Sunday 2 March 2014

Thăng trầm Việt ngữ - Phan Hạnh

“… Khoa học đã đưa ra một luận cứ rất vững: một sai lầm nhơn cho một triệu người thì nó thành một triệu sai lầm, chớ không thể thành sự thật.” 
(Bình Nguyên Lộc (1914-1987), viết như thế trong bài "Lột trần Việt ngữ", khảo luận ngôn ngữ Việt, Nhà xuất bản Nguồn Xưa - 1972, Saigon. Ông dẫn chứng nhiều điểm sai lầm về nguồn gốc dân tộc và ngôn ngữ Việt.) 
 
Trong bài viết này, chúng ta thử nhận diện một số sai lầm, nếu không sai lầm thì cũng là thay áo xấu, trong Việt ngữ ngày nay. Đây chỉ là những nhận xét thô thiển của một người thích lò dò theo dõi Việt ngữ lúc gần cuối đời, thuần túy chỉ là tiếng nói cá nhân, lọt lỗ tai hay không còn tùy người nghe. 
Tiếng Việt hay Việt ngữ? Viết tiếng Việt hay viết chữ Việt?
 
“Em đi học tiếng Việt
“Cứ mỗi ngày Thứ Bảy là em đi đến trường Việt Ngữ Âu Cơ để đi học tiếng Việt. Ba Mẹ em vẫn thường nói rằng "Con là người Việt Nam, con phải biết nói, biết đọc và biết viết tiếng Việt Nam". Mặc dù em không thích đi học vào ngày Thứ Bảy, vì em muốn có một ngày ở nhà ngủ, coi T.V và chơi Game, nhưng em vẫn đi học để Ba Mẹ em không buồn và không giận em. Em rẩt thích những bài học thuộc lòng vì những bài ca dao ấy rất hay, còn Việt Sử thì khó nhớ vô cùng, nhưng cũng giúp em biết được tên những anh hùng đã xây dựng nên đất nước Việt Nam.”
(John – học sinh lớp cô Nga – Niên khóa 2004-2005. Nguồn: Trang nhà Trung Tâm Văn Hóa Âu Cơ, http://aucocenter.org/index.php?option=com_content&task=view&id=19&Itemid=99). 
  Vừa rồi là một thí dụ cho thấy ngày nay đâu đâu người ta cũng dùng từ ngữ “tiếng” thay vì “ngôn ngữ” hoặc “chữ”. “Cháu tôi tuy sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng vẫn nói và viết thông thạo tiếng Việt.” Hoặc câu, “Thư viện ở đây không có nhiều sách báo tiếng Việt.” 
  Nói như vậy e không đúng vì chúng ta viết chữ (script, text, word) chứ không viết tiếng (voice); và sách báo cũng in chữ, phải dùng mắt nhìn mới đọc được chứ sách báo không phát ra tiếng, ngoại trừ “audio books”, sách dưới hình thức ghi âm. 
  Ngôn ngữ (language), theo định nghĩa rộng và thông thường, là: 
a) Sự truyền đạt ý tưởng và cảm nghĩ bằng một hệ thống ký hiệu âm thanh (tiếng nói) hoặc hình ảnh (cử chỉ ra dấu bằng tay, hình vẽ, chữ viết) đã được ước định với nhau để có thể đưa đến sự thông hiểu nhau. 
  b) Hệ thống chữ viết bao gồm những qui luật áp dụng cho các thành phần của nó là các từ và tự. 
  c) Một hệ thống như thế của một quốc gia, sắc dân riêng biệt, như Việt ngữ, Anh ngữ chẳng hạn. 
  Theo định nghĩa thu hẹp và ít thông thường hơn, ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu dùng riêng cho một ngành học (thí dụ ngôn ngữ toán học, ngôn ngữ điện toán), bút pháp mang sắc thái đặc biệt của một nhà văn (thí dụ ngôn ngữ Shakespeare, Sơn Nam), đặc tính diễn đạt (ngôn ngữ dung tục, ngôn ngữ mô phạm, ngôn ngữ hàn lâm, ngôn ngữ tòa án, pháp đình). 
  Thứ tự các bước tiếp nhận một ngôn ngữ thường trải qua các giai đoạn nghe, nói và viết. Đứa bé biết nghe tiếng từ khi mới lọt lòng mẹ, như câu “Tôi yêu tiếng nước tôi... từ khi mới ra đời... Người ơi... Mẹ hiền ru những câu xa vời... À à ơi tiếng ru muôn đời...” trong bài nhạc Tình Ca của Phạm Duy. Cũng vì thế mà người ta gọi ngôn ngữ đầu đời, ngôn ngữ thứ nhất (first language) là tiếng mẹ đẻ (mother tongue). Theo nguyên ngữ học, chữ “language” do từ chữ “langue” của Pháp ngữ và từ chữ “lingua” của La tinh ngữ, có nghĩa là cái lưỡi (tongue). 
  Đứa trẻ bắt đầu nói bập bẹ trước khi lên hai tuổi, và học viết chữ có khi trước tuổi đến trường. Nếu đứa trẻ lớn lên không được đi học, không được dạy học chữ thì sẽ trở thành mù chữ (illiterate), không biết viết mà cũng không biết đọc chữ. 
  
  Ở học đường, chúng ta học nhớ mặt chữ, học đánh vần, học đọc cho đúng cách phát âm và học viết cho đúng các qui luật chính tả và văn phạm. Ngoài chữ Việt là ngôn ngữ chính thức của người trong nước Việt Nam (và vì thế mới gọi là quốc ngữ), học sinh thường được chọn học một số ngoại ngữ (foreign language) như Anh, Pháp, Hoa, Hàn, Nhật. Tất cả các ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Hoa, Hàn, Nhật nêu trên đều là sinh ngữ (living language, langue vivante) vì chúng đang sống nhăn, đang được hàng nhiều triệu người dùng và nhất là không ngừng thay đổi hoặc biến thái theo thời gian. Có những chữ ngày càng ít được dùng để rồi bị đào thải; ngược lại, có những chữ mới được sinh ra và được thêm vào hàng năm trong các từ điển mới lưu hành. Từ điển là tự điển có ghi chú và chỉ dẫn cách phát âm.
