Thursday, 25 April 2019

Những biến cố lịch sử từ 1-16 Tháng Tư, 1975, tại Phan Rang, Ninh Thuận – Hồ Đắc Huân


Thành phố Phan Rang ngày xưa nhìn từ trên máy bay.

Tác giả Hồ Ðắc Huân.
ĐSNT: Trân trọng giới thiệu đôi dòng về tác giả bài viết này: Ông Hồ Đắc Huân tốt nghiệp khóa 2 Nhân Vị hiện dịch đặc biệt Nha Trang. Từ TTHL/QG Vạn Kiếp thuyên chuyển về Tiểu Khu Ninh Thuận từ 1 Tháng Chín, 1971 đến 16 Tháng Tư, 1975. Thiếu tá trưởng toán huấn luyện lưu động Tiểu Khu Ninh Thuận. Bị tù Cộng Sản “tập trung cải tạo” 7 năm tại trại tù Kỷ Sơn, Tiên Lãnh Quảng Nam Đà Nẵng. Sang Hoa Kỳ ngày 22 Tháng Mười, 1991 (HO9) – Thành viên biên soạn Sách Lược Sử QLVNCH 2011 – Tác giả một số bài viết về QLVNCH trước và sau 1975.
Vì quyền lợi, qua sự sắp xếp của các cường quốc, căn cứ tình thế vô cùng thuận lợi cho Bắc Việt lúc bấy giờ, Hà Nội đã mở một cuộc tổng tấn công vào Miền Nam Việt Nam để cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trận chiến khởi đầu ngày 10 Tháng Ba, 1975, tại Ban Mê Thuột, kết thúc vào trưa ngày 30 Tháng Tư, 1975, tại Thủ Đô Saigon.
Với thời gian 55 ngày, nhìn lại lịch sử qua cuộc lui binh của Quân Lực VNCH (QLVNCH) trên quốc lộ 7 thuộc Quân Đoàn II và từ Quảng Trị đến cửa Thuận An, Huế thuộc Quân Đoàn I. Ngoài ra, các đơn vị của ta cứ tháo chạy tạo nên cảnh hỗn loạn vô cùng tang thương cho quân, dân chính tại các thành phố, quận lỵ vừa di tản.
Sự rút bỏ các đơn vị của ta quá nhanh, địch quân không kịp tiến vào tiếp quản.
Để chận đứng trận tổng công kích, QLVNCH có hai nơi đã lập tuyến phòng thủ chận đánh địch, đã gây cho Cộng Sản Hà Nội một sự bất ngờ và chịu tổn thất vô cùng nặng nề, đó là hai mặt trận Phan Rang và Xuân Lộc.
Sau 1975, có một số chiến hữu từng là cấp chỉ huy của các đơn vị tham chiến tại Phan Rang hoặc các nhà báo đã viết lại trận Phan Rang. Nội dung các bài viết ghi lại sự diễn tiến hoạt động của Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Phan Rang là chính yếu. Các sự kiện lịch sử khác xảy ra tại Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Ninh Thuận cùng thời điểm trên chưa ai biết rõ để viết lại.
Qua hồi ức, ngày 16 Tháng Tư, 1975, như mới xảy ra đây, nhưng nhìn lại đã hơn 40 năm rồi! Thời gian còn lại không lâu, thế hệ chúng tôi rồi sẽ qua đi, nếu không viết lại, các thế hệ sau muốn tìm hiểu những gì đã xảy ra vào những ngày cuối của Tiểu Khu Ninh Thuận cũng chỉ biết mường tượng mà thôi.
Người viết là sĩ quan thuộc Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu tháp tùng Đại Tá Trần Văn Tự, tỉnh trưởng/Tiểu Khu Trưởng Ninh Thuận cùng đoàn quân tự thoái vào Phan Thiết rồi về lại Phan Rang và góp phần hoạt động tại Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu cho đến sáng ngày 16 Tháng Tư, 1975, là ngày Cộng quân đã chọc thủng tuyến phòng thủ Phan Rang.
Qua hồi ức, thêm tài liệu của những người trong cuộc còn nhớ rõ, xin tổng hợp các chuyện rời để gom thành bài “Những biến cố lịch sử từ 1-16 Tháng Tư, 1975, tại Phan Rang-Ninh Thuận.”
I- Lược sử tỉnh Ninh Thuận
Ninh Thuận là một tỉnh nhỏ thuộc miền duyên hải ở phía Nam Trung Phần Việt Nam.
– Lịch sử: Tỉnh Ninh Thuận trước có tên là Phan Rang do tiếng Chàm Panduranga (Padarang) đọc trại ra.
– Tỉnh lỵ: Thành phố Phan Rang, ở cây số 1,557.
– Vị trí, ranh giới: Đông giáp biển Đông Hải, Tây giáp tỉnh Tuyên Đức, Nam giáp tỉnh Bình Thuận, Bắc giáp đặc khu Cam Ranh.
– Khoảng cách từ Phan Rang: Về phía Đông sát bờ biển Đông Hải, cách Đà Lạt 107 cây số về hướng Tây. Cách Phan Thiết 145 cây số về hướng Nam, cách Nha Trang 106 cây số về hướng Bắc, cách Cam Ranh 50 cây số cùng về hướng Bắc.
-Diện tích: Toàn tỉnh vào năm 1961 là 3,500 cây số vuông.
– Các quận: Tỉnh Ninh Thuận gồm có 5 quận: Thanh Hải, Bửu Sơn, An Phước, Du Long và Sông Pha. Ninh Thuận thuộc miền Duyên Hải, Trung phần Việt Nam, trực thuộc Quân Đoàn II, QK 2.
Những điềm báo trước, vận nước suy vong
Trước ngày Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ có hai hiện tượng không lành về vận nước xảy ra tại quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận là nơi sinh quán của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
1) Hòn đá Dao đối diện làng Tri Thủy ngã:
Chiều ngày 9 Tháng Tám, 1974, trời mưa tầm tã, gió lớn, sấm sét nổ chớp liên hồi suốt đêm. Sáng ra dân chúng Phan Rang được tin chấn động là hòn đá Dao (hình thanh long đao) trước chùa Thánh, núi Cà Đú đã ngã lúc 17 giờ hôm qua. Trên núi Đá Chồng năm 1972, cụ Ngô Khắc Kỉnh (thân sinh ông Ngô Khắc Tỉnh, Bộ Trưởng Giáo Dục), Chủ Tịch Hội Khổng Học Ninh Thuận quyên tiền xây dựng đền Khổng Tử. Trên núi Đá Chồng có hòn Đá Dao đối diện với bên kia sông là làng Tri Thủy, quê hương Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, có hòn đá mặt quỷ nhìn qua đá Dao.
Dân địa phương tin vào phong thủy nên có câu “thanh long đao trấn mặt quỷ.” Ngày xưa có nhà địa lý nói tại đất này về sau phát vị vua. Khi đá Dao ngã quỷ sẽ lộng hành, nhà vua sẽ sụp đổ. Ông Thiệu theo vợ đi đạo Công Giáo nhưng lại tin vấn đề này.
Núi Đá Chồng tại Ninh Thuận nơi còn lưu truyền về giai thoại ông Nguyễn Văn Thiệu trấn yểm hòn đá Dao.
Hòn đá mặt quỷ.
Lúc đó tỉnh có ý định nhờ trực thăng câu tảng đá lên đặt lại vị trí cũ. Có lẽ vì không có lệnh, phần khó khăn về kỹ thuật nên không thực hiện.
Điểm đặc biệt đá Dao ngã trùng hợp thời gian Tổng Thống Hoa Kỳ Nixon từ chức về vụ Watergate.
2)  Đoàn sâu màu xanh di chuyển về hướng làng Tri Thủy:
Đêm 19 Tháng Hai, 1975, tại đoạn đường Ba Tháp, Cà Rài, gần cầu Lăng Ông có một đoàn sâu màu xanh, mỗi con bằng ngón tay út bò từ núi phía Tây Bắc phi trường Phan Rang, sắp hàng di chuyển băng ngang qua quốc lộ số 1, chiều ngang độ 6 thước, không rõ phía đầu tới đâu và chiều đuôi dài bao xa. Trong ngày đầu đoàn sâu xuất hiện, Đại Tá Trần Văn Tự – tỉnh trưởng, ông Ngô Khắc Kỉnh, ông Biện Lý Lưu Hoàng, Trung Tá Trần Đình Giao (Không Quân Phan Rang), Đốc Sự Lễ Tấn Nhiểu – phó tỉnh trưởng Hành Chánh và ông Năm Tôn (anh rể ông Thiệu) có mặt tại cầu Lăng Ông để quan sát. Sau khi nhìn đàn sâu, ông Ngô Khắc Kỉnh lắc đầu rồi nói với mọi người “vận nước hết rồi!” Quay qua Đại Tá Tự ông nói đại tá giúp giải quyết việc này. Cứ 6 giờ di chuyển đến 18 giờ gom lại từng cụm, sâu màu xanh di chuyển về núi Cà Đú hướng đến làng Tri Thủy, khu Đầm Nại, đi đến đâu phá hoại mùa màng đến đó. Đại Tá Trần Văn Tự, chỉ thị Ty Nông Nghiệp mang thuốc rầy xịt nhưng không hiệu quả. Sau đó Thiếu Tá Bùi Sơn Hải, Tham Mưu Phó Tiếp Vận Tiểu Khu đem dầu gazoil đốt nhưng chỉ chết một ít. Cuối cùng phải nhờ Không Quân ở phi trường Bửu Sơn dùng dầu cặn rải đốt, sâu chết rất nhiều, hết đốt sâu tiếp tục bò đi. Qua ba ngày đêm tự nhiên biến mất. Ông Năm Tôn, anh rể ông Thiệu lo sợ mời thầy về làm lễ cầu an nơi nhà thờ tổ đường ông Thiệu.
Hai sự kiện trên xảy ra trên quê hương của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Lúc bấy giờ báo chí phổ biến nhiều người biết. Phải chăng đây là điềm báo trước sự sụp đổ của chế độ. Sự chết chóc về sau của dân chúng hướng về biển cả đi tìm tự do. Dân chúng miền Nam nghe tin này hoang mang vô cùng.
