Sunday, 2 March 2014

Putin đổ quân vào Ukraine – lại thức tỉnh thêm người Việt và thách thức giới lãnh đạo CSVN về hiểm họa “nạn kiều” Trung Cộng

Vậy là những lo ngại, phỏng đoán qua bài Putin tính giở trò “nạn kiều”, nhắc người Việt cảnh giác Trung Cộng hơn đã nhanh chóng thành hiện thực, vào rạng sáng hôm nay 2/3/2014, sau khi Thượng viện Nga phê chuẩn đề nghị của viên cựu sĩ quan tình báo Liên Xô KGB, nay là TT Nga Putin, đưa quân vào Ukraine nại cớ để “bảo vệ người dân Nga”. Hội đồng bảo an LHQ họp khẩn lúc 2h giờ VN. (Bài bình luận này được lên trang lúc 4h sáng, Chủ nhật, ngày 2/3/2014.)
Trước đó lại đã có bài Báo động Vũng Áng – Formosa: Hoành Sơn … thất đái, vạn đại vong thân, lo ngại một tương lai cho chủ quyền Việt Nam bị đe dọa khi mà ngày càng nhiều các cơ sở kinh tế quan trọng của/hoặc dính líu tới Trung Cộng, cùng người Trung Quốc trên khắp đất nước VN, tại những điểm chiến lược xung yếu. 
Quân đội Nga tiến vào Ukraine dưới danh nghĩa bảo vệ “nạn kiều” Nga và cơ sở quân sự nước này sao mà giống một tương lai thấy rõ cho Việt Nam, khi quân Trung Cộng tiến vào, cũng để “bảo vệ người Hoa” và “cơ sở kinh tế của Trung Quốc”. 
Bởi sẽ có một ngày, khi mà một vài hòn đảo còn lại ở Trường Sa do VN chiếm giữ lại bị quân Trung Cộng bất ngờ tấn công cưỡng chiếm, hoặc lấn dần, thì bất cứ động thái chống trả nào của VN sẽ bị những vụ náo loạn của người Hoa tạo cớ cho Trung Cộng triển khai quân tại các cơ sở kinh tế như Bô-xít Tây Nguyên, Khu kinh tế Vũng Áng-Formosa,  hay Nhiệt điện, xi măng Hải Phòng, v.v..
Từ trên cao, Trung Cộng có thể lập “cầu hàng không” đổ quân lên Tây Nguyên khi quyền lợi và sự an toàn cho “công dân Trung Quốc” gọi là “bị đe dọa”. Nhẹ hơn thì đưa các đơn vị an ninh dân sự tới, núp dưới danh nghĩa các công ty dịch vụ bảo vệ cho cơ sở kinh doanh. Trên đường bộ, các đơn vị quân đội dưới danh nghĩa dân sự từ các cơ sở Bô-xít tại Lào cũng có thể vượt biên tràn qua, lẩn vào số công nhân tại Bô-xít Tây Nguyên. 
Từ ngoài khơi, quân Trung Cộng có thể đổ bộ vào cảng nước sâu tuyệt vời Vũng Áng, cũng dưới danh nghĩa tương tự.
Vậy là Việt Nam chưa đánh đã phải … hàng. Có nghĩa, một khi để cho Trung Quốc có được ngày càng nhiều cơ sở kinh tế, có người Hoa trong đó, nở rộ khắp VN, tại những địa phương quan trọng, nhạy cảm, thì nguy cơ bị mất lãnh thổ, lãnh hải một cách dễ dàng mà không dám động binh, ngày càng lớn. 
Chưa kể còn phải thấy rõ thêm những yếu thế quốc tế của VN so với Ukraine một khi bị tên đồ tể Đại Hán xâm lấn. Ukraine còn có EU, và đằng sau là Mỹ, có nghĩa là cả thế giới phương Tây không muốn bị xáo trộn, đe dọa, mất cân bằng. Còn VN thì sao? Dù thế nào, khả năng phương Tây và Mỹ ngày càng muốn ngầm công nhận, chấp nhận ảnh hưởng của Trung Cộng tại khu vực, đồng thời “nhường” vai trò “đối trọng” cho Nhật Bản, thêm cả Nam Hàn, Úc, … trong khi khối ASEAN vừa yếu vừa bị chia rẽ. Nên khả năng một khi xảy ra sự cố tương tự Ukraine, Mỹ và phương Tây can thiệp là không lớn.
Và một hình ảnh giống nhau rất ấn tượng, là mối quan hệ giữa hai kẻ bành trướng tham tàn cộng sản và hậu cộng sản, với những thuộc quốc nhỏ bé hơn nhiều lần, đang và từng là “bạn vàng”, lại được lãnh đạo bởi những kẻ yếu hèn, muốn chọn con đường lệ thuộc hoàn toàn hơn là tự cường, biết dựa vào bạn bè tử tế quốc tế. 
Sự “thức tỉnh” và “thách thức” càng có ý nghĩa và giá trị hơn khi mà sự kiện trên lại xảy ra vào đúng đầu tháng Ba này, với hàng loạt kỷ niệm các cuộc chiến tranh bi hùng chống quân Trung Quốc xâm lược, nhưng lại bị ban lãnh đạo CSVN tiếp tục cố tình lờ đi, đồng thời bằng mọi cách ngăn cản người dân yêu nước tưởng nhớ.
————-

