Lời giới thiệu: Trong một bài viết của tác giả Lê Thiệp mà tôi đã có lần giới thiệu trên diễn đàn này có tựa đề tên của một loại cá nghe rất lạ: Cá hũm hĩm. Dù là người không “hảo” cá, hay nói đúng hơn là chưa bao giờ đụng món cá, nhưng từ lúc nghe cái tên này tôi đã “thăm dò, tìm hiểu” nhưng thường thường nhận được câu trả lời: “chưa nghe bao giờ cả”, có người còn nói: có thể cái tên do tác giá đặt ra vì nhà báo… nói láo ăn tiền mà. Tôi đã có ý định hỏi trực tiếp đương sự cho chính xác nhưng rồi lại quên, bây giờ thì ông không còn nữa, cứ tưởng là sẽ đem thắc mắc này xuống…. tuyền đài. May quá, sáng nay trong lúc dọn lại các ổ đĩa cứng cho sạch, tôi tìm thấy bài này mà Lê Thiệp đã gửi cho tôi khá lâu, mà hình như tôi cũng đã đọc rồi nhưng chỉ phớt qua. Đọc cẩn thận lại một lần nữa thì thắc mắc của tôi đã được sáng tỏ.
Cho phép tôi miên man sang chuyện khác một chút vì có ít nhiều liên quan. Nhân vật Tư Nhiễn mà Lê Thiệp thường nhắc trong các bài viết chắc cũng trạc tuổi ông (trên dưới 70), có dáng người chắc nịch, người miền Nam chất phác 100%. Trong lúc tìm đường vượt biên hai người đã gặp và kết bạn với nhau. Năm 1977, cả 2 đã có mặt trên một chuyến ghe đào thoát. Sau 1 tuần lễ lênh đênh, ghe của 2 ông được tàu Đại Hàn vớt đưa vào Nhật và tạm trú tại trại Fujisawa (Kanagawa). Trong những lần “tới bến”tại trại, ông Tư thường có mặt cùng nhiều bạn nhậu khác. Lê Thiệp thì khỏi nói, sôi nổi, miên man kể đủ chuyện, tôi cũng không vừa say sưa “đáp trả”, còn ông Tư thì thỉnh thoảng góp tiếng bằng nụ cười ròn tan trên cái miệng có điểm vài cái răng…. vàng sáng chói. Tư Nhiễn tâm sự: “tui thấy sống thế này là dzui quá, khỏi cần lo lắng gì hết, đi làm về anh em tụ tập nói chuyện, giỡn tối ngày, chứ còn không thể sống với mấy ổng ở bên đó được, gì mà làm cái gì cũng cấm, cũng phải bán hết cho mấy ổng, riết rồi mình mất hết”.
Tư Nhiễn và Lê Thiệp rời Nhật định cư Mỹ năm 1978, ông Thiệp thì ở miền Đông, ông Tư thì ở miền Nam. Một hôm, Tư Nhiễn điện thoại cho Lê Thiệp: “Thằng con tui lấy bằng rồi, ông chỉ đường tụi tui ghé ông nhậu chơi”, ông Thiệp phì cười: “Qua đi, mất 3 ngày 3 đêm thôi”. Tư Nhiễn ngạc nhiên: Xa dữ dzậy?
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến ông Tư chân chất, người đã rủ Lê Thiệp đi bắt cá…. hũm hĩm về kho ăn chơi khi 2 ông đi đốn củi trong Rừng Sát. Không biết bây giờ ông ở đâu? Trôi dạt phương nào? Lê Thiệp đi rồi Tư Nhiễn có buồn không? Tôi thì buồn lắm.