3) Máy bay hãng hàng không Việt Nam bị không tặc cho nổ rớt trên không phận Phan Rang:
Vào lúc 14 giờ 12 ngày 15 Tháng Chín, 1974, chiếc máy bay Boeing 727-121C-XV-NJC mang tên Phượng Hoàng của hãng hàng không Việt Nam chở khách từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Khi vào không phận Phan Rang, máy bay bị không tặc cho nổ và rớt ngoài vòng đai phi trường Bửu Sơn. Trung Tá Nguyễn Thanh Lịch (quê Bến Tranh, Mỹ Tho) làm phi công chính cùng 75 hành khách và phi hành đoàn đều tử nạn. Đây là sự kiện đáng buồn đã xảy ra nơi địa phận Quận Bửu Sơn, tỉnh Ninh Thuận.
II- Đôi nét về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, quê làng Tri Thủy
Toàn cảnh làng Tri Thủy Phan Rang nhìn từ xa.
Ông Nguyễn Văn Thiệu sinh ngày 5 Tháng Tư, 1923 tại làng Tri Thủy, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
– Học sinh trường Nam Tiểu Học Phan Rang.
– Học Trung Học Pélérin Huế, Kỹ Thuật Lê Bá Cang Sài Gòn.
– Sinh viên trường Hàng hải Thương Thuyền.
– Theo học Khóa 1 Bảo Đại, về sau đổi Phan Bội Châu Trường Võ Bị Huế (tiền thân Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam).
– Tốt nghiệp mang cấp hiệu Thiếu Úy Hiện Dịch Thực Thụ.
– Ngày 2/11/1963 vinh thăng Thiếu Tướng.
– Ngày 1/1/1965 vinh thăng Trung Tướng Nhiệm Chức.
– Ngày 19/6/1965, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia.
– Ngày 31/10/1967, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, nhiệm kỳ 1.
– Ngày 31/10/1971 đến 1975, Tổng Thống nhiệm kỳ 2.
Phu nhân của ông là bà Nguyễn Thị Mai Anh, ái nữ của cụ Phạm Đình Thưởng, quê ở Mỹ Tho. Ông bà sinh hạ được 4 người con gồm 2 trai và 2 gái. Ông từ trần hồi 10 giờ 20 ngày 29 Tháng Chín, 2001, tại thành phố Boston, Massachusettes, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 78 tuổi.
-Đêm, ngày kinh hoàng nhất tại Phan Rang
Trong đêm 31 Tháng Ba bước sang ngày 1 Tháng Tư, 1975 là đêm, ngày kinh hoàng nhất tại thị xã Phan Rang. Thành phố Phan Rang tương đối hẹp, chỉ có đại lộ Thống Nhất nối với quốc lộ 1 từ Bắc vào và trong Nam ra, chạy qua giữa thành phố. Tại Khu Tam Giác có thêm ngã ba đường nối từ Đà Lạt xuống theo quốc lộ 11 ráp vào.
Vào những ngày cuối Tháng Ba, 1975, trên quốc lộ 1 có quá nhiều xe cộ từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Đình rồi Nha Trang… xuôi Nam. Đủ loại xe cộ chất đầy đồ đạc. Các ông bà già, phụ nữ, trẻ con cùng binh sĩ rã ngũ và công chức bỏ nhiệm sở. Đoàn xe nối đuôi nhau chạy qua thành phố Phan Rang.
Ngày Nha Trang đã bỏ ngỏ, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và các quân trường khác cùng dân chúng Đà Lạt cũng rút lui trong đêm 31 Tháng Ba, 1975, nên xảy ra sự ùn tắc tại đây. Từng đoàn xe cả quân lẫn dân sự chật ních người tiếp nối nhau trong không khí chạy giặc. Tiếng súng nổ, tiếng còi xe hòa lẫn tiếng người la lối, sợ hãi nghe inh ỏi. Về đêm đèn xe chiếu sáng không khác ban ngày. Không khí ngạt thở bởi khói từ cả đoàn xe khựng lại buông ra ngút trời. Nhìn đoàn người tôi bắt gặp đôi ba chiến hữu đã biết nhau từ trước, trong số đó có Thiếu Tá Lâm Mỹ Phú Khóa 17 Nguyễn Thái Học Thủ Đức là bạn học cùng khóa 4/74 Bộ Binh Cao Cấp tại Long Thành từ Đà Nẵng vào và Thiếu Tá Nguyễn VănThành (râu) Khóa 19 Nguyễn Trãi Đà Lạt, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù (biết nhau khi ôn tập Tiểu Đoàn từ Vạn Kiếp). Tóm lại, nhìn cảnh tượng của đêm 31 Tháng Ba rạng ngày 1 Tháng Tư, 1975, là đêm và ngày kinh hoàng nhất tại Phan Rang.
Từ ngày này Phan Rang bắt đầu di tản, phố xá, chợ búa đều đóng cửa. Bộ phận an ninh không sao kiểm soát được.
-Chim sắt cao nguyên xuống miền duyên hải
Sư Đoàn 6 Không Quân VNCH gồm có 2 Không Đoàn Chiến Thuật KĐ 72/CT cùng Bộ Tư Lệnh trấn đóng Pleiku, KĐ 82/CT đóng tại Phù Cát. Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, tư lệnh Sư Đoàn.
Ngày 15 Tháng Ba, 1975, toàn bộ Sư Đoàn di chuyển từ Pleiku bằng không vận về Nha Trang, ngoại trừ một số phi cơ chờ sửa chữa đành bỏ lại. Chiều hôm sau Trung Tá Lê Văn Bút, Không Đoàn Trưởng KĐ 72/CT hướng dẫn các phi đội quay lại Pleiku đánh bom phá hủy máy bay, quân cụ và kho tàng còn lại. Lưu lại Nha Trang vài hôm, Sư Đoàn chuyển vào phi trường Bửu Sơn thuộc Căn cứ 20/CT Phan Rang, trong đó có Không Đoàn 92/CT được sáp nhập vào Sư Đoàn 6 Không Quân.
-Thiên Thần Mũ Đỏ vào thủ Phan Rang
Chiều 31 Tháng Ba, 1975, Tiểu Đoàn 5 và Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 3 Dù do Trung Tá Lê Văn Phát chỉ huy sau khi rút khỏi Khánh Dương được lệnh chuyển về phi trường Bửu Sơn. Đoàn quân di chuyển từ Nha Trang vào. Đồng bào chạy loạn bám theo hai bên hông đoàn xe và phía sau đuôi. Đoàn xe Nhảy Dù đến đâu họ theo đến đó. Khi vào Phan Rang, Lữ Đoàn 3 Dù đánh lạc hướng đồng bào di tản bằng cách di chuyển về hướng Tấn Tài xuống biển để cắt rời đoàn người ra, sau đó mới chạy vòng lên phi trường Bửu Sơn. Gần đến Phan Rang trời tối đèn xe bật lên với lộ trình thật dài. Nhìn đoàn xe di chuyển với đội hình ánh sáng chiếu rực trời, với tâm trạng qua nét mặt mỗi người có thể xem đây là “Đêm hoa đăng bi thảm.”
-Tướng Phạm Văn Phú ngủ đêm tại Chiến Đoàn ĐPQ ở phi trường Bửu Sơn, Phan Rang
Ngày 31 Tháng Ba, 1975, khoảng 20 giờ 30, Đại Tá Trần Văn Tự, tỉnh trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Ninh Thuận nhận được tin báo Tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân Đoàn II, Quân Khu 2 sẽ gặp Đại Tá Tự tại phi trường Bửu Sơn, Phan Rang.
Đại Tá Tự, Trung Tá Ba Tham Mưu Trưởng và Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Phương khóa 15 Cách Mạng Thủ Đức Trưởng Phòng 3 Tiểu Khu đón tiếp Tướng Phú và các sĩ quan tùy tùng đưa về Bộ Chỉ Huy nhẹ Tiểu Khu đặt bản doanh tại Chiến Đoàn Địa Phương Quân phòng thủ phi trường của Thiếu Tá Ngô Phùng Quang. Nơi phòng nghỉ Đại Tá Tự báo cáo tình hình an ninh tại địa phương. Lúc này Tướng Phú hoàn toàn mệt mỏi. Ông luôn móc súng muốn tự sát nhưng các sĩ quan tùy tùng kịp thời can gián và gìn giữ nên việc đó không xảy ra. Thời gian ở đây ông không có lệnh gì cho Đại Tá Tự. Tướng Phú thở dài và than người ông mệt quá bởi đêm hôm trước không sao chợp mắt được, rồi ông đi nghỉ trên chiếc giường bố.
Sáng sớm ngày 1 Tháng Tư, 1975, Đại Tá Tự tiễn Tướng Phú ra trực thăng bay vào Phan Thiết. Cùng lúc trực thăng chở Đại Tá Lý Bá Phẩm Tỉnh Trưởng Khánh Hòa đáp xuống lấy thêm nhiên liệu rồi bay đi ngay. Chia tay Đại Tá Lý Bá Phẩm, Đại Tá Tự và Trung Tá Ba về lại Tiểu Khu. Lúc này thành phố Phan Rang và Tháp Chàm vô cùng hỗn loạn.
-Đại Tá Trần Văn Tự, Tiểu Khu Trưởng Ninh Thuận và đoàn tùy tùng tự thoái vào Phan Thiết
Ngày 1 Tháng Tư, 1975, khoảng 8 giờ, qua điện thoại Thiếu Tá Bùi Sơn Hải Tham Mưu Phó Hành Chánh Tiếp Vận báo cho tôi vào Tiểu Khu gấp. Tôi bảo anh em trong Toán Huấn Luyện Lưu Động do tôi chỉ huy tại Khu Tam Giác chờ tin tôi báo về. Gặp Thiếu Tá Hải, ông nói ngay:
“Ông Huân à! Đại Tá Tự quyết định chúng ta rời bỏ Phan Rang sáng nay. Ông báo tin gia đình biết, chuẩn bị hành trang và cùng đi xe với tôi. Tôi báo về anh em thuộc Toán Huấn Luyện, trong đó có Trung Úy Nguyễn Khoa Khiêm, 8 hạ sĩ quan và 4 binh sĩ. Có 3 đại úy huấn luyện viên đã xin phép vắng mặt trong lúc này. Tôi nói anh em tự động giải tán về lo cho gia đình. Tôi sắp rời Phan Rang cùng Đại Tá Tự đi vào Phan Thiết. Chúc anh em luôn an lành. Tạm biệt các bạn.”
