Sunday, 6 December 2015

Thêm hậu thuẫn cho vụ kiện Biển Đông

Biểu tình chống Trung Quốc tại thành phố Makati, phía đông Manila, Philippines, ngày 12/11/2015.
Biểu tình chống Trung Quốc tại thành phố Makati, phía đông Manila, Philippines, ngày 12/11/2015.
Philippines tiếp tục nhận thêm sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế trong vụ kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc chiếm trọn Biển Đông.
Italy là nước mới nhất vừa lên tiếng hậu thuẫn con đường theo đuổi pháp lý của Manila trong cuộc tranh chấp ngày càng căng thẳng.
Truyền thông Philippines loan tin tại cuộc họp ở Rome hôm 3/12, Thủ tướng Matteo Renzi và Tổng thống Sergio Mattarella của Italy đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Tổng thống Begnino Aquino về việc Philippines đưa tranh chấp Biển Đông ra nhờ tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc phân xử.
Trước Italy, một số nước khác cũng đã lên tiếng bày tỏ ủng hộ hành động của Manila trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam.
Theo giới phân tích, bất kỳ phán quyết chung cuộc nào của tòa chống lại Trung Quốc cũng không có giá trị cưỡng hành, chế tài, hay trừng phạt vì chưa có một cơ chế thực thi các phán quyết như vậy.
Tuy nhiên, theo một nhà nghiên cứu Biển Đông từ Việt Nam, thì dù sao đi nữa một phán quyết ủng hộ Philippines trong vụ này sẽ là một bất lợi rất lớn cho Bắc Kinh:
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc:
"Nếu Philippines thắng, lý luận của Trung Quốc sẽ bị bẻ gãy trước cộng đồng quốc tế. Việc này cũng có ý nghĩa tích cực với Việt Nam. Dựa vào phán quyết của tòa, Việt Nam sẽ củng cố hệ thống lý luận và dữ kiện của mình trong một phiên xử tương lai nếu khởi kiện Trung Quốc. Cho dù Trung Quốc không đồng ý, đó cũng là một thắng lợi về mặt chính trị để chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Trung Quốc không bao giờ tuân thủ luật pháp quốc tế dù miệng vẫn nói như thế".
Bấm vào để nghe phần âm thanh

Luật sư Vũ Đức Khanh, một chuyên gia tại Canada nghiên cứu vấn đề Biển Đông và luật quốc tế, chia sẻ quan điểm cho rằng Việt Nam được lợi rất nhiều trong vụ kiện của Philippines:
"Trong vụ kiện này, Việt Nam có lợi rất nhiều vì là cơ sở cho các cuộc đàm phán, nếu có. Phán quyết của tòa sẽ là thắng lợi lớn cho công pháp quốc tế và các nước liên quan. Những quyết định về pháp lý sẽ là cơ sở cho những quyết định về đàm phán".
Năm 2013, Manila đệ đơn kiện điều mà họ gọi là tuyên bố chủ quyền thái quá và vô căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tháng 10 vừa qua, tòa trọng tài ở La Haye ra phán quyết khẳng định có quyền phân xử vụ này cho dù Trung Quốc nhất mực không chịu tham gia vào tiến trình vụ kiện.
Tuần rồi, Philiipines vừa trình bày các lập luận của họ trước tòa.
Tháng trước, trưởng ngành an ninh Indonesia loan báo nước ông cũng có thể đưa bản đồ 9 đoạn của Bắc Kinh ở Biển Đông ra tòa.
Một hành động tương tự được trông đợi từ lâu ở Việt Nam, nhưng tới nay, Hà Nội chưa tỏ dấu hiệu cho thấy có ý định này, khơi dậy nhiều sự chỉ trích về chính sách không đủ cứng rắn đối với quốc gia cộng sản anh em mà chính phủ Hà Nội đang bị lệ thuộc rất nhiều.
0:00:00