Sunday 6 December 2015

Hà Tĩnh và ảnh hưởng Trung Quốc - Nhóm phóng viên tường trình từ VN

ha-tinh-tq-622.jpg
Bờ biển Vũng Áng xuất hiện nhiều nhà của người Trung Quốc xây dựng.
RFA
Với người dân Hà Tĩnh, sự có mặt của người Trung Quốc là một đại nạn cho dù vẫn có người hái ra tiền nhờ vào sự có mặt của các nhóm người Trung Quốc. Nhưng, với đại đa số người dân Hà Tĩnh, để một vài người hái ra tiền nhờ vào các dịch vụ phục vụ cho người Trung Quốc cũng như các đường dây làm ăn với các nhóm Trung Quốc, hàng triệu người dân khác phải trả giá cho việc này từ vấn đề an ninh cho đến vấn đề văn hóa, bản sắc và lòng tự ái. Hầu như mọi thứ đều có thể bị tổn thương bởi người Trung Quốc.

Những ngôi miếu thờ kiểu Trung Quốc

Một người dân sống ở thành phố Hà Tĩnh, không muốn nêu tên, chia sẻ:
“Gần Trung Quốc thì các quán hàng đều hái ra tiền. Mình buôn bán kinh doanh thì phải lo kiếm tiền, nhưng ở đây cũng khó khăn lắm vì đường dây xã hội đen cũng nhiều. Mình làm ăn thì phải dựa vào đường dây này để họ khỏi quậy phá mình, thế thôi. Còn làm ăn với người Trung quốc thì dễ kiếm tiền nhưng phải biết móc nối với họ. Ban đầu thì chưa móc nối được nhưng kinh doanh lâu dài, chơi với giới xã hội đen thì họ sẽ tự móc nối để khách Trung Quốc đến chỗ mình. Bây giờ người Trung Quốc tràn lan rồi… Nói chung toàn nhà nước và xã hội đen bên ngoài, bên trong thì Trung Quốc làm lán trại sống bên trong.”
Làm ăn với người Trung quốc thì dễ kiếm tiền nhưng phải biết móc nối với họ. Ban đầu thì chưa móc nối được nhưng kinh doanh lâu dài, chơi với giới xã hội đen thì họ sẽ tự móc nối để khách Trung Quốc đến chỗ mình. Bây giờ người Trung Quốc tràn lan rồi.
-Một người dân Hà Tĩnh
Theo vị này, càng ngày, những ngôi miếu thờ các nhân vật Trung Quốc càng nhiều ở Hà Tĩnh. Và đáng sợ nhất là có một thứ tôn giáo Trung Hoa đang ngấm ngầm hoạt động trong lòng Hà Tĩnh, người ta bắt đầu mê Quan Công, mê Hoa Đà và mê những nhân vật Trung Hoa được phong thần. Chuyện này chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây, kể từ ngày Võ Miếu ở thành phố Hà Tĩnh được xếp vào diện di tích quốc gia và người ta nhang khói thờ phụng Quan Công cùng các con của ông tướng này.
Thậm chí, trên tấm bia nêu công trạng của Quan Công dựng trước Võ Miếu, người ta còn xếp đất Hà Tĩnh vào vùng đất Trung Quốc trong thời chiến quốc. Nghĩa là người ta muốn chứng minh một vấn đề quan trọng nhất là Quan Công quê ở Hà Tĩnh, từng làm quan cho nhà Lưu Bị và trấn giữ vùng đất phía Nam Trung Hoa, tức là Hà Tĩnh bây giờ.
Và cứ theo đà này thì Hà Tĩnh là một vùng đất phía Nam Trung Hoa, do Quan Vân Trường trấn giữ, ông ta được phong thần cũng đồng nghĩa với việc Quan Công là vị thần trấn giữ đất phương Nam của Trung Quốc, cụ thể là Hà Tĩnh. Vấn đề lịch sử bị người ta bán bổ đến mức không thể tưởng tượng được như vậy nhưng không hiểu sao khu Võ Miếu vẫn được Bộ Văn hóa và Thế thao cấp chứng nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và Võ Miếu trở thành một địa điểm tâm linh của thành phố Hà Tĩnh nói riêng, của tỉnh Hà Tĩnh nói chung.
Cũng chính từ chỗ Quan Công và các con của ông được thờ phụng tử tế, thi thoảng người Trung Quốc đến viếng, cúng bái và xin lộc làm ăn, người dân Hà Tĩnh cũng bắt đầu mê tín ông này, cũng đến cúng vái, xin lộc làm ăn. Và từ chỗ xin lộc, nhảy ốp đồng ở Võ Miếu, mô hình này nhanh chóng nhân rộng ở các điện thờ trong nhân dân.
Theo vị này, hiện nay trong thành phố Hà Tĩnh nói riêng và tĩnh Hà Tĩnh nói chung đã có rất nhiều điện thờ Quan Công và các con của ông. Các điện này thường tổ chức nhảy ốp đồng vào những ngày 29, 30, mồng 1 và 14, rằm hằng tháng. Trong một số trường hợp thì các điện này hoạt động cả những ngày thường.
ha-tinh-tq-400.jpg
Cụm kinh tế Formosha. RFA PHOTO.
Đa phần người tìm đến các điện này là dân buôn, dân có làm ăn dây mơ rễ má với Trung Quốc và cả một số người Trung Quốc đang làm ăn ở đây. Chủ yếu họ đến xin lộc, xin bùa để hỗ trợ làm ăn mua mau bán đắt, xin bùa hộ mệnh, chữa bệnh… Và thường thì họ chọn một ngày tốt nào đó đến tạ lễ. Mâm lễ tạ thường có một con heo quay, một phong bì chứa vài triệu đến vài chục triệu đồng và mâm ngũ quả, trầu, cau, rượu.
Chuyện này đã thành phong trào, nó giống như một trận gió tâm linh ở Hà Tĩnh, người ta trở nên mê tín Quan Công và gia đình ông ta. Xem Quan Công và các con của Quan Công là vị thần hộ mệnh của đất Hà Tĩnh. Vị này chua chát đưa ra nhận xét là với đà này, không sớm thì muộn người dân Hà Tĩnh phải trả giá rất nặng cho sự vong nô về tinh thần, tâm linh của mình.
Và đây là thứ mà người Trung Quốc cần nhất, bởi không có gì thuận lợi cho việc bành trướng của họ trên đất Hà Tĩnh hơn là việc người dân trở nên sùng bái các nhân vật Trung Quốc đã được phong thần. Một khi tâm linh, lý trí đã u ám, mê muội thì hành động hằng ngày chỉ là cái bóng của sự nô lệ nội tâm.
Vị này chua chát đưa ra kết luận rằng sở dĩ trở nên nông nỗi như đang thấy là do nhà nước đã quản lý quá lỏng lẻo, đã để một thứ tôn giáo tôn thờ người phương Bắc nở phình trên xứ sở. Và trong đó, có một số không nhỏ những cán bộ cấp tỉnh cũng đến Võ Miếu cũng như các điện thờ Quan Công để xin xỏ, cầu tài cầu lộc.