Xin nói rõ thêm: Sở dĩ Toán Huấn Luyện của chúng tôi sáng 1 Tháng Tư, 1975, còn có mặt nhiều anh em trong Toán với lý do ngoài chức vụ Trưởng Toán Huấn Luyện Tiểu Khu tôi còn được Tiểu Khu chỉ định làm Đặc Khu Trưởng An Ninh Phòng Thủ Khu Tam Giác gồm có các đơn vị: Quân Trấn Nha Trang, Chi Đội Cơ Giới – Đại Đội Chiến Tranh Chính Trị Tiểu Khu, Trung Tâm Tuyển Mộ Nhập Ngũ, Phòng Quân Tiếp Vụ, Chi Bưu Cục Phan Rang và Cư Xá Sĩ Quan cùng Trại Gia Binh nên anh em có mặt để phụ giúp tôi.
Liền sau đó thấy Trung Tá Nguyễn Công Ba, tham mưu trưởng (thay Trung Tá Nguyễn Văn Tiến  theo học khoá Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp (bảng cấp số mới Tiểu Khu trước hai tháng không có Tiểu Khu Phó, trước đó ông Ba là Tiểu Khu Phó) và Đại Tá Tự từ phi trường về lại Tiểu Khu. Cả hai vào Phòng 3 và Đại Tá Tự chỉ thị 20 phút nữa thì đi. Tôi liền viết ít chữ nhờ người báo về gia đình là tôi sắp đi xa cùng Đại Tá Tự để gia đình khỏi mong đợi.
Trước khi rời Tiểu khu, Phòng 4 lo cung cấp đầy đủ lương khô, bổ sung thêm đơn vị hỏa lực cho các loại vũ khí, trang bị Tiểu Đoàn 250/ĐPQ và đầy đủ xăng dầu cho đoàn xe di chuyển.
-Các sĩ quan Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu cùng theo Đại Tá Trần Văn Tự vào Phan Thiết
Sáng ngày 1 Tháng Tư, 1975, các sĩ quan cấp tá dưới đây cùng Đại Tá Tự và Tiểu Đoàn 250 Thần Ưng vào Phan Thiết:
– Trung Tá Nguyễn Công Ba (1935-2010), (Khóa 4 Cương Quyết Đà Lạt). Tham Mưu Trưởng  Tiểu Khu
– Thiếu Tá Bùi Sơn Hải (1926-2014), (Khóa 10 Thành Tín Thủ Đức). Tham Mưu Phó HCTV Tiểu Khu
– Thiếu Tá Trần Lệ, (Khóa 3 Ấp Chiến Lược Nha Trang). Trưởng Phòng Truyền Tin.
– Thiếu Tá Hồ Đắc Huân, (Khóa 2 Nhân Vị Nha Trang). Trưởng Toán Huấn Luyện Lưu Động Tiểu Khu.
– Thiếu Tá Trần Văn Kia, (Khóa 14 Nhân Trí Dũng Thủ Đức) Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 250 ĐPQ Thần Ưng cùng khoảng 500 quân của Tiểu Đoàn cùng đi theo.
Phái đoàn di chuyển bằng 7 xe jeep và 18 xe GMC. Ngoài ra, trên xe jeep Thiếu Tá Hải và tôi lúc vào Phan Thiết còn có ông Học (quên họ), Xã Trưởng Phước Sơn, quận Bửu Sơn xin quá giang.
-Có lệnh cho Trung Tâm Hành Quân không thiếu tá?
Sáng 1 Tháng Tư, 1975 thành phố hỗn loạn không tài nào kiểm soát được. Các sĩ quan cùng quân nhân các phòng, ban đều vắng mặt.
Đoàn xe rời Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Xe jeep Thiếu Tá Hải và tôi đi sau. Lúc này có viên Hạ Sĩ Quan thuộc Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu chạy ra hỏi tôi:
– Thưa thiếu tá, đại tá đi rồi. Tôi phải thông báo các đơn vị thế nào?
Tôi liền nói:
– Anh gọi máy báo đơn vị nào còn liên lạc được là: Đại tá Tiểu Khu Trưởng đã đi khỏi tỉnh. Các đơn vị tự động giải tán về lo cho gia đình. Trước khi giải tán phá hủy vũ khí, máy truyền tin, đốt các tài liệu mật. Phần anh sau khi báo xong hủy toàn bộ máy truyền tin của Trung Tâm Hành Quân và châm lửa đốt phòng lưu trữ hồ sơ cá nhân của phòng Tổng Quản Trị rồi mới về.
(Sở dĩ tôi ra lệnh như trên vì lúc còn phục vụ tại TTHL/QG Vạn Kiếp, tôi đặc trách huấn luyện các đề tài về Tham Mưu Chiến Thuật như: Căn bản thế công, Căn bản thế thủ và Căn bản lui binh cho các sĩ quan thuộc các Tiểu Đoàn Bộ Binh thuộc Quân Đoàn III, Quân Khu 3 và Lực Lượng Tổng Trừ Bị: Nhảy Dù, TQLC về ôn tập. Trong đề tài “Lui binh,” trước khi rời bỏ căn cứ mà địch sẽ chiếm, đơn vị lui binh phải phá hủy tất cả quân dụng mà không mang theo được. Về các hồ sơ cá nhân, tài liệu mật phải đốt trước khi rời khỏi nơi đóng quân).
Đến cổng Tiểu Khu tôi bảo anh em tiểu đội gác cổng làm lễ hạ cờ rồi tự động giải tán về lo cho gia đình. 
-Đại Tá Trần Văn Tự và phái đoàn hướng về bãi biển Ninh Chữ rồi ngược về Phan Rang để vào Phan Thiết
Khởi đầu đoàn xe di chuyển về biển Ninh Chữ. Được biết nơi đây có một chiến hạm của Hải Quân VNCH từ miền Trung vào Nam đang đậu tại đây để đón các đơn vị. Đoàn xe rời Tiểu Khu vào đại lộ Thống Nhất để ra Khu Tam Giác trực chỉ Ninh Chữ. Thành phố Phan Rang lúc này đã lên cơn sốt vì quá hỗn loạn. Tiếng súng xen kẽ tiếng ồn từ dân chúng la cướp. Bọn cướp tìm các cửa hàng lớn nơi phố vào khiêng đồ. Dân chúng chạy tới lui như giặc tới. Xe cộ từ hướng Bắc vào đông nghẹt trên xe. Trên bộ các quân nhân rã ngũ với đủ loại sắc phục lộn xộn. Có người còn giữ vũ khí. Dọc đường phố quân phục, giày trận, mũ sắt nằm lăn lóc bên đường.
Đoàn xe Đại Tá Tự có hộ tống trước sau thêm còi hụ nên sự di chuyển đến Ninh Chữ dễ dàng. Đến Ninh Chữ thấy không còn chiến hạm, Đại Tá Tự quyết định vào Phan Thiết bằng đường bộ cùng với Tiểu Đoàn 250. Khi về lại đại lộ Thống Nhất, cảnh hỗn loạn càng tăng thêm. Lúc này có một Chi đội thiết vận xa M113 từ miền Trung tạt vào Ty Ngân Khố Ninh Thuận phá kho bạc bằng mìn để lấy tiền. Một số bạc bằng kim khí rơi rải rác trên đường. Ngang qua khu vực thương mại thấy dân chúng kẻ khiêng máy may, người vác vải cây từ nhà may Hòa Vang ra đi tự do. Thành phố Phan Rang hết khả năng kiểm soát trật tự, không còn thấy bóng cảnh sát giao thông và Quân Cảnh tuần tiễu. Đủ loại xe từ miền Trung chạy vào Nam tỵ nạn. Các xe nối đuôi sát nhau. Kẻ đứng níu tay bên ngoài. Một số người ngồi trên mui xe. Trẻ con la khóc um sùm. Đến gần trưa đoàn quân của Trường Võ Bị Đà Lạt cũng đến Phan Rang để di chuyển vào Nam.
Qua khỏi cầu Đạo Long đã sẵn có Tiểu Đoàn 250/ĐPQ từ Cầu Mống đang dừng quân tại đây kết hợp lại phái đoàn Đại Tá Tự tổ chức mở đường tiến vào Phan Thiết.
-Đường vào Phan Thiết
Khoảng cách lộ trình Phan Rang-Phan Thiết theo quốc lộ 1 là 145 cây số. Vào thời diểm này trên quốc lộ 1 có nhiều loại xe chở người lánh nạn từ miền cao nguyên xuống, miền Trung vào nên tốc độ di chuyển chậm.
Qua khỏi Cầu Đạo Long, An Phước, Cà Ná rồi đến ranh giới Bình Thuận, các địa danh như: cầu Đại Hòa, Vĩnh Hảo, Tuy Phong, Ngã Ba Thượng văn, ấp Lâm Lộc, Phan Rí Cửa (Cầu Nam), Hòa Đa, Phan Rí Chàm, Chợ Lầu, Lương Sơn, Sông Lũy, Cây Táo, núi Tà Dôn, xã Phú Phong, cầu Phú Long, cầu Sở Muối lần lượt khuất lại đằng sau để bắt đầu chạy vào thị xã Phan Thiết.