  Trí não con người ghi nhận dữ kiện thông tin bằng mắt nhìn hình ảnh hữu hiệu hơn là bằng tai nghe âm thanh. Do đó, đọc chữ bằng cách dùng mắt nhìn vào sách vở hoặc màn hình máy điện toán vẫn phổ thông hơn là dùng tai nghe lời nói. Các dữ kiện thông tin và kiến thức ghi chép trong sách vở được cất giữ trong thư viện vẫn chính xác hơn là lời nói truyền miệng từ đời này sang đời khác hàng ngàn năm. Vì thế, văn kiện chữ viết bằng mực đen trên giấy trắng có giá trị nhất về mặt pháp lý, có tầm mức quan trọng hơn là phần lời nói, tiếng nói. Câu nói của xướng ngôn viên đài VOA, “Đây là chương trình phát thanh Việt ngữ (chứ không phải tiếng Việt) của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ” được dùng đúng cách, vì tuy nó là một chương trình phát thanh, nhưng thực chất trước đó nó cũng phải được soạn viết ra bằng chữ trên giấy bởi các biên tập viên của đài. Xướng ngôn viên chỉ làm công việc đọc lên ra tiếng cho thính giả nghe. Một cuốn phim nói tiếng Pháp có phụ đề Việt ngữ (chữ Việt) chứ không thể phụ đề tiếng Việt được. Lời nói bay đi nhưng chữ viết còn lại, mắt thấy chữ chứ mắt không thấy tiếng. 
  Ngoài sự dùng nhầm lẫn “tiếng” thay vì “ngôn ngữ”, có người còn nhầm lẫn “tiếng” với “chữ”. Trong khi chúng ta dùng đúng, gọi đúng, nói đúng a, b, c là các chữ cái hay mẫu tự; chúng ta lại hay nhầm lẫn khi dùng, gọi, nói một “word” là một “tiếng”. Thật ra, “word” là “tiếng” hay là “chữ” thì còn tùy nó được nói, nghe bằng tai hay đọc, viết bằng mắt. Thí dụ, “Nàng thốt lên hai tiếng “Không cần!” rồi bỏ đi thẳng.” Nhưng, “Nhà văn A hay dùng chữ (hoặc từ ngữ) “Ngài” khi viết về vị tổng thống đó.” 
  Trên trang nhà của Hồ Ngọc Đức với Dự án Từ điển tiếng Việt (? & !) miễn phí, tôi đọc một câu về lợi ích của dự án này là: “Gõ tiếng Việt được ngay trên trang web.” Tôi tự hỏi sao mình dở thế khi có người gõ bàn phím ra tiếng mà mình chỉ có thể gõ được chữ mà thôi. (Nguồn: http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/). 
  Nói tóm lại, “tiếng” chỉ là phân nửa, phải có phân nửa kia là “chữ” nữa mới trọn vẹn thành ngôn ngữ. Thiết tưởng đem cái phân nửa để chỉ cho cái trọn vẹn là thiếu chính xác. 
  “Giống như ngôn ngữ của các dân tộc nào khác, Việt ngữ gồm hai phần liên hệ mật thiết với nhau, tiếng nói và chữ viết. Nhưng vì hoàn cảnh sinh tồn của dân Việt, tiếng nói (ngôn ngữ nói) ngoài sức phát triển tự thân, nó còn làm căn bản thống nhất của Việt ngữ cho cả chữ viết nữa: Khi bị dân phương Bắc cai trị tổng cộng gần một ngàn năm, chữ viết của dân Việt cổ bị bôi xóa mất đi và thay bằng Hán ngữ. Trong khi đó tiếng nói của dân Việt vẫn tồn tại và phát triển thành nền văn chương bình dân truyền khẩu (tức là qua cửa miệng mà lan rộng khắp các tầng lớp dân chúng, và truyền lại từ thế hệ trước sang thế hệ sau). 
  Đến khi giành lại được độc lập, sức mạnh của nền văn chương truyền khẩu đã khiến giới nho sĩ Việt thông thạo Hán tự phải tìm cách sáng tạo từ gốc chữ viết của Hán tự hợp với tiếng nói Việt thành một thứ chữ viết riêng, chữ Nôm. Rồi từ thế kỷ 16 trở đi, nhân dịp các giáo sĩ tây phương sử dụng mẫu tự La tinh phối hợp với tiếng nói của dân Việt để dịch kinh điển ngoại ngữ ra nhằm để truyền bá Thiên Chúa giáo; khi ấy chữ viết bây giờ của Việt ngữ mới bắt đầu xuất hiện và phát triển đến mức độ như chúng ta biết ngày nay.”
(Phạm Quốc Bảo trích trong “Độc Lập Mỹ-Độc Lập Ta”, Việt Hưng xuất bản, giữa tháng 10-2004). Nguồnhttp://nguoiviet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=11754&z=54). 
 
Học Anh ngữ hay Anh văn? 
  Người di dân mới đến Mỹ hoặc Canada thường tham dự các lớp học ESL để có một vốn Anh ngữ căn bản rất cần thiết và hữu ích cho cuộc sống mới. Chương trình dạy các lớp ESL gồm các bài đàm thoại thực hành có đề tài liên quan đến sinh hoạt đời sống hàng ngày và không đặt nặng phần lý thuyết văn phạm, đừng nói chi đến văn chương. Người di dân mới học xong ESL cốt đủ để có thể đi tìm một việc làm nuôi thân và nuôi gia đình. Họ học Anh ngữ (English language) chứ không học Anh văn (English literature) vốn là phần đào sâu đi vào một lãnh vực văn học. Không thể nói chúng ta học Anh văn khi chúng ta chưa hề đọc qua một tác phẩm văn chương nào của Anh Mỹ hay chẳng biết các cái tên Shakespeare, Robert Burns, John Keats, Charles Dickens, Edgar Allan Poe, Charlotte Brontë, Mark Twain, Nathaniel Hawthorne, Ernest Hemingway, v.v. là của những ai. 
  Do nhu cầu nhiều người muốn học Anh ngữ để mong tìm được một việc làm tốt có lương cao, trường lớp dạy Anh ngữ cũng mọc ra nhiều tại các đô thị ở Việt Nam. Người dạy dù trình độ Anh ngữ không cao nhưng chắc họ sẽ không ngại tự xưng mình là giáo sư Anh văn khiến chúng ta bắt liên tưởng đến danh hiệu “English literature professor” của một trường cao đẳng hay đại học ở Anh, Mỹ hoặc Canada. Trường Sinh Ngữ Quân Đội của QLVNCH ngày xưa dùng từ ngữ "English language instructor", huấn luyện viên Anh ngữ, như thế chính xác hơn. 