Dài giòng đã đủ. Xin mời quí vị chịu khó đọc tới cuối chuyện sẽ thấy ngay lời giải đáp: “Cá hũm hĩm là cái quái gì?” qua lối kể chuyện cố hữu của Lê Thiệp rất chi tiết, len vào tận…. “hang cùng ngõ hẻm” mỗi khi luận một chuyện gì. ( Vũ Đăng Khuê)
Lia thia Quen Chỗ
Lê Thiệp
Father’s Day là tập tục của Mỹ nhưng xem ra cũng vui ra phết, nhất là khi đứa con út trịnh trọng bê một cái hũ nhỏ với con cá sặc sỡ đưa cho bố để “Happy Father’s Day”. Ấy vậy mà Mr. Jingles là con cá sặc sỡ đã ở với gia đình tôi gần hai năm. Nội cái tên cũng đã trở thành một cuộc bàn cãi sôi nổi giữa bố và mấy đứa con. Tên khoa học của nó là Al Beta Fighting Fish và khi tôi bảo đó là cá đá, cá xiêm, cá lia thia, cá phướn, cá ta, cá đuôi cờ thì con tôi nhăn mũi nói “Sao nhiều tên thế!” Ông bố bèn hí hửng thuật lại tuổi thơ của mình những mong mấy đứa con nhỏ có một tí ý niệm về một dải đất xa tít mù tấp ở cách đây cả nửa quả địa cầu.
Di cư vào Nam chỉ ít ngày sau là tôi đã gia nhập với lũ trẻ làng xóm và khi nhìn thấy con cá xiêm lần đầu, tôi buột miệng “cá đuôi cờ”. Thằng Quyền xì một tiếng dài nói: cá này là cá đá, cá xiêm. Tôi không có một ý niệm gì về cá đá nhưng rõ ràng trông nó giống con cá đuôi cờ ở làng quê tôi, chỉ có điều cá đuôi cờ nhỉnh hơn và trông không rực rỡ như cá xiêm. Tôi nhớ vẫn hay dùng chiếc vợt vớt những con cá đuôi cờ ở chiếc ao bèo nhỏ đằng sau nhà; nhưng cá đuôi cờ chậm, lù đù và không biết đá! Hôm đó, thằng Quyền biểu diễn để hai con cá xiêm đá nhau cho tôi coi. Tôi lậm từ đó, lậm một cách tự nhiên như tôi vẫn coi miền Nam mới thật là nơi chôn nhau cắt rốn, mới thật là quê hương của tôi, cái quê hương hiểu theo nghĩa chật hẹp nhất là những kỷ niệm của thời ấu thơ và thời mới bước vào đời.
Hà, coi vậy mà chỉ nội chuyện cá đá cũng lắm điều hay. Đại để cá đá dài cỡ ba centimet, có vẩy, có vây, có kỳ, có phướn nhưng không phải con nào cũng giống như con nào. Nếu nó màu hồng, màu đỏ thì thường đuôi dài và kỳ cũng cao hơn và được gọi là cá phướn. Đây có lẽ là con cá đẹp nhất trong gia đình cá đá. Trông nó bơi lượn thật uyển chuyển dịu dàng và khi nó sửng lên, giương vi, dựng kỳ, phùng mang, mắt lồi hẳn ra. Sau khi được bố tôi dẫn đi xem hát bội Lữ Bố Hí Điêu Thuyền do bà Phùng Há thủ diễn, tôi bèn đặt tên con cá phướn của tôi là Lữ Bố và nhiều người buổi trưa hè ngồi ở góc tường tôi say mê ngắm Lữ Bố tung tăng trong cái chai thủy tinh giống như Lữ Bố Phùng Há trên sân khấu. Cá phướn không phải là chiến tướng dám chơi dám chịu, đá chết bỏ. Hai con cá phướn khi xung trận chỉ dương oai diễn võ, phùng mang dương kỳ như để dọa dẫm đối thủ nhiền hơn là đánh đấm thật sự. Hù dọa một hồi là một anh bỏ chạy, nhưng cảnh hai con cá phướn biểu diễn màn hù dọa nhau đẹp vô cùng, y như hai vũ công trong một điệu múa.