Nga đưa quân vào Ukraine, LHQ, EU họp khẩn

Bên ngoài trụ sở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ảnh: RIA
Bên ngoài trụ sở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ảnh: RIA
TPO – Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào 23h (2h ngày 2/3 giờ Việt Nam) liên quan đến việc Nga gửi quân tới Ukraine. Dự kiến ngày 3/3, Liên minh châu Âu cũng tổ chức một cuộc họp giữa các thành viên theo đề nghị của chính quyền Ukraine.
Theo Lenta, thông tin về các cuộc họp khẩn cấp bắt đầu ngay sau khi Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viện Nga) phê chuẩn đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin đưa quân sang Ukraine nhằm ‘bảo vệ người dân Nga’.
Đề nghị của ông Putin được dựa trên điểm G trong phần đầu của điều 102 Hiến pháp Nga, theo đó cho phép sử dụng quân đội Nga vượt khỏi biên giới đất nước.
Trước đó, cả Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) lẫn Thượng viện nước này đều đã yêu cầu Tổng thống Putin đưa quân vào Crimea, nước Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine, nơi đặt Hạm đội Biển Đen của Nga cũng như có đông người sắc tộc Nga sinh sống.
Tổng thống Putin cho rằng động thái đó cần thiết để bảo đảm với tính mạng của công dân Nga cũng như trước tình hình bất thường ở Ukraine.
“Tôi đệ trình Hội đồng Liên bang đề nghị được sử dụng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga trên lãnh thổ Ukraine cho đến khi tình hình chính trị tại nước này trở lại bình thường” – Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Nga.
Trước đó, ngày 28/2, Ukraine cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có động thái trong trường hợp Nga vi phạm chủ quyền của Ukraine, đặc biệt là tình hình bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine Robert Serry đã tuyên bố rút lui vì không thể tới Crimea theo yêu cầu của Tổng thư ký Ban Ki-moon.
Cùng ngày, các thành viên Liên minh châu Âu dự kiến cũng sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp tại Brussel, Bỉ, vào ngày 3/3 để thảo luận về tình hình ở Ukraine. “Đây sẽ là cuộc họp cực kỳ đặc biệt của EU, có thể kéo dài đến quá 13h chiều”, AP dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu nói.
Theo Lenta, AP
————

