Ngày 30 tháng 4, ngoài tất cả ý nghĩa mà chúng ta đã biết, còn là ngày để mỗi người nhìn lại chính mình, ngày để mỗi chúng ta tự hỏi mình đã làm gì cho đất nước, và đang đứng đâu trong cuộc vận hành của lịch sử hôm nay. Mỗi người Việt Nam có hoàn cảnh sống khác nhau, quá khứ khác nhau, tôn giáo khác nhau và mang trên thân thể những thương tích khác nhau, nhưng chỉ có một đất nước để cùng lo gánh vác. Đất nước phải vượt qua những hố thẳm đói nghèo lạc hậu và đi lên cùng nhân loại. Không ai có quyền bắt đất nước phải đau nỗi đau của mình hay bắt đất nước phải đi ngược chiều kim lịch sử như mình đang đi lùi dần vào quá khứ.
*
Những ngày còn nhỏ, tôi bị ám ảnh bởi câu hỏi tự mình đặt ra “Tại sao chiến tranh diễn ra tại Việt Nam mà không phải tại một quốc gia nào khác?”
Tôi lớn lên ở Đà Nẵng. Đường phố quê hương tôi trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1972 có rất nhiều lính Mỹ. Những chiến tàu nhập cảng Tiên Sa chở đầy chiến xa và súng đạn mang nhãn “Made in USA”. Những đoàn xe vận tải hiệu Sealand, RMK gần như chạy suốt ngày đêm từ nơi dỡ hàng ngoài bờ biển đến các kho quân sự chung quanh Đà Nẵng. Tiếng gầm thét của các phi cơ chiến đấu có đôi cánh gắn đầy bom, lát nữa, sẽ được ném xuống một nơi nào đó trên mảnh đất Việt Nam. Những câu lạc bộ, được gọi là “hộp đêm”, mọc đầy hai bên bờ sông Hàn. Mỹ đen, Mỹ trắng chở hàng quân tiếp vụ đi bán dọc chợ Cồn, chợ Vườn Hoa.
Phía trước tòa thị chính Đà Nẵng, trước rạp hát Trưng Vương hay trong sân vận động Chi Lăng, gần như tháng nào cũng có trưng bày chiến lợi phẩm tịch thu từ các cuộc hành quân. Những khẩu thượng liên có nòng súng cao, những khẩu pháo nòng dài, rất nhiều AK 47, B40, súng phóng lựu đạn và hàng khối đạn đồng vàng rực. Sau “Mùa hè đỏ lửa” trong số chiến lợi phẩm còn có một chiếc xe tăng T54 được trưng bày rất lâu trước tòa thị chính. Không cần phải giỏi ngoại ngữ, chỉ nhìn nhãn hiệu tôi cũng biết ngay chúng là hàng của Trung Quốc và Liên Xô.
Nhìn viên đạn của Nga và Tàu, tôi nghĩ đến trái tim của người lính trẻ miền Nam, giống như khi nhìn chiếc chiến đấu cơ của Mỹ cất cánh tôi chợt nghĩ đến các anh lính từ miền Bắc xấu số đang di chuyển bên kia sông Thu Bồn. Vũ khí là của các đế quốc. Không có khẩu súng nào chế tạo ở miền Nam hay miền Bắc. Các bà mẹ Việt Nam chỉ chế tạo được những đứa con và đóng góp phần xương máu.
Vũ khí của các đế quốc trông khác nhau nhưng nạn nhân của chúng dù bên này hay bên kia lại rất giống nhau. Nếu tháo đi chiếc nón sắt, chiếc mũ vải xanh, hai người thanh niên có mái tóc đen, vầng trán hẹp, đôi mắt buồn hiu vì nhớ mẹ, nhớ em chẳng khác gì nhau. Dù “con đường Duy Tân cây dài bóng mát” hay “mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời” cũng là quê hương Việt Nam và nỗi nhớ trong tâm hồn người con trai Việt ở đâu cũng đậm đà tha thiết.
Người lính miền Nam chết vì phải bảo vệ chiếc cầu, căn nhà, xóm làng, góc phố thân yêu của họ. Nếu ai làm một thống kê để hỏi những lính miền Nam còn sống hôm nay, tôi tin không ai trả lời muốn “ăn gan uống máu quân thù” miền Bắc. Họ chỉ muốn sống yên ổn trong hòa bình để xây đắp lại mảnh đất họ đã “xin chọn nơi này làm quê hương” sau khi trải qua quá nhiều đau thương tang tóc. Họ phải chiến đấu và hy sinh trong một cuộc chiến tự vệ mà họ không chọn lựa.