-Trên lộ trình di chuyển thường gặp các quân nhân diện địa Tiểu Khu Bình Thuận, các chiến hữu ĐPQ-NQ. Họ trấn đóng, giữ an ninh những cây cầu quan trọng hoặc các địa điểm trọng yếu. Họ giữ vững tay súng, nhìn chúng tôi như huynh đệ, tươi cười vẫy tay chào làm cho đoàn người di chuyển thêm ấm lòng và tin tưởng lộ trình di chuyển được an ninh.
Khoảng 17 giờ trong ngày 1 Tháng Tư, 1975, chúng tôi đến thành phố Phan Thiết. Sau khi nghỉ giải lao, phái đoàn Đại Tá Tự di chuyển xuống lầu Ông Hoàng nghỉ lại, còn Tiểu Đoàn 250 Thần Ưng trú đóng nghỉ đêm tại thị xã Phan Thiết. 
-Nguyên nhân đưa đến việc Đại Tá Trần Văn Tự rời bỏ Phan Rang tự thoái vào Phan Thiết
Sau trận tổng công kích của Cộng Sản Bắc Việt vào Ban Mê Thuột 10 Tháng Ba, 1975, rồi đến việc rút lui của Quân Đoàn II và I, kế đến tuyến phòng thủ Khánh Dương và Huấn Khu Dục Mỹ bị chọc thủng. Trường Hạ Sĩ Quan và 2 TTHL Hải Quân, Không Quân Nha Trang cùng thành phố Nha Trang bỏ ngỏ, các trường quân sự tại Đà Lạt cũng rút về hướng Phan Rang.
Tình thế nguy ngập như trên, Đại Tá Tự nhận thấy khả năng Tiểu Khu Ninh Thuận không thể đương đầu với các mũi tấn công của quân Bắc Việt trong những ngày tới nên rút quân vào Phan Thiết với ý định:
1- Thành lập tuyến phòng thủ mới tại Cà Ná, nổ mìn để hàn bít đường quốc lộ 1 chận đứng quân Bắc Việt. Nhờ hải pháo từ biển yểm trợ quân ta và tạm dùng phi trường Sông Mao để tiếp xăng cho phi cơ các loại.
2- Hoặc phối hợp lực lượng Tiểu Khu Bình Thuận của Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa lập tuyến phòng thủ mới ở Phan Thiết.
Tuy nhiên những ý kiến trên không thành sau khi Đại Tá Tự tiếp xúc với Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn nhận lệnh chuyển quân về lại Phan Rang.
-Nội dung cuộc tiếp xúc giữa Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn và Đại Tá Trần Văn Tự tại lầu Ông Hoàng, Phan Thiết
Vào hồi 19 giờ ngày 1 Tháng Tư, 1975, tại lầu Ông Hoàng, Đại Tá Trần Văn Tự đã trình diện Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn Tư Lệnh Quân Đoàn III, Quân Khu 3. Sau khi hai người bạn đồng khóa 5 Đà Lạt chào mừng gặp nhau, Trung Tướng Toàn hỏi Đại Tá Tự:
– Phan Rang mất chưa mà “toi” chạy vô đây?
Đại Tá Tự trả lời chưa. Tướng Toàn liền ra lệnh:
– Bây giờ hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận trực thuộc Quân Đoàn III, Quân Khu 3 và sẽ có Bộ Tư Lệnh Tiền Phương ra phi trường Phan Rang. “Toi” phải trở về lại Phan Rang lập tức, sẽ có lực lượng tăng cường để giữ tuyến Phan Rang.
(Những lời đối thoại trên đây chỉ có hai người là Tướng Toàn và Đại Tá Tự. Mới đây Đại Tá Tự mới kể lại cho người viết nghe về câu chuyện này).
Xin nói rõ: Tướng Toàn và Đại Tá Tự là hai bạn đồng môn rồi đồng khóa thuộc trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. SVSQ Toàn theo học Khóa 3 Trần Hưng Đạo, thụ huấn nửa chừng bị bệnh xin xuất trường chữa bệnh. Về sau xin học tiếp Khóa 5 Hoàng Diệu cùng khóa với SVSQ Tự. Cả hai là bạn đồng khóa.
-Đoàn quân Ninh Thuận quay ngược về Phan Rang
Ngày 2 Tháng Tư, 1975, thi hành lệnh của Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, từ 8 giờ các sĩ quan thuộc đoàn quân Ninh Thuận tập họp nghe lệnh Đại Tá Tự quay ngược về lại Phan Rang. Thiếu Tá Kia tập hợp sĩ quan Tiểu Đoàn ban hành lệnh hành quân mở đường.
Trên đường về trong phạm vi lãnh thổ thuộc Bình Thuận hoàn toàn an ninh vì các đơn vị diện địa vẫn hoạt động bình thường. Kể từ Cà Ná về lại Phan Rang, thành phần an ninh Ninh Thuận đã bỏ ngỏ từ hôm trước nên có vài nơi Cộng quân đã xâm nhập xuất hiện nên từ đây Tiểu Đoàn 250 cho lục soát kỹ những nơi nghi ngờ, tìm hiểu tin tức qua dân chúng. Hành quân theo chiến thuật vừa mở đường vừa di chuyển nên sự di chuyển rất chậm.
Đến 19 giờ cùng ngày đoàn xe mới đến cầu Đạo Long để bắt đầu yểm trợ, lục soát tiến vào thành phố Phan Rang. Thị xã vắng người, phố xá đóng cửa, chợ búa buồn thiu, thành phần đeo băng đỏ (Việt Cộng 30) canh gác thành phố. Tiểu Đoàn 250 phân công các thành phần vừa yểm trợ vừa tiến quân lục soát. Tiếng nổ M16 cộng M72 thêm tiếng còi hụ. Dân chúng vui mừng nghe tin Đại Tá Tự và Tiểu Đoàn 250 về lại. Những người đeo băng đỏ tháo băng, vứt súng bỏ chạy. Một tên cướp có vũ khí chống cự lại liền bị hạ sát ngay trước cửa chợ Phan Rang, giấy bạc từ trong người bay vung vãi quanh xác chết.
Vào lại Tiểu Khu, nhìn cảnh tượng điêu tàn chỉ sau có một ngày rời bỏ nơi đây. Bọn cướp hôi của phá phách tan hoang. Bàn ghế, tủ bàn xô ngã bừa bãi. Tài liệu, giấy tờ bay khắp nơi từ các phòng ra cả sân cờ. Phòng lưu trữ hồ sơ cá nhân còn cháy âm ỉ. Đại Tá Tự nhìn cảnh điêu tàn lắc đầu xong lệnh cho Thiếu Tá Kia phân công các đại đội lục soát chiếm giữ an ninh Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, khu vực Tòa Hành Chánh, nhà đèn, máy nước và các cơ sở trọng yếu trong thị xã. Ban lệnh giới nghiêm trong thị xã từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Sau đó Đại Tá Tự và phái đoàn chạy vào phi trường Bửu Sơn nơi Bộ Chỉ Huy Tướng Phạm Ngọc Sang Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân. Tại đây có mặt Tướng Sang, Trung Tá Lê Văn Phát, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Dù. Các sĩ quan tham mưu Sư Đoàn 6 Không Quân, Lữ Đoàn 3 Dù và Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Các bên họp trao đổi tin tức bàn việc tái lập an ninh phòng thủ lãnh thổ tỉnh Ninh Thuận kể từ sáng hôm sau.
-Tiểu Khu Ninh Thuận lo tái lập an ninh
Đại Tá Tỉnh Trưởng rời bỏ Phan Rang ngày 1 Tháng Tư, 1975, nên lực lượng quân sự, hành chánh tự động tan rã theo. Mọi người bỏ đơn vị trở về lo cho gia đình.
Chiều ngày 2 Tháng Tư, 1975, phái đoàn Tiểu Khu trở về Phan Rang, tình hình tương đối yên tĩnh. Chỉ có kho bạc, kho gạo, cơ sở MACV và cư xá sĩ quan Khu Tam Giác bị cướp phá.
Việc phục hồi an ninh bắt đầu sáng 3 Tháng Tư, 1975. Lần hồi Đại Tá Tự cho lập lại an ninh trật tự thị xã Phan Rang, Tháp Chàm và phát thanh từ máy bay xuống các khu dân cư lời kêu gọi của Tỉnh Trưởng để ổn định an ninh trật tự.
Lữ Đoàn 3 Dù tăng phái cho Tiểu Khu một Trung Đội có Trung Úy Nguyễn Văn Lập, sĩ quan liên lạc Pháo Binh từ Lữ Đoàn đi theo để săn nhặt phụ tùng súng pháo binh song không có kết quả. Người viết lúc bấy giờ là một trong 5 sĩ quan cấp Tá thuộc Ban Tham Mưu Tiểu Khu đã sắp xếp Trung Đội Dù lên hai xe GMC có máy phóng thanh chạy vòng các đường phố Phan Rang và ngoại thành, mục đích thông báo lời kêu gọi của đại tá tỉnh trưởng đã trở về, yêu cầu quân nhân, công chức về trình diện đơn vị cùng nhiệm sở cũ.
Trật tự được vãn hồi, có Cảnh Sát và Quân Cảnh làm việc lại, đồng bào an tâm. Đã có Không Quân và Nhảy Dù tăng cường phòng thủ. Đồng bào mang nộp vũ khí giữ bất hợp pháp tại Tiểu Khu. Thiết lập lại hệ thống liên lạc, đưa một số đơn vị đến hoạt động tại các Chi Khu, Phân Chi Khu. Tập trung binh sĩ rã ngũ từ các nơi về để tiếp tục hoạt động.
Trung Tâm Yểm Trợ Hành Chánh Tiếp Vận hoạt động trở lại tại khu vườn dinh Tỉnh Trưởng do Thiếu Tá Huỳnh Trung Trước, Khóa 9 Đoàn Kết Thủ Đức Chỉ Huy Phó điều hành.
Chợ Phan Rang bắt đầu nhóm họp lại. Dân chúng đi lại bình thường nhưng tâm tư mỗi người chưa hết lo âu.
Một số Việt Cộng nằm vùng nổi dậy các ngày trước đều bị bắt hoặc trốn thoát.
Một số binh sĩ rã ngũ từ Trung vào trình diện nhưng lần hồi cũng bỏ đi.
