Saturday 14 February 2015

Con Lân Ðen - Trần Quốc Bảo

tet2-303612-1368798011_500x0.jpg
Cha Sở đặt tên cho Ðoàn Lân của chúng tôi là Hắc Kỳ Lân, nghĩa là Con Lân Ðen. Thật ra, cái đầu lân không đen, nó gồm đủ màu sắc sặc sỡ: xanh đỏ trắng tím vàng – chỉ người múa lân đen mà thôi. Ðen thì đen, chứ Ðoàn Lân của chúng tôi phải kể là đoàn nổi tiếng nhất Miền Ðông Hoa Kỳ. Còn cái duyên do nào mà có “người múa lân đen” thì hưỡn hưỡn, sẽ xin trình bầy ở phần sau, giờ tạm đi vài dòng quảng cáo con Lân đã.
Nổi nhất của Hắc Kỳ Lân là cái đầu lân, khéo tay làm lấy mà đẹp như thứ thiệt, lại cầu kỳ nữa, mắt có gắn điện nhấp nha nhấp nháy, liếc qua liếc lại, mũi thỉnh thoảng xì ra tí khói, nội cái đuôi bằng nhung đen, có vảy ngũ sắc là “người anh em” đã chơi trội quá cỡ rồi!
Cái nổi thứ hai của Hắc Kỳ Lân là múa tới đâu, đớp tiền tới đó, nghĩa là nó “mồi địa” tài tình lắm. Cứ mỗi dịp Tết Nguyên Ðán, Lân dạo một vòng quanh tỉnh múa mừng tuổi bà con, sỉn sỉn cũng xấp xỉ đôi ba ngàn đô là thường. Năm ngoái, nổi cơn hứng bất tử, đoàn Lân xông đại vô nhà Thượng Nghị Sĩ Brown múa loạn một hồi, làm cho bốn năm cái xe cảnh sát hết hồn áp tới chớp đèn lia lịa; vậy mà Hắc Kỳ Lân bữa ấy đớp được của ông Nghị sĩ trọn một thiên, 10 giấy Franklin mới tinh! Thiêt là ẩu tả mà gặp hên quá xá!
Chính nhờ con “Lân Ðen” làm ăn phát đạt như vậy, cho nên Cộng đoàn chúng tôi, mỗi năm đều tổ chức Tết free cho bà con, không ai phải đóng góp gì cả, thỉnh thoảng dư dả chút đỉnh thì chi vào việc uỷ lạo các gia đình mới tới định cư để lấy thảo với bà con đồng hương, hoặc sắm qùa Tết đi thăm viếng chúc Tết các Cụ Cao Niên trong các Viện Dưỡng Lão. (Cái sáng kiến múa Lân gây quỹ này được thực nghiệm ở vùng chúng tôi thấy có kết quả tốt, vậy xin quảng bá để bạn trẻ các nơi biết, tùy tiện nơi đâu áp dụng được, thì vừa mua vui ngày xuân, lại vừa đem lại chút lợi ích chung cho cả Cộng Ðồng).
Nổi tiếng sau con Hắc Kỳ Lân là Lân Chợ Lớn. Lân này gồ ghề lắm, đầu lân mua tận New York, nghe nói giá tới trên ngàn đô, anh em trong Ðoàn đều là người Việt gốc Hoa xuất thân từ Chợ Lớn, tay múa, tay trống, tay địa, v.v… thảy là nhà nghề, đã từng biểu diễn màn Lân leo cây, chúc đầu xuống, làm đứng tim dân Mẽo hết cả. Sở dĩ Ðoàn Lân Chợ Lớn tài nghệ chuyên nghiệp như vậy, mà “yếu” hơn Hắc Kỳ Lân, là vì “các chú” đoàn viên quá hăng say chuyện business. bận bù đầu sáng đêm lo nấu nướng trong các Chinese Restaurant, Trung thu hoặc Tết nhất tìm không ra lấy một mạng, mấy chú ham kiếm tiền chứ đâu ham hố gì chuyện múa may văn nghệ.