Dân chủ không phải là lô độc đắc rơi vào trong túi của người dân miền Nam mà phải trải bằng một giá rất đắc. Tham nhũng, lạm quyền, ám sát, đảo chánh diễn ra trong nhiều năm sau 1960. Có một dạo, tấm hình của vị “nguyên thủ quốc gia” chưa đem ra khỏi nhà in đất nước đã có một “nguyên thủ quốc gia” khác. Nhưng đó là chuyện của chính quyền và nhân dân miền Nam không dính líu gì đến đảng Cộng Sản miền Bắc.
Dân chủ ở miền Nam không phải là sản phẩm của Mỹ được đóng thùng từ Washington DC gởi qua nhưng là hạt giống do Phan Chu Trinh, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và rất nhiều nhà cách mạng miền Nam khác gieo xuống hàng nửa thế kỷ trước đã mọc và lớn lên trong mưa bão. Không chỉ miền Nam Việt Nam mà ở đâu cũng vậy. Nam Hàn, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Phi Luật Tân và nhiều quốc gia khác, dân chủ đã phải trải qua con đường máu nhuộm trước khi đơm bông kết trái.
Khác với người lính miền Nam, người lính miền Bắc chết vì viên thuốc độc bọc đường “thống nhất đất nước”. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm bị giết ở Quảng Ngãi đã uống viên thuốc đó. Anh Nguyễn Văn Thạc, tác giả của hồi ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” bị giết ở Quảng Trị đã uống viên thuốc đó. Cô bé Trần Thị Hường 17 tuổi và chín cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc bị bom Mỹ rơi trúng ngay hầm đã uống viên thuốc đó. Họ không biết đó là thuốc độc. Không biết thì không đáng trách. Nhà văn Dương Thu Hương trải qua một thời thanh niên xung phong nhưng chị may mắn còn sống để nhắc cho các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay biết “chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người.”
Tại sao chiến tranh diễn ra tại Việt Nam mà không phải tại một quốc gia nào khác?
Thật không công bằng cho đảng nếu tôi chỉ dùng tài liệu trong các thư viện ở Mỹ để chứng minh âm mưu xích hóa Việt Nam của đảng. Tôi sẽ trích những câu do đảng viết ra. Theo quan điểm lịch sử của đảng CSVN chiến tranh đã xảy ra bởi vì “Ở miền Nam, lợi dụng sự thất bại và khó khăn của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã nhảy vào để thay chân Pháp nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.”
Không ai hình dung “thuộc địa kiểu mới” hình dáng ra sao và đảng cũng chưa bao giờ giải thích một cách rõ ràng.
Sau Thế chiến thứ hai, hàng loạt quốc gia trong đó có những nước vốn từng là đế quốc, đã nằm trong vòng ảnh hưởng kinh tế và cả chính trị của Mỹ. Chẳng lẽ 18 nước châu Âu bao gồm Tây Đức, Áo, Bỉ, Pháp, Ý, Anh, Hòa Lan v.v… trong kế hoạch Marshall chia nhau hàng trăm tỉ đô la của Mỹ để tái thiết đất nước sau thế chiến thứ hai đều trở thành những “thuộc địa mới” của Mỹ hay sao? Chẳng lẽ các nước Á châu như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan được viện trợ không những tiền của mà còn bằng cả sức người để xây dựng lại đất nước họ là “thuộc địa mới” của Mỹ hay sao?
Chuyện trở thành một “căn cứ quân sự” của Mỹ lại càng khó hơn.
Chính sách vô cùng khôn khéo của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dùng Đệ Lục Hạm Đội Mỹ làm hàng rào bảo vệ đất nước Thổ ngăn chặn làn sóng đỏ Liên Xô xâm lược là một bài học cho các lãnh đạo quốc gia biết mở mắt nhìn xa. Mặc dù là một nước trung lập trong thế chiến thứ hai, để lấy lòng Mỹ, lãnh đạo Thổ đã tình nguyện gởi 5500 quân tham chiến bên cạnh Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên. Quân đội Thổ chiến đấu anh dũng nhưng cũng chịu đựng tổn thất rất nặng nề. Một nửa lực lượng Thổ đã chết và bị thương trong ba năm chiến tranh. Ngày 18 tháng 2 năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức trở thành hội viên của NATO và hùng mạnh đến ngày nay.