Vào buổi trưa cùng ngày, Thiếu Tá Trương Khương, Liên Đoàn Trưởng Phòng Thủ Phi Trường báo có một Tiểu Đoàn ĐPQ Tuyên Đức băng rừng xuống nơi cầu Tân Mỹ. Tôi liên lạc được, Thiếu Tá Phong, Tiểu Đoàn Trưởng cho biết quân số còn chừng 200, xin Tiểu Khu cho phương tiện di chuyển về Phan Rang. Tôi liền cho 7 xe GMC lên đón về Tiểu Khu. Về đến nơi cơm nước xong Thiếu Tá Phương và tôi đề nghị Thiếu Tá Phong giữ đơn vị lại Ninh Thuận để hoạt động. Thấy người ông mệt mỏi lại không cho chúng tôi biết ở hay đi. Đến chiều số quân nhân Tiểu Đoàn Thiếu Tá Phong lần hồi bỏ ra phố Phan Rang để tìm phương tiện về Saigon.
Cũng trong ngày này được tin Thiếu Tá Nguyên Văn Mạnh, tham mưu phó Chiến Tranh Chính Trị Tiểu Khu Ninh Thuận đi ghe vào Vũng Tàu, ghe chìm, do không biết bơi nên ông mất tích.
-Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đến Phan Rang
Ngày 4 Tháng Tư, 1975, Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chính thức đến Phan Rang để nhận chức vụ Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn III tại mặt trận Phan Rang. Tháp tùng Trung Tướng còn có các sĩ quan tùy tùng và toán chuyên viên Truyền Tin.
Khoảng 11 giờ cùng ngày, người viết có mặt tại Phòng 3 Tiểu Khu thấy có xe Quân Cảnh, 5 xe jeep và 2 xe GMC chở khoảng 1 Trung Đội nhảy dù chạy vào Tiểu Khu để ra phía sau nơi gần bờ sông đón Tướng Nghi đáp trực thăng tại đây để đưa về phi trường. Lúc xe chạy ra thấy có Tướng Nghi. Ông không ghé Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu mà về thẳng phi trường Bửu Sơn.
-Các đơn vị tham dự lá chắn Phan Rang
Sau khi Cộng quân chiếm trọn Quân Đoàn I và II, ngoại trừ hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, thừa thắng xông lên, Bắc Việt đã đưa quân ồ ạt tiến sâu vào phía Nam. Nhằm cầm chân địch, củng cố lại các lực lượng thuộc Quân Đoàn III và IV, Phan Rang cũng là quê hương của Tổng Thống Thiệu nên ông quyết định sáp nhập hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào Quân Đoàn III và thành lập tuyến phòng thủ Phan Rang. Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh tình nguyện làm Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III và Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn III tại mặt trận Phan Rang. Bộ Chỉ Huy đóng trong phi trường Bửu Sơn.
Lực lượng thuộc quyền Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, tư lệnh mặt trận Phan Rang gồm có:
– Sư Đoàn 6 Không Quân, Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang làm Tư Lệnh. Sư Đoàn  gồm có 3 Phi Đoàn A-37: 524, 534, 548, 1 Phi Đội A-1, 2 Phi Đội tản thương 259B và 259C, 2 Phi Đoàn trực thăng 229 và 235.
– Lữ Đoàn 3 Dù, Trung Tá Lê Văn Phát Lữ Đoàn Trưởng gồm có Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn và Tiểu Đoàn 5 (-), rút về Saigon ngày 13 Tháng Tư 1975 và thay thế bằng Liên Đoàn 3/BĐQ.
– Lữ Đoàn 2 Dù (do Đại Tá Nguyên Thu Lương, Lữ Đoàn Trưởng ra thay) gồm 3 Tiểu Đoàn 3, 7 và 11. 1 Tiểu Đoàn Pháo Binh, các Đại Đội Trinh Sát Công Binh, Quân Y, Truyền Tin, yểm trợ tiếp vận.
– Trung Đoàn 4, 5 (-) Sư Đoàn 2 Bộ Binh do Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt làm tư lệnh.
– Liên Đoàn 3 BĐQ với 3 Tiểu Đoàn 31, 36 và 52 do Đại Tá Nguyễn Văn Biết, liên đoàn trưởng.
– Tiểu Khu Ninh Thuận với các Chiến Đoàn, Tiểu Đoàn ĐPQ, các Đại Đội biệt lập, NQ Pháo Binh Diện Địa, Chi Đội Cơ Giới Nhân Dân Tự Vệ và Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia do Đại Tá Trần Văn Tự, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng chỉ huy. Đến ngày 9 Tháng Tư 1975, do Đại Tá Trương Đăng Liêm thay thế.
Lực lượng Hải Quân gồm có: Duyên Đoàn 27 Hải Quân tại Ninh Chữ, 2 khu trục hạm, 1 giang pháo hạm, 1 hải vận hạm và một số tàu yểm trợ.
-Sư Đoàn 2 Bộ Binh ra Phan Rang
Ngày 7 Tháng Tư, 1975, Trung Đoàn 4 (-) thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh do Đại Tá Trương Đăng Liêm Trung Đoàn Trưởng di chuyển từ Bình Tuy ra Phan Rang. Đoàn quân di chuyển với 100 quân xa đủ loại. Có 6 chiến xa M41, 8 thiết vận xa M.113. Pháo Binh có 6 khẩu 155 ly và 8 khẩu 105 ly. Trên lộ trình có đoạn mất an ninh nên phải mở đường lục soát, đến 17 giờ hôm sau mới đến Phan Rang. Trung đoàn vừa được tái tổ chức và trang bị lại nên từ quân phục, vũ khí, quân xa, quân dụng đều mới toanh.
Đến Phan Rang, Đại Tá Liêm được đề cử chức vụ mới là tỉnh trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Ninh Thuận thay Đại Tá Trần Văn Tự đi nhận nhiệm vụ mới là Phụ Tá Lãnh Thổ Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn III tại mặt trận Phan Rang.
Ngay chiều ngày 8 Tháng Tư, 1975, Trung Tá Chế Quang Thảo (Khóa 2 Nhân Vị Hiện Dịch Nha Trang), Trung Đoàn Phó được cử làm Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 4 thay Đại Tá Liêm.
Ngày 13 Tháng Tư, 1975, Đại Tá Hoàng Tích Thông, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 2 BB cùng Trung Đoàn 5 (-) di chuyển ra Phan Rang.
Ngày 14 Tháng Tư, 1975, Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt, tư lệnh Sư Đoàn đi cùng số còn lại của Trung Đoàn 5 ra Phan Rang.
-Bắt sống 7 xe tiếp tế của Cộng quân tại đèo Du Long
Ngày 8 Tháng Tư, 1975, Tiểu Đoàn 11 dù đã bắt sống 7 xe tiếp tế thuộc đoàn hậu cần của địch cùng một số quân lính Việt cộng tại đèo Du Long. Chúng cứ ngỡ là Phan Rang chúng đã chiếm nên cứ ngang nhiên di chuyể
-Lễ bàn giao Tỉnh Trưởng/Tiểu Khu Trưởng Ninh Thuận
Sau khi từ Phan Thiết về lại Phan Rang, Đại Tá Tự kêu gọi anh em thuộc lực lượng diện địa Tiểu Khu trình diện để tổ chức phối trí lại các đơn vị. Song số anh em nặng gánh gia đình nên chỉ trình diện lác đác trong khi Sư Đoàn 2/BB đã có quân số tương đối đông. Từ đó Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi yêu cầu Tướng Nhựt cử một Đại Tá để giữ chức vụ Tỉnh Trưởng Ninh Thuận để có quân dễ dàng hoạt động. Tướng Nhựt đã cử Đại Tá Trương Đăng Liêm đảm nhiệm chức vụ này.
Lễ bàn giao chức vụ Tỉnh Trưởng/Tiểu Khu Trưởng diễn ra tại văn phòng Hội  Đồng Tỉnh Ninh Thuận ngày 9 Tháng Tư, 1975 dưới sự chủ tọa của Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cùng sự hiện diện của Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang với một số ít đại diện Quân, Cán Chính, Nghị Viên Hội Đồng Tỉnh và Nhân Sĩ tỉnh Ninh Thuận.
-Vài hàng tiểu sử và 8 ngày phục vụ của Đại Tá Tân Tỉnh Trưởng/Tiểu Khu Trưởng Ninh Thuận
Đại Tá Trương Đăng Liêm sinh Tháng Bảy, năm 1932, tại Thừa Thiên Huế. Động viên theo học khóa 3 Đống Đa Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 4 Sư-Đoàn 2 Bộ Binh .Từ Bình Tuy di chuyển Trung Đoàn  ra tăng cường mặt trận Phan Rang. Đại Tá Liêm được đề cử giữ chức vụ Tỉnh trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Ninh Thuận.
Lễ bàn giao tỉnh trưởng, tiểu khu trưởng vào trưa ngày 9 Tháng Tư, 1975, lúc bấy giờ tình hình an ninh của tiểu khu vừa được tái lập. Quân nhân và công chức lần lượt trở về đơn vị và nhiệm sở cũ.
Từ trái Đại Tá Trương Đăng Liêm, Tân Tỉnh Trưởng Ninh Thuận và tác giả.
Đại Tá Liêm hàng ngày làm việc tại Trung Tâm Hành Quân dưới hầm dinh Tỉnh và thường liên lạc song song với Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 4 để theo sát tình hình chiến sự. Trong 8 ngày, Đại Tá Liêm chỉ lo củng cố và tổ chức lại các đơn vị ĐPQ, NQ trực thuộc để bình định lãnh thổ, viếng thăm và chỉ thị các Chi Khu lo phục hồi an ninh, chưa có thì giờ để trông coi về hành chánh.
