Saturday, 4 October 2014

Báo chí nóng tin Hong Kong: một lá bài mới - Nam Nguyên, phóng viên RFA

vn-hk-305.jpg
Tin tức về biểu tình ở Hong Kong đăng tải trên báo VNExpress hôm 3/10/2014.
Screen capture

Thay đổi cách ứng xử?

Báo chí Việt Nam được rộng cửa đưa tin bài và hình ảnh về các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong. Điều này trái với thông lệ trong quá khứ là không đưa tin nhạy cảm mà Bắc Kinh không hài lòng. Phải chăng Chính quyền thay đổi cách ứng xử và cũng đủ tự tin vì đã kiểm soát chặt chẽ giới thanh niên sinh viên học sinh.
Có gì bất thường qua sự kiện báo chí Việt Nam sôi nổi với phong trào dân chủ Hong Kong và những hình ảnh đầy ấn tượng của cuộc “cách mạng cây dù,” hàng chục ngàn người biểu tình chiếm lĩnh khu trung tâm Hong Kong và họ đã dương cao những chiếc ô để chống lựu đạn cay khỏi rơi trúng đầu hoặc để cản hơi cay, hơi hồ tiêu khi cảnh sát xịt thẳng vào đám đông. Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội nhận định:
“Không phải là bất thường nếu xét tới những sự thay đổi trong 4-5 tháng vừa qua. Tôi nghĩ nếu so với thời gian trước kia thì có thể coi là bất thường bởi vì người ta tránh đụng tới chuyện mà Trung Quốc và nhà cầm quyền Bắc Kinh coi là nhạy cảm trong báo chí Việt Nam. Nhưng từ tháng 5 đến giờ tình hình đã khác xa rồi.”
Nếu so với thời gian trước kia thì có thể coi là bất thường bởi vì người ta tránh đụng tới chuyện mà TQ và nhà cầm quyền Bắc Kinh coi là nhạy cảm trong báo chí VN.
-TS Nguyễn Quang A
Ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng thư Ký Báo Doanh Nghiệp, một người có nhiều kinh nghiệm hoạt động báo chí, từ Saigon nhận định:
“Không có tờ báo nào ở Việt Nam là của tư nhân cả, tất cả báo đều là của một đoàn thể nào đó và do nhà nước chỉ đạo. Vì thế hiện tượng báo chí đưa tin Hong Kong như vậy nếu không được sự đồng ý của lãnh đạo cụ thể là Ban Văn hóa Tư tưởng thì không một tờ báo nào được đưa tin một cách rộng rãi như vậy đâu.”
Trong khi đó nhà báo Phạm Thành ở Hà Nội, người từng nhiều năm phục vụ truyền thông nhà nước có cách nhìn nhận khác về báo chí lề phải và tình hình Hong Kong. Ông nói:
“Một số báo nhà nước đưa tin dè dặt, đưa tin trong tình trạng lương tri của các nhà báo, của những người quản lý tờ báo được thức tỉnh, cộng với việc không có chỉ đạo của Ban Tuyên giáo là cấm đưa tin về biểu tình ở Hong Kong…”
vn-hk-400.jpg
Tin tức về ẩu đả giữa người biểu tình và chống biểu tình ở Hồng Kông trên báo Thanh Niên hôm 3/10/2014. Screen capture.
Phần lớn các báo lề phải do nhà nước quản lý đều có tin bài về phong trào đòi dân chủ trong bầu cử ở Hong Kong, từ các tờ báo hoạt động tự túc ngân sách cho đến Thông tấn xã Nhà nước, thể hiện qua trang mạng truy cập miễn phí là Vietnam Plus. Trang mạng VnExpress là một điển hình về đưa tin và hình ảnh nhanh chóng về phong trào dân chủ Hong Kong. Ngay từ ngày 22/9 trang mạng này đã có những tin bài và hình ảnh về cuộc biểu tình của hàng ngàn sinh viên học sinh ở khu Trung Hoàn và sau đó là sự tiếp sức của Phong trào Ocuppy Central đưa qui mô cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày lên hàng chục ngàn người với đủ mọi thành phần dân chúng tham gia.
Thanh Niên, một tờ báo của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vừa có bản in và bản điện tử, có vẻ là tờ báo đi đầu trong phong trào Hong Kong đòi dân chủ với nhiều tin bài, hình ảnh nhưng ở đỉnh điểm ngày 2/10, tờ báo có bài tường trình tại chổ “ Tường thuật từ điểm nóng Hồng Kông” với nhà báo Nguyễn Thành Trung. Blog Quê Choa khi đưa lại tin này đã có lời dẫn của chủ blog nhà báo, nhà văn Nguyễn Quang Lập, xin trích nguyên văn :“Hoan hô báo Thanh Niên! Thế mới gọi là làm báo. Ngồi thúc thủ trong lô cốt, nhặt nhạnh thông tin từ FB và ngửa mặt chờ chỉ thị của Ban Tuyên giáo…thì đó không phải là làm báo mà là đi ăn mày.”