  Chúng ta hãy thử đọc một mẫu quảng cáo sau đây: 
  “Giáo sư Mỹ chuyên dạy Anh văn đàm thoại cấp tốc. Mr. Michael Hà chuyên dạy anh văn cấp tốc. Thạc Sỹ tốt nghiệp đại học Pennsylvania State University, đã sống và làm việc 30 năm tại Hoa Kỳ. Bạn đã từng học nhiều năm tiếng anh (sic) mà vẫn chưa giao tiếp được với người nước ngoài? Xin đừng ngần ngại và hãy đến với lớp học của Mr. Michael Ha. Chuyên dạy anh văn đàm thoại, giao tiếp, nghe nói giọng Mỹ chuẩn. Đạt kết quả tốt sau 3 tháng học. Anh văn chuyên ngành: Thương mại, Kinh tế, Tài chính-Ngân hàng, Du lịch. Luyện thi TOEFL, TOEIC, IELTS. Luyện thi đại học khối D đảm bảo đạt trên 6 điểm môn anh văn. Có giáo trình đặc biệt cho các học viên đã từng học nhiều năm anh văn tại các trung tâm ngoại ngữ, nhưng vẫn không nói được tiếng anh trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.” (Nguồn:
  Chúng ta thấy gì nơi mẫu quảng cáo trên? Nhiều chữ “anh văn” với chữ “anh” không viết hoa. Làm gì có chuyện “Anh văn đàm thoại cấp tốc.” Đã là Anh văn thì phải đọc nhiều tác phẩm nguyên tác bằng Anh ngữ mờ người, phải phân tích văn phong, ngữ cảnh, cấu trúc và bối cảnh của tác phẩm, phải viết ra thành bài viết có giàn bài, có phân đoạn các tiết mục hẳn hoi, chứ nào chỉ “đàm thoại cấp tốc” mà xong. Đặc biệt, câu cuối nghe có vẻ khôi hài: “Có giáo trình đặc biệt cho các học viên đã từng học nhiều năm anh văn tại các trung tâm ngoại ngữ, nhưng vẫn không nói được tiếng anh trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.”  Đã học nhiều năm Anh văn tại các trung tâm ngoại ngữ rồi mà vẫn không nói được tiếng anh (sic) thì phải đến các trung tâm ngoại ngữ đó mà đòi tiền lại chứ. Phải chăng những chữ “Anh văn” dùng trong mẫu quảng cáo trên chỉ thuần có ý nghĩa là “Anh ngữ”. Giáo sư (mà còn có Mr. nữa chứ) thạc sĩ Anh văn Michael Ha chắc phải nhận ra điều đó? 
  Động cơ hay động lực? 
  Cơ là một danh từ cụ thể, có định nghĩa chánh là máy móc. Động cơ là máy móc chuyển động được: động cơ xe hơi, động cơ máy bay, động cơ phản lực, động cơ hai thì, động cơ bốn thì. 
  Động cơ (motor) có nhiều loại như động cơ chạy bằng áp suất hơi nước, động cơ máy nổ, động cơ điện, v.v. Sức mạnh của động cơ xe hơi được đo bằng đơn vị mã lực, tương đương với 746 watts điện. 
  Động lực (motivation/motive) là một danh từ trừu tượng, có nghĩa là nguyên nhân/sức tác động, niềm hứng khởi đưa đến hành động làm một việc gì, có thể tích cực hoặc tiêu cực. Thí dụ, “Ước muốn cứu giúp người nghèo khó là động lực khiến cho cô ấy cố gắng học để trở thành bác sĩ y khoa.” “Động lực khiến anh ấy nhập ngũ là cơ hội được đi nhiều nơi cho thỏa chí phiêu lưu, đồng thời được hưởng nhiều quyền lợi tốt sau khi giải ngũ.” “Hắn giết người do động lực ghen tuông.” (Có người cho rằng motivation có nghĩa tích cực, và motive có nghĩa tiêu cực). 
  Ấy vậy mà ngày nay chúng ta thường nghe thấy “động cơ” dùng thay cho “động lực”: 
  “Để thành công trong việc học tiếng Anh, động cơ và niềm đam mê học tập sẽ đóng một vai trò quyết định, nhưng làm sao có thể nâng cao động cơ học tập, bạn vui lòng tham khảo bài viết sau: Improving your motivation for learning English”. (Nguồn:http://forum.megasharesvn.com/archive/index.php/t-80755.html). 
  Trên trang mạng “BBC Tiếng Việt” (?) ngày Thứ Ba, 26 tháng 5, 2009, tôi đọc một cái tin có tựa đề là “Động cơ của Bắc Hàn” của John Sudworth, BBC News, Seoul. Tôi đọc hết bài viết (toàn là chữ và hình chứ có tiếng nói nào đâu, vậy mà gọi là BBC Tiếng Việt. Tại sao không là BBC Việt ngữ?) nhưng chẳng thấy bài viết đá động gì tới một loại máy móc tân tiến nào cả. Hóa ra nó chỉ nói về động lực của Bắc Hàn qua các vụ phóng thử hỏa tiễn mà thôi: “Một số người Nam Hàn tức giận vì vụ thử hạt nhân của nhà nước Cộng sản phía bắc. Bắc Hàn như vậy đã thực hiện điều mà họ đe dọa trong nhiều tuần nay, là thử hạt nhân.” (Nguồn:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/05/090526_nkorea_motives.shtm) 
  Thập niên hay thập kỷ? 
  Theo định nghĩa trong Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, kỷ là mười hai năm, thế kỷ là một trăm năm, và niên kỷ là số năm, tuổi tác. Thập niên là mười năm, như trong câu “Thập niên sinh tụ thập niên giáo huấn”. Thế mà chúng ta thường thấy ngày nay từ ngữ “thập kỷ” bị dùng sai để diễn đạt khoảng thời gian mười năm như “decade” trong Anh ngữ. Ngay cả trong từ điển bách khoa mở http://vi.wiktionary.org/wiki/th%E1%BA%ADp_k%E1%BB%B7 cũng định nghĩa thập kỷ là “khoảng thời gian mười năm”! Từ điển bách khoa mở Wikipedia là nơi bất cứ ai cũng có thể vào viết từ mục mới hoặc cập nhật, hiệu đính từ mục đã có sẵn, cho nên dễ có nhiều sai sót; điều ấy không lạ gì. 
  Trong Anh ngữ, nếu muốn chỉ thập niên (decade) từ 1990 đến 1999, người ta viết là 1990s. Nhưng để chỉ thập niên từ năm 2000 đến năm 2009 như thời điểm đương thời, người ta không biết phải viết làm sao cho chính xác và hợp lý. Nếu viết là 2000s thì có thể bị hiểu lầm là thiên niên kỷ thứ hai kéo dài cả một ngàn năm, bắt đầu từ năm 1000 cho đến năm 1999. Vì vậy, người ta không còn cách nào khác hơn là phải nói “the decade of 2000-2009”. Và trong Việt ngữ, chúng ta cũng nên gọi là “thập niên 2000-2009” thay vì là thập niên 2000 để tránh sự hiểu lầm. 
