm vừa lòng triều đình Ferdinand VII.

Từ ngày 8 tháng 3 năm 1814, Francisco Goya vẽ họa phẩm "Ngày 2 tháng 5" (The Second of May) mô tả "Cuộc nổi dậy tại Puerta del Sol" và họa phẩm "Ngày 3 tháng 5" (The Third of May) trình bày "Cuộc hành hình các người Madrilenos".

Trước kia vào năm 1808, khi quân đội Pháp chiếm đóng thành phố Madrid và bắt giam Vua Tây Ban Nha, người dân Madrid được gọi tên là "Madrilenos" đã không có phản ứng, nhưng tới ngày 2 tháng 5, khi binh lính Pháp đi bắt thêm các gia đình hoàng gia thì trên đường phố Madrid, đặc biệt tại Công Trường Puerta del Sol, người dân Tây Ban Nha đã chống cự. Từ các bao lơn, từ các cửa sổ, trên các nóc nhà... dân chúng đã ném gạch đá vào quân đội Pháp. Vua Joseph Napoléon đã dùng đoàn quân Mamluks gốc Ai Cập, tàn sát người dân thành phố Madrid. Các người dân bị nghi ngờ tham gia vào cuộc nổi loạn này bị đưa đi xử bắn trên ngọn đồi Principe Pio, bên ngoài thành phố.

Trong họa phẩm "Ngày 2 tháng 5", Francisco Goya đã vẽ cảnh tàn sát tại phần tiền cảnh (foreground) để người ngắm tranh dễ thấy nỗi khủng khiếp của chiến tranh, với quân Mamluks và người dân thành phố chém giết nhau, mặt đối mặt, võ khí mọi hướng, thân người ngã gục trong cảnh hỗn loạn và nhà phê bình Fred Licht đã nhận xét rằng trong họa phẩm này, không có một bố cục trung tâm nào, không có một nhân vật chính nào bởi vì nhà danh họa Goya muốn trình bày cảnh tàn sát không nương tay của cả hai phía.

Ngày 3 tháng 5
Trong họa phẩm "Ngày 3 tháng 5", nhà danh họa làm tăng thêm nỗi kinh hoàng, diễn tả cảnh tàn nhẫn trên ngọn đồi Principe Pio. Các người lính Pháp đã quay lưng lại, không để thấy rõ mặt. Họ là các kẻ sát nhân vô danh. Tiền cảnh là nền đất đẫm máu với xác người đè lên nhau và hậu cảnh mô tả vài người ôm mặt. Nhưng trong ánh sáng của ngọn đèn chiếu tới, có vẽ một kẻ anh hùng đang giang hai cánh tay thách đố, coi thường cõi chết.

Sức mạnh mô tả qua họa phẩm "Ngày 3 tháng 5" của Francisco Goya đã được vài nhà danh họa khác bắt chước, chẳng hạn như họa sĩ người Pháp Edward Manet trong họa phẩm "Hành Quyết Maximilian" (the Execution of Maximilian) hay họa sĩ Pablo Picasso qua bức vẽ "Tàn Sát tại Triều Tiên" (Massacre at Korea) thực hiện năm 1951. Ngày nay, hai họa phẩm kể trên của Francisco Goya là thứ được Viện Bảo Tàng Prado trân trọng nhất nhưng vào thời kỳ trước, Viện Bảo Tàng đã không cho trưng bày hai tấm tranh kể trên của nhà danh họa trong 40 năm.

Vào năm 1812, bà vợ Josefa của Francisco Goya qua đời. Nhà danh họa kết nối liên hệ tình cảm với cô nàng Leocadia Zorilla, một thiếu nữ đáng tuổi con gái của mình và điều này đã gây ra mối bất hòa với người con trai Javier. Tới tháng 10 năm 1814, Zorilla sinh ra một bé gái đặt tên là Maria del Rosario, chính thức ghi sổ là con của ông Isidro Weiss, người chồng đã qua đời của nàng Zorilla. Francisco Goya có lẽ là người cha thực sự của đứa bé này.

