Wednesday 1 January 2014

Tính − Kỳ − Tận - Phạm Khắc Trung

    
Khổng Tử là người hiếu học và hay suy xét những chuyện đời xưa, Ngài nói: "Ngã phi sinh nhi tri chi giả dã, hiếu cổ, mẫn dĩ cầu chi giả dã: Ta không phải là người sinh ra đã biết, chỉ là người thích đạo của thánh hiền đời trước, cố sức mà cầu lấy được" (Thuật Nhi, VII).

Truyện Đầm Nhất Dạ ví Ngài như Chử Đồng Tử, vì may mắn mà lấy được công chúa Tiên Dung, con gái vua cháu ba đời vua Hùng, ý nói rằng Ngài may mắn học được cái đạo cổ của Hùng Vương.

Đạo ấy căn cứ theo lẽ thường tình, tự nhiên của vạn vật, chẳng hạn cho rằng, mọi người sinh ra đều bình đẳng như nhau, có khác chăng cũng chỉ là những lớp bề ngoài được khoác thêm vào sau lúc sinh ra. Thật vậy, nếu lột bỏ đi cái vẻ bề ngoài đó, như thể cuộc gặp gỡ hữu kỳ giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử, cà hai đều trần truồng như nhộng nơi chòm lau sậy trên bãi phù sa, thì thực chất vẫn như nhau, chỉ khác mỗi chỗ kẻ nữ người nam, tức là chỉ khác nhau ở cái tính riêng, cái chức năng riêng của mỗi cá nhân, gọi là "Kỳ", tức là sự độc đáo riêng tư của mỗi cá thể, mỗi sự việc, mỗi địa phương, mỗi dân tộc...

Trong khi sự bình đẳng là bản chất tự nhiên của con người không thể chối cãi được, gọi là "Tính". Truyện Đầm Nhất Dạ viết: "Tiên Dung vào trong màn, cởi áo múc nước dội tắm; cát chảy, thân hình Đồng Tử lộ ra, hồi lâu Tiên Dung mới biết là con trai. Tiên Dung nói: − Ta đã không thích lấy chồng, nay lại gặp người này cùng lộ thân với nhau trong một huyệt cát, cõ lẽ trời khiến thế chăng? Thôi ngươi hãy dậy mà tắm rửa đi".

Không những Tiên Dung chỉ nhận chân được thiên mệnh (trời khiến), cái bản chất tự nhiên của con người trên cơ sở của sự bình đẳng, nàng lại còn tác động để thể hiện quyền tự do của con người mà đạt cho tới chỗ cùng cực, bằng cách tác hợp làm vợ chồng, trung hòa các yếu tố đối kháng mà thực hiện chức năng của Trời Đất. Truyện Đầm Nhất Dạ viết: "Tiên Dung thương xót, bảo làm vợ chồng. Đồng Tử cố từ, Tiên Dung nói: − Việc này tự trời tác hợp, việc gì mà từ chối?". Tức là Tiên Dung đã làm tới chỗ hết mức có thể làm, đã đi hết chỗ có thể đi, gọi là "Tận".

Khổng Tử mới đem cái đạo ấy ra truyền bá và hết lòng dạy bảo người đời, Ngài nói: "Mặc nhi thức chi, học nhi bất yếm, hốt nhân bất nguyện, hà hữu ư ngã lai: Thầm lặng nghĩ ngợi mà biết mọi lẽ, học mà không chán, dạy người mà không mỏi, ba điều ấy ta có điều gì là hơn người đâu" (Thuật Nhi, VII). Truyện Đầm Nhất Dạ viết: "Tiên Dung nghe tin, sợ không dám trở về mới cùng với Đồng Tử mở chợ búa, lập phố xá, cùng nhân gian mậu dịch, dần dần nơi ấy thành một ngôi chợ lớn (nay là chợ Hà Lõa); thương nhân ngoại quốc qua lại buôn bán, kính sự Tiên Dung Đồng Tử làm chủ".

