Nguyễn Vy Túy
(Đoạt được tàu – và được đến thẳng Úc định cư)
LGT: Tôi đăng lại bài viết này để nhớ tới những người đã chết, để cho chúng tôi được sống. Và cũng nhân ngày ra đi của ông Cố Vũ Năng Toán – mà chúng tôi sẽ tham dự Thánh Lễ Phát Tang trong vài tiếng đồng hồ nữa. Xin cảm ơn chị Tuyết Lê Pham đã cung cấp những hình ảnh vô giá mà chỉ có chị còn giữ được.
Ngày 29.11.1979 các hãng thông tấn trên toàn thế giới đưa tin: “Lần đầu tiên trong lịch sử tị nạn Đông Nam A Boat People đánh tan hải tặc Thái và đến được Úc Đại Lợi”. Câu chuyện về chuyến hải trình đầy sóng gió này đã được nhiều ký giả viết lại, trong đó có anh Nguyễn Vy Túy là một trong những người may mắn đến được bến bờ. Sau đây là lời kể lại của anh với Tạp chí Quê Mẹ (4.1980).
*
Chúng tôi rời Cần Thơ ngày 8.11.1979, tại điểm hẹn tàu rời bến mang theo 154 người. Một chuyến đi đông như vậy trong lúc này ai cũng nghĩ là đi “đăng ký”, nhưng thực sự chúng tôi đã phải lén lút đi thành nhiều toán nhỏ và tự tìm cách đến được bến bãi vì không có người dẫn đường, và có lúc cả nhóm suýt bị bắt vì quá hớ hênh trong việc dọ hỏi dân chúng địa phương.
Khi việc chuyển người hoàn tất, người tài công cho nở máy và cho ghe từ từ rời chỗ núp. Ông phải nhoài cả người ra ngoài để định hướng và tránh cho ghe không chạy lạc vào cồn cát, có lúc ông còn phải giảm tốc độ và tắt máy vì nghe thấy tiếng động cơ của ghe tàu khác chạy gần. Cả ghe được căn dặn hạn chế tối đa mọi sinh hoạt, dù thế vẫn có tiếng la khóc của trẻ nhỏ, tiếng nôn oẹ của người say sóng, và tiếng cự nự của những người không có chỗ ngả lưng…
Khi ánh bình minh vừa ló dạng, cũng là lúc chiếc ghe của chúng tôi đã ra đến biển. Nhờ sương mù và tài công khéo léo chuyến đi đã lẩn thoát được 2 chiếc tàu đánh cá “quốc doanh”, và một trạm kiểm soát ở cửa sông lớn. Niềm vui chưa tròn thì có người phát giác ra khoang chứa nước ngọt đã bị nước biển tràn vô, vì sự rạn nứt của những tấm ván trét keo không kín bên hông tàu. Thế là số nước ngọt dự trữ cho chuyến hải trình đã không còn xử dụng được, ai nấy đều lo sợ vì không biết còn phải lênh đênh thêm bao nhiêu ngày trên biển.
Ngày đầu tiên không có chuyện gì xảy ra, vì ghe còn trong hải phận Việt Nam và đến chiều mới thoát ra khỏi hải phận quốc tế. Vài người trên ghe qua ống nhòm đã thấy lác đác vài chiếc tàu hàng của nước ngoài, nhưng không ai ra dấu hiệu cầu cứu vì các thuyền này ở vị trí quá xa và hướng thuyền đi đối nghịch với ghe tị nạn.
Qua ngày thứ nhì của chuyến đi, khi mọi người bắt đầu mệt lả vì khát và say sóng thì chiếc tàu đầu tiên của bọn hải tặc Thái xuất hiện.
Bọn hải tặc trên chiếc tàu đánh cá mang số T.1287 ra dấu cho ghe chúng tôi giảm tốc độ và chạy kè sát bên hông. Mọi người ra dấu cần nước, chúng cầm vòi thảy qua bơm cho 1 phi đầy, rồi nhảy qua bắt giữ 4 người đưa qua thuyền chúng để làm con tin. Mấy tên khác cầm dao bắt đầu lục soát từ trên xuống dưới hầm ghe và lấy đi những gì mà chúng muốn. Lúc này không ai dám nghĩ đến chuyện phản ứng lại, bởi chúng có tới gần 20 người, và số phận của 4 người đồng hành đang bị giữ bên kia.
