Trong hai năm vừa qua Tập Cẩn Bình (TCB) đã hình thành những giấc mơ thật to lớn cho đất nước Trung Hoa, không những là vĩ đại, mà còn muốn làm bá chủ cả khu vực Biển Đông và Á Châu, chẳng khác gì Nhật Bản trước năm 1945 với chính sách Đại Đông Á. Đặc biệt trong giấc mơ đó ông ta lại thấy hình ảnh của Vạn Thế Sư Biểu Khổng Phu Tử, người mà cuối thế kỷ trước, cuộc cách mạng văn hoá của Vệ Binh Đỏ đã chôn vùi dưới ba tấc đất. Chúng ta thử tìm hiểu tại sao TCB, một tay Cộng Sản gộc vô thần lại còn nhớ đến nhà hiền triết đức độ đó!
Lý thuyết căn bản của Nho Giáo là quan niệm về Chính Nhân, Quân Tử, Tam Cương và Ngũ Thường:
Chính Nhân: Người xử sự đúng với trách nhiệm và cương vị của mình; thí dụ: quan là người cai trị dân, đồng thời phải lo cho dân được an lạc; dân phải có nhiệm vụ đóng thuế hay làm các nghĩa vụ khác cho quốc gia khi cần đến…; được như vậy thì mọi người được an vui, xã hội được thái hoà; vì sẽ tránh được những sự tranh cãi hay chống đối.
Quân Tử: Lấy lòng Nhân làm đầu (tương đương với lòng từ bi của Nhà Phật, hay Bác Ái của Thiên Chúa Giáo), với Đức Độ làm Trọng, và phải luôn trau dồi học hỏi để trí thức được thông suốt. Khổng Tử có nói: “Đức của Người Quân Tử như gió; và Đức của kẻ tiểu nhân như cỏ!” Gió thì bay bổng trên cao; còn cỏ thì là là mặt đất!
Tam Cương: là ba rường mối hay nguyên tắc quan trọng mà mọi người phải tuân theo: Quân – Sư –Phụ: tức là phải tuân lệnh của Vua và trung thành với Vua (Quân), nghe lời Thày giáo (Sư) và tuân theo sự chỉ bảo của người cha (Phụ); vì các nước ảnh hưởng Nho Giáo thường là theo phụ hệ (cha là chủ trong gia đình). Nho Giáo cho rằng nếu làm theo như vậy thì gia đình sẽ yên ấm, xã hội sẽ an vui….
Ngũ Thường: Năm đức hạnh căn bản: Nhân (Lòng nhân từ, thương người), Nghĩa (liên hệ tốt đẹp giữa vợ chồng, bạn bè), Lễ (sự lịch sự, lễ phép), Trí (học thức, sự hiểu biết), Tín (giữ lời hứa, lương thiện, không gian dối).
Một đặc điểm của Nho Giáo là kén chọn hiền tài, quan chức để phục vụ đất nước là qua các kỳ thi dành cho mọi người không phân biệt cấp bực, nghề nghiệp trong xã hội. Có nghĩa là người giỏi được quốc gia trọng dụng!
Khổng Tử sinh năm 551 trước Thiên Chúa Giáng Sinh tại huyện Khúc Phụ nước Lỗ, làm quan Tư Không lo về việc đặt các kế sách cho nước Lỗ; tuy nhiên vì các chính sách Ngài đưa ra không được thi hành nên từ quan, và đi chu du các nước lân cận. Trong 13 năm Ngài đã qua các nước Tống, Tề, Sở, Vệ, Tần, Thái để dâng các quốc sách, nhưng không được vua quan của các nước này hưởng ứng, nên Khổng Tử quay về nước Lỗ để dạy học và viết sách. Ngài đã thực hiện xong các bộ sách (còn được gọi là Kinh): Kinh Thư, kinh Thi, kinh Lễ, kinh Nhạc và kinh Xuân Thu (nói về lịch sử nước Lỗ). Khổng tử vừa là nhà chính trị và nhà luân lý, nên học thuyết của ông chú trọng nhiều về thực hành. Một câu châm ngôn thật giá trị của Ngài là “kỳ sở bất dục vật thi ư nhân” dịch là: “cái gì mình không thích thì đừng làm cho người khác”.
So sánh các chủ thuyết và nguyên tắc quan trọng do Khổng Tử đặt ra và các lý thuyết cũng như đường lối mà Đảng Cộng Sản thực thi thì chúng ta thấy sự tương phản một trời một vực:
• Khổng Tử kêu gọi mọi người ý thức trách nhiệm để phục vụ tha nhân hay quốc gia (tượng trưng là Nhà Vua) thì Đảng CS kêu gọi phục vụ Đảng!
• Chính quyền hay quan chức trong thời quân chủ có nhiệm vụ phải lo cho dân; ngược lại Nhà Nước Cộng Sản chỉ lo cho đảng viên mà thôi, họ đem hết đặc quyền, đặc lợi về cho Đảng!
• Vua quan đối với dân phải có lòng nhân; trong khi nhà nước C.S đối với dân thì kiểm soát, kềm kẹp và đe doạ, mặc dầu chính họ không muốn cho ai kiểm soát! Điều này trái hẳn với lời khuyên của Khổng Tử là “kỳ sở bất dục vật thi ư nhân”!
• Khổng Tử kêu gọi mọi người lấy nhân nghĩa mà đối đãi với nhau, thì Cộng Sản gây hận thù giữa từng lớp dân chúng này với từng lớp khác để khích động đấu tranh giai cấp và cuối cùng nhà nước CS được hưởng lợi, qua các cuộc đấu tố dã man của các toà án nhân dân chiếu theo luật rừng! Người Công Sản đã không ngần ngại khi dùng sắt máu để đoạt lấy quyền hành.
• Công Sản không tuyển dụng người tài để phục vụ đất nước như dưới thời quân chủ theo tinh thần Nho giáo mà chỉ kiếm người trung kiên với Đảng hay bà con của Đảng viên để phục vụ.
• Nói về chữ Tín, thì người Cộng Sản là Bất Tín; lời nói của họ là dối trá, khẩu hiệu của họ là xảo quyệt. Tuyên bố là tôn trọng nhân quyền, thì họ vẫn luôn theo dõi và bắt giữ những người bất đồng chính kiến….
Tóm lại thì hành động tạc tượng Khổng Tử hay xây viện Khổng Tử của Tập Cẩn Bình và phe nhóm chỉ là để lợi dụng hình ảnh đạo đức của một nhà hiền triết hầu che dấu bộ mặt thật xâm lược của Nhà Nước Trung Cộng đang bành trướng thế lực khắp mọi nơi từ núi cao đến biển đảo, và chắc chắn sẽ không tha miếng mồi ngon nằm sát cạnh ở phương Nam với tài nguyên phong phú, nơi mà Cộng Sản Việt Nam đã dành cho người Tàu nhiều địa điểm tốt để làm khu tự trị!