Nhật Bản là một ví dụ khác. Trong cuốn phim tài liệu Thế Giới Thiếu Mỹ (The World Without US) đạo diễn Mitch Anderson trích lời phát biểu của Thủ tướng Nhật Yasuhiro Nakasone “Nếu Mỹ rút khỏi Nhật Bản, chúng tôi phải dành suốt mười năm tới chỉ để lo tái võ trang trong nhiều mặt, kể cả sản xuất võ khí nguyên tử”. Một quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới với Tổng Sản Lượng Nội Địa năm 2011 lên đến 5855 tỉ đô la nhưng dành vỏn vẹn một phần trăm cho ngân sách quốc phòng chỉ vì Nhật dựa vào khả năng quốc phòng của Mỹ và sự có mặt của 35 ngàn quân Mỹ. Khác với chủ trương “đánh cho Mỹ cút ngụy nhào” của Hồ Chí Minh, trong một thống kê mới đây, 73 phần trăm công dân Nhật biết ơn quân đội Mỹ bảo vệ họ.
Đứng trước một miền Bắc điêu tàn sau mấy trăm năm nội chiến và thực dân áp bức, một giới lãnh đạo nếu thật tâm thương yêu dân tộc trước hết phải nghĩ đến việc vá lại những tang thương đổ vỡ, đưa đất nước ra khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu. Ngay cả thống nhất là một ước mơ chung và có thật đi nữa cũng cần thời gian và điều kiện. Con người trước hết phải sống, phải có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, học hành trước khi nghĩ đến chuyện đoàn tụ với đồng bào và bà con thân thuộc.
Ngoại trừ các lãnh đạo Cộng Sản, trên thế giới chưa có một giới lãnh đạo thể hiện lòng yêu nước bằng cách giết đi một phần mười dân số, đốt cháy đi một nửa giang sơn của tổ tiên để lại, dâng hiến hải đảo chiến lược cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc mà gọi đó là “thống nhất đất nước” và “hòa hợp dân tộc”.
Cũng trong tài liệu chính thức của đảng, ngay cả trước khi ký hiệp định Geneve và khi Việt Nam chưa có một dấu chân người lính Mỹ nào, hội nghị lần thứ sáu của Trung ương Đảng CSVN từ ngày 15 đến 17 tháng 7 năm 1954, Hồ Chí Minh và bộ chính trị đảng CSVN đã nghĩ đến chuyện đánh Mỹ “Hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ”.
Vào thời điểm trước 1954, dân tộc Việt Nam thật sự có một mối thù không đội trời chung với Mỹ sâu đến thế sao hay giới lãnh đạo CSVN chỉ vẽ hình ảnh một “đế quốc Mỹ thâm độc đầu sỏ” như một lý do để chiếm toàn bộ Việt Nam bằng võ lực, và cùng lúc để phụ họa theo quan điểm chống Mỹ điên cuồng của chủ nô Mao Trạch Đông sau cuộc chiến Triều Tiên?
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau gần một thế kỷ với bao nhiều tổn thất máu xương, tù ngục, mục tiêu Cộng Sản hóa Việt Nam của đảng cuối cùng đã đạt được. Lê Duẩn, trong diễn văn mừng chiến thắng vài hôm sau đó đã nói “vinh quang này thuộc về đảng Lao Động Việt Nam quang vinh, người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.
Lời phát biểu của họ Lê nhất quán với nghị quyết của đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương do Trần Phú chủ trì năm 1930 và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương phê chuẩn vào tháng 4 cùng năm, ghi rõ: “Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cuộc cách mạng; hai giai đoạn cách mạng từ cách mạng tư sản dân quyền chống đế quốc và phong kiến nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng và sau đó chuyển sang làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.”
Mới đây, Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng CSVN, trong chuyến viếng thăm Cu Ba, cũng lần nữa khẳng định “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam…. Vào những năm cuối thế kỷ XX, mặc dù trên thế giới chủ nghĩa xã hội hiện thực đã bị đổ vỡ một mảng lớn, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn, phong trào xã hội chủ nghĩa đang trong giai đoạn khủng hoảng, thoái trào, gặp rất nhiều khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Nhiều người cho rằng Nguyễn Phú Trọng nói những câu lạc hậu, lỗi thời mà không biết mắc cỡ. Tôi tin y nói một cách chân thành và hãnh diện. Nhờ tài lãnh đạo mà đảng CSVN đã tồn tại dù cả một hệ thống xã hội chủ nghĩa lớn mạnh như Liên Xô đã phải sụp đổ.
