Thursday, 14 March 2019

CHÍNH GIỚI MỸ MUỐN TT TRUMP TIẾP TỤC TẤN CÔNG LÀM SUY YẾU TRUNG QUỐC HƠN NỮA THAY VÌ ĐÀM PHÁN SỚM - Trần Đình Thu

1. Ông Robert Lighthizer bắt tay ông Reagan
2. Ông Robert Lighthizer hiện nay

Có lẽ cú sốc thượng đỉnh vừa qua đã góp phần đem đến sự thay đổi nhận thức lớn trong chính giới Mỹ, từ phía đảng cầm quyền cho đến phe đối lập Dân Chủ và kể cả tổng thống Trump, rằng không nên đàm phán với Trung quốc một cách vội vã mà cần phải tiếp tục làm suy yếu nước này thêm nữa.

Tín hiệu đầu tiên đến từ một tờ báo chuyên chống ông Trump là tờ New York Times. Báo này vừa có bài phân tích sự mềm yếu của ông Trump trong việc muốn chấp nhận những lợi ích quá ngắn hạn như việc bán đậu nành để dừng lại việc trừng phạt kinh tế Trung quốc, cho rằng như thế thì ông Trump có thể chấp nhận những lợi ích ngắn hạn để làm mất lợi ích lâu dài của nước Mỹ.

Dĩ nhiên bài báo nói hơi quá vì ông Trump không chỉ đặt ra yêu cầu bán đậu nành và giải quyết thâm hụt thương mại. Nhưng vấn đề là khi nó được bàn bạc trên New York Times cũng có nghĩa thể hiện ý chí của phe đối lập Dân Chủ theo hướng tiếp tục tấn công Trung quốc.

Bài báo cho biết chính giới Mỹ và các nhà kinh tế Mỹ đều không muốn ông Trump nhận một chiến thắng quá chóng vánh. Mặc dầu những lo ngại về việc Mỹ có những tổn thất nhất định nhưng tất cả đều đồng ý việc ông Trump tấn công Trung quốc là đúng vì Trung quốc là một nước cạnh tranh không lành mạnh.
Đặc biệt dường như sự thay đổi nhận thức này được phát động bởi vị Đại diện thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer vì tờ New York Times dẫn lời ông Lighthizer nói rằng “thỏa thuận với Trung Quốc sẽ là một quá trình trường kỳ, Mỹ không nên ký kết một thỏa thuận làm suy yếu các mục tiêu dài hạn, chỉ để đổi lấy lợi ích phù du”.

Ông Robert Lighthizer từng là Phó đại diện thương mại của tổng thống Reagan, là người được mệnh danh là “kiến trúc sư” của các đòn chiến tranh thương mại với Trung quốc của ông Trump. Ông chính là người muốn đánh thuế 25% thay vì 10% lên 200 tỷ hàng hóa Trung quốc, là người được coi là có quan điểm diều hâu đối với Trung quốc. Ông đã dành nhiều năm trong quá khứ để suy nghĩ về những chính sách cứng rắn với Trung quốc nhưng chưa có điều kiện thực thi cho đến khi gặp ông Trump.

Dấu hiệu thứ 2 về sự thay đổi nhận thức đến từ chính ông Trump.

Sau thượng đỉnh, ông Trump đã lấp lửng ông có thể không tiếp tục đàm phán và suốt mấy ngày qua ông im lặng không nhắc lại chuyện đàm phán với Trung quốc. Phải chăng ông đang suy nghĩ lại về chiến lược của mình?

Chắc chắn ông Trump sẽ có những tuyên bố về chuyện đàm phán hay không trong thời gian tới. Nếu ông Trump ngừng đàm phán và tiếp tục áp thuế thì Trung quốc sẽ vô cùng điêu đứng và khả năng này không phải là thấp.

Cá nhân tôi và có lẽ nhiều người cũng thấy kể ra ông Trump vừa áp thuế vừa đảm phán thay vì dừng lại để đàm phán thì sẽ hay hơn nhiều.


Trần Đình Thu