Bọn cướp cười hả hê sung sướng vì lấy được nhiều vàng và tiền đô, cướp xong bọn chúng thả 4 người ra và húc một cái thật mạnh vào bên hông của ghe tị nạn trước khi tăng tốc độ bỏ đi. Ông tài công của ghe chúng tôi thật là người tài giỏi, đoán được ý của bọn chúng nên ông đã vội rồ ga lách ghe ra tránh, nên đã hạn chế được phần nào sự thiệt hại do sự đụng chạm gây ra.
Bọn cướp đi rồi, cả ghe mới ồn lên từ những người mất của, có người chỉ mất vòng nhẫn, bông tai, nhưng có người xui hơn dấu vàng lá ở dép cũng bị cướp moi ra lấy. Có anh gặp cướp nhe răng ra cười cầu hòa, may mà tên cướp không mang theo kìm, nếu không anh đã bị vặn mất mấy cái răng vàng trông rất hấp dẫn – khiến từ sau lần cướp này, ai nói gì anh cũng không dám hở miệng.
Chiều 12.11 (4 ngày sau) bọn cướp thứ hai xuất hiện trên chiếc tàu đánh cá mang số 003. Chúng hạ cờ Thái và nói sẽ kéo chúng tôi đi Singapore khiến ai nấy đều hớn hở mừng rỡ vì đã qua 4 ngày mà chưa thấy đâu là bến bờ, đã vậy nước uống cũng không đủ cung cấp cho 154 người nên ai cũng cảm tạ Thượng Đế đã cho gặp “cứu tinh”. Chúng kéo tàu đi suốt đêm hôm đó, sáng hôm sau chúng thả neo lại giữa biển, ai nấy lầm tưởng là chúng cặp tàu để cho sang nên hết thảy đều vội vã rời bỏ ghe.
Thấy người tị nạn sang quá đông, tên lái tàu Thái vội húc chiếc ghe của chúng tôi cho dang ra xa, khiến chiếc ghe bé nhỏ bị bể khoang đầu, nước biển trào vào làm cho chúi mũi trông như sắp chìm.
Những tên cướp vạm vỡ và đen đủi, trên tay dơ cao những con dao nhọn hoắt để thị uy. Đầu tiên bọn chúng nhốt một số thanh niên xuống hầm cá rồi đậy nắp hầm lại vì sợ bị tấn công ngược, sau đó chúng khám xét kỹ từng người ngồi co cụm ở một góc tàu để tìm vàng. Cướp xong, 3 tên bơi qua chiếc ghe bể để cướp tiếp vì chúng nghĩ là người tị nạn dấu vàng trong ghe. Lục soát mãi vì thấy số vàng tịch thu được quá ít, chúng giận dữ phá hỏng động cơ và bánh lái, cậy phá tan nát nhiều chỗ dưới lườn ghe, vứt xuống biển tất cả những vật dụng cần thiết trên ghe như hải bàn, hải đồ, kể cả đồ dùng và thức ăn.
Hoàn tất việc cướp của, chúng bắt tất cả trở về ghe cũ. Nhìn chiếc ghe ngả nghiêng gần chìm trong cơn sóng dữ ai nấy đều sợ hãi không dám nhấc chân. Mọi người quỳ xuống khóc lóc van xin, vì biết nếu phải về lại ghe là cầm bằng cái chết. Hò hét mãi mà không ai chịu qua, mất kiên nhẫn và bực bội nên tên lái tầu ra dấu cho một tên khác kéo neo, trong khi tên khác đang đẩy người xuống biển. Thấy sự việc xảy ra ngoài dự đoán và biết mọi người sắp gặp hiểm nguy, Đại úy Hải quân Nguyễn Hoàng Lương, người tài công của chuyến đi vội vàng nói lớn:
Tất cả đàn bà con nít giả bộ lạy van tụi nó, còn đàn ông phải nghe theo tôi. Tôi hô vào là tất cả phải vào. Phải sống chết với chúng, không thôi thì chết hết!
Thế là sau tiếng hô ra lệnh của ông, tất cả nhào vào hỗn chiến với bọn cướp để dành lại sự sống.