Ðệ tam kỳ lân, là con Lân Bế-By. Lân này của cộng đồng Salem. Hồi xưa, mấy em ở miền đó thấy người ta múa lân, cũng ngứa chân muốn múa cho vui mà không có đầu, bèn lấy cái rổ lớn, úp xuống, rồi khoét mắt, khoét miệng, dán giấy, cắm sừng, đeo râu vào… biến chế thành cái đầu lân nho nhỏ, đẹp và thật là ngộ nghĩnh. Ấy vậy mà không ngờ lại nổi tiếng như cồn, nổi là vì lân Bế-By này chỉ chuyên múa trên sân khấu, múa trong nhà, mà vì vậy có hình trên Ti-Vi, trên báo chí nhiều lắm. Kỳ Tiểu bang diễn hành năm ngoái, anh Lân Bế-By được thành phố mời múa trên cái xe truck bé tí trông dễ thương cách gì!
Lân Chợ Lớn và Lân Bế-By là những đoàn Lân chỉ “múa chùa” chơi vui vậy thôi, chứ không làm ăn kỹ lưỡng như con Hắc Kỳ Lân.
Và bây giờ tôi xin kể hầu quý vị câu chuyện, phải gọi là huyền thoại, về Hắc Kỳ Lân, con Lân Ðen độc đáo này.
Cách đây gần bốn thập niên, nghĩa là hai năm sau khi gia đình tôi rời trại Indianatown Gap (PA) để về vùng Bẩy Núi lập nghiệp. Thành phố này khi ấy có lối 40 gia đình Việt Nam tị nạn, một phần ba là Công giáo. Thoạt đầu, chúng tôi đi Lễ Mỹ, cứ mỗi weekend là xi-pông-xo tò tò đem xe tới rước đi Lễ, phải đi hai nhà thờ, một Lễ gọi là Lễ xã giao, xong rồi tà tà cuốc bộ qua nhà thờ Công giáo Mỹ dự Lễ chính thức. Mãi cho tới khi dân ta sắm được xe hơi, cái màn tréo cẳng ngỗng ấy mới chấm dứt, có nghĩa là “Thank you, sir, tụi tôi có xế rồi, xơ để tụi tôi tự do muốn đi đâu thì đi”. Chúng tôi thành lập Cộng đồng Công giáo và kéo nhau đi Lễ nhà thờ Việt Nam, có Cha Sở giảng dạy đàng hoàng.
Lễ Sinh Nhật năm ấy, Cha Sở có ấn phong của Giám mục, nên được kể là lễ Sinh Nhật đầu tiên thành lập Giáo xứ Việt Nam. Cha con chúng tôi họp nhau mấy bữa bàn soạn việc tổ chức Lễ Giáng Sinh sao cho long trọng. Thật ra, hồi đó Giáo xứ chưa có quỹ, mà anh em chúng tôi thì còn rách cả đám, nên chương trình tổ chức Sinh Nhật rất đơn giản, đại khái là: buổi chiều, mấy đội bóng chơi thể thao với nhau (Ðội chân đất đá với Ðội chân không, chả ăn cái giải gì cả!), buổi tối thì có văn nghệ vườn (con hát bố nghe chơi), 10 giờ Thánh Lễ, 12 giờ tiệc Giáng Sinh (bữa ăn nửa đêm của đại gia đình Giáo Xứ).
Cái vụ tiệc tùng này có dính vợ chồng chúng tôi vào. Ban tổ chức khoán trắng cho gia đình tôi công tác đút lò 3 con gà tây, và làm mấy hũ nước xốt. Vâng, thì chúng tôi hoan hỉ nhận lời, mặc dù từ bé tới giờ, ở Việt Nam tôi chỉ đớp gà ta, chưa hề xơi một chú gà tây nào cả.
Suốt ngày 24 áp Lễ, tôi hì hục đánh vật với 3 chú gà, nào quết nước mầu, nào đút vào lò, trở qua, trở lại, mỗi chú ngồi chơi trong lò tới 5 tiếng đồng hồ. Vợ tôi thì lui cui làm nước xốt, bả mua đại ba bốn thứ xốt Mỹ chế sẵn, hòa chung vào với nhau, rồi phi tiêu tỏi hành mỡ, trộn chung thành một thứ xốt “Việt Mỹ thân thiện”, nếm thử thấy thơm ngon lắm.
Ðến tối, khi thực phẩm đã sẵn sàng, vợ tôi rửa tay, quay lại hỏi:
- Mấy giờ rồi anh?