Thời bấy giờ nhà Chu đã suy nhược, phải dời đô về phía Đông ở Lạc Ấp, mệnh lệnh của Thiên Tử không ai theo, các nước Chư Hầu phân ra có đến 160 nước. Sự chiến tranh mỗi ngày một khốc liệt, Chư Hầu nào mạnh thì làm bá thiên hạ, nước nọ dấy quân thôn tính nước kia, cương thường đổ nát, nhân dân đồ thán, người đời say đắm về đường công lợi, không ai thiết gì tới nhân nghĩa nữa... Khổng Tử biết, những chuyện biến cải trong trời đất không có điều gì là tự nhiên bất thình lình mà thành ra. Dẫu những mối biến loạn trong xã hội cũng không phải một sớm một tối mà thành ra được. Thường cái căn do ở tự đâu đâu mới đúc kết cấu thành hiện trạng. Ngài nói rằng: "Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hỹ, do biện chi bất tảo hiện dã: Tôi giết vua, con giết cha, không phải một buổi sớm, một buổi tối; cái căn do dần dần đã lâu mà thành ra vậy. Bởi vì những kẻ lo liệu phòng bị những việc ấy, không biết lo liệu phòng bị sớm" (Dịch: Văn Ngôn truyện). Nếu những người có trách nhiệm đến vận mệnh xã hội biết lo xa, biết tìm cách ngay chính mà sửa đổi lòng người lại, thì cuộc loạn có thể biến nên cuộc trị được. Vậy nên Khổng Tử chuyên tâm chú ý về việc giáo hóa và canh cải chính trị. Ngài cho rằng người ta đã sinh ra ở đời, ai cũng phải có nghĩa vụ đối với đời. Người nào bỏ việc đời không nghĩ đến là làm điều trái với đạo người. Cho nên, Ngài thấy cuộc đời càng rối loạn, Ngài càng phải ra sức sửa đổi, Ngài nói: "Thiên hạ hữu đạo Khâu bất dữ dịch dã: Thiên hạ có đạo thì Khâu này còn dự đến việc thay đổi làm gì" (Luận Ngữ: Vi Tử, XVIII). Ngài thấy chuyện đáng làm thì dù khó khăn đến mấy Ngài cũng làm: "Tri kỳ bất khả vi, nhi vi chi: Biết không thể làm được mà cứ làm" (Luận Ngữ: Hiến Vấn, XIV).

Mà muốn làm việc thay đổi trong thiên hạ thì phải có quyền thế mới làm được, chứ dùng lời nói thì dẫu có hay đến mấy cũng khó thành công, nên Ngài từ bỏ cái địa vị cao thượng của ông thầy dạy học, cố bôn ba hết nước này qua nước khác mà tìm cách ra làm hành chính. Cái chủ ý của Ngài là muốn hành đạo chứ không phải cầu lấy danh lợi. Truyện Đầm Nhất Dạ viết: "Tiên Dung bảo Đồng Tử rằng: − Vợ chồng ta do trời định khiến, ăn mặc là của trời cho, bây giờ nên lấy một thoi vàng cùng với người nhà buôn đi ra biển mà mua hàng đem về làm kế sinh nhai".

Khổng Tử mong mỏi gặp được ông vua nào tin dùng Ngài, chia sẻ quyền bính cho Ngài, như thể truyện Đầm Nhất Dạ kể, "Nhà sư mới tặng cho Đồng Tử một cái gậy và một cái nón; bảo rằng: − Linh thông tại đây đó", để Ngài mang cái đạo đó ra thi thố giúp đời. Truyện Đầm Nhất Dạ viết: "Đồng Tử trở về, đem chuyện đạo Phật nói hết với Tiên Dung, từ đó giác ngộ, bỏ chợ búa, nghề buôn, đem nhau đi tìm thầy học đạo".