Xe tăng Nga tiến vào Crimea

Crimea đề nghị Nga bảo vệ an ninh. Nga điều 6.000 quân đến Crimea.
Sáng 1-3, tại nước Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine, Thủ tướng Sergei Aksenovthông báo đã khẩn cấp kêu gọi Tổng thống Nga Putin giúp đỡ bảo vệ hòa bình và ổn định. Ông tuyên bố toàn quyền đảm trách bộ máy quyền lực gồm Bộ Nội vụ, Hội đồng An ninh, Bộ Tình huống khẩn cấp, quân đội, hải quân, cơ quan thuế và biên phòng.
Duma Nga đề nghị bảo vệ Crimea
Hội đồng tối cao (Quốc hội) Crimea đã thành lập một sư đoàn đặc nhiệm bảo vệ trật tự công cộng, trong đó bao gồm những người trước đây thuộc lực lượng đặc nhiệm Berkut (lực lượng bị chính quyền mới ở Kiev giải thể ngày 26-2). Chính phủ Crimea cũng đã quyết định ngày trưng cầu dân ý về quy chế Crimea là ngày 30-3 thay vì 25-5 như trước đã định.
Hạm đội biển Đen của Nga thông báo đã hợp tác với chính quyền Crimea bảo vệ các cơ quan nhà nước trọng yếu ở Crimea.
Tại Nga, đáp lại lời kêu gọi của Crimea, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế (Duma quốc gia Nga) Alexei Pushkov tuyên bố Nga sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi Nga giúp đỡ bảo vệ hòa bình của thủ tướng Crimea. Duma quốc gia Nga đã thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ Nga bảo vệ nhân dân Crimea.
Ngày 1-3, Bộ Ngoại giao Nga phát thông cáo cho biết Nga rất quan tâm đến tình hình Crimea sau khi chính quyền mới ở Kiev đưa các phần tử vũ trang tấn công Bộ Nội vụ Crimea vào đêm 28-2 và nhiều người đã bị thương. Tòa nhà Quốc hội và trụ sở chính phủ cũng bị tấn công.
Theo Reuters, trong ngày 1-3, các binh sĩ Nga đã kiểm soát sân bay Kirovskoye cách Simferopol (thủ phủ Crimea) khoảng 100 km. Đây là sân bay thứ ba bị các binh sĩ Nga phong tỏa sau sân bay quốc tế Simferopol và sân bay quốc tế Sevastopol ở Belbek.
Xe tăng Nga tiến vào Crimea ngày 1-3. Ảnh: AP
Xe tăng Nga tiến vào Crimea ngày 1-3. Ảnh: AP
Các binh sĩ Nga tuần tra kiểm soát ở Simferopol. Ảnh: GETTY IMAGES
Các binh sĩ Nga tuần tra kiểm soát ở Simferopol. Ảnh: GETTY IMAGES
Cùng ngày tại Simferopol, một cuộc biểu tình đã được tổ chức để chào đón quân đội Nga. Trong khi đó 10.000 người biểu tình ở TP Donetsk (miền Đông Ukraine) để phản đối chính quyền mới ở Kiev và ủng hộ Crimea sát nhập vào Nga.
Không phận Crimea bị đóng cửa
Đêm 28-2, Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov của Ukraine đã tuyên bố trên truyền hình yêu cầu Nga rút quân khỏi Crimea. Bộ Ngoại giao Ukraine ra thông cáo cho biết bộ đã gửi công hàm phản đối Nga vi phạm vùng trời Ukraine, đồng thời yêu cầu Nga rút ngay binh sĩ và xe quân sự trở về căn cứ tại quân cảng Sevastopol.
Theo hãng tin RIA Novosti (Nga), lực lượng biên phòng Ukraine cho biết có 10 máy bay trực thăng Nga bay trên không phận Ukraine, đồng thời các binh sĩ Nga đã lập các chốt kiểm soát gần Sevastopol.
Ông Sergiy Kunitsyn, đại diện tổng thống tạm quyền Ukraine tại Crimea, tuyên bố trên kênh truyền hình ART (Ukraine): Hôm 28-2, Crimea đã bị tấn công quân sự với hơn 2.000 quân Nga được không vận đến căn cứ quân sự gần Simferopol. Ông khẳng định không phận Crimea đã bị đóng cửa vì có nhiều máy bay và trực thăng Nga hạ cánh.
Ngày 1-3, Bộ Quốc phòng Ukraine tiếp tục tuyên bố Nga đã tăng quân lên 6.000 quân đến Crimea. Bộ Quốc phòng tuyên bố đã đặt quân đội Ukraine trong tình trạng báo động.
Năm hệ quả có thể xảy ra
Đài truyền hình ABC News (Mỹ) ngày 28-2 đã đưa ra năm hệ quả có thể xảy ra đối với tình hình Ukraine:
Crimea độc lập: Người dân Crimea sẽ bỏ phiếu ủng hộ Crimea độc lập. Chuyên gia Andy Kuchins, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế, dự báo Ukraine và Nga đều sẽ công nhận độc lập của Crimea.
Ukraine sử dụng vũ lực: Nếu Ukraine sử dụng vũ lực nhằm gửi thông điệp rằng Crimea vẫn là một phần của Ukraine, xung đột quân sự sẽ xảy ra với Nga. Theo chuyên gia Andrew Weiss thuộc Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, Nga cũng có thể sử dụng chiêu bài thành lập lực lượng bán quân sự ở Crimea.
Nga sử dụng vũ lực: Ông Eugene Rumer, Giám đốc chương trình Nga và Á Âu thuộc Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nhận định cơ quan tình báo Nga đang hỗ trợ các lực lượng thân Nga ở Crimea.
Mỹ giúp đỡ Ukraine: Các nước giáp giới với Ukraine (Romania, Hungary, Ba Lan và Slovenia) đều là đồng minh của Mỹ. Chuyên gia Eugene Rumer nhận định Mỹ sẽ ra tay nếu xảy ra xung đột quân sự tại Ukraine thông qua vai trò hỗ trợ nhân đạo và người tị nạn.
Crimea vẫn là một phần của Ukraine: Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie nhận định đây có thể là viễn ảnh tốt nhất. Như vậy Nga phải tuyên bố ủng hộ chính quyền mới ở Ukraine nhưng phản ứng này khó xảy ra!
DẠ THẢO – DUY KHANG
Mỹ dọa Nga sẽ phải trả giáChiều 28-2, Tổng thống Obama xuất hiện tại phòng báo chí của Nhà Trắng. Ông tuyên bố quan tâm sâu sắc đến thông tin về hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Ông nhấn mạnh: “Mọi vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine sẽ gây mất ổn định. Điều này không có lợi cho Ukraine, Nga hay châu Âu”. Ông cảnh báo Nga rằng mọi can thiệp quân sự vào Ukraine đều phải trả giá. Ông đe dọa Mỹ sẽ hủy không tham dự hội nghị các nước G8 ở Sochi (Nga) vào tháng 6 tới nếu Nga nuôi dưỡng ý định can thiệp vào Ukraine. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Obama tuyên bố long trọng về tình hình Ukraine sau khi Tổng thống Yanukovych bị phế truất ở Ukraine.
.