Thế là sau tiếng hô ra lệnh của ông, tất cả nhào vào hỗn chiến với bọn cướp để dành lại sự sống.
Tên cướp thứ nhất đang còn lui cui khám xét thêm vài người cuối cùng, chiếc dao sáng loáng cắm ở bên cạnh. Nó còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì 4 thanh niên đã nhào vào ôm chặt lấy nó, Thiếu úy dù T.H Đức mau chóng đoạt lấy con dao và đâm túi bụi vào người tên cướp, và đây là thứ vũ khí đầu tiên mà nhóm người tị nạn có được.
Tên cướp thứ hai đứng gần mé thuyền bị Đại úy Lương nhào vô với tay không, ông ôm chặt nó nhưng vì mấy ngày trên biển không ăn uống gì nên ông đã đuối sức và bị nó vùng ra. Nó đâm ông liên hồi toàn vào chỗ hiểm, thấy vậy anh Tài phóng tới đẩy nhào nó rơi xuống biển khi nó chưa kịp rút dao khỏi người Đại úy Lương. Nhưng oái oăm thay, anh Tài quá đà và trượt chân cũng ngã theo xuống biển!
Tên cướp thứ ba đang kéo neo, đứng chênh vênh ở mũi tàu nên không có lợi thế để chống đỡ khi một nhóm đàn ông tị nạn ùa đến, nên nó đã vội nhảy xuống biển tìm đường thoát thân.
Cùng lúc ấy Anh Tế tay không đang thủ thế với tên cướp thứ tư, sau lưng anh Tế lại là buồng lái của tên tài công, nó bỏ tay lái nhoài người ra đâm lén một nhát dao trí mạng từ sau lưng anh. Anh nín đau phóng lại ôm chặt tên cướp thứ tư, hai người vật lộn rồi cùng bị lăn xuống biển khi tàu nghiêng một bên vì sóng dữ. Mạng đổi mạng!
Tên cướp thứ năm là tên nhanh nhẹn nhất, thấy tình hình không khá hắn vội vã leo lên trên nóc ca-bin và ném hàng loạt những thùng gỗ, thùng thiếc đựng cá xuống đầu mọi người. Khung cảnh thật hoảng loạn, vì ai nấy đều lo tránh các loại đồ vật đang ném xuống, và có mấy người đã bị thương. Nhiều thanh niên khác đang hò hét vang dội và tìm cách leo lên định bắt sống tên cướp, quá hoảng sợ nó liền cắt phao tròng vào người và phóng mình xuống biển.
Tên cướp thứ sáu là tên tài công, nó vội vã đóng lại hai cánh cửa ra vào và luôn miệng hét những tràng tiếng Thái. Lúc ấy Đại úy Lợi đã lấy được một cái xẻng, ông thọc chiếc xẻng vào mặt kính trước cửa phòng lái. Thấy nguy nó kéo chiếc máy liên lạc và cầu cứu, trong khi một số thanh niên khác đang phá cửa vào. Nó lạng tàu cho ngả nghiêng, rồi bất chợt bỏ tay lái và tông cửa trèo lên nóc ca-bin. Thấy nhiều người trèo đuổi theo, nó chắp tay và luôn miệng nói:
-Singapore! Singapore!
Nhưng cái chết của anh Tế vì bị nó đâm lén đã được nhiều người chứng kiến, nên không ai ngăn chận được sự phẩn uất khi máu đã đổ. Nó leo lên cột tháp cao nhất của tàu, nhưng một cây gậy đã phóng trúng vào đầu, khiến nó loạng choạng và buông tay rơi xuống giữa thuyền. Nhiều người nhào vào đập nó túi bụi bằng đủ thứ vũ khí mà họ có được trong tay, và có người dùng xẻng để hất xác nó xuống biển khi thấy nó đã bất động.
Tên cướp thứ bảy và thứ tám bị vây cứng trong hầm máy. Không ai dám xuống vì sợ hai tên này liều lĩnh phá máy, hoặc phóng hỏa đốt tàu vì lúc ấy ai cũng ngửi thấy mùi dầu xăng. Lợi dụng lúc hỗn loạn và chưa ai biết chúng ẩn núp chỗ nào, hai tên phóng mình xuống biển qua ngõ cửa sổ bên hông hầm máy.