  Một điều chúng tôi nhận thấy là mặc dù vẫn tiếp tục dùng “thập niên”, người Việt trong nước có khuynh hướng dùng ngày càng nhiều hơn từ ngữ “thập kỷ” như là một sự thay đổi mới lạ, có thể họ cho là hay hay, không cần tìm hiểu đúng hay sai. Như chúng ta biết, “một sự sai lầm cho dù có nhân lên một triệu lần cũng vẫn là sai lầm”. Phần sau của bài viết này sẽ cho thấy điều đó. 
  “Sự ra đời của Wikipedia, "cái chết" của Napster, sự bùng nổ của Facebook và Twitter đã được nêu danh trong bảng Vàng "10 sự kiện Internet có ảnh hưởng nhất trong thập kỷ của giải thưởng Webby (Webby Awards) 2009.”
“Gần một thập kỷ sau ngày hội nhập, quyền Anh Việt Nam vẫn chưa một lần "chạm" đến vinh quang trên đấu trường SEA Games”. (Báo Mới.com., Thứ Tư 2/12/2009).
  “50 album hay nhất thập kỷ” (Tuổi Trẻ Online, Thứ Năm, 19/11/2009). 
  Nếu đã có sẵn một từ ngữ chuẩn chính xác rồi, thế thì tại sao chúng ta phải nhắm mắt chạy theo thời và bắt chước dùng một chữ mới mà chúng ta biết là nó sai. 
  Chữ “là” ở đây để làm gì? 
  Chúng ta hãy nghe các thí dụ sau: 
  “Người nữ xướng ngôn viên này (đã “viên” rồi mà còn “người” nữa) hoạt động cộng đồng rất là hăng say và rất là đa tài. Trong công việc, cô ăn nói rất là duyên dáng với gương mặt rất là đẹp. Và trong gia đình, cô là một người vợ, người mẹ rất là gương mẫu.” Dường như từ ngữ “rất là” bị lạm phát và chữ “là” ở đây có vẻ “bị” thừa. Chúng ta thử lập lại câu thí dụ trên với không có các chữ là xem sao. 
  Trên trang nhà Nhạc Của Tui, địa chỉ http://www.nhaccuatui.com/nghe
có một bài nhạc tựa đề là Nàng Rất Là Đẹp, còn mở ngoặc đóng ngoặc tựa chữ Anh “You Are Beautiful” nữa chứ. Sao không dịch “You
Very Are Beautiful” luôn đi cho nó sát từng chữ một. 
  Còn tại địa chỉ Yahoo! Việt Nam Hỏi Đáp http://www.answers.com/topic/barista?method=26&initiator=CANS, một người đặt câu hỏi: “Mình rất là thích làm 1 Barista. Vậy cho mình hỏi chỗ học ở đâu ko? Mình ở Tp.HCM?”
 
Chữ là làm nhiệm vụ gì ở đây? (Ghi chú: Barista là một người chuyên môn pha cà phê đặc expresso lối Ý.) 
  Trang nhà Tuyên Quang 360o http://tuyenquang360.com/f/showthread.php?t=21
 có đăng hai bức ảnh và ghi chú: “Ảnh rất là kinh dị” Ảnh “rất là kinh dị” nhưng chẳng lấy gì làm kinh dị, chỉ hay lạ thôi. 
   
Vì đâu có những sự thay đổi xấu trong Việt ngữ? 
  Thật dễ nếu chúng ta chỉ ngón tay đổ lỗi cho lớp trẻ người Việt ở hải ngoại không rành Việt ngữ nên nói và viết sai. Đừng quên rằng phần lớn chúng sinh ra và lớn lên bên ngoài nước Việt Nam, hấp thụ một nền giáo dục dạy bằng ngôn ngữ chính thức của quốc gia mà chúng đang cư ngụ. Học Việt ngữ, nếu có, cũng chỉ là học phụ thêm thôi với số giờ học rất ít, thường là mỗi tuần chỉ có vài giờ. Khi muốn diễn đạt một ý tưởng thành lời nói hay chữ viết, chúng suy nghĩ trong đầu theo Anh ngữ. Do đó, khi nói hoặc viết ra, câu nói hay câu văn của chúng có khi ngây ngô vì sự khác biệt của cấu trúc văn phạm giữa Việt và Anh ngữ. 
  Xin ghi ra một vài thí dụ từ trang nhà của Trung Tâm Văn Hóa Âu Cơ, San Francisco ngày Vui 17/04/2007, tác giả Kathleen Nguyễn, 13 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, học lớp Việt ngữtại trường Việt Ngữ Âu Cơ lớp 3, năm học 97-98. Giáo viên đứng lớp chỉ sửa lỗi chính tả và tựa bài được đặt theo nội dung bài viết. "Ngày Vui" viết ngày 7 tháng 3,1998. Tác giả tự đặt tựa cho bài này. 
  “Em nhớ lại kỷ niệm mà cô giáo cho em cái cúp. Trường Mỹ này gọi là Visitation Valley. Ngày đó là ngày cuối cùng của lớp em. Em ở trong lớp 3. Em có lớp với lớp 4. Chỉ có em có cái cúp trong lớp 3. Trong lớp 4 có 3 người được có cái cúp. 
  Ngày đó em không biết em được có cái cúp. Em dọn dẹp lớp học của em. Cô giáo của em nói em là học sinh siêng. Em đang quét phòng lớp. Bạn của em trong lớp 4 nói cô giáo cho em cái cúp. Em không tin bạn của em. Rồi em đi đổ rác. Cô giáo nói bạn em là em giỏi lắm. Thầy hiệu trưởng đi (vào) trong lớp của em và nói chuyện với cô giáo. Rồi thầy (hiệu) trưởng phát ra bằng khen cho mỗi người. Nhưng mà thầy hiệu trưởng không cho cái bàn (bằng) khen cho em và 3 người học sinh bạn của em. Rồi thầy hiệu trưởng cho 3 người kia cái cúp. Em khóc tại vì thầy hiệu trưởng không cho cái gì cho em. Cô giáo hỏi em tại sao em khóc. Em nói tại vì cô không cho em cái gì hết. 
