WESTMINSTER, California (NV) – “Ký” là tựa đề nhà báo Đinh Quang Anh Thái đặt cho hai quyển sách ghi lại những thời điểm đáng nhớ của ông qua những nổi trôi của cả một đời người, từ khi còn là một tù nhân Cộng Sản đến lúc trở thành một nhà báo có tên tuổi trong làng báo Việt Nam ở Mỹ.
Ngắn, gọn và lột tả nhân vật là bút pháp của nhà báo mà tác giả dùng suốt cả hai quyển “Ký” (Người Việt Books, 2018).
Đọc “Ký,” người ta không hề có cảm giác đang nghe một cụ già ngả nghiêng chén rượu, khề khà lải nhải chuyện ngày xửa ngày xưa, mà hình dung ngay một nhà báo xông xáo, đang vội vàng, ghi chép những câu chuyện thời sự sống động ngay trước mắt, ngay bây giờ.
Chỉ vài chữ, ông bắt ngay được chân tướng nhân vật, như bài thơ “Haiku” Nhật Bản.
Cứ xem ông viết về ông Hồ Hữu Tường, tác giả “Tiểu Phi Lạc náo Sài Gòn” (Nam Cường, 1966) thì biết.
Qua “Bác Năm Tường ‘Phi Lạc Náo Chí Hòa,’” ông sắc bén nhận xét: “Bác Năm vóc người hơi thấp, da xanh tái, hàm răng to, chắc và cáu vàng. Hai tai Bác Năm dài, dầy, trông như tai Phật.”
Rồi trong “Nguyễn Tất Nhiên, chiếc quần mới và bữa thịt chó cuối năm cũ,” ông chỉ buông vừa đủ chữ là độc giả thấy đúng người ông muốn tả, từ nhân dáng đến cá tính.
“… Anh chàng cao lêu nghêu, ‘mặt vác lên trời’ với “nụ cười ‘kẻ cả,’” và “Nhiên kiêu lắm, nhiều khi đến ngông cuồng.”
Thế thôi.
Vẫn với văn phong ấy, trong “Đêm Giao Thừa trên đất Tiệp,” ông, rất vắn tắt: “Đỗ Ngọc, bút hiệu Đỗ Quyên, đặc sệt ‘Bắc 75,’ râu quai nón, ăn nói bỗ bã. Hồ Huy, trọ trì giọng Quảng Bình, làn da tái xanh như mới chui từ rừng ra. Hoài Hương thì quê Nam Bộ, từng là Thanh Niên Xung Phong, giọng nói có vị ngọt của sông nước Cửu Long.”
Ngắn, gọn và giàu tình cảm.
Sau lần gặp gỡ vội vàng, ông chào bạn, lên đường sang Tiệp Khắc nhưng mãi đến giờ, ông vẫn giữ “túi ni lông Hoài Hương cho, trong có ổ bánh mì và chai nước ngọt.”
Hãy coi ông tả người bạn trên đất Tiệp tên Ngô Văn Chính ở Plzen. Đây là người ông đặt cho biệt danh là ông “Góc Độ.”
“Chính người nhỏ nhắn, mặt choắt nhọn, cứ mở miệng ra là ‘ở một góc độ nào đấy, thì…’”
Rồi ông Trương Tiến Dũng, một người bạn khác.
“Còn Dũng thì rõ ra là công tử quần bò (jeans), áo da, tóc tai gọn gàng, duy giọng nói khàn khàn như bị cảm.”
Tiết kiệm từng chữ, ông tả người nào ra người nấy.
Vẫn với ngòi bút nhà báo, với vỏn vẹn vài chữ, ông thần tình lên án cả một chế độ phi nhân ở Việt Nam kể từ 30 Tháng Tư, 1975.
Cứ đọc thì thấy… “Đoàn Kế Tường giữa chông chênh ‘Thiện-Ác:’”
“…Nhớ cái đói của Tường.
Một buổi sáng, trại giam vừa đánh kẻng báo thức. Tường chồm dậy, nhìn sang, nói. ‘Hôm ni trại cho ăn mắm ruốc Thái ơi.’ Quả thật, tôi ngửi thấy mùi khăm khẳm, tanh tanh.
Tường cuống quít chuẩn bị chén để nhận mắm ruốc. Tức là vài thìa nước muối pha chút mắm ruốc.
Kẻng trưa báo cơm, tù thường phạm đã có án đem lên mỗi phòng giam một thùng rau muống luộc lều bều những sợi dài ngoằng mà tù đặt tên là ‘canh kẽm gai.’ Nhìn thùng canh, Tường làu bàu chửi, ‘đ* mạ hắn, sáng nay tao rõ ràng ngửi thấy mùi tanh; đ* mạ thằng nào đi ỉa sớm.’