Anh Hậu Tử Bình nhảy lên cố điều khiển chiếc tàu vừa lấy được từ tay bọn hải tặc. Chiếc tàu cứ quay vòng vòng vì anh không thể nào nhập được vào vòng quay của bánh lái, trong khi những người khác nhờ thời gian này quăng đủ thứ phao, thùng xuống biển với hy vọng cứu được những người rớt xuống biển trong lúc hỗn chiến. Một anh tên Dũng vì biết bơi và may mắn nắm được cái phao nên đã được cứu, còn anh Tài và anh Tế đã bị sóng biển cuốn đi không còn dấu tích.
Lúc ấy, bên chiếc ghe nhỏ, hai tên cướp bị đánh rơi xuống biển đã ráng hết sức bơi lại gần với hy vọng leo lên được để khống chế số người ít oi còn bị kẹt lại trên đó. Nhưng tất cả đều đã sẵn sàng gậy gộc để đối phó. Một tên vừa ngóc đầu lên, miệng còn cắn chặt con dao đã bị dộng xuống một gậy vào đầu loang máu khiến cả hai vội lặn ra xa.
Hôm ấy biển động mạnh, gió bão gào thét như niềm phẫn nộ của những người tìm cái sống trong cái chết. Trên mặt biển đầy rẫy những mảnh áo quần, khuôn gỗ, phao đánh cá, thùng nhựa… do cả hai bên vứt xuống. Trong tiếng khóc gào của những người mất con, mất chồng qua cuộc hỗn chiến, biển rộng bao la hôm ấy cũng còn tiếng khóc mừng như điên dại của hàng trăm sinh mạng con người khi vừa thoát qua một cửa tử.
Lúc ấy mọi người định thần nhìn lại mới thấy chiếc tàu của bọn hải tặc quá lớn và quá vững chãi, so với chiếc ghe bầu là cả một trời cách biệt. Mặc dù chưa quen xử dụng, anh Bình cũng làm cho chiếc tàu cặp lại gần chiếc ghe, những người còn lại trên chiếc ghe sắp chìm ném dây qua và bên này kéo ghì sát để họ nhảy qua an toàn. Khi biết không còn ai bên ghe nhỏ, chiếc ghe được thả dây và chỉ một lát sau chúng tôi đã thấy nó biến mất trong cơn biển động.
Đại úy HQ Nguyễn Hoàng Lương chết sau đó vài giờ, trong sự thương tiếc của mọi người vừa được ông cứu sống. Chúng tôi đưa ông xuống hầm đá để giữ xác, với hy vọng khi vào bờ sẽ có nấm mộ tử tế cho ông.
Chiếc tàu cứ nhắm hướng phía trước chạy đại, bởi vì ai cũng sợ còn nằm trong vùng ảnh hưởng của bọn cướp. Đêm hôm đó tàu chúng tôi bị rượt bắt, vì trước đó tên tài công Thái đã gọi máy cầu cứu với đồng bọn. Tàu chúng tôi tắt hết đèn điện và tăng tốc độ hết sức, trong khi ba chiếc tàu đánh cá khác của chúng pha đèn sáng choang cả một vùng biển để tìm kiếm. Có lúc bọn chúng đã đuổi đến gần kề, mà không hiểu tại sao chiếc tàu đó lại đánh vòng quành ra, khiến ai nấy thở phào nhẹ nhõm.
Sáng hôm sau thì chúng tôi mới biết con tàu chiếm được của bọn hải tặc đã đưa chúng tôi vào tới hải phận Mã Lai (và đó là lý do mà đồng bọn của chúng đã bỏ cuộc không dám đuổi theo vì sợ bị Hải quân Mã bắt). Mọi người hớn hở mừng vui khi thấy xa xa một hòn đảo nhỏ với những cánh buồm trắng nổi bật trong vùng trời xanh – nhưng đúng lúc ấy thì tàu bỗng dưng tắt máy, và dù với bao cố gắng sửa chữa máy cũng không nổ lại được.