Ngài tin rằng nếu cái đạo của Ngài mà thi hành ra được thì tất sẽ sửa đổi phong tục và chính trị một cách hữu hiệu, như truyện Đầm Nhất Dạ viết: "Một hôm trời đã tối mà chưa thấy nhà trọ, họ mới ở lại giữa đường, cắm gậy úp nón lên trên để che. Đêm đến canh ba, thấy hiện ra thành quách, lầu son đền báu, đài các lăng miếu, kho tàng miếu xã, vàng bạc châu ngọc, chiếu giường, mùng màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt đầy ở trước mặt". Để trước hết là làm tấm gương sáng cho các nước khác noi theo: "Sáng ngày ai trông thấy cũng lấy làm kinh dị, tranh nhau đem những vật hoa hương, ngọc thực đến dâng hiến và xưng thần". Từ đó mà đoàn kết các nước, cùng nhau dấy lên thành phong trào: "Văn võ bá quan phân quân túc vệ, biệt lập thành một nước". Ngài tin chắc như thế nên quả quyết rằng: "Cẩu hữu dụng ngã giả, cơ nguyệt nhi dĩ khả dã, tam niên hữu thành: Nếu ta được dùng, thì trong một năm đã khá, ba năm ắt thành" (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII).

Quê Khổng Tử có ấp Trâu Sơn trong nước Lỗ. Còn đạo của Khổng Tử là gì thì Ngài tuyên bố rõ đó là đạo cổ, Ngài không sáng lập ra đạo mà chỉ truyền lại đạo cổ của người xưa mà thôi (ngô thuật nhi bất tác). Nếu hỏi đạo cổ ấy ở đâu thì Ngài hướng về phương Nam xá, như Ngài trả lời Tử Lộ hỏi về đức cường: “Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo / Nam phương chi cường dã, quân tử cư chi”. Truyện Đầm Nhất Dạ viết: "Hùng Vương hay tin cho là con gái mình làm loạn mới phát binh đi đánh; quan quân đến rồi, quần thần xin phân quân án ngữ. Tiên Dung rằng: − Chuyện này không phải tự ta làm ra, cũng là trời giun giủi; sinh tử tại thiên, ta đâu dám chống cha, phải thuận chịu điều chính, chờ lệnh chém giết".

Mệnh Trời là một sức lực huyền diệu siêu vượt, nhưng con người vẫn có thể tham dự vào để hướng dẫn cái Mệnh của Trời theo ý muốn của mình, đó là theo lối tích cực "đức năng thắng số": hăng say, tự chủ, tự tin mà làm, làm cho hết sức, làm đến chỗ tận cùng, đến lúc không thể làm được nữa, thì mới chấp nhận đó là Thiên Mệnh, "Tận năng lực nhi qui thiên số". Đó là thái độ sáng suốt và thực tế nhất, không những có lợi là duy trì chủ lực để dành vào những tình tiết sắp tới, tránh sự phung phí tâm sức vào những sầu khổ, bi ai, mà còn gây dựng được một thái độ bình tĩnh và cao thượng, làm những việc cần thiết có thể làm được, rồi nhẫn nhục chịu đựng những gì xảy đến mà không thể tránh, bình dị mà chấp nhận, không than van, trên không oán trời, dưới không trách người, "Thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân, cư dị dĩ sĩ mệnh" (Trung Dung). Khổng Tử đi hết nước này qua nước nọ, những muốn đem cái đạo của mình ra thi thố giúp đời, mà rốt cuộc không có vua nào dùng Ngài. Lần sau cùng Ngài trở về nước Vệ ở năm sáu năm không đi đâu nữa. Quí Tôn Phì bên nước Lỗ cho người sang đón Ngài về. Ngài bỏ nước Lỗ đi tất cả là 14 năm, lúc trở về thì Ngài đã 68 tuổi. Bấy giờ Ngài đã già rồi, không cầu ra làm quan nữa. Ngài ở nhà dạy học trò, san định lại các sách vở đời trước và làm sách Xuân Thu để bày tỏ cái đạo của Ngài về đường chính trị. Truyện Đầm Nhất Dạ viết: "Quan quân kéo đến đóng doanh ở bãi Tự Nhiên, chỉ còn cách một con sông lớn; ngày sắp tối nên chưa kịp tiến binh. Chừng đến nửa đêm, hốt nhiên gió lớn thổi làm nổi sóng đổ cây; quan quân đại loạn; bộ đảng thành quách của nàng Tiên Dung nhất thời nhổ đi bay lên trời; đất ở chỗ ấy sập xuống thành một cái đầm lớn". Nơi bãi Tự Nhiên, gió lớn thổi ở trên, dưới thì đất sập xuống thành một cái đầm: "Trên chằm có gió, là quẻ Trung Phu, đấng quân tử coi đó mà bàn việc ngục, hoãn tội chết: Trạch thượng hữu phong, Trung Phu, quân tử dĩ nghị ngục, hoãn tử" (Đại Tượng).
 
