Saturday, 14 February 2015

Vì sao hiến pháp 2013 của Việt Nam là hiến pháp độc tài?

Thứ Bảy, ngày 14.02.2015
Kính chào quý vị thính giả,
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA kỳ này xin được thảo luận về bản Hiếp Pháp 2013 của VN. Diễn giả là LS Đào Tăng Dực, Luật Sư Tòa Thương Thẩm New South Wales và Tối Cao Pháp Viện Úc Ðại Lợi. LS Đào Tăng Dực hiện là Phó chủ tịch HĐĐHTƯ kiêm Thành viên Ủy Ban Nghiên Cứu Sách Lược Hưng Quốc của LLDTCNTQ. Ông là tác giả quyển Phê Bình Hiến pháp 2013 của Việt Nam bằng song ngữ Việt-Anh vừa được quảng bá, và cũng là tác giả quyển Dự Thảo Hiến Pháp Việt Nam trên quan điểm Dân chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên ấn hành năm 2000. LS Đào Tăng Dực tham gia buổi thảo luận này từ Sydney, Úc Châu.

HN: Luật sư là tác giả cuốn "Phê bình song ngữ toàn diện hiến pháp 2013 của Việt Nam". Hiến pháp này có ghi rõ Việt Nam là một nước theo chế độ Cộng Hòa, có hành pháp, lập pháp và tư pháp hẳn hoi. Thế thì tại sao hiến pháp Việt Nam lại là hiến pháp độc tài?

LS ĐTD: - Người CS trong bản chất, theo lời dạy của Lê Nin, luôn khinh bỉ các bản giá trị dân chủ tây phương mà họ cho là tư sản. Họ coi thường luật pháp và hiến pháp. Đối với họ luật pháp và hiến pháp chỉ là những công cụ hay phương tiện họ giả vờ tôn trọng để qua mắt nhân dân và củng cố độc tài. Chính vì thế nội dung của bản hiến pháp của họ không có 3 yếu tố nền tảng của dân chủ là hiến định, pháp trị và đa nguyên. Không có 3 yếu tố đó thì hậu quả tất yếu là một hiến pháp độc tài toàn trị.

HN: Xin luật sư cho biết ngắn gọn cốt lõi của yếu tố hiến định là gì và tại sao hiến pháp 2013 vi phạm yếu tố đó?

LS ĐTD: Yếu tố hiến định được phân tách chi tiết trong sách. Tuy nhiên cốt lõi của nó là tính tối cao của hiến pháp và tất cả mọi tác động của hành pháp hoặc mọi sắc luật của lập pháp đi ngược với tinh thần của hiến pháp đều vi hiến và vô hiệu lực. Tuy nhiên hiến pháp 2013 cố ý không quy định sự hiện diện của một định chế độc lập với lập pháp và hành pháp, hầu phán quyết tính hợp hiến hoặc vi hiến của các tác động của hành pháp hoặc sắc luật của lập pháp. Chính vì thế tuy CSVN có hiến pháp nhưng không phải là một chế độ hiến định.

Hậu quả là hành pháp qua thủ tướng có thể sử dụng công an bắt bớ người ngang nhiên vi phạm hiến pháp và lập pháp có thể thông qua nhiều sắc luật ngang nhiên vi hiến như các điều trong bộ luật hình sự như điều 79 ('hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân'.), 88 ('tuyên truyền chống nhà nước XHCN') hoặc 258 ('lợi dụng các quyền tự do dân chủ' xâm phạm 'lợi ích của nhà nước').
Vì không có yếu tính hiến định nên có những tai hại vô cùng buồn cười và tác hại cho nền dân chủ của quốc gia như thế.

HN: Pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hiến pháp 2013 không phải chính là chế độ pháp trị ngày nay hay sao? Xin Luật Sư giải thích tại sao hiến pháp 2013 lại vi phạm cả nguyên tắc pháp trị?

LS ĐTD:- Người CSVN chưa bao giờ thành thật với nhân dân Việt Nam. Cụm từ "xã hội chủ nghĩa" được họ xử dụng để bóp méo sự thật và đầu độc nội dung của mọi khái niệm.

- Trong tinh thần gian dối đó: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là phản đề của kinh tế thị trường chân chính, cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN là phản đề của chế độ cộng hòa chân chính và pháp chế xã hội chủ nghĩa là phản đề của chế độ pháp trị chân chính.

- Hiến pháp 2013 không có chỗ cho những tòa án độc lập, đứng ngoài vòng kềm tỏa của đảng và chính quyền

- Xã hội dân sự tại VN không có chỗ đứng cho một luật sư đoàn độc lập, gồm những luật sư hành nghề chân chính không hề bị áp lực từ các cấp chính quyền và đảng CSVN

- Kết quả là yếu tố pháp trị hoàn toàn vắng bong trong hiến pháp 2013
HN: Rõ ràng là điều 4 hiến pháp bảo đảm quyền cai trị độc tôn vĩnh viễn và vô điều kiện của đảng CSVN. Dĩ nhiên hiến pháp 2013 không cho phép dân chủ đa đảng. Tuy nhiên đảng vẫn dung túng cho nhiều đoàn thể xã hội, nhất là các đoàn thể nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc. Xin LS cho biết CSVN có vi phạm nguyên tắc đa nguyên hay không?

LS ĐTD:- Tuy chế độ đa nguyên bao gồm đa đảng, nhưng một quốc gia chỉ có một chính đảng duy nhất độc quyền, tự do tự tác chắc chắn đưa đến độc tài và đó là thực trạng tại VN

- Thêm vào đó, Khi chúng ta nghiên cứu điều 4 hiến pháp, chúng ta nhân thấy đảng CSVN vô cùng tham lam. Đảng không những không chế nhà nước mà không chế luôn cả xã hội dân sự. Chính vì thế những tổ chức xã hội dân sự chỉ có thể hoạt động tự do nếu chịu gia nhập MTTQ và chịu sự điều hướng của đảng. Chính vì thế yếu tố đa nguyên chân chính cũng chưa bao giờ hiện hữu tại Việt Nam.

- Tại Việt Nam, quyền lực chính trị chỉ phát xuất từ một tụ điểm quyền lực duy nhất, đó là đảng CSVN

Để kết luận, chúng ta có thể khẳng định rằng, hiến pháp 2013 là một hiến pháp độc tài toàn trị vì thiếu 3 yếu tố là hiến định, pháp trị và đa nguyên