“Tự do báo chí”

Trong câu chuyện với chúng tôi, liên quan đến vấn nhà nước Việt Nam dựa vào đâu mà không ngại phong trào đòi hỏi dân chủ ở Hong Kong có thể gây ảnh hưởng đến giới trẻ trong nước. TS Nguyễn Quang A nhận định:
Nhà nước phải biết rằng không phải những điều diễn ra ở Hong Kong sinh viên học sinh Việt Nam họ không nhìn thấy, họ không suy nghĩ hay không có ý tưởng của họ.
-Nguyễn Quốc Thái
“Tình hình của Việt Nam và Hong Kong là khác, cũng giống hệt như tình hình của Hồng Kông với tình hình của Đại lục là khác nhau một trời một vực. Ở Hong Kong giới sinh viên ít ra cũng đã được hưởng một mức độ tự do đáng kể, do chế độ thuộc địa của Anh để lại và trong thời gian vừa qua với chính sách một nước hai chế độ thì người dân vẫn được hưởng tự do gấp rất nhiều lần người dân Việt Nam ở đây cũng như người dân Trung Quốc ở Đại lục. Cả ở Trung Quốc lẫn ở Việt nam này Đảng Cộng sản kiểm soát rất chặt chẽ, họ có những mạng lưới vô cùng tinh vi và rộng khắp để quản lý giới học sinh sinh viên. Tôi nói ở đây không chỉ nói đến các tổ chức Đảng, không chỉ nói đến Đoàn Thanh niên Cộng sản, đến Hiệp hội Sinh viên mà đến rất nhiều thứ khác đụng đến khả năng học hành của các bạn trẻ, đụng đến khả năng kiếm việc, khả năng thăng tiến của các bạn trẻ. Tất cả những mối dây trói buộc ấy được siết rất là chặt đối với giới sinh viên. Tôi nghĩ họ có lo chứ không phải không lo giới sinh viên Việt Nam rồi cũng sẽ được gây cảm hứng của sinh viên Hong Kong đòi cái này cái kia…”
Theo TS Nguyễn Quang A nhà nước có lực lượng công an hùng hậu và mạng lưới kiểm soát chằng chịt, tuy họ có quan ngại nhưng mọi việc đối với họ vẫn ở trong vòng kiểm soát và họ để cho báo chí tương đối thoải mái về tình hình Hong Kong. Và cũng có thể đây là một tính toán của họ để cho quốc tế thấy rằng Việt Nam cũng có tự do báo chí. Đây là thứ tự do báo chí mà TS Nguyễn Quang A nói là cần đặt trong ngoặc kép.
vn-hk-2-400.jpg
Tin tức về biểu tình ở Hồng Kông đăng trên báo Tuổi Trẻ hôm 3/10/2014. Screen capture.
Phải chăng tất cả những rào chắn của chế độ toàn trị đã làm thui chột khát vọng dân chủ của giới trẻ Việt Nam. Thực tế cho thấy những nhà hoạt động trẻ ra công khai chỉ đếm trên đầu ngón tay và dễ dàng bị chính quyền kiểm soát hay đàn áp thẳng tay. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái nhận định:
“Nhà nước kiểm soát rất chặt và sẽ còn kiểm soát rất chặt, sự khao khát dân chủ của sinh viên học sinh không phải không tiềm ẩn trong con người của họ. Nhưng không phải không có sợ hãi, ngăn trở, không phải không có những đe dọa. Trong hoàn cảnh nào đó sự ngăn cản, sự sợ hãi đó có thể chấp nhận được. Nhưng đến một lúc không thể chấp nhận được nữa thì mọi chuyện sẽ xảy ra. Nhà nước phải biết rằng không phải những điều diễn ra ở Hong Kong sinh viên học sinh Việt Nam họ không nhìn thấy, họ không suy nghĩ hay không có ý tưởng của họ…trong hoàn cảnh bị ràng buộc bị che chắn bởi nhiều thứ, kể cả sự sợ hãi của một số đông. Nhưng chuyện gì cũng có thể xảy ra được, nếu tất cả những điều đó nó ở trong một hoàn cảnh thích hợp phù hợp với những nguyện vọng tha thiết của họ.”
Chúng tôi ghi nhận một luồng ý kiến cho rằng, trong giai đoạn này chuyện gì làm Trung Quốc nhức đầu thì Việt Nam sẽ tận dụng bằng cách này hay cách khác. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái trình bày ý kiến của ông:
“Chắc ông có đọc truyện Kim Dung, có một miếng võ của nhà Cô Tô Mộ Dung là ‘gậy ông đập lưng ông’. Tôi nghĩ đây cũng có thể là một thăm dò, thực sự chuyện hôm nay và ngày mai ở Việt Nam, hôm nay nói thế này ngày mai nói khác xảy ra bình thường; bạn đọc họ cũng thấy chuyện đó là bình thường. Có thể là vài ngày nữa thì những luận điểm về Hong Kong trên báo chí Việt Nam sẽ khác đi chăng?”
Tính đến ngày 2/10 biểu tình đòi dân chủ trong bầu cử ở Hong Kong đã được hai tuần khởi đầu từ cuộc bãi khóa ngày 22/9 của hàng nghìn sinh viên. Theo ghi nhận của Đài chúng tôi một số sinh viên Việt nam đang du học ở Hong Kong đã tham gia các cuộc biểu tình. Theo VnExpress, trong cuộc họp báo chiều 2/10/2014 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam đang ở Hong Kong tránh nơi có biểu tình để tránh tình huống phức tạp. Về mặt chính thức người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Đây là công việc nội bộ của Trung Quốc, hy vọng phiá Hong Kong sẽ có biện pháp cần thiết và tích cực để bảo vệ người và tài sản của công dân Việt Nam đang ở Hong Kong.”
Có những ý kiến cho rằng, trong những ngày qua báo chí Việt Nam đã tận dụng được cơ hội thoải mái đưa tin biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong. Các nhà báo đã làm hết sức mình chỉ tránh một vấn đề duy nhất không nói tới. Đó là việc giới trẻ thanh niên, sinh viên, học sinh Việt Nam cũng tiềm ẩn những khát vọng dân chủ của thế giới văn minh. Nhưng những khát vọng này chưa có cơ hội để biểu tỏ hay nói cách khác là vẫn còn bị đè nén và che dấu.