Vị thượng nghị sĩ nói rằng việc vô hiệu hoá sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực là cực kỳ quan trọng để bảo vệ tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới.
“Nếu họ đã tạo ra một căn cứ tên lửa thì chúng ta có thể phá hủy, vì chúng ta có đủ khí tài bố trí trong khu vực có thể xâm nhập vào phòng thủ và phá hủy chúng, chúng ta phải vô hiệu hoá lợi thế của họ”, ông Rubio nói.
Ý kiến của ông Rubio được đưa ra vào thời điểm căng thẳng đang tăng cao trong khu vực, vì Trung Quốc không chỉ tiếp tục thúc đẩy lợi ích quân sự của mình chống lại các nước láng giềng mà còn chống lại Hoa Kỳ.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với rất nhiều thực thể và đảo tranh chấp trên khắp Biển Đông và gần đây đã lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa và đường băng trang bị cho nhiều loại máy bay quân sự khác nhau.
Ông Mattis phát biểu trong một cuộc họp chính sách đối ngoại tại Singapore hôm thứ Bảy: “Việc lắp đặt các hệ thống vũ khí này được gắn trực tiếp với mục đích sử dụng cho quân sự nhằm đe dọa và cưỡng ép, mặc dù tuyên bố của Trung Quốc là ngược lại. Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa cũng đang mâu thuẫn trực tiếp với lời đảm bảo công khai của Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố tại Nhà Trắng, rằng họ sẽ không làm điều này”.
Hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc và sự thờ ơ trắng trợn với các quy tắc cho thấy đã đến lúc Hoa Kỳ phải đứng lên, ông Rubio nói. Ông Rubio cũng là thành viên tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại và Tình báo Thượng viện Mỹ.
Ông Rubio tuyên bố: “Phải có một điểm chấm dứt tại đây, việc này đã đi quá xa. Chúng ta không nhất thiết phải tìm kiếm xung đột, và có một cách để tránh xung đột, đó là tôn trọng các quy tắc. Nhưng tại một số thời điểm, chúng ta sẽ phải thực thi các quy tắc này. Và đó là những gì Trung Quốc đang tính toán xem liệu chúng ta có quan tâm đến những hành động của họ hay không. Và trên thực tế, nếu họ kết luận chúng ta không quan tâm, họ sẽ thích làm điều đó hơn”.
Trung Quốc tiếp tục phản đối Hải quân Hoa Kỳ về việc thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, nhiều đến mức làm Bắc Kinh phải hoảng hốt.
Quân đội Trung Quốc thường xâm lấn vào các tàu của Mỹ khi họ đi quá gần một số khu vực nhất định, dẫn đến những xung đột nhỏ, một trong số đó bị coi là không chuyên nghiệp.
Ông Rubia nhấn mạnh xung đột Biển Đông không phải là phương tiện để dồn Trung Quốc vào chân tường, mà thay vào đó đảm bảo rằng Trung Quốc đối xử với các nước láng giềng của mình một cách tôn trọng và hợp tác với Hoa Kỳ.
“Đây không phải là đang hạn chế Trung Quốc, đây là việc bảo vệ sự cân bằng giữa chúng ta”, ông Rubio nói. “Trung Quốc không có lịch sử đối xử bình đẳng hoặc hợp tác với các nước nhỏ hơn. Trong thực tế, lịch sử của họ và thậm chí các hành động của họ ngày nay có xu hướng thống trị các nước nhỏ hơn, yếu hơn phụ thuộc vào lợi ích của Trung Quốc”.
Minh Đức