Chả là hai đứa tôi bị công an trại sắp chỗ gần sát cầu tiêu, cả ngày chịu đựng mùi phân, mùi nước tiểu. Nhiều đêm hai đứa thức trắng vì có bạn tù bị tiêu chảy, ôm quần chạy thục mạng cả chục lần vào cầu ngồi. Mùi tanh khắm lặm. May mà trong bụng teo tóp, không có chút gì, chứ không đã ọc hết ra rồi.
Sáng đó, Tường và tôi lầm mùi phân với mùi mắm ruốc.
Thương Tường. Thương mình.
Khốn nạn cái đời tù! Khốn nạn cái chế độ không có bộ mặt người đày đọa con người.”
Cộng Sản biến con người thành con chó, ngửi phân mà cồn cào ngóng đợi.
Thế thôi. Chỉ bấy nhiêu thôi, ông khiến độc giả không biết phải khóc, hay cười, hay cười ra nước mắt, hay phải nghẹn ngào cố giữ để khỏi bật òa cho cả dân tộc, cả quê hương còn đang quằn quại dưới gót chân “nội bang.”
“Ký 1,” ông nghiêng mình, cúi chào những văn nghệ sĩ cũng như nhà hoạt động quen thuộc Bùi Bảo Trúc, Đỗ Ngọc Yến, Đoàn Kế Tường, Hồ Hữu Tường, Hoàng Cơ Trường, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Tất Nhiên, Lê Văn Tiến, Nguyễn Chí Thiện, Trần Văn Bá…
Qua vần thơ Đinh Quang Anh Thái mượn từ bài “Ông Đồ” (1936) của thi sĩ Vũ Đình Liên, ta thoảng nghe tiếng ông thở dài hoài tưởng những người bạn cũ, mới đây mà đã…
“… Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu, bây giờ?”
“Ký 2”
Trong “Ký 2,” ông như mở lòng ra để đón nhận những người anh em yêu công bằng và tự do sinh ra ở bên kia chiến tuyến.
Qua “Giọt Nước Mắt Người Phụ Nữ Bên Thắng Cuộc,” ông tạo cơ hội để nghe tâm sự của một trí thức chối bỏ chế độ. Không có cách phỏng vấn khéo léo, dễ gì ông khuyến khích được một tự sự đầy nhân bản của một nhà văn miền Bắc.
Ông viết: “… Dấu mốc quan trọng làm thay đổi hẳn cuộc đời Dương Thu Hương là thời điểm đoàn quân của ‘bên thắng cuộc’ vào Sài Gòn trưa ngày 30 Tháng Tư năm 1975.
Trả lời phỏng vấn bằng điện thoại. Dương Thu Hương kể:
‘Ngày 30 Tháng Tư năm 1975 đã là một ngã rẽ trong đời tôi. Khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn. Trong khi tất cả mọi người trong toán quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi ngồi bên lề đường khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí…’”
Ghi chép lại những gì người ta nói không là nhiệm vụ chính của một nhà báo. Làm sao để người ta nói điều đáng nói mới là chuyện tất yếu.
Chưa hết, ông còn thể hiện lòng nhân ái qua “Hai Đại Tá, Hai Chiến Tuyến, Một Tấm Lòng Chung.”
Ông xóa mờ vĩ tuyến 17 trên bản đồ để tô đậm lòng yêu nước của hai anh em trong cảnh nồi da xáo thịt khốc liệt.
Ông viết: “Phạm Phú Quốc là đại tá Không Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Phạm Quế Dương là đại tá Lực Lượng Phòng Không Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Cùng cấp bậc, cùng họ Phạm nhưng không hề có chút quan hệ thân tộc nào. Phạm Phú Quốc chào đời ở Đà Nẵng, Phạm Quế Dương sinh ra ở Hà Tây. Một người thuộc quốc gia, một người bên Cộng Sản.
Năm 1965, trong một phi vụ oanh kích miền Bắc, máy bay Phạm Phú Quốc bị phòng không bắn rơi, ông tử nạn tại Hà Tĩnh.
Năm 1998, Phạm Quế Dương góp tay với thân nhân Phạm Phú Quốc tìm kiếm và cải tang hài cốt người quá cố về chôn cất tại quê quán Quảng Nam…”
Cũng ngắn, cũng gọn mà người đọc thấy được sự phi lý cùng cực của chiến tranh.
Nếu “Ký 1” là cung cách Đinh Quang Anh Thái cúi chào những anh em của “muôn năm cũ” thì “Ký 2” là lời chào đón những anh em mới, của hôm nay và mai sau.
Cả hai “Ký” đều không chỉ là ký sự của một người mà còn là một bài tường thuật về tâm tư và hoài bão rất Việt Nam.
Một cách ngắn.
Gọn.
Như tựa đề. (Đằng-Giao)