  Xong rồi thầy hiệu trưởng kêu em tới thầy, thầy hiệu trưởng nói em là học sinh giỏi. Thầy cho em cái cúp và nói em đừng khóc. Cả lớp đi ra ngoài để chụp hình. Em phải nắm cái cúp của em. Em cảm thấy rất vui. Mẹ em tới để rước em. Mẹ em thấy em và cười. Em đi về và nói với ba em. Ba em nói là em giỏi lắm. Chị em thấy ghen với em. Em thích cái cúp nhiều lắm. Em để lên bàn của em cho người ta thấy. Mỗi lần em thấy cái cúp em thấy vui.” 
  Như chúng ta thấy, Kathleen Nguyễn viết “Em ở trong lớp 3. Em có lớp với lớp 4” có thể là vì em đã suy nghĩ sắp xếp ý tưởng trong đầu bằng Anh ngữ: “I am in Grade 3. I am having classes with Grade 4.” Đáng lẽ ra em nên viết là “Em đang học Lớp 3. Em có lớp (học chung) với Lớp 4.” 
Ở một chỗ khác, em viết, “Cô giáo nói bạn em là em giỏi lắm.” Chúng ta hiểu ngay ý của em muốn nói rằng, “Cô giáo em nói với bạn của em là em giỏi lắm”, nhưng vì em viết ra từ ý nghĩ bằng Anh ngữ My teacher told my friend (that) I am very good. 
  Trong những năm đầu của cuộc sống lưu vong vì hai chữ tự do, nhà giáo Bảo Vân Bùi Văn Bảo ở Toronto, tác giả của các bộ sách Vần Việt Ngữ và Việt Sử Bằng Tranh, đã nhìn thấy trước một viễn cảnh như thế nên đã có hai câu thơ đối rằng: 
Chỉ sợ đàn con quên Việt ngữ
Đừng lo lũ trẻ kém Anh văn.
 
  Thế mà chỉ vài chục năm sau, hai câu thơ ấy đã từng bị một người cầm bút đáng kính (tôi xin tạm giấu tên) ghi lại sai là:
Chỉ sợ đàn con quên tiếng Việt
Đừng lo lũ trẻ dốt Ăng-lê. 
   
Cái sai này mắc phải thường do người dùng dựa vào trí nhớ vốn dễ hao mòn theo tuổi tác của họ hoặc do họ lười kiểm chứng với tài liệu. Nếu cụ Bảo Vân còn sống, chắc là cụ sẽ buồn cho một sự thay đổi làm xấu hơn trong Việt ngữ. 
Ngôn ngữ Việt, gồm tiếng Việt và chữ Việt, là một cái gì thiêng liêng gắn liền với một dân tộc. Ngôn ngữ có thống nhất thì dân tộc nói cùng chung một thứ tiếng, viết cùng chung một thứ chữ mới cảm thấy gần gũi nhau và đoàn kết lẫn nhau. Con người phải biết trân quí ngôn ngữ của mình, bảo tồn nó và phong phú hóa nó; nếu không, nó sẽ trở nên thui chột què quặt. Con người cũng đừng vì khác chính kiến mà tự ái rồi cố tình đẻ những từ ngữ khác người, hoặc nhắm mắt vay mượn cách nói, cách viết của nước khác, đôi khi hóa thành gượng ép và trơ trẽn làm mất phẩm giá tiếng mẹ đẻ.
  Chúng ta hãy nghe một nhận xét về sự kiện trên: 
  “Cái nghèo nàn của tiếng Tàu thấy rõ khi nó phải đặt ra những tiếng mới cho những ý niệm mới. Hỏa tiễn là cái tên lửa, nếu gọi như bọn việt cộng thì được, chứ có gì giống nhau giữa cái tên lửa với cái “missile” khổng lồ của Mỹ đâu. Vậy mà bọn đỉnh cao trí tuệ Việt cộng tưởng đâu là văn minh lắm mới dùng hai chữ đó, chúng nó hỏi ông Nguyễn hiến Lê...”Tại sao lại dùng chữ hỏa tiễn làm gì, nên gọi là tên lửa như chúng tôi [sic] cho nó gọn!” Nhà học giả miền Nam của chúng ta bảo với chúng nó là một ngọn đèn dầu với tia sáng laser đâu có dùng chung một tên với nhau được! Thế mà chúng nó vẫn không hiểu. Tội nghiệp! 
Bọn Âu Mỹ thì gọi là culture [trồng trọt] đúng hơn nhiều vì trồng trọt thì cũng có khi mất mùa, mà bị mất mùa cũng là văn hóa/ hành vi bán nước của bọn Việt Cộng hiện nay cũng là một hành vi văn hóa [văn hóa bán nước] thay vì cái văn hóa dựng nước của ông bà ta, vì đảng chúng nó đang mất mùa dài dài, chờ ngày gục chết!”
  (Trích: “4000 năm ròng rã buồn vui” của BS Nguyễn Hy Vọng, Trang nhà: http://www.gio-o.com/NguyenHyVong4000.html). 
  Chuyện thế hệ trẻ người Việt ở hải ngoại nói và viết kém Việt ngữ còn có thể châm chế được. Thế còn trong nước Việt Nam thì sao. Bằng chứng cho thấy tình trạng Việt ngữ trong nước cũng không đáng vỗ tay tán thưởng lắm đâu. Chúng ta hãy nghe những lời than thở sau đây: 
  "Tôi là một giáo viên và đã gặp rất nhiều giáo viên dạy chung viết tiếng Việt sai chính tả. Theo tôi, viết tiếng Việt sai chính tả thì không còn là tiếng Việt nữa (ví dụ chữ "đả"và "đã" có nghĩa khác nhau hoàn toàn) nhưng hiện nay rất nhiều người, trong đó có cả giáo viên, đều viết sai chính tả tiếng Việt…. 
Từ những điều trên, tôi thầm nghĩ việc sử dụng tiếng Việt một cách cẩu thả là một thói quen xấu trong một bộ phận giới trẻ thường xuyên tiếp xúc với thế giới mạng. Nếu không có cách ngăn chặn, những cái sai trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ sẽ ăn sâu vào tâm thức giới trẻ, đồng thời sẽ ảnh hưởng lan rộng đến toàn xã hội."
  (Trích từ bài Hãy nghiêm túc với tiếng Việt của chính mình, 25-11-2009http://home.vnn.vn/hay_nghiem_tuc_voi_tieng_viet_cua_chinh_minh-385875968-616558145-0). 
