Video: Biểu tình sáng ngày 1/1/2014 tại Sài Gòn cùng biểu ngữ “Vô cùng thương tiếc cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng” (Nguồn: Facebook Dan Oan)
Đáng chú ý, trong cuộc biểu tình đầu năm mới xuất hiện một tấm biểu ngữ lớn có nội dung “Vô cùng thương tiếc cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng”. Việc làm này của bà con dân oan nhằm tri ân người nhạc sĩ đã hy sinh trọn cả cuộc đời cống hiến cho phong trào đấu tranh đòi nhân quyền tại Việt Nam.
Biểu ngữ lớn có nội dung “Vô cùng thương tiếc cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng” được công khai xuất hiện tại Sài Gòn để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa đã hy sinh cả cuộc đời để cống hiến cho phong trào đấu tranh đòi nhân quyền tại Việt Nam
Cuộc biểu tình bắt đầu lúc 08 giờ sáng ngày 1/1/2014, đông đảo bà con dân oan đã đi bộ tuần hành từ trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP.HCM (Địa chỉ: 210 Võ Thị Sáu) qua nhiều ngả đường để đến khu vực công viên 30/4.
Cuộc biểu tình có sự tham dự của hàng trăm dân oan các tỉnh miền Nam như: Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Sài Gòn, Đồng Tháp, Bình Dương... Với nhiều băng-rôn, biểu ngữ tố cáo đích danh nhiều quan chức tham nhũng, cướp đất dân nghèo.
Chị Trần Ngọc Anh |
Trong cuộc biểu tình sáng nay có sự xuất hiện của chị Trần Ngọc Anh, dân oan Bà Rịa Vũng Tàu.
Là một phụ nữ đấu tranh kiên cường suốt nhiều năm nay, chị Trần Ngọc Anh trong chiếc áo dài trắng quen thuộc đã mạnh mẽ tố cáo tội ác của nhà cầm quyền đảng cộng sản Việt Nam cướp đất, tham nhũng, đẩy nhân dân vào tình cảnh khốn cùng.
Một đoạn video clip được phổ biến trên facebook cho thấy hình ảnh chị Trần Ngọc Anh vạch mặt một viên công an chìm đang theo dõi đoàn người biểu tình. Theo lời Ngọc Anh, tên mật vụ này là kẻ đã từng ngông cuồng thách thức: “ĐM mày, tao theo dõi mày đó, mày làm con k** gì được tao!”
Sau hơn 2 tiếng, cuộc biểu tình có lúc thu hút sự chú ý của một ngàn người dân Sài Gòn đang có mặt tại khu vực Nhà thờ Đức Bà. Đến 11 giờ trưa, công an huy động lực lượng kéo đến đàn áp, bắt mọi người lên xe ô tô một cách thô bạo.
Chị Trần Ngọc Anh tố cáo một tên an ninh, mật vụ côn đồ
Trong lúc bắt bớ, một nhóm công an – mật vụ nhân cơ hội này để trả thù, đánh đập, thay nhau đạp vào bụng của chị Trần Ngọc Anh một cách dã man. Hậu quả là sau trận đòn thù của công an mật vụ, chị Ngọc Anh đã phải nhập viện cấp cứu với nhiều vết thương vùng bụng.
Khoảng 30 dân oan khác bị bắt lên xe chở về quê, nhiều người bị đánh đập, xây xát khắp người.
Hiện nay, chị Ngọc Anh đang nằm tại bệnh viện Sài Gòn (Địa chỉ: 125 Lê Lợi, phường Bến Thành, Quận 1). Bên ngoài, công an vẫn đang tiếp tục theo sát. Tình trạng hiện nay của chị Trần Ngọc Anh vẫn còn đang rất nguy hiểm và sẽ được Danlambao cập nhật trong bản tin tiếp theo.
Bất chấp đàn áp, cuộc biểu tình đúng vào ngày đầu năm mới tại Sài Gòn như một tiếng pháo nổ vang trời báo hiệu một năm đầy sôi động và nhiều biến cố đối với cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, nhân quyền cho nhân dân Việt Nam.
Sáng ngày 31 tháng 12 năm 2013, các nhà đấu tranh dân chủ và hoạt động Nhân quyền như anh Phạm Bá Hải, ông Huỳnh Ngọc Tuấn, chị Lê Thị Công Nhân, anh Ngô Duy Quyền (có cả cháu bé mới lên ba tuổi con của chị Nhân- anh Quyền) đến thăm hỏi gia đình anh Phạm Văn Trội ở Hà Tây.
Lúc mọi người đến nhà anh Trội, đã có an ninh thường phục canh gác sẵn tại đó. Sau khoảng hai giờ đồng hồ, công an địa phương và an ninh thường phục ập đến nhà anh Trội đòi kiểm tra hành chính vì có người lạ mặt hiện diện ở nhà anh. Chủ nhà quyết định không mở cửa đón tiếp khách không mời mà đến. Công an tiếp tục đập phá cửa và cuối cùng đã xông được vào nhà anh Trội.
Hơn 1h chiều ngày 31 tháng 12 năm 2013, công an địa phương, dân phòng và an ninh thường phục áp giải cả chủ nhà lẫn những vị khách hoạt động Dân chủ-Nhân quyền về UBND xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Tây.
Về đến UBND xã Chương Dương, trước tiên ông Huỳnh Ngọc Tuấn (thân phụ người viết) bị đưa vào phòng riêng khóa trái cửa, bị nhốt trong đó cùng bốn tên công an lực lưỡng. Họ đánh đập ông rất dã man. Ông bị đánh vào bụng, ngực và đầu. Hiện tại, ông Tuấn bị bệnh tiểu đường và sức khỏe ông vốn rất kém. Sim điện thoại của ông cũng bị tịch thu.
Mọi người đều bị bắt ký tên vào biên bản làm việc với công an xã Chương Dương. Chị Nhân và anh Hải phản đối kịch liệt hành xử côn đồ và phi pháp này của họ.
Chị Lê Thị Công Nhân và anh Ngô Duy Quyền cũng bị hành hung và đánh đập. Cháu bé con gái chị vô cùng hoảng sợ trước cảnh tượng đó.
Anh Phạm Bá Hải, Phạm Văn Trội cũng bị công an chửi mắng thậm tệ, ép ký vào biên bản làm việc.
Hơn 6h tối, các anh chị mới được thả ra về trong tình trạng sức khỏe tồi tệ. Mọi người được anh chị em ở Hà Nội đưa đi bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và săn sóc y tế.
Việt Nam vừa mới ký Công ước chống tra tấn và trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc. Đây là một trong những ví dụ trong nhiều trường hợp khác nhau cho thấy khả năng cải thiện Nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2014 là rất mờ mịt.
Huỳnh Thục Vy
Sài Gòn ngày 31 tháng 12 năm 2013