Tháng Năm năm 2013, em Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi, là sinh viên Đại Học Công nghiệp Thực phẩm, treo 2 khẩu hiệu viết bằng máu “Đi chết đi đảng CSVN bán nước” và “Tàu khựa cút khỏi biển Đông”. Em bị bắt cóc, rồi tống giam. Là sinh viên vừa trưởng thành, đủ kiến thức để hiểu được đất nước đang bị lâm nguy mà gốc rễ là do đảng cộng sản Việt Nam gây ra đại họa.
Cha mẹ Uyên ở quê, làm ruộng.
Tòa Sơ thẩm kết án Phương Uyên 6 năm tù giam.
Tháng Mười Một năm 2015, cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, là học sinh, còn “ăn chưa no, lo chưa tới” như câu nói dân gian để chỉ sự còn trẻ thơ. Cháu cùng với cha mẹ anh chị phản ứng việc gia đình bị chế độ cưỡng chế thu hồi đất nhưng đền bù rẻ mạt. Tuấn tạt át xít vào viên Trung tá, Trưởng Công an Xã, gây thương tích 35%, con số vừa đủ để “bị xử án theo luật”. Vì dưới 35% thì Tuấn được miễn truy tố! Như vậy “35% thương tích” là con số then chốt của vụ án mà gốc gác con số tròn trĩnh quan trọng nầy lấy từ đâu ra, do ai giám định, chính xác hay không? Vì thế luật sư đại diện cho cháu Tuấn, đề nghị Tòa cho triệu tập “người giám định thương tật” để đối chứng. Tòa từ chối!
Tuấn còn một đứa em gái, là người duy nhất trong gia đình “thoát tù”, đang bơ vơ, không nơi nương tựa.
Một gia đình lao động đã nghèo mà còn bị Hiến Pháp của nhà nước CHXHCN Việt Nam “ưu việt” quy định “đất đai thuộc sở hữu của toàn dân do nhà nước quản lý” từ trên trời rơi xuống… nên phải tan nát!
Tuấn bị tuyên án 4 năm 6 tháng tù giam, phải đền bù 40 triệu 600 ngàn, về tội “chống người thi hành công vụ”!
Đây không phải là lần đầu tiên Tòa án chế độ cộng sản “xử đúng theo luật pháp quy định”. Thứ “xử đúng theo luật pháp quy định” Công An Trị!
Hai bản án vào hai thời điểm, cách nhau 2 năm rưởi, đã cho thấy phần nào hình ảnh diễn biến của xã hội và cách đối phó của chế độ.
Hai năm rưởi trước, xử án Nguyễn Phương Uyên thì phong trào phản đối chế độ còn manh nha, chưa được công khai. Thời mà hệ thống internet chưa phát triển nhiều, các trang mạng truyền thông như Facebook, Twitter, Zalo… các điện thoại thông minh chưa hiện đại như bây giờ và chưa phổ biến sâu rộng.
Vì thế, ngày đó chế độ vẫn còn nuôi hy vọng dùng biện pháp mạnh để “răn đe”, làm nhụt chí những thanh niên yêu nước đã thức tỉnh trước hiểm họa đất nước bị Tàu Khựa xâm lược.
Nhưng biện pháp đó thất bại. Chẳng những không đạt được kết quả như mong muốn mà còn bị phản tác dụng. Hình ảnh một Phương Uyên nhỏ bé, với áo sơ mi trắng ngắn tay, với huy hiệu học trò trên ngực áo đã dám phản biện mạch lạc, dõng dạc, công khai trước một phiên Tòa bao trùm không khí khủng bố, đã làm lộ rõ bản chất những con vật móng vuốt của chế độ đang gầm gừ trước một con mồi nhỏ nhoi, chuyện “châu chấu đá xe”. Nhưng mấy ai ngờ “châu chấu đá xe… mà xe phải ngã”?
Đó là một điều báo trước, bạo lực sẽ thất bại trước lòng yêu nước!
Bên trong phiên tòa là thế. Còn bên ngoài thì công an đàn áp thẳng tay những người biểu tình ủng hộ Phương Uyên, kết hợp với công luận trước đó đã lên tiếng mạnh mẽ nên những hình ảnh, những tiếng nói phẫn uất đã vang khắp thế giới, cuối cùng chế độ không còn con đường nào khác hơn là bắt buộc phải thả Phương Uyên ngay tại Tòa Phúc thẩm.