Quẻ Trung Phu (61)    
TỐN TRÊN – ĐOÀI DƯỚI

Tốn là tượng của Mộc, về hình tượng thì lấy cây phủ lên chằm là giữ sự vật ở trong chằm.

Bàn việc ngục hoãn tội chết, nghĩa là nhốt. Quan sát hình quẻ Trung Phu, đó là hình cơ cấu Ngũ Hành màu trắng (5 ô dương nên không trông thấy) bị giam giữa những chắn song. Điều này ám chỉ công nghiệp của Khổng Tử, Ngài san định bốn bộ Kinh là Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Thi, Kinh Nhạc, bao bọc bộ Kinh Dịch ở trung cung, mà truyện Man Nương nói là bốn pho tượng Phật bằng gỗ là Pháp Văn, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, bao phủ phiến đá thô không đẽo, không gọt, là hiện thân của người con gái, tác phẩm trứ danh của nàng Man Nương và nhà sư Đồ Lê. Vì bằng đá nên khó mài dũa và nặng thành thử chìm xuống nước, trong khi bốn pho tượng gỗ nhẹ và mềm nên nổi và dễ đẽo gọt khiến người đời hâm mộ. Nhưng sự thực thì khối đá kia mới có giá trị vô biên cần bảo trọng, nên không những Ngài phải dùng bốn pho tượng gỗ để bảo bọc, che chở, mà còn "lấy vàng tô lên để phụng thờ", tức là dùng mọi phương thức mà che đậy cho phiến đá khỏi mai một: “Nhà Tần cách đời cổ chưa xa, nên sách Chu Dịch nhờ về bói toán mà không bị đốt” (Kinh Dịch, Ngô Tất Tố, trang 57). Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt hết các sách về triết học, văn học, sử học…, chỉ cho giữ những sách dạy nghề, mà môn bói thời đó là một nghề được trọng vọng.

Khi Ngài mất, học trò thương tiếc khóc thảm thiết, ai cũng để tâm tang ba năm (tâm tang là để tang trong lòng, chứ không có mặc đồ tang phục). Lại có đến hơn một trăm người làm nhà ở gần mộ Ngài đến hết tang, thầy Tử Cống ở đó đến hết sáu năm mới thôi. Mộ Ngài nay ở Khổng Lâm, cách huyện Khúc Phụ (thuộc tỉnh Sơn Đông) hai dặm, cây cối sầm uất. Truyện Đầm Nhất Dạ viết: "Sáng ngày, dân gian trông không thấy thành nữa, cho là linh dị bèn lập miếu đường, thời thường đến tế, gọi đầm ấy là Nhất Dạ Trạch, châu ấy là Man Trù Châu (hoặc gọi là Tự Nhiên Châu), chợ ấy là Hà Lõa Thị".

Truyện Đầm Nhất Dạ viết (Trích):

"Hùng Vương truyền ngôi đến vua cháu ba đời, có sinh được một người con gái tên là Tiên Dung Mỵ Nương, tuổi vừa mười tám, dung mạo tú lệ, nguyện không lấy chồng, chỉ thích ngao du thiên hạ. Vương chìu mà nghe theo. Mỗi năm khoảng tháng hai, tháng ba, nàng sửa soạn thuyền ghe, lênh đênh ngoài biển, vui chơi quên cả ngày về.

Lúc bấy giờ ở làng Chử Xá có người tên là Chử Vy Vân sinh được một người con trai tên là Chử Đồng Tử, hai cha con vốn tính hiền lành, nhà nghèo lại gặp nhà cháy, của cải khánh tận chỉ còn một cái khố vải, cha con ra vào thay đổi nhau mà mặc. Bị bệnh già, cha bảo con rằng:

− Ta chết thì chôn lộ thể cũng được, để cái khố lại cho con mặc kẻo xấu hổ.