Cá đá thứ thiệt phải là cá xiêm. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu có phải đây là giống cá của Thái Lan hay chỉ có cái tên xiêm cho thêm phần ly kỳ. Cá xiêm màu xanh sẩm đuôi và kỳ trông khỏe và lợi hại hơn cá phướn. Đem cái lọ thủy tinh ra chỗ có ánh nắng, cá xiêm trở nên óng ánh, vẩy như có thêm sắc nâu, sắc hồng thẩm và đôi khi toàn thân con cá bỗng trở nên màu hồng quân đậm. Những lúc như vậy, thằng Quyền giảng cho tôi rằng con cá nó đang sưởi nắng. Nó như nằm im bất động một hồi lại từ từ xoay người phía bên kia về hướng nắng. Trông con cá xiêm lúc đó không khác gì một triết nhân coi mội sự chỉ là phù vân. Vị triết nhân đó bỗng mất cái vẻ lừ đừ khi đối phương xuất hiện. Đã biết bao nhiêu lần mấy đứa tụi tôi châu đầu say mê nhìn hai con xiêm quần thảo nhau. Vừa trông thấy chúng tôi lao thẳng vào đối thủ, lao còn nhanh hơn cả Mike Tyson khi thượng đài. Hình như cá xiêm cũng biết chỗ yếu của nhau, và nó bay nhắm vào ngay phía bụng chỗ gần hai cái vây. Nhoáng một giây một con ra đòn trước, vặn mình lao tới cắn đối thủ. Con kia cong mình né, quầy sang trả đòn. Đã có những trận tôi chứng kiến hai con cá xiêm vừa thấy là xông vào nhắm ngay miệng đối phương đớp và ghì xuống đáy nước. Con nào chịu không nổi quẩy thoát, đôi khi bị sứt, bị rách cả môi dưới. Đó là những trận thư hùng chớp nhoáng, kiểu “sinh tử nhất kích” ra đòn sống chết cùng đối phương. Có khi chúng lừ lừ nhìn nhau, hai cái miệng bé tí chỉ cách nhau một chút xíu, không khác gì hai đại kiếm khách đang thôi miên nhau.
Cá xiêm lì đòn, cho dù thương tích đầy mình, đuôi thì tả tơi, kỳ thì xây xát vẫn ít khi chịu thua ngay. Những trận đánh đôi khi kéo dài cả giờ đồng hồ hoặc hơn nữa. Thằng Quyền được tụi nhỏ công nhận là giỏi xem tướng cá. Nó bảo con nào mình ngắn mập tròn, kỳ cao, nhưng đuôi dài, là cá đá thứ thiệt, đá dai sức, ra đòn sát và nguy hiểm, thứ cá bách chiến bách thắng. Nó có một con cá được đặt tên là Hồng Hài Nhi mầu xanh biếc có vẩn đó li ti đá đâu thắng đó.
Cá xiêm mái lúc còn nhỏ trông khó phân biệt với cá đực, nhưng khi đã hơi lớn thì có cái chấm trắng nhỏ ở giữa hai cái vây rất dễ nhận ra. Khi đã lớn và nhất là khi có trứng, bụng con cái to hẳn ra và cử động cũng chậm hẳn đi.
Thế còn cá xiêm lai, cá ta? Tôi nghĩ rằng hai thứ này là một, trông không óng ánh sặc sỡ, đôi khi có cả những vằn nhỏ trên người và gần giống cá đuôi cờ. Những con cá xiêm lai, cá ta không sống động nên tụi tôi chê.