Đối diện với thời đại toàn cầu hóa, nội chung chủ nghĩa Mác về mặt kinh tế đã phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu tồn tại của đảng nhưng cơ chế nhà nước toàn trị sắc máu theo kiểu Lê Nin, Stalin chẳng những được duy trì mà còn củng cố chặt chẽ và nâng cấp kỹ thuật cao hơn. Dù ngoài miệng có hát bài hòa hợp hòa giải thắm đượm tình dân tộc, bên trong, các chính sách của Đảng vẫn luôn kiên trì với mục tiêu toàn trị và bất cứ ai đi ngược với mục tiêu đó đều bị triệt tiêu một cách tàn nhẫn.
Dưới chế độ Cộng Sản, không những người dân bị ràng buộc vào bộ máy mà cả các lãnh đạo cũng sinh hoạt trong khuôn khổ tổ chức và nghiêm chỉnh thực thi các nguyên tắc lãnh đạo độc tài sắc máu do đảng của họ đề ra. Điều đó giải thích lý do giọng điệu của những cựu lãnh đạo Cộng Sản như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn An, Nguyễn Khoa Điềm sau khi rời chức vụ giống như những người vừa được giải phẫu thanh quản, nói dễ nghe hơn nhiều so với thời còn trong bộ máy cầm quyền. Họ không phải là những người “buông dao thành Phật” nhưng chỉ vì họ đã trở về với vị trí một con người bình thường, ít bị ràng buộc trong cách ăn cách nói, cách hành xử, cách khen thưởng và trừng phạt như khi còn tại chức.
Giới lãnh đạo Cộng Sản được trui rèn trong tranh đấu, được huấn luyện chính trị từ cấp đội, cấp đoàn trước khi giữ các vị trí then chốt trong đảng và nhà nước CS. Họ nắm vững tâm lý và vận dụng một cách khéo léo tâm lý quần chúng để phục vụ cho các chính sách của đảng trong từng thời kỳ. Sau biến cố Thiên An Môn, để đánh lạc hướng cuộc đấu tranh đòi dân chủ của thanh niên sinh viên, nhà cầm quyền Cộng Sản Trung Quốc khai thác lòng căm thù chính sách quân phiệt của Nhật đã xảy ra từ thế kỷ trước. Lợi dụng việc Bộ Giáo dục Nhật bản liệt kê biến cố tàn sát Nam Kinh như một tai nạn trong sách giáo khoa, nhà cầm quyền Trung Quốc đã khuyến khích hàng chục ngàn thanh niên sinh viên Trung Quốc biểu tình suốt 3 tuần lễ trước tòa đại sứ Nhật. Việt Nam cũng thế. Trong chiến tranh biên giới 1979, các lãnh đạo CSVN đã lần nữa sử dụng thành công viên thuốc độc bọc đường “bảo vệ tổ quốc”. Máu của hàng vạn thanh niên Việt Nam đổ xuống dọc biên giới Việt Trung phát xuất từ tình yêu quê hương trong sáng và đáng được tôn vinh, tuy nhiên, nếu dừng lại một phút để hỏi, họ thật sự chết vì tổ quốc hay chỉ để trả nợ xương máu giùm cho đảng CSVN?
Với tất cả thông tin được phơi bày, tài liệu được giải mật cho thấy, cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” mà giới lãnh đạo CSVN đưa ra thực chất chỉ là cái cớ. Không có một người lính Mỹ nào đến Việt Nam, đảng vẫn cộng sản hóa miền Nam cho bằng được. Bộ máy tuyên truyền tinh vi của đảng thừa khả năng để nghĩ ra hàng trăm lý do khác để đánh miền Nam.
Đảng CSVN là nguyên nhân khiến cho nhiều triệu người Việt vô tội ở hai miền đã phải chết một cách oan uổng, bao nhiêu thế hệ bị suy vong, bao nhiêu tài nguyên bị tàn phá và quan trọng nhất, chiếc còng Trung Quốc mà đảng thông đồng để đeo trên cổ dân tộc Việt Nam mỗi ngày ăn sâu vào da thịt nhưng không biết làm sao tháo gỡ xuống đây.
