...những người làm phim đã đưa ra hình ảnh của khu tỵ nạn ta như là ổ khủng bố ISIS vậy...
Truyền thông dòng chính trong cuộc vận động tranh cử tổng thống hiện nay có công bằng hay không? Đây là một câu hỏi hết sức quan trọng, chỉ vì truyền thông là phương cách duy nhất giúp chúng ta, khối cử tri, biết về con người và quan điểm của các ứng viên. Từ đó, ta mới có thể có một quyết định thông minh, chính xác khi bỏ phiếu. Ở đây, ta bàn về việc phổ biến tin tức, không nói về các bình luận dĩ nhiên không có tính khách quan mà chỉ phản ảnh quan điểm chủ quan của tác giả (như bài viết này).
Đối với truyền thông Mỹ, bình thường thì mỗi khi đến mùa tranh cử và bầu cử thì đã coi như là trúng mùa rồi. Nhưng năm nay đặc biệt hơn cả, có thể nói là trúng mùa lớn.
Những tin tức hấp dẫn về cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc nhiều vô kể, đăng không hết. Đã vậy, bên Cộng Hòa lại còn đưa ra tới gần 20 ứng viên, đánh nhau túi bụi, tự khui ra không biết bao nhiêu tin xấu có thể khai thác. Khỏi mất công mấy anh chị nhà báo đi điều tra lôi thôi, tốn công và tốn tiền. Mà điều hứng thú hơn cả là cái đám đánh nhau đó cũng lại là đối thủ của truyền thông cấp tiến phe ta. Khui tin xấu trong hậu trường của bà Hillary là chuyện miễn cưỡng, bất đắc dĩ phải làm, chứ khui tin xấu của đám CH thì … quá vui!
Dù vậy, truyền thông phe ta cũng chọn lựa đối tượng khá kỹ, chứ không phải ông bà CH nào cũng bị dí.
Trước hết, ta nhìn vào trường hợp ông tỷ phú Trump. Ông này hiển nhiên có cái quá khứ dầy cộm. Kinh nghiệm chính trị là con số không to tướng, nhưng những loại tì vết có thể khai thác được thì vô số kể.
Bình thường trong kinh doanh, luôn luôn có cả ngàn áp-phe mập mờ có thể moi móc, nhưng ta thấy rõ truyền thông chưa khui bất cứ một chuyện nào về ông Trump. Kể cả việc ông khai phá sản tới bốn lần cũng chưa có báo hay đài TV nào đề cập đến, hay cho ta biết chi tiết. Ông đã sa thải bao nhiêu nhân viên cũng chưa ai biết. Đời tư ông Trump thì khỏi nói, không thua gì Hugh Hefner, cha đẻ của tạp chí Playboy. Ba đời vợ chính thức, toàn là những siêu sao hay siêu mẫu. Chưa kể vô số em.. đến rồi đi.
Ông Trump là một cái giếng không đáy về những xì-căng-đan “hấp dẫn” nhất mà truyền thông có thể khai thác tháng này qua năm nọ. Nhưng quý độc giả theo dõi cuộc vận động tranh cử này hẳn đã thấy… chưa đọc được gì nhiều về những chuyện “trong hậu trường” ông Trump hết. Ngay cả cái thiếu kinh nghiệm chính trị của ông cũng chưa có báo nào xoáy vào quá mạnh, trái lại, vuốt ve như đó là hiện tượng thời thượng mà cử tri CH đang mong muốn: một tổng thống không có kinh nghiệm chính trị gì hết.
Lý do rất giản dị. Truyền thông phe ta thấy ông Trump có giá trị “tiêu khiển” thật lớn, đang khai thác cái tính tiêu khiển hấp dẫn đó. Ông này có nhiều thứ quái chiêu như ăn nói vung vít nẩy lửa, khoa tay múa chân rất sống động, ăn mặc màu mè,… Một nhân vật tiêu khiển đặc sắc, dễ dàng kích động tính hiếu kỳ của thiên hạ trong khi lại kích thích tột cùng những tư tưởng nổi loạn của những người chống TT Obama, chống di dân, chống luôn cả tất cả các chính khách cổ điển. Một công thức tuyệt hảo để câu khách hàng của báo và TV, kiếm tiền quảng cáo.