Cái ngõ Đội Có ở Phú Nhuận hồi 1955 còn lầy lội và có nhiều rặng tre, đường đi còn khúc khuỷu, nhưng đám tụi tôi vẫn mò vào thường xuyên. Ông già bán cá đá có một đứa con trai lớn hơn tụi tôi vài ba tuổi và chỉ có cái khác là nó đã biết phụ ông già để ép cá, để dưỡng cá và nhất là để bán cá! Đứa con út đã phải trả tiệm Pescos3.75 Mỹ kim để mua con Al Beta Fighting Fish về nhà vẫn còn hí hửng cho là rẻ. Hồi đó tụi tôi chỉ trả năm cắc thì phải và con nào đắt nhất cũng chỉ có một đồng. Trên một cái băng gổ ở dưới hiên nhà ở ngõ Đội Có đó sao mà nhiều chai lọ thế, và bao giờ cũng có một mảnh các tông nhỏ giữa hai cái lọ để cá đá không trông thấy nhau. Nếu không, chúng sẽ tiếp tục xông về phía con cá ở cái lọ bên cạnh, đôi khi húc vào thành lọ đến trầy vẩy. Ngoài những chiếc lọ bày thành hàng, thành dãy, còn có những chiếc cong thủy tinh lớn đựng con cung quang đỏ. Đây cũng là ấu trùng muỗi quăng đen vẫn thường thấy, nhỏ li ti như đầu kim xi xao trong cái thẩu lớn trông vui mắt đáo để. Nếu siêng năng tụi tôi có thể vớt ở các cống rảnh nhưng dễ nhất là mua ở đây. Cung quăng đỏ hay đen đều được bán trong những túi ni lông nhỏ. Có lần tôi đã tròn xeo mắt theo dõi ông già cất những cái chai nước ngọt con cọp bằng một vòng thép. Ông nướng vòng thép cho thật nóng, xong tròng vào cái chai xoay nhẹ cho khít và sau đó gõ khẽ, cái chai bỗng đứt thành hai đoạn. Trông thì dễ vô cùng nhưng lúc làm mới thấy không dễ tí nào cả.
Có hai vụ liên hệ đến cá đá tôi chưa hề chứng kiến tận mắt. Một là ép cá. hai là thằn lằn câu cá. Ép cá là một nghệ thuật và mỗi đứa nói với tôi một cách. Theo tôi cụi nó thì khi cón cá mái sửa soạn đẻ, con đực nhả rất nhiều bong bóng để làm phao cho trứng. Có đứa thì khuyên phải có rong cho bọt tụ vào thành tổ. Có đứa thì nói nên thả vào đó một đọt lá khoai môn. Khi tới cữ; con đực sẽ ép sát vào người con cái, quấn lấy người đẹp để giúp sức. Khi trứng rơi ra đến đâu, con đực sẽ đớp lấy, ngậm bơi lên thả trên mặt nước nơi có những bọt nằm sẵn Thường thì số trứng khá nhiều, con đực dù cố đến đâu cũng không cứu được hết số trứng rơi nằm sâu ở đáy nước. Khi vừa đẻ xong, có lẽ vì đói quá nên con cái lao tới đớp hết số trứng chưa được đưa lên đám bọt. Con đực từ đó sẽ canh chừng con cái, xua đuổi nó, ngăn không cho nó đụng đến nhửng chiếc trứng. Bởi vậy nếu ép cá thì phải canh chừng ngay con cái khi nó đẻ xong. Tôi chưa bao giờ ép được cá đá nên cũng chỉ biết vậy thôi.
Vụ thằn lằn cũng vậy. Thằn lằn, rắn mối hay thạch sùng tùy mỗi địa phương, nhưng cứ như lời thuật thì con thằn lằn thò đuôi vào trong hủ, cá đá trông thấy chiếc đuôi tưởng là mồi đớp và thằn lằn giựt mạnh hất con cá ra khỏi hủ để xơi tái. Thằng Quyền quả quyết là thằn lằn đã ăn của nó ba con cá xiêm, nhưng có lẽ vì nhà tôi không có thằn lằn chăng, bởi tôi chưa bị mất con cá nào cả.