Maja khỏa thân
Từ năm 1814, chính quyền đàn áp của Vua Ferdinand VII đã lập lại tòa án tôn giáo, với các quan tòa do nhà vua chỉ định, để truy tố các người dân Tây Ban Nha có cảm tình với quân đội Pháp khi trước, để đàn áp các kẻ chống đối chính trị. Vào tháng 3 năm 1815, Francisco Goya bị gọi ra trình diện trước tòa án tôn giáo, trên đầu đội một chiếc mũ cao hình chóp nón (coroza), mình mặc một loại áo dài không cánh tay (sanbenito). Nhà danh họa 68 tuổi, vừa tai điếc, vừa yếu đuối vì nhiều bệnh tật, phải cắt nghĩa lý do của bức họa xấu xa "Maja khỏa thân" (the Naked Maja), mặc dù trong nhiều thập niên, vương triều Tây Ban Nha đã từng thu thập các tác phẩm hội họa khỏa thân. 

Cuộc xét xử này thực ra là cách hành hạ nhà danh họa vì những tư tưởng chính trị trước và sau cuộc chiến tranh của người Tây Ban Nha chống lại quân đội Pháp. Nhờ hai người làm chứng xác nhận lòng yêu nước và các hoạt động của nhà danh họa trong thời kỳ chiến tranh, nhờ một nhân viên trong ban xét xử của tòa án tôn giáo công nhận rằng họa phẩm "Maja khỏa thân" bắt nguồn từ các họa phẩm của nhà danh họa Titian gốc Ý và nhà danh họa Tây Ban Nha Diego Velazquez (1599-1660), tòa án tôn giáo đã không kết tội Francisco Goya ngoài điều bắt buộc một thời gian "sám hối".

4/ Các họa phẩm đen.

Vào ngày 17/2/1819, Francisco Goya mua một căn nhà miền quê có tên là Quinta del Sordo (căn nhà của người điếc), tọa lạc tại phía bên kia dòng sông Manzanares. Căn nhà này có vườn rộng, có giếng nước, có vườn nho và nhà danh họa đã sống với nàng Leocadia Zorilla cùng đứa bé gái 5 tuổi, tên thường gọi là Rosarito. Francisco Goya bị bệnh tật trong các năm cuối đời, sống nhờ sự chăm sóc của nàng Zorilla và nhờ cách chữa trị của bác sĩ Eugenio Garcia Arrieta.

Ngày nghỉ của các phù thủy
Từ năm 1820 tới năm 1824, nhà danh họa Goya thực hiện các bức tranh mà người đời sau gọi tên là "các họa phẩm đen" (Black Paintings), lúc đầu được vẽ vào tường phòng ăn, về sau được chuyển sang vải bố. Khi vào trong phòng ăn, người ta thấy ba tấm tranh lớn: "Quỷ Saturn đang ăn thịt con" (Saturn Devouring His Son) và "Judith với cái đầu của Holofernes" (Judith with the Head of Holofernes). Đây là viên tướng người Assyrian đã bị giết bởi nàng góa phụ Judith của thành phố Bethulia. Tác phẩm thứ ba của Francisco Goya có tên là "Ngày nghỉ của các phù thủy" (The Witches' Sabbath) trong đó con quỷ có bề ngoài là con dê đang thuyết giảng cho đám phù thủy mặc áo nhà tu. Nhà danh họa đã chế riễu giới tu sĩ trong y phục của thú vật.

Vào năm 1823 tại xứ Tây Ban Nha, chính quyền khắc nghiệt của Vua Ferdinand VII đã bao trùm khắp nơi. Nhiều người bị bắt giữa đêm khuya và các tòa án quân sự chỉ thi hành luật pháp một cách sơ sài. Tây Ban Nha trở thành xứ sở mất tự do nhất của châu Âu và tình trạng đe dọa này khiến cho nhà danh họa Goya phải bỏ trốn. Sau khi bàn giao căn nhà cho người cháu là Mariano, Francisco Goya tới trú ẩn tại nhà một người bạn tên là Jose Duaso y Latre.