  Bài viết Nỗi Buồn Tiếng Việt của Chu Đậu trên diễn đàn có tên Chút Lưu Lại trên trang webhttp://chutluulai.net/forums/showthread.php?t=4776 thì có đoạn như sau: 
  “... Trong tiếng Việt khoảng mấy chục năm gần đây đã có những thay đổi rất kém cỏi. Ban đầu những thay đổi này chỉ giới hạn trong phạm vi Bắc vĩ tuyến 17, nhưng từ sau ngày cộng sản toàn chiếm Việt Nam, 30 tháng tư năm 1975, nó đã xâm nhập vào ngôn ngữ miền Nam. Rồi, đau đớn thay, lại tiếp tục xâm nhập vào tiếng Việt của người Việt ở Hải Ngoại. Người ta thuận theo các thay đổi xấu ấy một cách lặng lẽ, không suy nghĩ, rồi từ đó nó trở thành một phần của tiếng Việt hôm nay. Nếu những thay đổi ấy hay và tốt thì là điều đáng mừng ; Nhưng than ôi, hầu hết những thay đổi ấy là những thay đổi xấu, đã không làm giầu cho ngôn ngữ dân tộc mà còn làm tiếng nước ta trở nên tối tăm. Người Việt vẫn dễ nhận hiểu tiếng Việt hơn là tiếng Hán Việt. Nhất là những tiếng Hán Việt này được mang vào tiếng Việt chỉ vì người Tầu ở TC bây giờ đang dùng chữ ấy. Nếu sự thay đổi để đưa vào tiếng Việt một chữ dùng sai nghĩa, thì đây là một sự thay đổi xấu vô cùng. Hãy duyệt qua vài thay đổi xấu đã làm buồn tiếng Việt hôm nay.” 
  Tác giả Chu Đậu đưa ra một số ví dụ những từ ngữ gốc Tàu đem dùng trong nước làm Việt ngữ xấu đi như: chất lượng, liên hệ, đăng ký, xuất khẩu, khả năng, tranh thủ, khẩn trương, sự cố, tham quan, nghệ nhân, chuyển ngữ, tư liệu, v.v. 
  Trong bài viết Cao Xuân Hạo, những nổi niểm trăn trở, tác giả Nam Dao lên tiếng: 
  “Anh than van, báo chí tự thân có trách vụ văn hoá và giáo dục, nhất là với ngôn ngữ vì phần lớn người ta có đọc là đọc báo. Nhưng khốn thay, đội ngũ làm báo tắc trách, đáng lẽ nâng lên thì lại làm ngôn ngữ xuống cấp, mất ngữ nghĩa, mất trong sáng… mà tôi lấy một thí dụ điển hình trong phụ lục dưới đây.” 
  Phần phụ lục tác giả Nam Dao gọi tên là “Nhặt cỏ dại trong một bài báo trên web của BBC tiếng Việt ngày 19-10-2007”. Trong đó, ông vạch cho thấy chỉ trong một bài viết ngắn mà có rất nhiều những lỗi lầm về cách dùng từ ngữ sai chính tả, sai văn phạm, sai nghĩa, không đúng chỗ, dùng thừa, v.v.
Nguồn:
Ngược đãi tiếng Việt là tựa đề của một bài viết khác trên Báo Mới.comhttp://www.baomoi.com/Home/CNTT/www.sgtt.com.vn/Ky-4-Tieng-Vietxuong-cap-vi-sao/3347428.epi, trong đó đưa ra một số nhận định của các chuyên gia ngôn ngữ trong nước. 
  Giáo sư Nguyễn Quang Hồng, nguyên chủ tịch Hội Ngôn Ngữ Học Việt Nam, và Phó GS TS Trần thị Ngọc Lang thuộc Viện Phát triển Bền vững Vùng Nam bộ, cùng cho rằng người viết quá dễ dãi và coi thường việc học qui tắc chính tả nên phạm nhiều lỗi chính tả (mà họ cho là không quan trọng) và không chịu tra cứu từ điển. Tiến sĩ Hoàng Anh Thi, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Ngôn ngữ học và Việt ngữ học, thì cho rằng nguyên nhân do sự thiếu các qui định Việt hóa ngoại ngữ. 
  Phó GS TS Nguyễn Hồng Cổn, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, đổ lỗi cho sự tiếp nhận từ ngữ mới tùy tiện. Điều này theo ông trong cuộc nói chuyện thông thường thì có thể châm chế, nhưng không thể chấp nhận trong văn viết. 
  Trong bài viết có tựa đề Tiếng Việt S.O.S., tác giả Dương Tường trong nước bộc bạch: “… nguy cơ suy đồi của tiếng mẹ đẻ luôn là một đề tài trao đổi giữa hai chúng tôi. Hiện tượng viết sai, nói sai tiếng Việt phổ biến một cách đáng sợ. Làm sao không lo lắng khi mà trong khẩu ngữ hằng ngày cũng như trên sách báo và các phương tiện truyền thông đại chúng, những lỗi thô thiển về mọi mặt - từ ngữ chính tả, ngữ pháp... - luôn luôn chọc vào tai, vào mắt ta? Dù mở đài truyền thanh, truyền hình, hay giở hí hoạ một tờ báo nào đó, bạn đều có thể gặp những cách hành văn đại loại như: Với thành tích đó, đã đưa Công ty lên hàng đầu các cơ sở xuất khẩu, hay: Qua kết quả thực nghiệm, đã chứng minh sự đúng đắn của lý thuyết trên... Những câu cú què quặt, những lời dịch ngược nghĩa, ngô xuyên như cơm bữa.”
 
 Tác giả Dương Tường cũng liệt kê một số từ ngữ dùng sai thường gặp trong khẩu ngữ hằng ngày cũng như trên sách báo: 
  Cứu cánh: Cứu cánh, nghĩa là mục đích tối hậu, hợp với phương tiện thành một cặp khái niệm. Bởi có từ tố “cứu” trong đó nên rất nhiều người, kể cả một số người viết chuyên nghiệp, dùng từ này với nghĩa cứu giúp, giải cứu. 
Đảo ngũ: Từ này vốn không có, mà do đọc sai từ đào ngũ, nghĩa là bỏ trốn khỏi quân đội trong khi đang tại ngũ. Cho đến nay, vẫn còn nhiều người, kể cả các phát thanh viên trên đài, mắc lỗi thô thiển này. 
Thực sự - thực thụ: Thực sự có nghĩa là đích thị như vậy, không phải là giả; còn thực thụ nghĩa là đã chính thức nhận cương vị, nhiệm vụ hay chức trách của mình, không còn là tạm thời nữa. Một giám đốc thực thụ là một giám đốc đã chính thức nhậm chức. Không ít người thường dùng từ thực thụ theo nghĩa thực sự. 
