Tháng giêng ruộng đồng khô gốc rạ
Chim quốc kêu ra rả bờ xa
Rạch mương nước cạn trơ cằn
U Minh cách trở, nhớ nhà biết bao
*
Đàn chim quạ đen màu tăm tối
Nghĩ phận mình trăm mối lo âu
Tương lai mù mịt tìm đâu
Một vầng tươi sáng bể dâu lụi tàn
*
Cánh đồng lúa nay vàng đất cỗi
Nắng chói chang nứt nẻ thành đường
Tạo sinh ổ dế sống nương
Đêm về re ré dặm trường kêu vang
*
Trẻ trong xóm nắm càng bắt dế
Quay mồng mồng cho dế say mèm
Đá nhau duỗi thẳng thân mềm
Sứt râu, gãy gọng kèm nhèm…ngất ngư
Miền đồng bằng sông Cửu Long vào tháng mười mùa nước nổi bắt đầu hụt rút từ từ. Những cánh đồng lúa sền sệt đất sét sình lầy, là thiên đường êm ả cho đàn ốc len, ốc gạo, ốc lác, cá lóc, cá lòng tong sinh sôi nẩy nở. Trẻ thơ cứ lấy cái nôm ra đặt xuống vũng lầy nào đó, có thể chụp bắt vài con cá lóc, cá trê dễ dàng.
Tháng mười hai luồng hoàn toàn nước rút cạn, trả không gian ráo hoảnh điêu tàn lại cho người dân sau mấy tháng đầm đìa lầy lội, mực nước sông ngòi dâng cao. Ghe xuồng là phương tiện đi lại tốt nhất vì những con đường đất đều ngập lụt thành biển hồ. Người dân phải xây nhà sàn cao chân cột hầu tránh tình trạng nước ùa tràn vào nhà khi mùa nước nổi tung hoành vào thời điểm lụt lội nhất trong một năm.
Tháng Giêng thì khí hậu nắng ấm hong khô hết các mặt đất sình mềm nhũng. Mặt trời được dịp chiếu sáng nhiều hơn khiến ruộng đồng trở nên khô hốc. Đất sền sệt khi bị hút hết hơi nước ẩm ướt, trở nên héo úa co rút lại, ngoằn ngoèo thành từng mảng rắn chắc lồi lõm. Từ sự nhăn nhúm quắt queo này tạo sinh ra nhiều đường kẽ khúc khuỷu, phân chia lằn ranh giữa các hình đa giác, lục giác... Đây là chỗ trú ẩn an toàn nhất cho đàn dế làm ổ để sinh sôi nẩy nở rất nhiều.
Ngày xưa, dế là loại côn trùng có cánh rất hiền hoà với tiếng kêu re re rất dễ thương. Hoàn cảnh đổi thay nên cái nhìn về đàn dế trở nên khác thường và là thực phẩm bất ngờ. Dòng đời êm đềm trước năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, dế được bán cho trẻ nhỏ với mục đính làm thú vui tiêu khiển, tranh tài chơi đá dế tới sứt râu gẫy cánh. Bây giờ, vì phương tiện mưu tìm kế sinh nhai quá khó khăn, tự nhiên phong trào đi lùng sục bắt dế, nuôi dế bán cho tiệm ăn chế biến thành món nhậu nổi lên như cồn.
Dân ghiền nhậu khi đã lên cơn sốt, hễ thấy con gì cũng có thể làm mồi nhâm nhi với rượu đế. Cảnh này ngày xưa khi tôi còn ở Sài Gòn, có thể là khan hiếm nhưng theo thời đại mới, xã hội mới…con gì cũng có thể vô tư lự ăn, nhai, nuốt vô bụng, miễn sao ngon miệng thì…dzô…dzô…mấy xị cũng chẳng màng, cho dù lá gan có nhiễm vi khuẩn độc hại đang nhói đau, cào thét, kêu la rên rỉ.
Bạch Liên