- Tám rưỡi. (Tôi giục) Lẹ lẹ lên! Em chỉ còn nửa giờ trang điểm thôi đấy nhé. Ðây lên nhà thờ 40 phút nhưng mình phải tới sớm để còn đem thức ăn vào hội trường.
- Ok, Ok! Xong rồi, anh đem mấy thứ này ra xe trước đi… Ơ, …này… đêm nay mình muốn em bận mầu gì?
- Gì cũng được! (Tôi trả lời buông xuôi). Bà khoác cái Coat ra ngoài, nó che hết ráo, ai đâu biết mầu mè khỉ gì.
- Chán anh!
Không nhìn lại, nhưng tôi biết vợ tôi nguýt tôi một cái đáo để, bả tong tả đi vào phòng tắm, tôi nghe tiếng chân bước có hơi nặng. 45 phút sau, nghĩa là quá thời biểu 15 phút, vợ tôi mới sửa soạn xong. Chúng tôi vội vã lên xe. Và để cướp lại thời gian, tôi rồ máy ép ga cho xe vọt ào ào.
Ra đầu xa lộ, vợ tôi nhìn sang tôi hỏi:
- Bộ anh không thay đồ sao?
Tôi dụi tàn thuốc lá vào cái hộp nhỏ xíu, lắc đầu. Vợ tôi thở dài nhè nhẹ:
-Anh sao lúc nào cũng xập xệ!
- Gì xập xệ?
Tôi trả lời vắn tắt và tống ga thêm cho xe dọt tới 75 miles.
- Anh, coi chừng cảnh sát nó thổi nghe anh!
Vợ tôi cảnh cáo chưa dứt lời thì từ trong đường nhỏ, một xe cảnh sát chớp lóe đèn, hụ còi rượt theo. Thế là tôi bị nó dán cho một cái ticket, thằng cha cảnh sát lừ lừ như ông Hộ pháp, ngó mất cảm tình. Cái giấy phạt có độ gang tay mà nó ghi chép gì rề rề lâu đến cả hai chục phút.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục lên đường. Vợ tôi phàn nàn luôn mồm:
- Chết, trễ rồi! trễ quá rồi!
Khi xe lên đầu dốc Fort Hill, nghĩa là được quá nửa đường, từ xa tôi thấy một anh Mỹ đen đứng sát lề đường, bên gốc cây cột điện giơ tay xin “hit chai”.
Xe tôi lướt qua cái ào. Sức mấy tôi cho “anh đen” này quá giang. Mặt mũi nó thấy khiếp! Với lại, tôi đang có chuyện gấp mà! Nhưng liền đó vợ tôi đập vai tôi hối hả nói:
- Ngưng lại anh! Ngưng lại chở dùm người ta kìa.
- Ủa, cái gì? (tôi trả lời, và phản ứng tự nhiên là đạp thắng rề xe vào lề đường). Cái gì? Cho nó “hít chai” hả? Sao vậy?
Khi xe ngưng lại, vợ tôi giải thích:
- Anh không thấy nó cầm cái bảng emergency sao! “Need A Ride Home ! My Wife is Having A Baby”. Trời! tội nghiệp người ta, mình phải chở dùm ông ấy về, vợ sắp đẻ mà chồng còn đứng đường đón xe thì nguy cấp quá. Thôi, bề gì chúng mình cũng trễ Lễ đêm, đành mai dự Lễ sáng cũng được.
Tôi nhìn kính chiếu hậu, thấy anh Mỹ đen tay ôm một cái bánh xe hơi, chạy nước rút đến xe tôi. Tới nơi, vừa thở vừa nói:
- Tôi ở cách đây chừng 10 miles, bánh xe tôi xẹp phải đi fix lại, vợ tôi lại sắp đẻ, khẩn cấp qúa! Tôi phải về ngay để đưa nó vào bệnh viện. Xin ông bà giúp tôi…
Vợ tôi nhanh nhẹn mở cửa xe, tọt xuống băng sau và ra hiệu cho anh Mỹ đen ngồi trước, bên cạnh tôi. Rất tinh ý, tôi hiểu ngay vợ tôi đã cẩn thận ngồi cạnh 3 chú gà tây đút lò với một con dao phay to bản sắc như nước. Rất lễ độ, Jack (anh Mỹ đen) quay lại xá vợ tôi:
- Tôi vô cùng cảm ơn bà. Bây giờ tôi xin chỉ đường cho ông.