Đảo - ốc đảo: Đảo là một khoảng đất đá nhô lên giữa một vùng nước rộng lớn hơn (sông, hồ hoặc biển), còn ốc đảo là một khoảng có cây và nước ở giữa sa mạc. Hai từ hoàn toàn khác nhau về cả nghĩa cụ thể lẫn hàm ý, nhưng rất nhiều người thường dùng ốc đảo với nghĩa là đảo. Thậm chí, Đài Truyền hình Việt Nam có lần phát một vở kịch (tôi không nhớ tên vì mở đài giữa chừng) với cốt truyện diễn ra trên một hòn đảo, nhưng suốt các màn, lớp, các nhân vật đều gọi đảo là ốc đảo? 
Quyền - thẩm quyền: Quyền là những gì có thể đòi hỏi hoặc được phép hưởng (lợi ích vật chất và tinh thần) theo quy định của pháp luật hay quy ước đạo lý, còn thẩm quyền là tư cách về chuyên môn để xem xét nhận định, đánh giá. Rất nhiều người đã dùng từ thẩm quyền ở những chỗ lẽ ra phải dùng từ quyền. 
Sưu tầm - sưu tập: Sưu tầm là tìm kiếm, thu thập và tập hợp lại một cách có hệ thống. Các bộ sưu tập là kết quả của công việc đó. Cách nói đúng là: nhà sưu tầm và bộ sưu tập, thí dụ: Nhà sưu tầm X nổi tiếng với những bộ sưu tập quí hiếm. Nhưng gần đây, trên sách báo, thuần thấy gọi là nhà sưu tập như thể chữ nhà sưu tầm chưa bao giờ tồn tại vậy. 
Răn đe hay ngăn đe? Về điểm này, cần phải giải thích một chút về từ nguyên: cặp từ này mới chỉ xuất hiện vào giữa thập kỷ 1960 khi Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh không quân phá hoại miền Bắc. Giới quân sự Mỹ gọi hành động này là deterrence response, tức là đánh phủ đầu để cảnh cáo và ngăn chặn việc miền Bắc đưa quân vào miền Nam. Cánh biên dịch chúng tôi (hồi đó tôi là cán bộ biên dịch ở Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam) bàn với nhau, tham khảo cả ý kiến của Giáo sư Đặng Chấn Liêu, một chuyên gia hàng đầu về tiếng Anh, và cuối cùng thống nhất dịch là phản ứng ngăn đe (hàm ý vừa ngăn chặn vừa đe dọa). Vậy là từ ngăn đe có trước, rồi sau đó người ta đọc chệch thành răn đe và viết rập theo như thế luôn. Đời sống ngôn ngữ có những phát triển thật bất ngờ: về sau, bất cứ khi nào tôi viết ngăn đe, người ta đều sửa thành “răn đe”! Tôi tỉ mỉ giở lại từ điển tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam ra tra: hỡi ôi, trong đó chỉ có từ mục răn đe mà không có ngăn đe! 
Điệu nghệ hay diệu nghệ? Hiển nhiên, điệu nghệ là do đọc chệch từ diệu nghệ mà ra. Diệu nghệ là từ Hán-Việt, trong đó diệu (cũng là thành tố của các từ tuyệt diệu, huyền diệu, diệu kỳ, diệu kế...) nghĩa là hay, giỏi, khéo, tài và nghệ nghĩa là nghề. Diệu nghệ là giỏi nghề, có kỹ thuật tài tình. Còn điệu nghệ là một ghép nối giữa một thành tố thuần Việt (điệu) với một thành tố Hán (nghệ), tựa như “very giỏi” vậy. Vậy mà khốn thay, thiên hạ hầu như chỉ một mực nói và viết điệu nghệ thay vì diệu nghệ! Một lần nữa, tôi giở Đại từ điển tiếng Việt để kiểm tra và một lần nữa tôi lại sửng sốt và thất vọng đến ngao ngán: không hề có từ mục diệu nghệ mà chỉ có điệu nghệ mà thôi! Song tôi cũng có một an ủi: tất cả các Từ điển Việt-Anh của Giáo sư Bùi Phụng đều có từ mục diệu nghệ và không có điệu nghệ. 
  Tác giả Dương Tường ngao ngán kết luận: 
  “Khi mà một bộ sách tra cứu như Đại từ điển tiếng Việt do các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung Tâm Ngôn ngữ và Văn hoá xuất bản, cũng mắc những sai sót sơ đẳng đến thế thì rành là chỉ còn nước phát tín hiệu S.O.S. thôi! Thiết tưởng, có nói người ta đang tàn sát tiếng Việt cũng không ngoa. 2/2002.”
  (Nguồn: Dương Tường, Chỉ tại con chích choè, tạp luận, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội 2005, tr. 179-185. Bản đăng trên talawas với sự đồng . của tác giả). 
 
CSVN “xuất khẩu” Việt ngữ
  Xem thế, chúng ta nhận ra rằng tình trạng không lấy gì làm sáng sủa của Việt ngữ không phải chỉ xảy ra trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Những lỗi viết sai chính tả một cách ngô ngê chỉ thấy xuất hiện trong nước. Ấy vậy mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đang thực hiện một kế hoạch mở các lớp dạy Việt ngữ cho người Việt hải ngoại. 
  Tôn Nữ Thị Ninh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên đại sứ Việt Nam tại Bỉ, khẳng định: “Học tiếng Việt là nhu cầu thiết thực của tất cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhà nước phải bỏ tiền để dạy tiếng Việt.” 
  Thử hỏi chúng ta đã sợ học cái thứ văn hóa nặng mùi tuyên truyền xã hội chủ nghĩa và sợ nghe cái thứ ngôn từ hàm hồ của cán ngố Việt Cộng mới bỏ của chạy lấy người từ ngày định mệnh 30-4-1975 thì bây giờ chúng ta có hăm hở đưa con cháu chúng ta cắp sách đi học cách ăn nói khoác lác và thứ chữ nghĩa xấu xa của họ hay không.
  Chúng ta hãy nghe Tôn Nữ Thị Ninh trả lời một cuộc phỏng vấn như sau: 
 “Lúc còn làm đại sứ ở Brussels, lần đầu tiên tôi tổ chức một cuộc họp mặt của cha mẹ có con nuôi người Việt. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên là hàng trăm gia đình đã đến dự. Trong tờ phiếu thăm dò các gia đình người Việt chờ đợi gì nơi sứ quán, thì hầu hết trả lời: "Lúc nào đó, khi con của chúng tôi lớn hơn thì được học tiếng Việt. Sứ quán tổ chức dạy tiếng Việt ở đâu, chúng tôi sẽ đưa con em đến đó học ngôn ngữ nơi nó sinh ra". Bản thân một số cha mẹ có con nuôi người Việt cũng muốn học tiếng Việt. 
