Wednesday, 1 January 2014

Ba mươi năm cho một giấc mơ Trần Duy Nhiên

Mỗi người đều có những giấc mơ cho đời của mình. Tại sao ta muốn đời ta sẽ như thế này mà không phải như thế kia ? Tại sao ta chỉ có thể yêu con người này mà không phải bao nhiêu người khác mà ta gặp, dù người ta yêu chắc gì đã hơn được những người khác ? Tại sao một giấc mơ lại đến với ta ? Tại sao những giấc mơ của ta không bao giờ dừng lại ? Không ai có thể lý giải cho những giấc mơ của mình ? 
30 năm trước, Nguyễn Viết Chung đã có một giấc mơ. Lúc đó anh mới 18 tuổi, cái tuổi ta vẫn thường hay có những giấc mơ lãng mạn. Một ngày vào năm 1973, các tờ báo ở Sài-gòn đồng loạt đưa tin về cái chết của Jean Cassaigne, một Giám Mục Công Giáo, người Pháp, nguyên làm Giám Mục Sài-gòn nhưng lại qua đời tại một trại phong ở Di Linh, một nơi đèo heo hút gió trên đường từ Sài-gòn đi Đà Lạt.
Chung đọc tiểu sử của vị Cố Giám Mục trên báo và không hiểu do đâu anh lại mong muốn được nên giống ngài ở chỗ phục vụ người cùng khổ cho đến hơi thở cuối cùng. Thật kỳ lạ vì gia đình và bản thân anh đều là những Phật Tử ngoan đạo. Anh chẳng biết gì về đạo Công Giáo và chưa hề tiếp xúc với những người Công Giáo bao giờ, thế mà Đức Cha Cassaigne lại trở thành thần tượng của anh. Mọi người đều muốn được sống an nhàn hạnh phúc nhưng Chung lại muốn sống hiến thân cho người nghèo khổ và được chết như thần tượng của anh.
Năm 1974, Chung theo học tại Y Khoa Đại Học Đường Sàigòn. Tại đây anh gặp một người Công Giáo đầu tiên trong đời anh: Giáo sư bác sĩ Lischenberger, người Bỉ, dạy môn Mô Phôi Học ( Histology ). Chắc chắn có rất nhiều người khác đã từng theo học ông không bao giờ quên được ông. Chung ngưỡng mộ sự uyên bác khoa học vô song của ông. Ông chỉ giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Các bài giảng vô cùng sinh động và phong phú của một nhà khoa học uyên thâm một cách lạ kỳ làm Chung mê mẩn.
Nhưng anh còn mê mẩn về một sức hút lạ lùng khác nơi giáo sư Lischenberber. Chung kinh ngạc khám phá ra vị giáo sư khả kính này còn là một Linh Mục Dòng Tên. Anh thường cùng các bạn trường Y đến Nhà Thờ Jeanne D’Arc để “xem” giáo sư Lischenberber dâng lễ chỉ vì thích đi theo ông thầy đáng kính. Ở trong nhà thờ, Chung lọng ca lọng cọng, đứng ngồi nhấp nhỏm vì anh không quen các nghi thức trong thánh đường Công Giáo.
Trên bàn thờ, giáo sư Lischenberger trở thành một con người khác hẳn. Con người khoa học uyên bác đã trở thành một Linh mục thành kính, thanh thoát, sốt sắng dâng Thánh lễ. Vẻ trang nghiêm, siêu thoát, chìm đắm trong một cõi phúc lạc thần thiêng đã làm Chung mê say con người Linh mục thánh thiện này hơn cả con người Giáo sư uyên thâm.
Có lần giáo sư Lischenberber yêu cầu các sinh viên Y Khoa ghi nguyện vọng của họ trên một tờ giấy và nộp cho ông. Các bạn của Chung được dịp tỏ lộ những giấc mơ của họ. Có người muốn theo đuổi sự nghiệp khoa học ở một trường đại học Âu Mỹ danh tiếng nào đó. Có người muốn công thành danh toại, trở thành một chuyên gia đầu ngành nổi tiếng.
Chung ngồi thừ ra cả giờ, không viết được ra điều gì, đành nộp tờ giấy trắng. Có một bạn thắc mắc hỏi lý do Chung để trống tờ giấy. Chung trả lời là vì Chung quá mắc cỡ nếu để cho người thầy đáng kính biết được giấc mơ của mình: Chung muốn trở nên giống như giáo sư Lischenberger về sự uyên bác khoa học đồng thời giống như Linh mục Lischenberger về sự thánh thiện thanh thoát.
Những năm theo học Y Khoa không phải là dễ dàng gì đối với Chung, anh thường phải làm thêm nhiều việc nặng nhọc kể cả đạp xích-lô để kiếm tiền ăn học và phụ giúp gia đình. Sau khi tốt nghiệp trường Y năm 1980, chuyên khoa Ký Sinh Trùng, bác sĩ Chung làm việc tại Sài-gòn trong 5 năm coi như là để báo hiếu cho cha mẹ đã dày công nuôi dưỡng anh nên người nhưng giấc mơ không bao giờ phai nhòa trong sâu thẳm lòng anh.
