Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản có phân tích, Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia đã mạnh mẽ chống lại “chủ nghĩa thực dân mới” của Trung Quốc bằng cách hủy bỏ các dự án tài trợ của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đây có thể được xem như một bước ngoặt quan trọng tại Đông Nam Á.
Sơ đồ Chiến lược Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc (Ảnh: Xinhua Finance Agency, 2015)
Ấn Độ và Nepal xây dựng tuyến đường sắt xuyên biên giới
Ngày 31/8, Ấn Độ và Nepal đã ký một biên bản ghi nhớ kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt xuyên biên giới, sau khi hai nước khảo sát tuyến đường sắt xuyên biên giới nối giữa thị trấn biên giới Ấn Độ là Raxaul với thủ đô của Nepal là Kathmandu, hai nước sẽ bắt đầu thủ tục khởi công xây dựng.
Hồi tháng Sáu năm nay, ĐCSTQ và Nepal đã ký một thỏa thuận hợp tác đường sắt từ Tây Tạng đến Kathmandu. Động thái của Ấn Độ được xem là một đối trọng với ĐCSTQ.
Theo giới truyền thông ở Ấn Độ và Nepal, Ấn Độ đã tích cực chống lại kế hoạch mở rộng “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, Chính phủ Ấn Độ thông qua các chính sách như “ưu tiên các nước láng giềng”, “Đông tiến” (Act East) để tăng cường hỗ trợ các nước láng giềng xây dựng cơ sở hạ tầng. Ấn Độ cũng rất không hài lòng đối với “Hành lang kinh tế Pakistan – Trung Quốc” trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”, cáo buộc ĐCSTQ đã vi phạm chủ quyền của Ấn Độ, vi phạm cam kết giữ thái độ trung lập về vấn đề Kashmir.
Tại Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hồi tháng Sáu, một lần nữa Thủ tướng Ấn Độ Modi lại từ chối ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường”, ông đã đặc biệt gây chú ý khi là quốc gia duy nhất phản đối ngay tại hội nghị này. Modi cho biết, tính liên kết giữa khu vực Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và các nước láng giềng là dự án ưu tiên của Ấn Độ, Ấn Độ ủng hộ những dự án liên kết mới có tính bền vững, minh bạch, tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ nhau.
Malaysia đã nhiều lần lên án “chủ nghĩa thực dân mới”
Mahathir, Thủ tướng mới của Malaysia cho rằng thỏa thuận giữa ĐCSTQ với Malaysia là không công bằng, vì thế đã có nhiều hành động nhắm vào các dự án do Trung Quốc tài trợ. Tại một cuộc họp báo với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ông Mahathir 93 tuổi đã kêu gọi cần phải có thương mại công bằng, chủ trương chống lại chủ nghĩa thực dân kiểu mới.
Gần đây, tại buổi họp báo ở Bắc Kinh sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 5 ngày, ông Mahathir đã công khai hủy ba dự án do Trung Quốc tài trợ với tổng trị giá 22 triệu USD (Đô la Mỹ), đây là một đòn nặng đối với “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ.
Ngày 27/8, ông Mahathir cho biết không cho phép bán cho công dân nước ngoài các căn hộ của dự án bất động sản Forest City do Trung Quốc tài trợ, chính phủ sẽ không cấp visa cư trú cho người nước ngoài. Có đến 2/3 số người mua nhà ở Forest City đến từ Trung Quốc.
Năm ngoái, Mahathir đã đề cập lo lắng về vấn đề bất cứ ai đã sống ở Malaysia trong 12 năm đều có quyền bỏ phiếu. Có phân tích, Mahathir lo ngại chủ quyền quốc gia Malaysia sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng dưới áp lực kinh tế của ĐCSTQ.
Đối với Khu công nghiệp Kuantan Malaysia – Trung Quốc (Malaysia – China Kuantan Industrial Park – MCKIP) được xây hàng rào vây kín mà người Malaysia địa phương ví von là “Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc”, dự án đã không chỉ khép kín giới doanh nghiệp Trung Quốc mà còn không cho người Malaysia đi vào, ông Mahathir ra lệnh rằng các khu công nghiệp không phải là lãnh thổ của nước ngoài, vì thế những vấn đề này cần phải loại bỏ.