Nói theo cách viết của nhạc sĩ Việt Khang “Việt Nam ơi thời gian quá nửa đời, và ta đã tỏ tường rồi”, chiến tranh xảy ra tại Việt Nam mà không ở đâu khác chỉ vì Việt Nam có đảng Cộng Sản.
Ngoại trừ các em, các cháu bị nhào nặn trong nền giáo dục ngu dân một chiều chưa có dịp tiếp xúc với các nguồn thông tin khách quan khoa học, nếu hôm nay, những người có học, biết nhận thức mà còn nghĩ rằng cuộc chiến kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 là cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước”, những kẻ đó hoặc bị tẩy não hoàn toàn hoặc biết mình sai nhưng tự dối lòng để tiếp tục sống cho hết một kiếp người.
Cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ đất nước hiện nay, do đó, còn rất khó khăn, đôi gánh non sông còn rất nặng và hành trình tự do còn khá xa xôi.
Sau 37 năm, “hàng triệu người buồn” như ông Võ Văn Kiệt nói, nếu chưa qua đời, hôm nay vẫn còn buồn.
Nhưng người buồn không phải chỉ từ phía những người lính Việt Nam Cộng Hòa bị buộc buông súng, từ phía nhân dân miền Nam bị mất tự do mà còn là những người miền Bắc, cả những người trong đảng CS đã biết ra sự thật, biết mình bị lừa gạt, biết mình đã dâng hiến cả một cuộc đời trai trẻ cho một chủ nghĩa độc tài, ngoại lai, vong bản.
Gần mười năm trước tôi kết luận bài viết về ngày 30 tháng 4 bằng ba phân đoạn dưới đây và năm nay, tôi kết luận một lần nữa cũng bằng những dòng chữ đó để chứng minh một điều, tuổi trẻ của tôi có thể qua đi nhưng niềm tin vào tuổi trẻ trong tôi vẫn còn nguyên vẹn.
Như lịch sử đã chứng minh, chính nghĩa bao giờ cũng thắng. Không có vũ khí nào mạnh hơn sức mạnh đoàn kết dân tộc. Chỉ có sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc, chúng ta mới có khả năng bảo vệ được chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam, chỉ có sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc chúng ta mới có khả năng vượt lên những hệ lụy quá khứ để hướng vào tương lai tươi sáng cho đời đời con cháu mai sau và chỉ có sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc chúng ta mới có khả năng phục hồi sự kính trọng Việt Nam trong lân quốc cũng như trong bang giao quốc tế.
Ngày 30 tháng 4, ngoài tất cả ý nghĩa mà chúng ta đã biết, còn là ngày để mỗi chúng ta nhìn lại chính mình, ngày để mỗi chúng ta tự hỏi mình đã làm gì cho đất nước, và đang đứng đâu trong cuộc vận hành của lịch sử hôm nay. Mỗi người Việt Nam có hoàn cảnh sống khác nhau, quá khứ khác nhau, tôn giáo khác nhau và mang trên thân thể những thương tích khác nhau, nhưng chỉ có một đất nước để cùng lo gánh vác. Đất nước phải vượt qua những hố thẳm đói nghèo lạc hậu và đi lên cùng nhân loại. Không ai có quyền bắt đất nước phải đau nỗi đau của mình hay bắt đất nước phải đi ngược chiều kim lịch sử như mình đang đi lùi dần vào quá khứ. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam không nằm trong tay thiểu số lãnh đạo CSVN. Tương lai dân tộc không nằm trong tay thiểu số lãnh đạo CSVN. Sinh mệnh dân tộc Việt Nam do chính nhân dân Việt Nam quyết định. Và do đó, con đường để đến một điểm hẹn lịch sử huy hoàng cho con cháu, chính là con đường dân tộc và không có một con đường nào khác.
Ba mươi bảy năm là một quảng đường dài. Chúng ta đã hơn một lần trễ hẹn với non sông, nhưng không phải vì thế mà không còn cơ hội. Cơ hội vẫn còn đó nếu chúng ta biết đoàn kết, thấy được hướng đi chung của dân tộc và thời đại. Chúng ta có nhiều quá khứ nhưng đất nước chỉ có một tương lai, đó là tương lai tự do, dân chủ, nhân bản và khai phóng cho những ai, sau những điêu tàn đổ vở, còn biết nhận ra nhau, còn biết yêu thương mảnh đất thiêng liêng, vinh quang và thống khổ Việt Nam.