Năm 1984, bác sĩ Chung, khi đó 29 tuổi, xin được bổ nhiệm lên Trại Phong Di Linh để thực hiện giấc mơ lớn nhất của đời anh. Nhưng theo đúng thủ tục hành chánh thì trước đó anh phải trình diện và chịu sự điều động của Sở Y Tế tỉnh Lâm Đồng. Tại đây người ta nói với anh rằng ở trại phong thì có gì hấp dẫn đâu, anh có thể về những nơi khác mà đường công danh sẽ rộng mở thênh thang cho một bác sĩ trẻ tài hoa như anh.
Chung không đồng ý, anh về làm việc tại Trạm Phòng Chống Sốt Rét của tỉnh Đồng Nai cho đến năm 1989. Rồi đổi về làm tại phòng xét nghiệm của Bệnh Viện Da Liễu Sài-gòn trong các năm 1990 - 1992. Tại đây anh xin học thêm chuyên khoa da liễu vì không bao giờ anh quên được mộng ước của mình.
Năm 1993, bác sĩ Chung tình nguyện lên công tác tại Trại Phong Bến Sắn, Bình Dương. Tại đây như thể đã đạt được tâm nguyện lớn lao nhất của mình là được giống như Đức Giám mục Cassaigne trong việc phục vụ bệnh nhân phong, anh làm việc hăng say. Chưa từng có một bác sĩ nào tận người bệnh tận tụy hết lòng như anh. Không có việc nào mà anh nề hà. Anh có thể đổ bô cho bệnh nhân, một việc chỉ có các y công mới phải làm. Nhưng dù như thế, anh vẫn thấy mình thua xa các Nữ tu Nữ tử Bác ái trong việc yêu thương phục vụ người bệnh. Có nhiều bệnh nhân quá đau khổ vì bệnh hoạn nên đâm ra trái tính trái nết. Chung không chịu được nên anh thường gắt gỏng với người bệnh. Các Nữ Tu không bao giờ như thế. Họ luôn nhẫn nại lắng nghe và phục vụ người bệnh hết lòng, không bao giờ làm điều gì khiến họ buồn tủi.
Tinh thần hy sinh quảng đại đó khiến Chung cảm phục. Anh cho rằng muốn có được tinh thần yêu thương người nghèo khổ như thế anh phải trở thành một trở thành giống như các Nữ tu. Anh xin với các Soeurs cho anh được giống như các Soeurs. Các Soeurs nói rằng đây là một cộng đoàn Nữ tu, hơn nữa anh chưa phải là người Công giáo. Nếu trở thành một người Công giáo mà được nên tốt lành như thế thì qủa là một điều đáng ao ước.
Ngày 28.8.1993, bác sĩ Chung, 38 tuổi, đến gặp cha Hoàng Văn Đạt, Dòng Tên, để xin theo đạo Công giáo. Khi tiễn anh ra cửa, cha Đạt cho anh biết ngày hôm đó kính Thánh Âucơtinh, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh. Đặc biệt, Thánh Augustino cũng là một người quay trở lại với Chúa. Vì thế Chung chọn cho mình tên Thánh là Augustino. Từ nay anh có đến hai Đức Giám Mục ở trên Nước Trời phù trì cho anh.
Ngày 15.3.1994, lễ Thánh Louise de Marillac, đấng cùng với Thánh Vinh-sơn Phao-lô lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, tại Nhà Nguyện Trại Phong Bến Sắn, bác sĩ Chung được cha Vinh-sơn Nguyễn Thế Thuận, Cha Sở Bến Sắn, làm Lễ Rửa Tội cho anh. Bõ đỡ đầu của anh là bác sĩ Quang, cũng đang công tác tại Bến Sắn lúc đó.
Nhưng bao lâu mà chưa được trở nên giống các Soeurs để có thể yêu thương phục vụ người nghèo hết tình, thì Chung chưa mãn nguyện. Chung đã 39 tuổi, theo đuổi ơn gọi Tu Sĩ ở tuổi tứ tuần là một điều khó khăn vô cùng ngay cả đối với người Công giáo đạo gốc, còn con đường sự nghiệp của một bác sĩ nữa, đâu phải dễ dàng mà có được trong ngày một ngày hai, tự dưng mà bỏ hết đi sao đành ?
Chung vẫn không chùn bước. Anh nhất định lên đường. Nhưng gia nhập một Dòng Tu không phải là một việc dễ dàng. Chung không hề có ý định là sẽ trở thành một Linh mục. Anh chỉ muốn mình được giống như các Soeurs, thanh thoát với cuộc sống Khó Nghèo, Khiết Tịnh, và Vâng Phục để có thể phục vụ người nghèo toàn tâm toàn trí. Các Bề Trên rất là ngần ngại nhận anh. Anh đuợc may mắn có được sự ưu ái nâng đỡ của Soeur Camille, bản thân Soeur cũng là một Phật Tử trở lại Công Giáo, rồi đi tu và làm đến Bề Trên Giám Tỉnh Nữ Tử Bác Ái Vinh-sơn.