Jack chỉ cho tôi quẹo xe vào đường nhỏ, đổ dốc ngoằn ngoèo, rồi chạy tuốt luốt vào một khu rừng rậm rạp, tối hù. Vợ tôi bấy giờ khiếp vía, bả nói với tôi bằng tiếng Việt:
- Lạy Chúa, sao nó chỉ vào đường này, em sợ quá!
Anh Mỹ đen thì chắc chắn không hiểu câu nói của bả, nhưng tôi biết nó cảm thấu được sự lo sợ của một người đàn bà nên nói:
- Xin ông bà đừng sợ hãi. Tôi là người Công giáo, tôi tin và sợ Ðức Chúa Trời. Ðêm nay là đêm Christmas, tôi không thể đem 4 đứa con đi Lễ được vì vợ tôi nó đau đẻ, có lẽ sẽ sinh con đêm nay, khi tôi coi xe thì bị xẹp bánh, tôi lại không có bánh xe phụ, đành vác đi sửa, và vì thế phải phiền ông bà cho về.
Tôi chìa bao thuốc, rất tự nhiên Jack rút một điếu hút ngon lành, nói tiếp:
- Tôi ở miền quê, làm việc cho một nông trại. Tôi bị “lay off” 8 tháng nay, gia đình tôi hiện sống rất bi đát,… nhưng tôi biết Chúa rất yêu thương chúng tôi, Chúa sẽ nuôi và gìn giữ gia đình tôi.
Nói đến đây, giọng Jack trở nên nghẹn ngào, anh ta trầm giọng như thì thầm khấn nguyện – “Lạy Chúa là Cha nhân lành, Chúa giáng trần để ban sự sống sự bằng yên cho nhân loại, xin Chúa cho gia đình con sự sống và sự bằng yên. Xin Chúa nhận lời con cầu xin”.
Xe tôi chạy một hồi nữa. Trong xe hoàn toàn im lặng. Mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng trong đầu mình. Khi thoát ra khỏi cánh rừng, Jack chỉ cho tôi ngưng lại trước một căn nhà Trailler khá rộng và đẹp, đó là nhà y. Bốn đứa nhỏ Mỹ đen tông cửa chạy ra, ôm lấy Jack hôn, nói mếu máo:
- Sao Dad đi lâu quá vậy? “Mom” đau bụng la quá trời làm tụi con sợ quá à!
- Dad có mua bánh mì về cho tụi con ăn không? Nhà hết food rồi Dad biết không?
- Dad, baby đói sữa, nó khóc nè Dad!…
Jack hôn con, tay khệ nệ ôm cái bánh xe. Anh ta mời tụi tôi vô nhà. Tôi tính dông luôn cho được việc, nhưng vợ tôi có vẻ đã hoàn hồn, bả tỉnh bơ:
- Anh, vô thăm vợ Jack chút đi!
Chúng tôi vào nhà. Thấy trailler dọn dẹp rất khang trang. Ở một khóc phòng là bàn thờ Công Giáo, bầy tượng Thánh Giá, tượng Đức Mẹ Maria, … Những điều Jack nói quả là sự thật hết cả. Jack mở cửa phòng ngủ giới thiệu vợ, một bà Mỹ đen mặt mũi phúc hậu, bụng vượt mặt, tay cầm tràng chuỗi, bà vừa rên la nho nhỏ vừa lâm râm đọc lời cầu nguyện. Vợ tôi xáp tới nắm tay bà, nói vài lời hỏi thăm và trấn an. Rồi bả quay lại tôi nói với một vẻ sành sỏi chắc chắn:
- Ðể em ở đây nói chuyện, anh ra giúp Jack thay bánh xe lẹ lên; bà này chắc sắp sanh tới nơi rồi; gấp lên.
Tôi phóng người ra ngoài, rồi chỉ chớp mắt cái xe của Jack đã hoàn toàn sẵn sàng. Vợ tôi dìu Betty (vợ Jack) ra xe, bả ôm thêm một bọc đồ lớn cho Betty nữa. Jack ôm hôn con, dặn dò đứa lớn ở nhà coi em. Anh ta bắt tay vợ chồng tôi, khom rạp người xuống cám ơn rồi lên xe phóng lẹ.