Cha chết, người con không nỡ làm thế, cứ để cả khố mà chôn. Chử Đồng Tử bấy giờ thân hình trần truồng, đói rét khôn xiết, mới cầm cần câu đi kiếm bờ sông câu cá, trông thấy thuyền buôn đi qua, đứng dưới nước mà xin ăn. Nào ngờ thuyền của Tiên Dung bỗng đến đó; nghe thấy tiếng chuông trống đàn sáo, thấy những nghi tượng cờ xí, Đồng Tử sợ hãi, không biết trốn vào đâu, trông thấy trong bãi phù sa có chùm lau sậy, lơ thơ năm ba gốc, bèn ẩn thân vào đó, đào cát thành huyệt để giấu mình, lại lấy cát vùi lên trên.

Giây lát, thuyền của Tiên Dung ghé vào đó; nàng dạo chơi trên bãi cát, truyền lấy mùng màn vây kín cả chỗ lau sậy để tắm.

Tiên Dung vào trong màn, cởi áo múc nước dội tắm; cát chảy, thân hình Đồng Tử lộ ra, hồi lâu Tiên Dung biết là con trai. Tiên Dung nói:

− Ta đã không thích lấy chồng, nay lại gặp người này cùng lộ thân với nhau trong một huyệt cát, có lẽ trời khiến thế chăng? Thôi người hãy dậy mà tắm rửa đi.

Rồi ban cho áo quần, cùng nhau xuống thuyền ăn uống hoan lạc; người trong thuyền đều cho là một sự gặp gỡ tốt lành xưa nay chưa từng có.

Đồng Tử nói rõ sự tích cho Tiên Dung nghe; Tiên Dung thương xót, bảo làm vợ chồng. Đồng Tử cố từ. Tiên Dung bảo:

− Việc này tự trời tác hợp, việc gì mà từ chối?

Những người tháp tùng vội đem việc ấy tâu lên với Hùng Vương; Hùng Vương giận bảo rằng:

− Tiên Dung không biết trọng danh tiết, không biết tiếc tiền của ta, đi chơi giữa đường lại hạ giá, lấy người nghèo, còn mặt mũi nào mà thấy ta nữa; từ nay mặc kệ nó, không cho trở về nước nữa.

Tiên Dung nghe tin, sợ không dám trở về mới cùng với Đồng Tử mở chợ búa, lập phố xá, cùng nhân gian mậu dịch, dần dần nơi ấy thành một ngôi chợ lớn (nay là chợ Hà Lõa); thương nhân ngoại quốc qua lại buôn bán, kính sự Tiên Dung Đồng Tử làm chủ.

Có một nhà đại thương đến nói với Tiên Dung rằng:

− Quí nhân xuất ra một thoi vàng, năm nay cùng với người nhà buôn ra biển mà mua vật quí, sang năm sẽ lời được một thoi.

Tiên Dung bảo Đồng Tử rằng:

− Vợ chồng ta do trời định khiến, ăn mặc là của trời cho, bây giờ nên lấy một thoi vàng cùng với người nhà buôn đi ra biển mà mua hàng đem về làm kế sinh nhai.

Đồng Tử bèn cùng đi với người nhà buôn; ngoài biển có một hòn núi tên là Quỳnh Viên Sơn; trên núi có một chiếc am nhỏ, người đi buôn ghé thuyền ở đây mà múc nước; Đồng Tử lên chơi trên am, có một tiểu tăng tên là Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử. Đồng Tử mới lưu lại am nghe thuyết pháp, giao vàng cho người đi buôn mua hàng, dặn lúc nào trở về thì ghé lại am để cho Đồng Tử về. Nhà sư mới tặng cho Đồng Tử một cái gậy và một cái nón; bảo rằng:

− Linh thông tại đây đó.

Đồng Tử trở về, đem chuyện đạo Phật nói hết với Tiên Dung, từ đó giác ngộ, bỏ chợ búa, nghề buôn, đem nhau đi tìm thầy học đạo. Một hôm trời đã tối mà chưa thấy nhà trọ, họ mới ở lại giữa đường, cắm gậy úp nón lên trên để che. Đêm đến canh ba, thấy hiện ra thành quách, lầu son đền báu, đài các lăng miếu, kho tàng miếu xã, vàng bạc châu ngọc, chiếu giường, mùng màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt đầy ở trước mặt.

