Lan là cô giáo của một trường Nữ Trung Học lớn tại Saigon, sau ngày 30/4 chị đến trường trình diện ngay và ghi tên xin đi dạy lại, mong được là công nhân viên, có công việc ở thành phố để gia đình khỏi bị đi kinh tế mới.
Sau những lớp học tập chính trị cho thông suốt chủ trương đường lốí cách mạng, chị được lưu dung nhưng phải đổi sang một trường Trung Tiểu Học nhỏ tại Quận Mười Một, hàng ngày phải gò lưng đạp xe từ Tân Định sang tuốt khu Chợ Lớn với đồng lương chết đói không nuôi nổi một miệng ăn. Vì sự thay đổi cả một ý thức hệ nên mọi sinh hoạt trong trường cũng đảo lộn. Đứng trên bục giảng nhìn lũ học trò lẫn lộn trai gái; áo quần luộm thuộm, nhơm nhếch; mặt mũi ngơ ngáo, bơ phờ. Xuống phòng giáo viên những khuôn mặt đồng nghiệp xa lạ, lạnh lùng, chẳng biết tư tưởng người khác như thế nào nên mọi người đều lặng thinh, ai cũng phập phồng lo lắng và chẳng biết tin ai mà tâm sự.
Anh Luận, chồng chị, đi học tập qúa một tháng vẫn chẳng có tin tức gì. Nhìn bốn đứa con còn nhỏ dại, Chương 16, Văn 14, Nhu 12, bé Út Hiền mới 9 tuổi, không biết tương lai chúng ra sao, cuộc đời mấy mẹ con chị trôi về đâu. Làm sao một mình chị có thể cáng đáng công việc vừa làm mẹ vừa làm cha, vưà phải kiếm tiền nuôi con, vừa phải có thì giờ theo dõi, dạy dỗ, giáo dục con trong thời buổi nhiễu nhương này. Nhất là trẻ con ở lứa tuổi mới lớn, dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh như bầy con của chị.
Đồng lương không đủ sống, Lan phải gom góp đồ đạc trong nhà, bán đi những thứ không cần thiết để lo tiền chợ. Ngày nay đi dạy học không mặc áo dài nữa, chị soạn mấy chiếc áo dài cũ và một số quần áo đã chật của các con bỏ vào chiếc giỏ cói đem ra chợ trời.
- Cô ạ!
Giọng nói quen thuộc khiến Lan quay lại.
- Cô, em không thấy cô lên trường ...em tưởng...Cô khoẻ không?
Nhìn con bé Liên, học trò cưng ở trường cũ rưng rưng nhận cô giáo, Lan cũng nghẹn ngào.
- Cô chuyển trường khác. Trường mình hồi này ra sao hả em?
Liên kéo Lan vào quán cà phê nhỏ gần đó
- Em mới nghỉ học rồi cô ạ.
- Em đang học Lớp Mười Một mà, còn chưa đầy hai năm nữa là hết bậc Trung học sao em không cố gắng cho xong?
- Thưa cô, ba em đi học tập, chị em xong Tú Tài có được vào Đại học đâu cô, chị xin dạy lớp mẫu giáo ở gần nhà, không biết được bao lâu. Hai thằng em trai em chắc đến tuổi cũng phải đi nghĩa vụ. Mẹ em cực quá, em quyết định ở nhà buôn bán kiếm tiền giúp mẹ em.
Lan thở dài:
- Em là học sinh giỏi, bỏ ngang như thế này uổng qúa.
- Học làm gì hả cô? Vào trường chỉ lo phấn đấu để được là đối tượng đoàn. Bọn học trò ngoài Bắc vào phần nhiều hỗn xược, thày cô cũng lo trăm thứ việc bên ngoài, tối ngày lo họp, lại còn phải vào những tổ sản xuất, thi đua lao động tốt để lập thành tích...học gì cô?
Rồi cô bé hạ giọng:
- Em lo kiếm tiền, kiếm đường đi cô ạ. Em không thể sống dưới chế độ này.
Nhìn Liên, Lan nhớ cô học trò giỏi, ngoan, hiền mà chị thương mến, nhớ hình ảnh cô học trò mắt sáng long lanh nhìn lên bục giảng. Bây giờ em mặc bộ bà ba đen, gầy gò, phờ phạc. Một nỗi xót thương dâng trào. Chị nghĩ đến thân phận mình và chạnh nghĩ đến bầy con. Không biết trong những tâm hồn non trẻ đó, chúng suy nghĩ những gì.
- Cô muốn bán những thứ gì hả cô?
Liên hỏi, Lan hé chiếc giỏ cói cho Liên xem.
- Cô đưa em, cô ngồi đây đợi em một chút em đem bán hộ cô. Cô lạ mặt họ ép giá.
Nhìn con bé xách chiếc giỏ thoăn thoắt bước đi, ruột Lan như quặn thắt. Chỉ một thoáng, Liên cầm chiếc giỏ không về, dúi một nắm tiền vào tay Lan cười ngỏn ngoẻn:
- Em đứng luẩn quẩn ở đây, ai bán gì em mua, ai mua gì em bán cô ạ, em không có hàng quán nào hết, chạy hàng thôi.
- Sao em giỏi thế?
Lan rút vài tờ giấy bạc đưa Liên:
- Cám ơn em, cho cô gửi.