Khi có thuật lại chuyện thằn lằn câu cá này, mấy đứa nhỏ há hốc mồm nghe và hỏi tôi kỹ càng về hình dạng con thằn lằn. Dù mô tả cách nào tụi nhỏ cũng không hình dung nổi cái con còn có tên nữa là thạch sùng đó. Cả lũ đã cười ầm lên khi nghe tích thạch sùng tặc lưỡi vì tiếc của.
Đứa con út đặt tên con cá lia thia của bố là Mr. Jingles dựa theo tuồng “Meet the Parents” trên tivi và chia phiên đứa thì lo cho Mr. Jingles ăn, đứa thì tuần tuần thay nước. Mr. Jingles được săn sóc kiểu Mỹ làm gì có cung quảng. Thức ăn là những viên nhỏ li ti màu nâu đựng trong một cái chai nhỏ, mỗi lần chỉ nhúm một tí thảy vào là xong. Vụ thay nước cũng không giản dị. Nước từ vòi lấy ra rất nhiều chất sát trùng nên phải có thuốc trung hòa. Một lần như vậy phải nhỏ vào hai ba giọt thuốc và đợi khoảng mươi phút mới thả Mr. Jingles trở lại. Một tai nạn xảy ra tưởng ông ta đã giã từ chúng tôi. Khi thay nước con chị còn đang lúng túng vớt ông ta thì ông ta quẩy mạnh, búng người cố thoát thân. Con em vội đứa tay chụp nhưng không kịp, ông ra rơi xuống sàn và dãy đành đạch. Mr. Jingles bị thương lệch một bên mắt và khi được bỏ lại vào cái cong thủy tinh, trông ông ta lờ đờ hẳn đi. Nhưng nhờ trời, tai cũng qua, nạn cũng khỏi. Cứ như vậy Mr. Jingles thơ thẩn trong cái cong thủy tinh đặt trên quầy cạnh bếp, từ trong đó nhìn ra cái tiểu gia đình bố con tôi di động chung quanh. Quán Chi hay tì má chống cầm ngắm Mr. Jingles nhất. Một lần tôi hỏi: “Con thích con cá đá lắm hả?” và câu trả lời làm tôi bật cười: “Mr. Jingles chỉ nghe mà không cãi lại, không giống Tin và Na.” Tin và Na là hai nhỏ chị và ít khi ba chị em đồng ý về một chuyện gì từ nhỏ như đến phiên ai rửa bát cho đến chuyện nghiêm trang như nên đeo kính hay xài contact lens.
Nhìn Mr. Jingles không thể không nhớ đến ông Tư Nhiễn và bài học về chữ nghĩa đích thực. Sau 1975 tôi lang thang cùng ông Tư đi đốn củi ở Rừng Sát. Hôm đó mưa suốt đêm và đến gần trưa trời vẫn còn rả rích. Tôi bó gối ngồi trong chiếc ghe nhìn ra sông nước mênh mông lòng buồn xo về đủ thứ trên đời. Ông Tư ngồi cạnh đang bập thuốc rê bổng đứng dậy vỗ vai bảo: “Ôi buồn cũng vậy thôi ông ơi. Mình đi kiếm mớ cá lìm kìm kho ăn chơi.
Cả đời tôi chưa biết cá lìm kìm là cá gì nhưng cũng bì bõm theo ông, tay cầm chiếc rổ mau, leo lên khu ruộng ngập nước bên bờ Rạch Miểu. Ông Tư Nhiễn chỉ cho tôi những lỗ chân trâu hoặc những hố nhỏ đọng nước. Cầm cái rổ nghiêng sát hố nước đó, ông Tư giậm chân xuống đất khiến nước trong lỗ bị ép hất lên vào trong rổ. Hai ba con cá dài và to chỉ cỡ cây tăm đã nằm trong rổ. Ấy vậy mà cứ vừa đi vừa dậm hai đứa cũng hứng được một mớ kha khá cá lìm kìm. Trong lúc lui cui tôi vớ được một con cá lia thia nhưng là con cá cái. Tôi hí hửng reo lên như gặp bạn cũ, cao giọng ư ử ngâm:
Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi
Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi
Ông Tư bỗng nhìn tôi bảo:
- Ông đọc lại tui nghe coi.