Sáng ngày ai trông thấy cũng lấy làm kinh dị, tranh nhau đem những vật hoa hương, ngọc thực đến dâng hiến và xưng thần. Văn võ bá quan phân quân túc vệ, biệt lập thành một nước.

Hùng Vương hay tin cho là con gái mình làm loạn mới phát binh đi đánh; quan quân đến rồi, quần thần xin phân quân án ngữ.

Tiên Dung rằng:

− Chuyện này không phải tự ta làm ra, cũng là trời giun giủi; sinh tử tại thiên, ta đâu dám chống cha, phải thuận chịu điều chính, chờ lệnh chém giết.

Lúc bấy giờ những người mới tập họp, sợ hãi mà chạy tán loạn, chỉ còn bọn người cũ ở lại với Tiên Dung.

Quan quân kéo đến đóng doanh ở bãi Tự Nhiên, chỉ còn cách một con sông lớn; ngày sắp tối nên chưa kịp tiến binh. Chừng đến nửa đêm, hốt nhiên gió lớn thổi làm nổi sóng đổ cây; quan quân đại loạn; bộ đảng thành quách của nàng Tiên Dung nhất thời nhổ đi bay lên trời; đất ở chỗ ấy sập xuống thành một cái đầm lớn. Sáng ngày, dân gian trông không thấy thành nữa, cho là linh dị bèn lập miếu đường, thời thường đến tế, gọi đầm ấy là Nhất Dạ Trạch, châu ấy là Man Trù Châu (hoặc gọi là Tự Nhiên Châu), chợ ấy là Hà Lõa Thị. (*)

Sau đến đời Nam Đế, binh nhà Lương sang xâm chiếm nước ta, vua sai Triệu Quang Phục làm tướng đem binh ngăn giữ. Quang Phục điều động dân chúng tàng ẩn ở trong đầm, cái đầm ấy sâu rộng bùn lầy, khó bề tiến lui; Quang Phục cỡi chiếc thuyền độc mộc qua lại cho tiện, thường nhân đêm tối, dùng thuyền mà đột xuất đánh phá cướp lấy lương thực, làm kế trì cửu cho giặc kiệt quệ. Ba bốn năm trường giặc không đánh được. Bá Tiên than rằng:

− Đời xưa gọi là đầm nhất dạ thăng thiên, ngày nay lại là cái đầm nhất dạ đạo kiếp.

Gặp lúc Hầu Cảnh tác loạn bên Trung Hoa, vua Lương triệu Bá Tân về, ủy quyền cho tỳ tướng Dương Sằn thống lĩnh quần chúng.

Quang Phục trai giới thiết đàn ở trong đầm, đốt hương cầu đảo. Thoát thấy thần nhân cỡi rồng giáng xuống giữa đầm, bảo Quang Phục rằng:

− Ta lên trời nhưng linh dị còn ở đây, ngươi có lòng thành cầu đảo, ta đến để giúp bình loạn tặc.

Rồi cởi vuốt rồng đưa cho Quang Phục bảo giắt vào đầu đâu mâu, hễ đánh đâu là được đó. Nói đoạn lại bay lên trời. Quang Phục y như lời dặn đem binh đột kích, binh Lương đại bại, chém được tướng Dương Sằn ở trận tiền, binh Lương lui chạy.

Quang Phục nghe tin Nam Đế mất, bèn tự lập lên làm Triệu Vương, đóng đô ở quận Vũ Ninh núi Trâu Sơn" (Hết trích).


Phạm Khắc Trung

(*) Chúng tôi trộm nghĩ, Truyện Đầm Nhất Dạ chỉ viết đến đây thôi, đoạn dưới là do đời sau thêm vào.
________________

Tài liệu tham khảo:
Kinh Dịch, Ngô Tất Tố, H.T. Kelton, California, Hoa Kỳ, không rõ năm tái bản.

Nho Giáo, Trần Trọng Kim, Tân Việt, Saigon, không rõ năm xuất bản.