Liên ngậm ngùi:
- Cô ơi, cô cầm lấy, nhìn cô mặc áo bà ba, đội nón lá, đạp xe đạp, phải đi bán cả quần áo cũ là em xót xa lòng dạ lắm rồi. Cô về đi, khi nào cần gì cô cứ ra khu này là có em.
Thày trò nắm chặt tay nhau cùng ngăn dòng nước mắt chỉ trực tuôn trào.
Chia tay Lan, hòa mình vào dòng người xuôi ngược trong khu chợ trời, Liên không cầm được nước mắt. Hình ảnh cô giáo Lan mà Liên đã tôn thờ, yêu qúy thay đổi đến thế sao. Cô giáo Lan dịu dàng, áo quần luôn tươm tất, giảng bài rất rõ ràng, dễ hiểu. Cô luôn để ý, ân cần với tất cả học trò, uốn nắn từ lời ăn, tiếng nói, cách cư xử ở đời...Cô là thần tượng của biết bao thế hệ nữ sinh. Cô ơi, chúng em vất vả, lam lũ thì được nhưng nhìn cô như thế này em không chịu được, đau lòng lắm, cô ơi.
Đạp xe đi giữa lòng phố Sài Gòn nắng gắt nhưng lòng Lan như tê buốt. Hôm nay gặp cô học trò cũ ở hoàn cảnh này khiến Lan nhớ lại bao sự việc đau buồn mà chị đã chứng kiến. Một hôm nhìn thấy một thày giáo dạy cùng trường đang cong lưng đạp chiếc xich lô chở khách ngược chiều gió, Lan phải lảng ngay, tránh cảnh gặp gỡ bẽ bàng của hai nhà giáo. Chị biết ông thày đó có năm đứa con thơ mà đứa bé nhất chưa đầy một tuổi. Chỉ có lương giáo chức không thôi thì làm sao nuôi nổi từng ấy miệng ăn, thương làm sao! Rồi một lần chị gặp một cô bé trạc tuổi thằng Chương đứng thút thít ở gần cầu xa lộ, cô bé nhìn thấy chị thì oà lên khóc gọi tên cô Lan, hoá ra cô cũng là học trò nơi trường cũ chị dạy. Hỏi chuyện mới biết cô đi buôn than từ Long Thành về, bị cảnh sát kinh tế bắt được nên tịch thu hết hàng hóa, may là không bị bắt giam. Khổ quá, đúng là tính quẩn tính quanh, buôn bán lời lãí bao nhiêu với một nhúm than nếu đi trót lọt! Tuổi các em phải đang ngồi trong lớp học, bồi đắp kiến thức để sửa soạn cho tương lai.
Lan lại nghĩ đến học sinh nơi trường mới, chị dạy đệ nhị cấp nhưng trường này chỉ có tới lớp Chín nên chị được xếp dạy hai lớp Tám và Chín, ngày nào loa nhà trường cũng phát động chương trình “Kế hoạch nhỏ”, các em phải từng nhóm, mỗi đứa một cái túi và một đôi que tre, đi bới gắp từng mẩu giấy vụn, từng mảnh bao ni lông rách dưới đường, trong bãi rác, trong khe rãnh...Em nào muốn đạt danh hiệu “Dũng sĩ kế hoạch nhỏ” thì về nhà vét hết sách báo cũ, thậm chí ngay cả những cuốn sách giáo khoa còn tốt nguyên đem nộp. Đầu óc đâu để học, lúc nào cũng nghĩ đến việc thi đua để làm dũng sĩ, để làm anh hùng lao động...
Phận giáo chức cũng thê lương không kém, thiên chức nhà giáo bây giờ không phải là uốn nắn, dạy dỗ, vun trồng những đứa trẻ trở thành những người hữu dụng sau này. Những khóa học chính trị nhồi nhét như vẹt để rồi thày cô lại lập lại như vẹt với học sinh, dù chính trong thâm tâm nhà giáo cũng biết đó là những điều dối trá. Dưới mắt học trò thày cô cũng eo sèo khi chia nhau từng miếng thịt, từng xâu cá lúc có loa gọi xuống nhận nhu yếu phẩm. Rồi vì sinh kế thày cũng phải chạy xe ôm, ngồi đầu đường làm nghề vá lốp xe, sửa đồng hồ, bơm bút bi. Cô lo bán qùa ở cưả trường hay đi bán quần áo cũ như Lan hôm nay. Thì giờ đâu, tâm trí đâu lo chuyện giáo dục, dạy dỗ. Còn đâu hình ảnh tốt đẹp của thày cô cho học trò chiêm ngưỡng, noi theo.
Lan nhớ đến số tiền mới có mà chị đã cẩn thận bỏ vào túi aó trong, nghĩ đến các con, chị tự nhủ, chị sẽ trích ra một chút, vào chợ mua một miếng thịt quay và ít rau, chị sẽ luộc mớ mì sợi do chị mới đổi túi bột mì được mua phân phối hôm qua, đãi các con một bữa ăn cho tươm tất. Tội nghiệp hai thằng con trai đang sức lớn phải bóp mồm bóp miệng, ăn như chẳng đủ no vì chúng nó cũng ý tứ nhìn trước nhìn sau. Không có bánh hỏi thịt quay như ngày xưa nhưng các con chị cũng sẽ có mì sợi luộc thay cho bánh hỏi. Chị sẽ pha một tô nước mắm thật ngon với rau sống đủ thứ, các con chị có một bữa ăn cải thiện, mì luộc thịt quay ngon lành.
Đỗ Dung