Chúng tôi cũng trở đầu xe đi ra. Xe chạy được một đỗi, vợ tôi lại dở chứng, bà bảo tôi trở lại trailler.
- Ủa, lại cái gì nữa đây?
- Em quên cái này. Mình chịu khó vòng xe lại chút.
- Ối giời ôi! Thật đúng là cái nợ…
Tôi nhăn nhó, nhưng vợ tôi không trả lời, bả xoa tay nhè nhẹ nơi vai tôi, cử chỉ vuốt ve ấy có nghĩa là “Thôi mà! Thôi mà anh!…“ cũng có thể là “Chìu em chút đi! bộ mình không thương em sao?” – Vâng, thì con xin vâng lời vợ con! Chìu ý để vợ con được mọi sự như ý. Thế là tôi de xe cái rụp, lại làm cho 4 đứa con của Jack tông cửa ra đứng trố mắt ngạc nhiên. Nhưng người ngạc nhiên nhất chính là tôi khi tôi thấy vợ tôi khơi khơi bưng một con gà tây đem vào cho 4 đứa con Jack.
- Trời đất! Trời đất! Gà của Cộng đồng chứ phải của mình đâu, bộ em là mẹ người ta sao ngang nhiên quá vậy?
Vợ tôi làm như bả điếc, cứ lùi lũi đi. Khi trở ra xe tôi thấy mặt mũi bả tươi tỉnh hẳn lên. Bả nói: “Mấy đứa nhỏ đói tội nghiệp, em không biết làm sao khác hơn được. Thôi, để chúng mình xin lỗi Cộng đồng, đền lại Cộng đồng. Mình và em trình lên Cha Sở vụ này, chắc Cha không la đâu”.
Rồi sau đấy những chuyện gì xẩy ra đã xẩy ra. Nghĩa là Jack và Betty có thêm một thằng Boy đen chùi chũi, thằng con thứ năm. Mười ngày sau Jack được gọi đi làm việc lại.
Chuyện thiếu một con gà tây trong bữa tiệc đêm Sinh Nhật, chúng tôi thật có lỗi với ban Tổ chức, song là chuyện nhỏ mọn, vợ chồng chúng tôi đã được sự thông cảm và an ủi của Cha Sở. Dù vậy, chúng tôi cũng loáng thoáng nghe được đôi lời trách móc nặng nhẹ của người này kẻ khác trong cộng đồng.
Và sau chót, việc cuối cùng đã xẩy ra, là hai tháng sau, vợ chồng anh Mỹ đen bồng con tới nhà thờ Việt Nam xin Cha Sở Rửa Tội, đúng hôm tụi tôi đang cần tuyển lựa một tay “múa lân”. Biết được chuyện đó, thế là Jack tình nguyện, phải nói là anh ta năn nỉ: “Xin Cha và Cộng Ðồng Việt Nam cho tôi làm một cái gì đó để tôi đóng góp phần tôi cho sinh hoạt của Cộng đồng Việt Nam”.
Từ đó, chúng tôi có Jack, Betty một gia đình Mỹ đen ghi tên trong Cộng đồng Giáo xứ Việt Nam. Cũng từ cái Tết năm đó tiếp đến nay, con Hắc Kỳ Lân của chúng tôi hoạt động hăng say.
Cứ mỗi độ Xuân về là anh bạn da đen Jack Kenneth, tức là “Con Lân Ðen” của chúng tôi, nó múa mệt nghỉ!
Còn cái vụ “con gà tây” hồi đó, thì cho đến nay trong Giáo xứ ai cũng rộng lòng bỏ qua và quên đi rồi, nhưng riêng vợ chồng Jack & Betty thì không thể quên được, qúy bạn đọc biết tại sao không? Tại vì họ đặt tên cho thằng Boy đen là “Turkey Kenneth” để kỷ niệm chuyện “con gà tây” đó mà!
Mới hôm qua, Jack nói bô bô ở giữa sân nhà thờ:
- Ê, Tết này tui cho thằng Turkey nó cầm đuôi Lân được không?
- Ðược chớ sao không!
Chúng tôi đều biết một cách sâu xa rằng, họ là Mỹ đen, da họ đen, nhưng tâm hồn họ trong trắng dễ thương, dễ yêu, dễ mến vô cùng.
Trần Quốc Bảo