Trong một tuyên bố vào ngày 30/8, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á là AirAsia của Malaysia cho biết họ sẽ từ bỏ kế hoạch liên doanh xây dựng một hãng hàng không giá rẻ ở Trung Quốc.
Duterte tiếp tục chỉ trích Trung Quốc, tuần trăng mật kết thúc?
Vào giữa tháng Tám, Tổng thống Duterte của Philippines đã không dưới một lần lên án ĐCSTQ, kêu gọi Bắc Kinh “tái định hình” và “hành động ôn hòa” về vấn đề Biển Đông đang gây tranh cãi. Duterte công khai tuyên bố rằng Trung Quốc không có quyền tuyên bố vùng trời phía trên những hòn đảo nhân tạo là “không phận riêng”, Trung Quốc phải rút lại tuyên bố này.
Đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất mà ông Duterte gửi đến Bắc Kinh kể từ năm 2016 sau khi ông rời bỏ đồng minh Mỹ và chấp nhận làm bạn với ĐCSTQ. Tuyên bố này được cho là không bình thường vì kể từ khi nhậm chức ông Duterte luôn tỏ ra thân thiện với Bắc Kinh.
Mặc dù ông Duterte đã nhiều lần ca ngợi những hỗ trợ tài chính của ĐCSTQ, nhưng hầu hết 24 tỷ USD mà ĐCSTQ đã hứa vẫn chỉ là lời hứa suông, chưa được thực hiện. Điều này đã làm người Philippines giận dữ, đổ lỗi cho tổng thống làm mất cả chủ quyền quốc gia và lợi ích kinh tế.
Cuộc thăm dò dân ý mới nhất cho thấy mức tín nhiệm của Duterte đang suy giảm, người dân Philippines đang lo lắng thái độ mềm mỏng đối với ĐCSTQ sẽ dẫn đến việc mất chủ quyền quốc gia.
Các quốc gia khác đã phản ứng chống lại
Vào tháng Mười Một năm ngoái, chỉ trong vài tuần, cả Pakistan, Nepal và Myanmar đã đồng loạt hủy bỏ dự án thủy điện lớn của các công ty Trung Quốc. Sự thất bại của ba dự án với tổng trị giá 20 tỷ USD là một đòn nặng nề đối với tham vọng của ĐCSTQ trong sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”.
Pakistan đã hủy bỏ dự án đập Diamer Basha trị giá 14 tỷ USD với lý do là điều kiện tài chính của ĐCSTQ đã quá hà khắc; Nepal đã quyết định ngừng dự án thủy điện Budhi Gandaki 2,5 tỷ USD của Tập đoàn Gezhouba với lý do không tuân thủ, thiếu quy trình đấu thầu cạnh tranh; ngoài ra, ba năm trước Myanmar đã dừng dự án đập 3,6 tỷ USD và khẳng định vào tháng trước rằng họ không còn quan tâm đến dự án thủy điện này nữa.
Giới truyền thông quốc tế có những phân tích rằng, mặc dù lý do đằng sau quyết định hủy bỏ dự án điện của ba nước là khác nhau, nhưng một yếu tố chung là những nước nghèo đang ngày càng nhận thức được rằng việc để cho ĐCSTQ xây dựng những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ sẽ gây tổn hại cho lợi ích của quốc gia mình, làm người dân địa phương trả giá rất cao.
ĐCSTQ đã đầu tư mạnh vào Sri Lanka dưới hình thức cho vay để xây dựng đường xá, bến cảng và trung tâm hội nghị của nước này. Ngày nay, Sri Lanka phải chi khoảng 80% nguồn thu của chính phủ để trả cho khoản nợ “chưa từng có” này. Ngoài ra, vấn đề nghiêm trọng của Sri Lanka hiện nay là rơi vào bẫy nợ của ĐCSTQ khiến nước này phải cho Công ty Merchants Port Holdings của Trung Quốc thuê lại cảng Hambantota quan trọng với thời hạn lên đến 99 năm.
Huệ Anh