Saturday, 4 October 2014

Đạt Lai Lạt Ma không visa, không Thượng đỉnh Nobel hòa bình - Thụy My


Đạt Lai Lạt Ma không visa, không Thượng đỉnh Nobel hòa bình


mediaLãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng Đức Đạt Lai Lạt MaReuters
    Thành phố Cap ở Nam Phi, nơi sẽ đón tiếp hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 những khuôn mặt đoạt giải Nobel hòa bình từ ngày 13-15/10, hôm nay 03/10/2014 đã hủy hội nghị này vì Pretoria từ chối cấp visa cho Đạt Lai Lạt Ma.
    Thông cáo của Tòa thị chính viết : « Các giải Nobel và các định chế tham gia đã thống nhất là do Đạt Lai Lạt Ma không được cấp visa, tất cả sẽ từ chối tham gia để phản đối quyết định trên ». Cap Town cũng cho biết sẽ tìm kiếm một địa điểm khác cho hội nghị. Thị trưởng thành phố là Patricia De Lille cho biết : « Hết sức phẫn nộ và vô cùng thất vọng ».

    Thị trưởng De Lille vốn là thành viên của Liên minh Dân chủ (DA), đảng đối lập chủ yếu với đảng ANC cầm quyền. Bà phê phán chính quyền đã lừa phỉnh dư luận khi khẳng định không nhận được đơn xin cấp visa, trong khi họ đã chỉ thị cho các sứ quán là không cấp chiếu khán cho Đạt Lai Lạt Ma đến Nam Phi. 
    Một hôm trước đó, Tổng giám mục Desmond Tutu, được coi là tiếng nói lương tri của Nam Phi, đã tố cáo thái độ của chính phủ nước này và lên án người kế nhiệm của Nelson Mandela là đã « nhổ vào mặt » vị cố Tổng thống lừng danh. Đây là lần thứ ba Đạt Lai Lạt Ma, bị Trung Quốc cáo buộc là muốn độc lập cho Tây Tạng, bị Nam Phi từ chối cho nhập cảnh kể từ khi Tổng thống Jacob Zuma lên nắm quyền năm 2009. 
    Nam Phi dưới sự lãnh đạo của ông Jacob Zuma đã chọn lựa chính sách ngoại giao thân Trung Quốc, chú trọng đến lợi ích kinh tế, bỏ qua một bên vấn đề nhân quyền mà những người tiền nhiệm của ông Zuma là Nelson Mandela (1994-1999) và Thabo Mbeki (1999-2008) hết sức quan tâm. 
    Hội nghị thượng đỉnh các giải Nobel hòa bình lần đầu tiên được tổ chức tại châu Phi, được dành để tưởng niệm ông Nelson Mandela đã qua đời tháng 12 năm ngoái. 
    Năm nay 83 tuổi, Desmond Tutu đã nhắc nhở là vào thời ông Mandela, lãnh tụ này đã không ngần ngại làm ngơ các khuyến cáo của Mỹ khi Washington đòi hỏi chấm dứt quan hệ hữu nghị với Mouammar Kadhafi và Fidel Castro.

    Đài Loan cấm Đức Đạt Lai Lạt Ma nhập cảnh

    mediaĐức Đạt Lai Lạt Ma trong dịp phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản tại Tokyo ngày 13/11/2012.(图片来源:路透社/Yuriko Nakao )
      Dường như để không làm mất lòng Bắc Kinh, chính quyền Đài Loan hôm nay 22/11/2012, cho biết đã quyết định cấm lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đến thăm theo lời mời của một tổ chức xã hội tại đảo quốc này.
      Liên đoàn phụ nữ doanh nghiệp, đơn vị mời Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhận định quyết định này của Đài Bắc nhằm tránh chọc giận Bắc Kinh, vốn vẫn coi Đạt Lai Lạt Ma là phần tử « ly khai » nguy hiểm.
      Phát ngôn viên của tổ chức xã hội do cựu Phó tổng thống Đài Loan Annette Lu lãnh đạo tuyên bố « Chúng tôi cực kỳ phẫn nộ vì rõ ràng là chính phủ lo sợ Bắc Kinh phản ứng. Thật là thô thiển khi Đài Loan nghe theo Trung Quốc, trước khi làm bất cứ việc gì cũng chờ họ đồng ý ».
      Liên đoàn phụ nữ doanh nghiệp Đài Loan đã mời Đức Đạt Lai lạt Ma tới tham dự hội nghị các hiệp hội phụ nữ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 12 tới. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận lời. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định đã cấm chuyến đi này, với lý do « thời điểm không thích hợp ». Cơ quan ngoại giao Đài Loan cũng phủ nhận quyết định trên nhằm thuận theo ý Bắc Kinh.
      Lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng dù đã tuyên bố rút khỏi các hoạt động chính trị, nhưng mỗi chuyến đi của ngài đến bất kỳ nước nào đều được chính quyền Bắc Kinh gây cản trở. Quốc gia nào đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma đều bị Trung Quốc phản ứng gay gắt hoặc gây sức ép để lãnh đạo các nước không tiếp ngài.
      Cũng vẫn lý do « thời điểm không thích hợp », chuyến đi của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Đài Loan hồi năm 2008 cũng đã bị chính quyền đảo quốc từ chối. Nhưng năm 2009, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đã tới Đài Loan để an ủi các nạn nhân của một trận bão lớn. Chuyến đi này đã khiến Bắc Kinh phản ứng bằng những chỉ trích gay gắt chính quyền Đài Bắc. Trung Quốc đặc biệt khó chịu mỗi khi Đức Đạt Lai Lạt Ma có ý định đến Đài Loan vì Bắc Kinh vẫn coi hòn đảo này là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc lục địa và chuyến đi của lãnh tụ tinh thần Tây Tạng có thể khơi dậy tinh thần ly khai của người dân Đài Loan.
      Vài năm trở lại đây, dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Mã Anh Cửu, quan hệ Đài Loan và Trung Quốc có chiều hướng hòa dịu, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế và trao đổi thương mại đã có nhiều cải thiện.