Ma túy tràn lan đất nghèo

Một người tên Phúc, hiện sống ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chia sẻ:
“Theo em nhìn một góc độ nào đó thì huyện em còn tệ nạn nhiều lắm. Thanh niên trai tráng thì chơi thuốc lắc, hàng đá, chích choác. Ngày xưa thì làm gì có chuyện này. Bây giờ tràn lan ra. Thường thì người ta đua đòi, muốn chứng tỏ mình là dân sành điệu. Thanh niên nếu may mắn thì học đại học nhưng rồi về đa số cũng thất nghiệp. Còn lại thì nghiện ngập nhiều lắm, sinh ra trộm cắp, cướp giật…”
Ngày xưa thì làm gì có chuyện này. Bây giờ tràn lan ra. Thường thì người ta đua đòi, muốn chứng tỏ mình là dân sành điệu. Thanh niên nếu may mắn thì học đại học nhưng rồi về đa số cũng thất nghiệp. Còn lại thì nghiện ngập nhiều lắm, sinh ra trộm cắp, cướp giật.
-Ông Phúc
Theo ông Phúc, nếu như trước đây chừng hai năm, tình trạng thanh niên nghiện ma túy chỉ tràn lan ở thành phố Hà Tĩnh chứ chưa xuất hiện ở các huyện thì hiện tại, khắp các hang cùng ngõ hẻm, đâu đâu cũng có ma túy. Từ Hồng Lĩnh đến Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... hầu như huyện nào, xã nào cũng có con nghiện.
Theo ông Phúc, chuyện này chỉ mới xảy ra từ một năm trở lại đây, kể từ lúc những đường dây cho vay nặng lãi và buôn bán ma túy dưới sự chỉ dẫn của các ông trùm người Trung Quốc bắt đầu tung hoành ở các vùng quê.
Ông Phúc khẳng định là những đường dây này của người Trung Quốc cầm đầu. Có hai lý do để ông khẳng định điều này là kể từ ngày người Trung Quốc xuất hiện mới có thêm đường dây giang hồ do họ thiết lập chuyên hoạt động cho vay nặng lãi và buôn bán ma túy; Hơn nữa, đất Hà Tĩnh vốn nghèo nàn từ xưa đến giờ, không có con nghiện, thanh niên trai tráng chỉ lo chuyên tâm học hành hoặc làm ăn. Nhưng kể từ ngày các tụ điểm ăn chơi của người Trung Quốc xuất hiện thì thanh niên thành phố bắt đầu hư hỏng, sau đó là thanh niên các huyện thành con nghiện.
Ông Phúc cho rằng sở dĩ hiện tại, thanh niên Việt Nam trở nên nghiện ngập đến mức khủng hoảng như vậy cũng là do người Trung Quốc đã điều hành các đường dây cho vay nặng lãi và buôn bán ma túy của họ khá nhịp nhàng trên đất Việt Nam. Chuyện này giống như một chương trình lớn nhằm ngu dân, biến các thế hệ trẻ trở thành con nghiện bạt nhược và nguy hiểm, có thể quay sang cắn đồng loại, đồng tộc bất kỳ giờ nào.
Như muốn nhấn mạnh, một lần nữa, ông Phúc nói rằng thời Pháp thuộc, người Việt trở nên nghiện ngập là do kĩ nghệ nấu rượu của người Pháp đã phổ biến vô tội vạ và họ đã kích thích sản xuất rượu. Bây giờ, đến thời kỳ Bắc thuộc, kĩ nghệ ma túy và cho vay nặng lãi được phổ biến mạnh nhất. Điều này sẽ nhanh chóng hủ hóa và nô lệ hóa dân tộc Việt Nam khi mà lớp trẻ thành những con nghiện thứ thiệt còn người lớn thì mê tín các nhân vật phong thần của Trung Quốc.
Người dân cả nước nói chung và người dân Hà Tĩnh nói riêng đang đối diện với đại nạn có tên Trung Quốc.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.