Vào đêm 15 Tháng Tư, 1975, tại thôn Phương Cựu, quận Thanh Hải, Việt Cộng xâm nhập nổ súng gây cho số ít Nghĩa Quân thương vong. Được tin, sáng 16 Tháng Tư, Đại Tá Liêm đến nơi thị sát. Liền sau đó qua tin báo, Cộng quân đã vào thị xã Phan Rang nên Đại Tá Liêm lên tàu Hải Quân của Duyên đoàn 27. Đến sáng 16 Tháng Tư, 1975, Cộng quân dốc toàn lực chọc thùng phòng tuyến, thị xã Phan Rang thất thủ.
Đại Tá Liêm lên được chiến hạm Whec. Tại đây gặp cả Tướng Nhựt, Thiếu Tá Trần Văn Kia và một số quân nhân của Tiểu Đoàn 250/ĐPQ Thần Ưng
-Sự hoạt động trong chức vụ mới của Đại Tá Trần Văn Tự
Sau khi bàn giao chức vụ Tỉnh Trưởng/Tiểu Khu Trưởng Ninh Thuận, Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đã đưa Đại Tá Tự vào căn cứ Sư Đoàn 6 Không Quân tại phi trường Bửu Sơn và đề cử Đại Tá Tự giữ chức vụ Phụ Tá Lãnh Thổ Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn III tại mặt trận Phan Rang.
Thiếu Tá Trần Văn Kia.
Đại Tá Tự và Chuẩn Tướng Sang có sự hiểu lầm nhỏ nên Đại Tá Tự không được đón tiếp niềm nở như một thành viên -của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương.
Trong những ngày ở phi trường, Đại Tá Tự sống với những gì mang theo để dùng hàng ngày cùng một tài xế và một xe jeep ở gần Bộ Chỉ Huy. Thỉnh thoảng Đại Tá Tự được mời tham dự cuộc họp ở Bộ Tư Lệnh Tiền Phương nhưng phần nhiều những ý kiến đóng góp của ông ít được Bộ Tư Lệnh Tiền Phương chú ý.
-Ông Lewis, chuyên viên Truyền Tin Tòa Đại Sứ Mỹ đến Phan Rang
Ngày 13 Tháng Tư, 1975, Tướng Times của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ từ Saigon bay đến Phan Rang dẫn theo ông Lewis, chuyên viên Truyền Tin đến ở cùng Bộ Tư Lệnh Tiền Phương với nhiệm vụ chuyển mọi tin tức qua các biến chuyển mới nhất của mặt trận về Tòa Đại Sứ. Ông rất tích cực làm việc, vô cùng bình tĩnh, nhất là lúc địch dồn dập tấn công.
-Trung Tướng Trần Văn Đôn, phó thủ tướng và Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân Đoàn III thị sát mặt trận Phan Rang
Ngày 15 Tháng Tư, 1975, khoảng 14 giờ, có phái đoàn của Trung Tướng Trần Văn Đôn, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng và Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân Đoàn III đến thị sát mặt trận và ủy lạo các đơn vị.
Sau khi viếng thăm thị xã Phan Rang, nghe Tướng Nghi thuyết trình về tình hình và một số đề nghị. Trung Tướng Đôn chú trọng đặc biệt đến việc phòng thủ Phan Rang và hứa sẽ tìm mọi cách bổ sung đầy đủ mọi trang thiết bị cho nhu cầu chiến sự. Sau đó Tướng Đôn và Tướng Toàn ủy lạo một số hiện kim cho các đơn vị cùng tưởng thưởng huy chương cho một số chiến sĩ đạt nhiều chiến công xuất sắc tại mặt trận. Tiếc thay đã quá trễ vì lúc này tại Cam Ranh và Tuyên Đức Cộng quân đã ém quân và chuẩn bị sẵn 2 Sư Đoàn 3 và 325 cùng lực lượng 968 dốc toàn lực tấn công vào đêm 15 rạng 16 để chọc thủng tuyến phòng thủ Phan Rang.
-Giáo xứ Hộ Diêm là nơi phòng thủ an toàn nhất của tỉnh Ninh Thuận
Trong các thôn, xã của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian trước ngày 16 Tháng Tư, 1975, nơi an toàn nhất phải kể là giáo xứ Hộ Diêm. Nơi đây được lực lượng Nhân Dân Tự Vệ phối hợp với giáo dân qua sự góp ý của Linh Mục chánh xứ và Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Phương đã tổ chức phòng thủ chặt chẽ, nếu có kẻ lạ mặt vào trong giáo xứ giáo dân sẽ phát hiện ngay nên không có sự xâm nhập nào của du kích vào giáo xứ. Mãi đến sáng 16 Tháng Tư, Cộng quân mới tiến vào được để kiểm soát.
 -Phan Rang và trận chiến quyết định
Sau khi tổng hợp tin tức, Tướng Nghi nhận định tình hình sớm muộn Cộng quân cũng tấn công Phan Rang bằng hai mũi từ Nha Trang theo Quốc Lộ 1 vào và từ đèo Ngoạn Mục theo quốc lộ 11 xuống nên Tướng Nghi đã lập kế hoạch phối trí các lực lượng:
– Hướng Du Long giao cho lực lượng Dù đảm trách, về sau Liên Đoàn 3/BĐQ thay thế, rải quân từ Du Long đến Phan Rang.
– Từ cầu Tân Mỹ đến Tháp Chàm do Trung Đoàn 4 (-) Sư Đoàn 2/BB bố trí.
– Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 2 và khu vực Tháp Chàm do Trung Đoàn 5 (-) phụ trách.
– Các Tiểu Đoàn, Đại Đội ĐPQ cùng Nghĩa Quân Ninh Thuận sau khi họp chỉnh trang lại được phối trí phòng thủ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Ninh Thuận, thị xã Phan Rang, các Chi Khu cùng các thôn xã kế cận.
– Sư Đoàn 6 Không Quân yểm trợ tổng quát về hỏa lực, chuyển vận, quan sát và tản thương.
Cộng quân đã thực hiện ý đồ như Tướng Nghi dự đoán, chia hai cánh đánh vào Phan Rang và phi trường Bửu Sơn cách Phan Rang 7 cây số.
Lực lượng của Cộng quân gồm Sư Đoàn 325, Sư Đoàn 3 cùng đơn vị 968 có chiến xa và pháo binh yểm trợ, theo hướng quốc lộ 1 đánh vào thị xã Phan Rang, cắt đứt đường rút lui của quân trú phòng ra hướng biển, cánh 2 theo quốc lộ 11 đánh xuống phi trường.
– Ngày 13 Tháng Tư, 1975, Lữ Đoàn 2 Dù được lệnh bàn giao khu vực trách nhiệm cho Liên Đoàn 3 BĐQ. Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn cùng Tiểu Đoàn 7 Dù chờ không vận về Saigon. Tiểu Đoàn 11 Dù đã bàn giao xong và 3 Đại Đội đóng quân tại núi Cà Đú. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn cùng Đại Đội chỉ huy và một Đại Đội tác chiến về đóng ở phi trường.
– Ngày 14 Tháng Tư, 1975, được tin BĐQ thay thế Dù từ Du Long, Cộng quân tấn công thăm dò. Tuy biết nhiệm vụ song Tiểu Đoàn 11 Dù phải đánh trả tức khắc lúc địch quân vượt qua tiền đồn báo động trước cổng số 2 phi trường. Đơn vị Dù chống trả quyết liệt bằng lựu đạn, cận chiến với lưỡi lê. Kết thúc trận đánh địch quân bỏ lại chừng 100 xác chết, tịch thu 80 vũ khí các loại trong số có 2 súng cối 82 ly và 2 đại bác 75 ly. Phía Dù có 6 binh sĩ hy sinh và một trong hai chiến xa yểm trợ Dù bị cháy.
– Chiều 15 Tháng Tư, 1975, phi cơ quan sát Sư Đoàn 6 Không Quân phát hiện Cộng quân ngụy trang lá cây. Các đơn vị bộ binh, pháo binh cùng chiến xa di chuyển ven theo các triền núi về phía Tây Bắc phi trường và phía Bắc Du Long nơi rừng dừa Hiệp Mỹ. Cánh quân từ đèo Ngoạn Mục cũng tiến lần về hướng Tân Mỹ, nơi Trung Đoàn 4 án ngữ.
Tướng Nghi lệnh cho Sư Đoàn 6 Không Quân cho các phi đội A37 từ Bửu Sơn cất cánh và từ Phan Thiết ra đánh bom suốt chiều tối, đánh sập các cầu tại Ba Ngòi. Lúc này chiến xa địch xuất hiện bò từng đoàn bị không quân ta đánh bom tiêu diệt cả buổi chiều lẫn đêm. Các Pháo Đội 105 và 155 ly bắn vào những hỏa tập phát hiện địch. Phi cơ hỏa long soi sáng suốt đêm, đến gần sáng bị phòng không địch bắn rơi.
Cộng quân mở những trận đánh thăm dò vào các ngày trước đụng phải Thiên Thần Mũ Đỏ của ta bẻ gãy kịp thời. Bắc Việt tung thêm vào mặt trận Sư Đoàn 325 và nhiều chiến xa T54 để tăng cường cho Sư Đoàn 3.
– Ngày 16 Tháng Tư, 1975, sáng sớm, một số lớn phi cơ rời phi đạo bay lên ngập trời, ngay sau đó Cộng quân đã mưa pháo vào phi trường với cường độ ác liệt làm mọi hoạt động tại phi trường ngưng trệ. Các đơn vị trú phòng phản công dữ dội nhưng không kháng cự nổi với quân số địch đông gấp nhiều lần hơn ta. Hệ thống phòng không của địch rất mạnh nên việc yểm trợ của Không Quân có phần kém hiệu quả mặc dù Bộ Tư Lệnh Không Quân đã điều động các Phi Đoàn A37 từ Biên Hòa và Phan Thiết ra. Có một số A37 và trực thăng bị bắn rơi làm đau lòng một số phi công tài ba của ta đã anh dũng hy sinh đền nợ nước.
Kho bom đạn phi trường bị địch chiếm ngay từ đầu. Trung Tá Trần Văn Sơn, Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 2 Dù đã anh dũng hy sinh trong lúc chỉ huy đơn vị bảo vệ đài kiểm soát không lưu.