Niềm hy vọng bến bờ đã ở trước mắt mà tàu không thể tiến thêm được một bước, khiến có người quẩn trí muốn dùng phao bơi đến hòn đảo đằng trước để xin cầu cứu nhưng bị can ngăn, vì tuy mắt nhìn thấy đảo nhưng muốn bơi đến không phải là chuyện dễ. Nhiều người kiếm bao bố và mùng mền trên tàu hải tặc ra để làm buồm, với hy vọng nhờ gió sẽ đưa thuyền vào gần đảo hơn, nhưng mỗi khi thủy triều dâng thì con thuyền lại bị đẩy trôi ra ngoài biển lớn, và ngày một xa đất Mã.
Từ lúc tàu bị chết máy, nó bị nghiêng hẳn về một bên và khi có sóng lớn là nước biển tràn ập vào tàu. Sức lực của thanh niên được dồn hết vào việc tát nước và sửa máy. Sở dĩ máy tàu không khởi động trở lại được vì hai tên cướp sau cùng trước khi phóng xuống biển đã khóa vòi dầu dẫn vào máy, và cắt bỏ hệ thống đề máy từ bình ắc-quy. Bình ắc-quy hết điện vì không được xạc, nhóm thanh niên cố dùng sức người để quay máy, có lúc máy kêu xình xịch như sắp nổ nhưng rồi sau đó lại im luôn khiến mọi niềm hy vọng đều tắt ngấm!
Rất may trên tàu bọn cướp đã để lại một mẻ cá lớn mà chúng đã đánh bắt trước khi gặp ghe tị nạn. Và chắc để trang bị cho chuyến đi biển dài ngày, nên trên tàu cũng có tới hai bể nước ngọt đầy ắp, và một tạ gạo thơm. Số thực phẩm này được chia đều cho tất cả mọi người trên tàu, nhưng rồi cũng đến lúc nước cạn và cá hết…
Ngày cứ dần trôi qua… Mọi người đã phải tìm ăn đến những con cá ươn sau cùng, mấy thanh niên còn sức lực dùng cọng thép bẻ cong làm lưỡi câu, và gỡ dây cước từ lưới ra để câu cá, và thỉnh thoảng cũng câu được vài con cá đói mồi. Trong thời gian này có một ông cụ người Hoa, bị bệnh từ lúc lên tàu nên khi bị đói ăn đã đột ngột xuôi tay nhắm mắt, không ai dám giữ xác ông lại vì sợ bệnh lây lan qua cả tàu, nên đã bó xác ông vào mấy cái bao tải và thả xuống biển.
Hầm đá lạnh dùng để ướp cá cũng tan gần hết, xác Đại úy Lương đã tụt xuống gần đáy hầm và nằm trên vũng nước. Mọi người dù thương tiếc nhưng cũng đồng ý với nhau là nên “thủy táng”, vì nay đá chưa tan hết mà trên tàu đã ngửi thấy mùi tử khí, để thêm mấy ngày nữa với nắng cháy của biển chắc không ai chịu nổi!
Đêm nào chúng tôi cũng đốt lửa cầu cứu, ngày nào chúng tôi cũng trông mong các con tàu lớn đi qua cứu vớt – nhưng không chiếc tàu nào chịu dừng lại để cứu chúng tôi cả! Kể từ ngày ra đi đến nay đã hơn hai mươi ngày nổi trôi trên biển, đã gặp hàng chục chiếc tàu của đủ loại quốc gia, có chiếc chạy sát đến độ chúng tôi nhìn thấy cả thủy thủ trên tàu nhưng lại bỏ đi, chắc vì họ không tin chiếc tàu lớn như thế mà lại chết máy, mặc dù chung quanh tàu chúng tôi đã kẻ nhiều hàng chữ cầu cứu.
Có lần để tạo sự chú ý, có người còn đổ dầu phóng hỏa đốt nóc trên của tàu, lửa cháy dữ dội trong khi chiếc tàu hàng lại không có dấu hiệu tiếp cứu khiến cả nhóm lại phải dùng hết tàn lực để múc nước biển dập tắt ngọn lửa.