- Bộ ông Tư cũng biết bài Lý Chim Quyên à?
- Ối dân ruộng như tui ai mà không biết bài này. Nhưng ông đọc lại cho tui nghe coi
Khi tôi đọc lại rõ ràng hai câu ca dao thì ông cười hỏi tôi:
- Tui không biết ở thành phố có ai nuôi lia thia trong chậu không chứ ở quê tụi này chỉ nuôi cá kiểng trong chậu thôi. Cá lia thia của con nít, tụi nó nuôi trong mấy cái chai cái hũ nhỏ. Cá lia thia sống trong những vũng nước cạn ở bờ rạch, góc ruộng hay cạnh những gốc rạ. Mỗi con lia thia hùng cứ một chỗ nho nhỏ đó, hễ có con nào lạc vào là nó đuổi đánh liền. Ông biết con chim cu gáy chứ gì? Mỗi con chim cu gáy có một khoảnh rừng một khoảnh đất kiếm ăn, hễ có con nào loạng quạng xâm lấn là nó nhào tới ăn thua đủ. Con cu nó gáy là để lên tiếng cho mấy con khác rõ chủ quyền của mình. Con cá lia thia cũng vậy, sẵn sàng sống chết bảo vệ cái vùng đất riêng của nó. Bởi vậy mới có câu: “Chim quyên ăn trái nhãn lồng. Lia thia quên chỗ, vợ chồng quen hơi”.
Thấy tôi im lặng, ông Tư cười để lộ mấy cái răng vàng bảo:
- Ờ, thỉnh thoảng hồi đó nghe la dô thấy mấy ca sĩ cũng hát “quen chậu” thiệt kỳ.
Đứng giữa đồng ruộng trong cơn mưa lâm râm, tôi cất tiếng giống như mình còn đang đi trại hè, trại công tác sinh viên cả chục năm về trước:
Chim quyên quầy, ăn trái quây
Nhãn lồng ư, nhãn lồng ơi
Con bạn mình ơi
Lia thia quầy, quen chỗ quây
Vợ chồng ư, vợ chồng ơi
Con bạn quen hơi
Nhãn lồng ư, nhãn lồng ơi
Con bạn mình ơi
Lia thia quầy, quen chỗ quây
Vợ chồng ư, vợ chồng ơi
Con bạn quen hơi
Ông Tư cười, lớn giọng tiếp:
Chim ơi chim xa rừng
Thì chim thương núi nhớ non
Người xa cách cội nguồn ư
Người xa cách cội nguồn ư
Ôi đâu còn gì buồn hơn.
Thì chim thương núi nhớ non
Người xa cách cội nguồn ư
Người xa cách cội nguồn ư
Ôi đâu còn gì buồn hơn.
Hai đứa tôi khoác vai nhau vừa nghêu ngao vừa đi về ghe. Ông Tư đãi sạch rồi kho liu riu lửa với nước mắm và đường thẻ cho đến khi những con cá nhỏ tí khô quẹo lại. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối tôi được ăn cá lìm kìm bởi chỉ ít lâu sau đó tôi và Tư Nhiễn xa hẳn cội nguồn. Hơn hai mươi năm qua vợ chồng tôi đã quen hơi nhau nhưng không biết mình đã quen chỗ chưa, như con cá lia thia quen cái vũng nho nhỏ ở đó bên bờ ruộng cạnh Rạch Miễu?
Nhìn Mr. Jingles, viết bài này xin được đề cái tựa Lia Thia Quen Chỗ để góp ý về một câu ca dao quá phổ thông vốn là hứng khởi để có bài dân ca Lý Chim Quyên. Biết đâu Tư Nhiễn mới đúng, mới lột tả được tinh thần của câu ca dao này?
Lê Thiệp