Về hướng Bắc, lực lượng Dù và BĐQ phải tháo lui sau khi bắn cháy nhiều chiến xa cũng như triệt hạ đơn vị bộ binh địch tại Gò Đền. Các cao điểm quanh phi trường lần lượt rơi vào tay địch.
Trung Đoàn 4 và 5 Sư Đoàn 2/BB cùng đánh trả địch quân ác liệt từ hướng Tân Mỹ, Tháp Chàm cũng không kém tuyến phòng thủ Dù. Với chiến thuật tiền pháo hậu xung, có chiến xa và bộ binh tùng thiết ồ ạt tấn công nên các Trung Đoàn 4 và 5 của ta cho lệnh phân tán rút về hướng Cà Ná, trong đó có Đại Tá Lê Thương, Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Sư Đoàn 2, gặp xe ôm ông đón về nhà thờ Phan Rang. Về sau triệt thoái về Phan Rí Cửa. Tại đây Trung Tá Chế Quang Thảo và quân số còn khoảng 4 Đại Đội. Hai Đại Đội được tàu Hải Quân vớt đưa ra đảo Phú Quý để về đến Vũng Tàu sáng 19 Tháng Tư, 1975. Hai đại đội còn lại không di chuyển kịp bị địch bao vây bắt giữ.
Trong phi trường các công binh Dù cắt kẽm gai để hai tướng Nghi và Sang cùng Bộ Chỉ Huy Tiền Phương, Sư Đoàn 6 Không Quân cùng một số đơn vị cùng gia đình binh sĩ khoảng 700 người rút lui về hướng Cà Đú. Tiểu Đoàn 11 Dù đi đầu, sau cùng là Công Binh và Đại Đội Trinh Sát Dù. Vừa di chuyển, quan sát và mở đường để bảo vệ đoàn quân rút lui.
Chiều 16 Tháng Tư, 1975, Quân Đoàn II định đưa trực thăng bốc đoàn quân rút lui. Tướng Nghi từ chối với hy vọng đi bộ thoát về Ninh Chữ nhưng địch quân đoán được ý định nên chận đường phục kích.
-Tướng Trần Văn Nhựt thoát ra biển bằng trực thăng
Vào sáng 16 Tháng Tư, 1975, chiếc trực thăng cuối cùng của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương khi cất cánh, Đại Tá Tự tưởng hai Tướng Nghi và Sang đi. Sau này rõ lại là Tướng Trần Văn Nhựt Tư Lệnh Sư Đoàn 2/BB lấy trực thăng đi thị sát mặt trận. Khi cất cánh bị đạn phòng không của địch bắn lên rất gần nhưng may thoát khỏi. Khi trực thăng ra biển được chiến hạm Whec thả phao vớt lên. Còn Đại Tá Nguyễn Khoa Bảo, Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 2 và Đại Úy Danh vì không biết bơi nên còn ở trên trực thăng. Khi lên tàu Tướng Nhựt thấy có Đại Tá Trương Đăng Liêm, Tỉnh Trưởng Ninh Thuận đã có mặt từ trước. Tướng Nhựt dùng hệ thống liên lạc chiến hạm gọi thẳng về Bộ Tư Lệnh Hải Quân và nhờ chuyển về Bộ Tổng Tham Mưu cho biết Phan Rang bị thất thủ.
Ngày 29 Tháng Tư, 1975, lúc 13 giờ 30, Tướng Nhựt cùng Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (Xuất thân khóa 4 Hải Quân Nha Trang) tại Vũng Tàu dùng trực thăng cơ hữu HU1 bay ra biển  để đến căn cứ hải Quân Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân.
Tướng Nhựt xuất thân Khóa 10 Trần Bình Trọng Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Ông mãn phần ngày 5 Tháng Giêng, 2015, tại thành phố Santa Ana, California, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 80 tuổi.
-Các tướng bị bắt khi bị phục kích
Vào hồi 21 giờ ngày 16 Tháng Tư, 1975, dưới sự hướng dẫn của Đại Tá Nguyễn Thu Lương, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 Dù, đoàn người bắt đầu rời thôn Mỹ Đức. Chưa đi được bao xa thì lọt ổ phục kích của địch.
Khi đoàn quân lọt vào khu vực phục kích, lệnh khai hỏa bắt đầu. Hỏa lực nổ rền vang. Ánh sáng hỏa châu sáng rõ như ban ngày. Tiếng la hét xung phong “hàng sống, chống chết” của địch quân vang dậy một vùng trời. Tàn trận, một số địch cũng như ta bị thương vong. Hai Tướng Nghi, Sang và ông Lewis cùng một số quân nhân bị địch bắt. Chúng dẫn hai Tướng Nghi, Sang và ông Lewis ngược ra Suối Dầu, Nha Trang sáng hôm sau. “Trên đường Tướng sang thấy rất nhiều xe địch nằm la liệt dọc hai bên đường và từng nhóm đồng bào ngơ ngác, thất thểu, lang thang đi ngược trở về. Tướng Sang bỗng cảm nhận rất có tội đối với đồng bào vì làm Tướng mà không giữ được thành. Ở tại đồn điền Yersin 2 ngày, địch đưa 3 người ra Đà Nẵng bằng đường bộ. Tại đây, ngày 22 Tháng Tư, 1975, địch đem phi cơ chở 3 vị ra Bắc, giam tại nhà giam Sơn Tây, nơi từng giam giữ tù binh Mỹ .Chúng thả ông Lewis vào Tháng Tám, 1975, Trung Tướng Nghi năm 1988 và Tướng Sang 1992.” (theo tài liệu Tướng Sang).
Đến ngày 22 Tháng Hai, 1993, Tướng Sang cùng gia đình sang Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông mãn phần ngày 30 Tháng Mười Một, 2002, tại thành phố Garden Grove, California, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 71 tuổi.
Tướng Nghi xuất thân Khóa 5 Hoàng Diệu Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Tướng Sang xuất thân Khóa 1 Lê Văn Duyệt Trường Sĩ Quan Trù Bị Thủ Đức.
Một số khác trong đoàn quân rút lui chạy thoát được, trong đó có Trung Tá Lê Văn Bút Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 72 Chiến Thuật.
-Trục tiến quân của địch vào thị xã Phan Rang
Một số đơn vị ĐPQ chống trả theo chiến thuật tác chiến trong thành phố yếu ớt vì phía địch dùng toàn chiến xa T54 lại có bộ binh tùng thiết nên hướng tiến quân của địch vào thị xã dễ dàng. Địch tiếp tục qua cầu Đạo Long để vào An Phước.
Một số chiến xa lọt vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Quân trú phòng báo động chạy ra phía sau Tiểu Khu kế cận bờ sông. Một số quân nhân trốn vào nhà dân thay quần áo dân sự chạy thoát, trong số thoát được có Thiếu Tá Bùi Sơn Hải. Riêng Trung Tá Nguyễn Công Ba và Thiếu Tá Trương Minh Lữ (Khóa 1 Nha Trang), Trưởng Phòng 4 Tiểu Khu bị bắt khi chúng lục soát tìm được hai vị này trốn trong cánh đổng mía.
Đến gần trưa, một chiến xa của Cộng quân vào án ngữ  tại ngã ba nhà máy dệt, một chiếc đậu tại cây xăng Khu Tam Giác, một chiến xa đậu tại trụ sở quận Thanh Hải, một chiến xa khác đậu tại cầu Đạo Long.
Riêng tôi, lúc 8 giờ lái xe ra kiểm soát việc phòng thủ tại Khu Tam Giác. Lúc ra khỏi cổng Tiểu Khu được đồng bào đang tất bật chạy tới và báo tin Việt cộng đã vào đến Khu Tam Giác đầu thị xã nên tôi chạy về nhà nơi gia đình tạm trú để theo dõi tình hình. Đó là giây phút đau buồn nhất đã kết thúc cuộc đời bình nghiệp của tôi qua gần 20 năm phục vụ Tổ Quốc.
-Bệnh viện dân quân y Phan Rang cứu chữa quá nhiều thương binh
Trận chiến tại mặt trận Phan Rang xảy ra rất khốc liệt, từ đêm 15 rạng ngày 16 Tháng Tư, 1975, gây cho một số quân nhân của QLVNCH và bộ đội Bắc Việt bị thương rất nhiều. Ngày 16 Tháng Tư 1975, Cộng quân chiếm thị xã Phan Rang nên số thương binh của ta lẫn địch được đưa vào bệnh viện dân quân y Phan Rang cứu chữa. Trong các ngày 16, 17 và 18 Tháng Tư, 1975, là những ngày toàn bộ bác sĩ và y tá của bệnh viện này do Bác Sĩ Đoàn Trình, giám đốc đã làm việc cật lực liên tục.
Các sĩ quan cấp tá chạy thoát khỏi Cộng Sản tại phi trường Phan Rang, di chuyển đường bộ sau nhiều ngày mới về đến Saigon. Trong có Đại Tá Lương bị VC bắt lại.
– Đại Tá Trần Văn Tự, Phụ Tá Lãnh Thổ Bộ Tư Lệnh Tiền Phương mặt trận Phan Rang. Như đã đề cập ở phần trước là những ý kiến của Đại Tá Tự ít được Bộ Tư Lệnh chú ý. Vì lý do đó nên sáng 16/4 địch tràn ngập phi trường, Đại Tá Tự chạy đằng ông, các vị Bộ Tư Lệnh chạy theo đằng họ nên bị địch bắt sống trong đêm đó khi lọt ổ phục kích. Đại Tá Tự quyết định chạy bộ sau khi chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh và Quân Cảnh Nhảy Dù tan hàng. Trên đường di tản bộ từng đoạn một, nhiều khi bị các chốt du kích địa phương giữ lại, Đại Tá Tự lẻn trốn được, nhờ cải trang thường dân trà trộn trong số dân chạy loạn và lính tan hàng. Ngày 30 Tháng Tư, 1975, ở Hố Nai nghe đài phát thanh qua lời kêu gọi của Đại Tướng Dương Văn Minh buông súng. Đến 15 giờ Đại Tá Tự về tới nhà ở chung cư Đô Thành đường Hòa Hảo.