Hai năm rưởi sau, là phiên tòa hình sự “chống người thi hành công vụ” của một bé trai chỉ mới 15 tuổi!
Hiện tại thì internet đã phát triển sâu rộng. Các mạng xã hội Facebook, Twitter, Zalo, Viber, Skype… Smart iPhone tràn ngập đến nỗi ông Thủ tướng phải xác nhận là không thể nào kiểm soát thông tin được nữa, nên Bộ Thông tin Tuyên truyền phải lập một đội Dư Luận Viên để đối phó trực tiếp với công luận cũng như trên các diễn đàn! Điển hình như nhóm Dư Luận Viên cộm cán “Quang Lùn” với blogger Nguyễn Lân Thắng vừa rồi.
Đi vào thực tế, thay vì chế độ phải tự kiềm chế mức độ bạo lực với người dân nhưng tại sao càng ngày họ càng mạnh bạo và công khai hơn, không cần che đậy như trước nữa? Phải chăng là nghịch lý?
Trước, họ hy vọng có thể vừa răn đe vừa tranh thủ giải độc được dư luận, vì họ còn có chút tự tin! Tự tin vào sức mạnh của nhà tù và súng đạn làm mọi người phải run sợ!
Hiện tại, thực tế xã hội đang phát triển nhanh đến độ họ không còn chút hy vọng nào có thể che đậy được những thủ đoạn bẩn thỉu, những trò lưu manh hèn hạ và không còn có thể dùng sức mạnh uy hiếp ai được nữa nên họ bất chấp!
Liều!
Kinh nghiệm lịch sử cận đại cho thấy các chế độ độc tài trước khi giẫy chết đều liều như thế cả. Saddam Hussein, Gadaffi, Mubarak … đều đã như thế! Chỉ có một Myanmar đang là biểu tượng của chuyển giao quyền lực một cách êm thắm! Vì thế, Myanmar đang là tấm gương Vĩ Đại mà những người đang lãnh đạo đảng CSVN phải sáng suốt và can đảm chấp nhận, trước khi quá muộn!
Bản án nặng dành cho Phương Uyên biến thành một bản án khích lệ thanh niên dám dấn thân vì đại nghĩa, dám đứng lên thách đố bạo quyền.
Bản án mới nhất dành cho cháu Tuấn, là bản án chế độ công khai thách thức lương tri công luận. Là bản án của bạo lực và tham nhũng đang ở bước đường cùng!
Tuổi 21, Phương Uyên đã ý thức được việc nước sẽ bị mất. Tuổi 15, cháu Tuấn hoàn toàn không phải là “trẻ buị đời” nên phản ứng của cháu là phản ứng của đứa bé ngoan bị dồn đến chân tường.
Chế độ nào đã biến một đứa bé từ ngoan ngoãn hiền lành đến mạnh mẽ đương đầu không sợ hãi bạo lực thì chắc chắn chế độ đó là một chế độ vô đạo!
Hai phiên tòa cách nhau chỉ có 2 năm rưởi đã cho thấy một bước tiến nhảy vọt của xã hội. Một xã hội dân sự đang phát triển mạnh mẽ mà bạo quyền vô phương kiềm hãm!
Một chế độ độc tài đảng trị từng khống chế, tước đoạt mọi quyền căn bản của người dân hơn nửa thế kỷ bây giờ không còn tìm được phương cách nào nữa để đối phó nên họ bất chấp cả trẻ thơ, bất chấp mọi hậu quả, điều nầy cho thấy chính chế độ đó đang rơi vào trạng thái sợ hãi đến cùng cực!
Sợ hãi cao độ trước người dân trong tay không một tất sắt mà vũ khí duy nhất của họ chỉ là tinh thần quả cảm và một trái tim hiền lành, đấy là một chứng tích, một bước lùi “vĩ đại” của sức mạnh phi nghĩa trước lòng yêu nước.
Với diễn biến ngược và tác dụng nhanh đến như thế thì bạo lực phải sụp đổ một ngày không còn xa nữa.
(Dec 1st, 2015)
© Kông Kông
© Đàn Chim Việt