Bên cạnh đó, lý do kín đáo hơn là họ cũng thấy ngay trong đám CH, ông Trump sẽ là mồi ngon nhất cho bà Hillary. Do đó, truyền thông đang cố tình tiếp tay tung ông Trump lên với mục tiêu đó. Một khi ông Trump đắc cử làm đại diện CH ra tranh cử tổng thống, ta có thể tin chắc khi đó, truyền thông mới dở mánh, đi bới rác đánh ông, giúp bà Hillary.
Nhưng thái độ của truyền thông phe ta lại hoàn toàn khác đối với những ứng viên khác, có nguy cơ đe dọa bà Hillary mạnh và nguy hiểm hơn. Nói trắng ra, trong khi ông Trump được xếp loại “tạm” bất khả xâm phạm, thì mấy ông bà CH khác bị đánh dập mặt.
Cách đây vài tuần, khi bà Carly Fiorina bất ngờ thành công lớn tại các cuộc tranh luận bên CH, tự nhiên nổi bật lên như ngôi sao sáng của CH, bà Fiorina đã thu hút sự chú ý tức thời của truyền thông dòng chính. Họ đã đánh ngay và đánh rất mạnh.
Bà Fiorina, cũng giống như ông Trump, là doanh gia, dù không có mảy may kinh nghiệm chính trị nào, nhưng quan điểm bảo thủ rõ ràng. Nhưng chẳng lẽ lại đánh bà vì quan điểm bảo thủ? Không, ta phải tìm chuyện khác để đánh. Truyền thông khám phá ra hai chuyện.
Một mặt, truyền thông loại nhẹ ký, có tính tiêu khiển như các bài báo diễu dở, châm biếm, hay các chương trình TV lăng nhăng như The View, thì xúm vào những điểm vớ vẩn như “bà ít cười”, hay không thuộc loại hoa hậu gì, … Mặt khác, những cơ quan nghiêm chỉnh hơn như Washington Post hay New York Times thì truy xét thành tích kinh doanh của bà.
Đại khái, theo họ, bà Fiorina chỉ là một Romney thứ hai. Lạnh lùng tính toán sao cho có lợi cho túi tiền của mình, cũng là loại vua sa thải nhân công, khiến cả chục ngàn người mất job. Tệ hơn vậy, cho dù là một nhà kinh doanh máu lạnh, bà vẫn thất bại, khiến cho công ty do bà điều hành bị lỗ lã, cổ phiếu mất giá thê thảm, đến độ công ty phải sa thải bà. Một người với thành tích như vậy, làm sao có thể lãnh trách nhiệm tổng thống?
Sự thật về thành tích của bà Fiorina, khác xa hình ảnh đen tối đó. Không cần biết, đánh cứ đánh. Vì bà Fiorina nếu đắc cử úng viên CH sẽ là một đối thủ đáng gờm của bà Hillary. Yếu tố then chốt của bà Hillary “phụ nữ đầu tiên làm tổng thống”, sẽ mất ý nghiã nếu bà Fiorina chạy đua cùng bà Hillary. Nếu nói về kinh tế thì bà Fiorina sẽ hạ đo ván bà Hillary. Nếu nói về đối ngoại, chống khủng bố, thì bà Hillary khó bào chữa mấy năm làm ngoại trưởng chứng kiến ISIS lớn như thổi. Truyền thông cũng nhận thấy khả năng tranh luận của bà Fiorina hơn xa, có nhiều nguy cơ bà Hillary bị nuốt chửng.
Do đó phải đánh phủ đầu trước. Kết quả đã rất thành công. Ngôi sao Fiorina chưa lú lên đã bị phai mờ.
Rồi qua mấy cuộc tranh luận tiếp theo, truyền thông phe ta khám phá ra ngôi sao mới nổi của CH là ông bác sĩ Ben Carson.
Ông này còn nguy hiểm hơn bà Fiorina nữa. Ông là da đen, có nguy cơ chiếm một số không nhỏ phiếu của dân da đen, là khối cử tri cột trụ của đảng DC. Mất phiếu da đen thì bà Hillary chỉ còn nước về nhà làm bà ngoại thôi.
BS Carson rõ ràng có vẻ chân thật, hiền lành, đáng tin cậy, trong khi bà Hillary thì rõ ràng là một nữ Nixon tân thời. Hơn 60% cử tri cho ông Carson là người đáng tin tưởng, trong khi cũng hơn 60% cho bà Hillary là không lương thiện, không đáng tin tưởng.