Ngày 15.9.1994, Chung vào Nhà tập Dòng Lazariste (Dòng Vinh-sơn Nam). Anh là người lớn tuổi nhất trong các Tập Sinh. Ai cũng ái ngại cho anh, vốn là một bác sĩ công thành danh toại mà bỏ mọi sự vinh hoa đi theo đuổi ơn gọi Tu Sĩ trong một Dòng Tu, sống đời sống chung vốn rất phức tạp với các bạn trẻ chỉ bằng nửa tuổi đời của anh. Nhưng mọi cái anh đều vượt qua, không phải dễ dàng đâu, vì anh là một người hết sức khiêm nhường và yêu thương mọi người. Đối với anh, được trở thành một Tu Sĩ không có chức Linh Mục cũng là một diễm phúc lớn lao rồi vì khi đó anh biết rằng cả cuộc đời mình sẽ được dành cho người nghèo. Nhưng con đường của Chúa bao giờ cũng vượt qua những suy nghĩ nhỏ bé của con người.
Ngày lễ Đức Mẹ Truyền Tin, 25.3.2003, Giáo Hội nhân danh Chúa Giê-su gọi anh lên Bàn Thờ để ban cho anh chức Linh Mục Đời Đời của Chúa Giê-su tại Nhà Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn.
Ngày 3.4.2003, Linh Mục Augustino Nguyễn Viết Chung quay về Trại Phong Bến Sắn dâng Thánh Lễ Tạ Ơn trong sự hân hoan của các bệnh nhân phong.
Cha cùng dâng Thánh Lễ Đồng Tế với 13 Linh Mục, trong đó có Cha Sở Bến Sắn Vinh-sơn Trần Thế Thuận, người mà mới 9 năm trước đây đã làm Lễ Rửa Tội cho cha. Cha vẫn không có gì khác trước. Vẫn có thái độ khiêm nhường yêu thương và cung kính với các người bệnh. Cha vẫn xưng mình là “con” khi nói chuyện với các bệnh nhân có tuổi.
Mẹ của cha nay đã bị lòa. Cha mẹ của cha vẫn là các Phật Tử tốt lành, họ có nhiều lúng túng khi các người Công giáo cung kính gọi họ là ông bà cố. Các anh em, các cháu của cha, giống như cha lúc trước, rất lọng cà lọng cọng khi dự lễ do cha dâng. Cha luôn tự cho mình là một người bổn đạo mới nên ai nói gì với cha, cha cũng chân thành lắng nghe.
Cha cảm động vô song khi có một bà cụ mà cha không quen biết đến nắm tay cha nói rằng trong bao nhiêu năm nay ngày nào bà cũng cầu nguyện cho cha được bền đỗ đến cùng. Có một Soeur còn dạy cha rằng ơn gì Chúa cũng tự ban cho mình dù mình không cầu xin, nhưng riêng ơn trung thành thì mình phải khẩn thiết van nài hằng ngày thì Chúa mới ban cho. Các Soeurs đều rướm nước mắt khi dự Thánh Lễ do cha dâng. Đây quả là một điều tuyệt vời chỉ có Chúa mới làm được.
Cha rất buồn vì hai ân nhân lớn của cha: Soeur Camille và Dì Hai Loan đã qua đời mà không được hưởng niềm vui vì ơn gọi mà hai Soeurs dày công gầy dựng đã đơm hoa kết trái tốt đẹp.
Không biết vị giáo sư bác sĩ Linh Mục khả kính Lischenberger, thần tượng ngày xưa của cha có còn trên cõi đời này không và có biết được sau cùng thì người học trò của mình cũng đã được nên giống mình: trở thành một Linh mục bác sĩ.
Cha cảm tạ mọi người đã nâng đỡ cha trên con đường tiến đến chức Linh mục và cam đoan sẽ thể hiện lòng biết ơn đó qua việc cố gắng sống trung thành ba lời khấn Khó Nghèo, Khiết Tịnh và Vâng Phục của một Tu Sĩ. Thế gian cho rằng ba lời khấn là những cái vòng kềm hãm tự do của một con người nhưng thực ra đó chính là những cái cánh làm cho người Linh mục Tu sĩ tự do bay bổng vào khung trời rộng mở của Đức Ái theo đòi hỏi của Chúa Giêsu là hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta.
Từ nay ngoài công việc chăm sóc cho người bệnh với tư cách một bác sĩ, cha còn mang lấy trọng trách mới, theo như Đức Cha Giuse Vũ DuyThống nhắn nhủ, là chăm sóc cho mọi người trong thiên chức Linh Mục.
Trần Duy Nhiên