Tới khi Vua Ferdinand công bố lệnh ân xá, nhà danh họa Goya xin phép du lịch qua nước Pháp trong 6 tháng để chữa bệnh, ông xin phép ra đi một phần vì không muốn bị nghi ngờ về lòng thiếu trung thành, một phần vì muốn duy trì số tiền lương do chính quyền cung cấp. Ngày 24/6/1824, nhà danh họa dừng chân tại thành phố Bordeaux, nơi cư ngụ của người bạn cũ là Leandro de Moratin. Ông Moratin đã mô tả nhà danh họa là "một ông già vừa điếc, vừa yếu đuối, không biết một câu tiếng Pháp nhưng lại muốn thử mọi thứ mới lạ". Francisco Goya tới thủ đô Paris vài ngày rồi quay trở về Bordeaux vì ông bạn Moratin e ngại rằng thời tiết mùa đông của thành phố đó sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của nhà danh họa.

Tại Bordeaux vào thời gian này đã có một cộng đồng nhỏ người Tây Ban Nha lưu vong và Francisco Goya vui hưởng một cuộc sống tiện nghi, bên nàng Zorilla và cô bé Rosarito từ Tây Ban Nha qua theo. Nhà danh họa tiếp tục vẽ một loạt bản khắc nét nhưng không thuộc loại tác phẩm đen nữa, vẽ một số chân dung và vẽ cỡ nhỏ trên ngà voi. Tới tháng 5-1826, nhà danh họa 80 tuổi này trở về thành phố Madrid, xin chính quyền số tiền hưu bổng của chức vụ họa sĩ cung đình. Sau một tháng cứu xét, nhà vua đã ban cho Francisco Goya 50,000 đồng reales và nhà danh họa trở lại Bordeaux, lòng đầy vui sướng. Francisco Goya cũng trở về Madrid vài lần nữa và trong một lần, ông đã vẽ chân dung cho đứa cháu Mariano, 19 tuổi, giống như bức chân dung khi trước của người con trai Javier cũng 19 tuổi.

Francisco Goya
vẽ bởi Vicente Lopez
Tại thành phố Madrid, người thay thế Francisco Goya làm họa sĩ cung đình bậc nhất là Vicente Lopez, đã yêu cầu nhà danh họa ngồi làm mẫu cho một bức chân dung, trong đó họa sĩ Goya cầm miếng pha màu cùng vài cây cọ.

Vào tháng 2 năm 1828, Francisco Goya lâm bệnh, nên có dặn vợ chồng người cháu Mariano qua Bordeaux. Ngày 28/3, cặp vợ chồng này tới nơi thì vào ngày 16/4/1828, nhà danh họa Francisco Goya thở hơi cuối cùng, bên cạnh gia đình và vài người bạn.

Francisco Goya được chôn cất tại Bordeaux nhưng tới năm 1901, dân chúng Tây Ban Nha muốn mang nắm xương tàn của nhà danh họa về chôn tại thành phố Madrid. Cuối cùng vào năm 1928, mảnh đất của ngôi nhà thờ nhỏ San Antonio de la Florida là nơi an nghỉ cuối cùng của nhà danh họa, vì vào năm 1798, Francisco Goya đã trang trí vòm mái của ngôi giáo đường này.

Francisco Goya là họa sĩ tìm cách khám phá chiều sâu ảm đạm của tâm hồn con người với cơn giận dữ, với nỗi sợ hãi, với cảnh bất công, cảnh chém giết… mà trước ông, chưa từng có họa sĩ nào đam mê theo đuổi. Các họa phẩm rực rỡ của Francisco Goya là các hình ảnh của Lịch Sử. Nhà danh họa Goya đã tạo ảnh hưởng sâu đậm tới các họa sĩ sáng tác về sau và làm thay đổi chiều hướng của Nghệ Thuật Hội Họa Tây Phương.

              
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org; A World History of Art, by Hugh Honour & John Fleming, Book Club

Francisco Goya
https://en.wikipedia.org/wiki/Francisco_Goya

Black Paintings
https://en.wikipedia.org/wiki/Black_Paintings