– Đại Tá Nguyễn Thu Lương xuất thân Khóa 4 Cương Quyết Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù. Đại tá đã nhanh chân thoát được trong trận Việt Cộng phục kích tại Mỹ Đức. Sau đó ông không liên lạc tìm được Tướng Nghi và Sang nên ông đành vượt qua Quốc Lộ 1 để tìm đường trốn ra biển, không may gặp một quân nhân đang là tù binh biết mặt và nhìn thấy Đại Tá Lương rồi điềm chỉ cho Cộng quân bắt giữ. Ông bị vào tù tập trung của Cộng Sản đến 13 năm.
– Đại Tá Lê Thương, xuất thân Khóa 5 Vì Dân Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, chỉ huy trưởng Pháo Binh Sư Đoàn 2 BB. Phi trường Phan Rang bị chọc thủng, Đại Tá Thương và một số quân nhân chạy về hướng quận An Phước bị địch phát hiện nổ súng. Đại Tá và 2 thuộc cấp chạy vào Cà Ná, gặp xe ôm đi ngược về nhà thờ Phan Rang. Trú ngụ tại đây qua đêm, sáng ra ông cùng theo xe bà con giáo dân đi Lạc Thiện. Lần hồi ông tìm phương tiện về Di Linh, Bảo Lộc rồi đi từng chặng đến Định Quán, lần về Gia Kiệm, rừng chuối rồi đến Bảo Hàm. Qua 8 ngày phiêu bạt, sau cùng gặp một số đơn vị trong có Đại Tá Lê Văn Trang Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân Đoàn III và Trung Tá Phan Văn Phúc nguyên CHT/PB/Sư Đoàn 4 BB, nhờ ông Phúc chở về Saigon đoàn tụ gia đình trong ngày 26 Tháng Tư, 1975. Cuộc vượt thoát của Đại Tá Thương vô cùng đói khát và cực khổ.
– Trung Tá Lê Văn Bút, Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 72 Chiến Thuật. Trong khi đoàn quân Bộ Tư Lệnh Tiền Phương lọt phục kích, Trung Tá Bút và một số quân nhân tách khỏi đoàn quân rút lui trốn vào các bụi rậm. Ông Bút và một Thiếu Úy Không Quân chạy về hướng Ninh Chữ tìm ghe ra biển nhưng không có. Trong túi áo còn 200 ngàn, tiền Tướng Đôn ủy lạo cho Không Quân do Tướng Sang giao từ hôm trước. Nhờ có tiền, hai thầy trò di chuyển đường bộ bằng xe đò, xe ôm, có lúc phải băng rừng, vượt đồi núi. Đến 8 ngày sau mới về đến Trảng Bom. Kể lại chuyến vượt thoát vô cùng khổ sở của một trung tá Không Đoàn Trưởng, lúc bình thường trong Không Đoàn có rất nhiều phi cơ các loại.
-Ít dòng tiểu sử và nguyên nhân Đại Tá Trần Văn Tự xuất thân vào cửa Phật
Đại Tá Trần Văn Tự (phải) pháp hiệu là Tỳ Kheo Thích Không Chiếu và tác giả.
Đại Tá Trần Văn Tự sinh Tháng Hai, 1927 tại Pháp. Thân sinh của ông là Giáo Sư Trần Văn Thạch, sinh trưởng tại Phú Lâm, Chợ Lớn, Nam Phần. Ông du học tại Toulouse (Pháp) và đã viết báo “Le Journal des Etudiants Annamites” bày tỏ chí hướng và nguyện vọng thiết tha của người thanh niên Việt Nam mong muốn nước nhà được độc lập. Ông hoạt động trong nhóm Đệ Tứ của ông Tạ Thu Thâu. Về nước ông tích cực hoạt động chính trị và dùng cơ quan ngôn luận là tờ báo “La Lutte” làm lợi khí nêu rõ lập trường tranh đấu của ông. Năm 1937, ông được đắc cử vào Hội Đồng Thành Phố Saigon. Sau đó ông bị nhà cầm quyền Pháp ký giấy tống giam vì những bài báo ông đả kích chính sách cai trị của người Pháp tại Việt Nam. Năm 1945, ông bị thủ tiêu lúc 40 tuổi. Ông được đặt tên đường Trần Văn Thạch thay tên cũ là Vassoigne bên hông chợ Tân Định.
Đại Tá Tự lúc còn Trung Tá ông là Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Được cử theo học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp tại Trường Đại Học Quân Sự Đà Lạt. Năm 1969 ông nhận chức Tỉnh Trưởng/Tiểu Khu Trưởng Ninh Thuận.
Sau khi miền Nam bị bức tử, Đại Tá Tự đã trình diện Ủy Ban Quân Quản Saigon, bị tù tập trung “cải tạo” của Cộng Sản từ Nam ra Bắc 12 năm, 3 tháng, được về nhà năm 1987 nhân lễ 2/9 của Việt Cộng.
Đại Tá Tự sang Hoa Kỳ vào cuối Tháng Hai, 1992, theo chương trình tị nạn qua danh sách HO.10. Nhân dịp tiếp xúc với đại tá, người viết mong biết được quyết định xuất gia vào chùa của đại tá thì ông cho biết: Có 3 lý do để ông xuất gia:
1- Không muốn làm con cờ trên bàn cờ quốc tế nữa.
2- Sám hối những tội lỗi vì không giữ được Miền Nam.
3- Trong khi vượt thoát khỏi mặt trận Phan Rang và trong thời gian tù đày hơn 12 năm, ông nhờ Phật pháp mà vượt qua nhiều khổ nạn và tỉnh ngộ rằng “mọi việc do tâm.”
Đại Tá Trần Văn Tự xuất gia cuối Tháng Mười Hai, 1999, thọ giới Sa Di (10 giới), pháp hiệu là Tỳ Kheo Thích Không Chiếu.
III- Lời kết
Bài viết này là tài liệu tổng hợp qua các sự kiện xảy ra tại Tiểu Khu Ninh Thuận và Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Phan Rang. Loạt bài nhằm giúp bạn đọc hình dung để nhận thấy rõ trách nhiệm của mọi quân nhân thuộc các Quân Binh Chủng QLVNCH tham gia vào trận chiến.
Trước hết là Sư Đoàn 6 Không Quân của Quân Chủng Không Quân là những con chim sắt từ Pleiku với phương châm Tổ Quốc và Không Gian về trấn đóng tại Bửu Sơn.
Quân Chủng Hải Quân cùng góp mặt như Duyên Đoàn 27, 2 Khu Trục Hạm, 1 Giang Pháo Hạm, 1 Hải Vận Hạm và một số tàu yểm trợ để làm nhiệm vụ Tổ Quốc Đại Dương.
Về Quân Chủng Lục Quân thì có các binh chủng như: các chiến sĩ Thiên Thần Sát Địch của Lữ Đoàn 2 và 3 Nhảy Dù luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm giao phó. Sư Đoàn 2 BB đã từ vùng 1 vào Bình Tuy, tái tổ chức và trang bị rồi ra Phan Rang với kỳ vọng đem lại sự Chiến Thắng Vinh Quang.
Các chiến sĩ thuộc Liên Đoàn 3 BĐQ vừa tham dự các trận đánh tại Quân Đoàn III nhưng Vì Dân Quyết Chiến cũng được điều động ra Phan Rang tăng cường cho Bộ Tư Lệnh Tiền Phương.
Còn có đơn vị thám sát Nha Kỹ Thuật để hoàn thành Bóng Ðêm và Sứ Mạng.
Trong số các đơn vị trên cũng cần kể đến các Pháo Thủ Sắm Sét, các chiến sĩ Thiết Giáp Kỵ Binh Mau Mạnh nằm trong hệ thống yễm trợ  các đơn vị.
Sau cùng là lực lượng diện địa Ninh Thuận gồm DPQ-NQ là đơn vị Bảo Quốc An Dân, trong đó có Pháo binh và cơ giới. Bên cạnh còn lực lượng CSQG, Nhân Dân Tự Vệ, Xây Dựng Nông Thôn và Cơ Cấu hành chánh tỉnh nhà Ninh Thuận cũng góp phần không nhỏ.
Từ vận nước, các đơn vị trên tuy không giữ được tuyến phòng thủ Phan Rang song họ cũng góp phần xương máu rất đáng kể tại đây.
Loạt bài được hoàn thành như một nén nhang gởi muộn đến các chiến sĩ tham gia mặt trận Phan Rang đã hy sinh tại trận hoặc mãn phần sau này.
Sau cùng, người viết xin trân trọng cám ơn:
– Hai vị tướng: Phạm Ngọc Sang và Trần Văn Nhựt (cả hai đã mãn phần).
– Các đại tá: Trần Văn Tự, Trương Đăng Liêm và Lê Thương.
– Các trung tá: Nguyễn Công Ba (mãn phần), Lê Văn Bút và Chế Quang Thảo.
– Các thiếu tá: Bùi Sơn Hải (mãn phần), Nguyễn Ngọc Phương, Trần Văn Kia và Trương Khương.
– Đốc Sự Lê Tấn Nhiểu, Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh tỉnh Ninh Thuận.
Ngoài ra người viết còn tham khảo sách “Lược Sử QL/VNCH” của Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân và Lê Đình Thụy 2011.
Các quý vị không những đóng góp tài liệu mà còn khuyến khích tôi biên soạn bài này từ nhiều năm trước.
Bài viết hoàn thành xin kính tặng đến bạn đọc. Đặc biệt những quý vị đã cung cấp tài liệu tin tức cho tôi, quý vị đồng hương Ninh Thuận, trong và ngoài nước, kể cả em Lan và các bạn  trong nhóm Ngũ Quỷ ngày xưa của Trường Trung Học Duy Tân Phan Rang.
Qua tài liệu cùng ký ức, tôi đã ghi lại những sự kiện xảy ra hơn bốn thập niên trước, dù cố gắng viết chính xác song chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, mong bạn đọc vui lòng thông cảm.