  Trở về nước, tôi cũng đã nhiều lần tiếp xúc với Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài và đều nhắc dạy tiếng Việt là một ưu tiên, một nhu cầu rất thiết thực và bức xúc của tất cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhà nước mình phải bỏ tiền mà làm. Tôi bỏ công sức đi tìm giùm tiền với tư cách là đại sứ, nhưng đó chỉ là chắp vá. Lẽ ra việc này phải là một chính sách đàng hoàng của Nhà nước Việt Nam . Mà thực ra mình đâu có nghèo đến mức không chi được lương cho giáo viên sang dạy học. 
  Nếu nhà nước mình không tạo điều kiện dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài thì xảy ra hai việc. Thứ nhất là những thế hệ sau này sẽ mất gốc Việt Nam hoàn toàn, không biết gì về văn hóa, ngôn ngữ nơi họ sinh ra. Thứ hai hiện giờ ở nhiều nơi, các phần tử phản động cũng tổ chức lớp tiếng Việt. Một số cha mẹ Việt kiều muốn con mình đừng quen tiếng Việt đành nhắm mắt để con đi học những lớp dạy tiếng Việt và bị lồng cả chính trị vào. Nói cách khác, đất trống nhà nước mình không xuất hiện, mà bỏ ngỏ thì thế hệ thứ hai và con nuôi người Việt sẽ không biết gì về Việt Nam, hoặc có thể đến với những tổ chức phản động."
  À, thì ra mục đích tối hậu của nhà nước Việt Cộng trong việc mở các lớp dạy Việt ngữ ở hải ngoại là để lấn đất giành dân, để kéo đám trẻ người Việt hải ngoại thuộc thế hệ thứ hai trở về sau về với phe của họ, vì các lớp Việt ngữ hải ngoại “đang bị các phần tử phản động lồng chính trị vào.” 
  Chúng ta thử hỏi liệu các lớp Việt ngữ của Việt Cộng có bị lồng chính trị vào không, có bắt học sinh nói “Các cháu vô vàn kính yêu bác Hồ” không? Không có một ngành sinh hoạt nào thoát khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, đừng nói chi là ngành giáo dục vô cùng quan trọng. Trồng người là sách lược hàng đầu. Mọi chương trình giảng dạy, sách giáo khoa đều do Bộ Chính Trị quyết định. Mọi trường học, thành phần giáo chức đều do đảng ủy chủ động điều hành. 
  Người viết xin đơn cử một thí dụ xem trong nước có lồng chính trị vào sách giáo khoa hay không. Trang mạng http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=13&ID=2507 đăng bài có tựa đề Một chính trị viên có thơ trong sách giáo khoa Văn hóa - Nghệ thuật (Thứ Ba, 28/04/2009-8:43 AM) như sau: 
  Đó là đoạn đầu bài thơ “Chú đi tuần” in trong sách giáo  khoa (lớp 3) mà tôi đã thuộc từ tuổi thơ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường cách đây hơn 40 năm. Hình ảnh người chiến sĩ cảm thông, xót thương và muốn chở che cho các em học sinh miền Nam như người ruột thịt giữa đêm đông giá lạnh, cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi.
Gió hun hút lạnh lùng
Trong đêm khuya phố vắng
Súng trong tay im lặng
Chú đi tuần đêm nay
Hải Phòng yên giấc ngủ say
Cây rung theo gió, lá bay xuống đường...
Chú đi qua cổng trường
Các cháu miền Nam yêu mến
Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến
-Các cháu ơi! Giấc ngủ có ngon không?...”
 
Một dẫn chứng nữa: 
  “Mao Chủ tịch đã tiếp Tổng thống Xô-Các-Nô. Người đã cùng với Tổng thống bàn nhiều vấn đề quan trọng”. Chữ “Người” trong câu này đã nói lên được lòng tôn kính, mến yêu của người viết đối với vị Chủ tịch của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Đây là một đại danh từ ngôi thứ ba. Cũng đại danh từ ngôi thứ ba dùng trong một trường hợp khác, thì nghĩa lại hoàn toàn khác hẳn: “Ngô Đình Diệm đã hội đàm với Tổng tham mưu trưởng Mỹ, y đã cùng với tướng Mỹ bàn về vấn đề khối liên minh quân sự Đông Nam châu Á”. Ở đây chỉ một tiếng “y” thôi cũng đủ nói ra sự căm thù của người ta đối với tên bán nước trắng trợn họ Ngô. Ở Pháp ngữ, “người” và “y” chỉ có thể dịch bằng một tiếng “il” cũng như ở Anh ngữ chỉ có thể dịch bằng một tiếng “he”. Nhưng “il” hay “he” không làm sao nói ra được lòng kính yêu hay sự thù ghét của người ta.”
  (Văn Tân: Vài  kiến về quyển “Việt ngữ nghiên cứu” của ông Phan Khôi) Nguồn: Tập san Nghiên cứu Văn Sử Địa, Hà Nội, số 22 (tháng 10/1956). Bản điện tử do talawas thực hiện và đăng ngày 17-5-2008). http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13153&rb=06. 
Tạm kết
Người viết xin minh xác bài viết này không phải là một bài nghiên cứu; người viết chỉ mượn nó để bày tỏ một số suy nghĩ hạn hẹp và nhận định chủ quan một chiều qua những gì người viết đã đọc và cảm thấy cần lên tiếng. 
“Chữ quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà, đều phải học, miệng thì đọc, tai thì nghe, chớ khóc nhè…”, bài học thuộc lòng từ thuở ấu thơ của tôi nhắc mãi cho tôi phải nhớ rằng đọc là đọc chữ, viết là viết chữ, khác với nói là nói tiếng. Tôi nói tiếng Việt, nhưng tôi đọc và viết chữ Việt. Những đổi thay trong ngôn ngữ mẹ ở quê nhà cùng cơn sóng ảnh hưởng ở hải ngoại không khỏi khiến cho tôi ưu tư quan tâm, thế thôi. 
  Ai cũng biết trái đất quay chung quanh mặt trời, nhưng ai cũng nói mặt trời mọc và mặt trời lặn, làm như thể mặt trời quay chung quanh trái đất. Biết sai mà vẫn nói. Nhưng chân lý vẫn không bao giờ thay đổi: “Một sai lầm nhơn cho một triệu người thì nó thành một triệu sai lầm, chớ không thể thành sự thật.”
Phan Hạnh