Qua ngày thứ 22, mọi người đều mệt lả, không ai còn sức để mà tát nước, tàu sắp chìm, và mọi người đành nằm chờ chết! Không còn một tiếng nói chuyện, chỉ còn tiếng rên rỉ và thều thào của những đứa trẻ đói và khát. Thỉnh thoảng còn có tiếng mê sảng của ai đó kể toàn chuyện ăn uống với những món mà ai cũng ao ước được có một miếng trong lúc này. Trong lúc không khí trên tàu ảm đạm và thê lương như một bãi tha ma thì bỗng có người ráng hết sức kêu lên:
-Có tàu đang đi tới… Có tàu đang đi tới…
-Có tàu đang đi tới… Có tàu đang đi tới…
Có tàu là có cứu tinh, thế mà cũng chẳng có ai thèm đứng dậy, chẳng có ai buồn dơ tay vẫy, vì 22 ngày qua họ đã hồi hộp, hy vọng và thất vọng cũng nhiều rồi. Nhưng mỗi lúc chiếc tàu khổng lồ ấy lại tiến đến gần hơn, có vài người cố gắng dơ lên hàng chữ: “No Food! S.O.S”, “Vietnamese Refugees”.
Chiếc tàu dầu đã sáp lại, lúc trước tôi thấy chiếc tàu đánh cá của bọn hải tặc to thế nào đối với chiếc ghe tị nạn, thì nay chiếc tàu dầu mang hàng chữ “Entalina London” trên mũi còn to lớn hơn gấp bội. Trong lúc các thủy thủ của chiếc tàu cứu tinh thả lưới để mọi người trèo lên, thì việc đầu tiên của tôi là ngẩng đầu lên cảm tạ Thiên Chúa, đấng đã đáp lại lời cầu xin của chúng tôi, trong lúc mọi người gặp cơn nguy khốn nhất.
Lên được chiếc tàu ân nhân, hôm ấy là ngày 29.11.1979 lúc 10 giờ sáng, chúng tôi đã qua 22 ngày lênh đênh trên biển, nhiều người đã được đưa vào phòng cấp cứu vì sức khoẻ quá suy sụp. Vị thuyền trưởng người Anh, tên Norman Sloan cho chúng tôi biết sáng hôm ấy ông đang tập thể dục trên boong tàu thì được báo cho biết có một chiếc tàu đánh cá sắp chìm nằm chắn ngang hải lộ mà tàu ông sắp đi qua, và hình như trên tàu không còn sự sống. Ông ra lệnh cho tàu đến gần và nhìn thấy nhiều phụ nữ và trẻ em đang rũ liệt trên sàn tàu và thực sự cần sự cấp cứu nên đã ra tay…
Như vậy chiếc tàu của chúng tôi đã trôi từ Mã Lai, qua Tân Gia Ba, Nam Dương… rồi mới gặp được vị đại ân nhân cứu giúp. Ông hỏi có ai muốn kéo theo chiếc thuyền đánh cá đến Úc hay không, thì ai cũng lắc đầu từ chối. Vì thế khi chiếc tàu dầu tăng tốc độ, các thủy thủ đã cho thả dây để đánh chìm chiếc tàu của bọn hải tặc, nhưng thật ma quái, chúng tôi nhìn thấy nó ngả nghiêng chòng chành dữ dội nhưng rồi lại đứng vững như không muốn bị nhận chìm dưới làn nước biển. Có người lên tiếng:
-Thế cũng được, để cho ngư dân trong vùng này ra lấy, vì chiếc tàu đánh cá đó là cả một gia tài chứ không phải là chuyện nhỏ…
Vì chiếc tàu dầu đang trên đường tới Úc để giao nhiên liệu, nên ngày 4.12 tàu đã ghé bến Darwin thuộc miền bắc nước Úc, mang theo 150 người còn lại. Tất cả được chính phủ Úc chấp thuận cho lên bờ tạm trú, trong khi chờ đợi đi Anh Quốc định cư.
Vì chiếc tàu dầu đang trên đường tới Úc để giao nhiên liệu, nên ngày 4.12 tàu đã ghé bến Darwin thuộc miền bắc nước Úc, mang theo 150 người còn lại. Tất cả được chính phủ Úc chấp thuận cho lên bờ tạm trú, trong khi chờ đợi đi Anh Quốc định cư.
Gia đình tôi và một số lớn người khác đã được Úc nhận, và đó là lý do tôi có mặt ở Úc, trong khi một số người khác chung chuyến tàu đã được định cư tại Anh.
NGUYỄN VY TÚY