Chưa chi thì mấy anh nhà báo da đen đã thay phiên nhau viết bài đả kích ông Carson. Các báo phe ta rất khôn, họ để mấy anh nhà báo da đen đánh ông Carson chứ mấy anh nhà báo da trắng im ru. Điểm tấn công tiêu biểu nhất là nhắm vào việc thiếu kinh nghiệm chính trị của ông bác sĩ. Điều miả mai là những ông nhà báo này trước đây không hề đặt vấn đề thiếu kinh nghiệm với ông ứng viên cấp tiến Barack Obama, nhưng bây giờ lại quan ngại với ông ứng viên bảo thủ Ben Carson.
CNN có vẻ tấn công BS Carson mạnh nhất, cử hai phóng viên đi điều tra quá khứ của ông này cho tới thời tiểu học. Hỏi thăm dân cư trong vùng ông cư ngụ về vài chuyện ông Carson kể về thời thơ ấu của ông. Dĩ nhiên dân cư chẳng ai biết những mẫu chuyện riêng tư nhỏ cách đây nửa thế kỷ của một anh bé con trong xóm, hay có biết cũng chẳng nhớ.
Chẳng hạn như CNN truy cứu chuyện BS Carson kể khi còn là học sinh trung học đã từng là một du côn nhí, vác dao lụi người, nhưng cũng may, dao đâm trúng miếng thiếc của thắt lưng quần nên nạn nhân không bị thương và anh Carson không bị tội gì, cũng chẳng có hồ sơ cảnh sát gì. CNN đi vào xóm hỏi thăm có ai biết chuyện này không, chẳng ai biết. Thế là có dịp tố ông Carson phiạ chuyện bố láo.
Hấp dẫn hơn cả là anh Kyle Cheney của Politico. Trong hồi ký, BS Carson có viết về câu chuyện ông gặp tướng Westmoreland, khi đó đang chỉ huy West Point, và được ông tướng này khuyến khích vào học tại đây và cho rằng anh Carson có thể xin được học bổng. Anh Cheney đi lục lạo, rồi tung tin “động trời”: West Point xác nhận không hề có anh Carson theo học. Tức là ông Carson lại phịa chuyện!
Vấn đề là BS Carson đã viết rõ ràng: chỉ là một đề nghị của tướng Westmoreland chứ ông đâu có nói ông họcWest Point hay xin vào West Point rồi bị bác đâu? Thế thì phịa chuyện chỗ nào?
Nói cho cùng, những chuyện này hoàn toàn vô nghiã, nếu nghĩ tới cuộc chiến chống khủng bố, nhu cầu khôi phục kinh tế, công ăn việc làm của cả chục triệu người, v.v... So với cuộc tấn công của ISIS vào ngay trung tâm Paris, những chuyện lẩm cẩm này dấm dớ nhất, nhưng đó cũng lại là những “ưu tư” lớn của truyền thông dòng chính.
Thế nhưng ông Carson cũng bị đạn nặng, đang từ thứ nhì, sau hai ba tuần bị đánh, tuột ngay xuống hạng tư.
Bây giờ ta nhìn qua truyền thông đối xử với ông Marco Rubio.
Thượng nghị sĩ Rubio đáng ngại vì ông có một vũ khí rất nặng để đánh bà Hillary: đó là tuổi trẻ của ông. Ai cũng biết chắc chắn ông Rubio sẽ nhấn mạnh vào việc bà Hillary là một bà lão tuổi cổ lại hy, trong khi ông Rubio mới thật sự là tương lai của nước Mỹ. Một chuyện khá lý thú: trong cuộc tranh luận trên CBS ngày 14/11, được hỏi bà nghĩ sao về những vụ sinh viên đang biểu tình tại các đại học Missouri và Yale, thì bà Hillary trả lời “Tôi đến từ thập niên 60. Thời đó có rất nhiều hoạt động tích cực của sinh viên”. Một ngày sau, phe ông Rubio bắn tin “Clinton: Tôi đến từ thập niên 60, cách đây rất lâu rồi. Cuộc tranh cử này hướng về tương lai!”. Cái câu “tôi đến từ thập niên 60” (I come from the 60s), thiên hạ sẽ có dịp nghe mệt nghỉ thôi. Vô tình, bà đã tặng cho CH một khẩu đại bác để họ bắn bà.
Ông Rubio trước khi đắc cử Nghị Sĩ Liên Bang năm 2010, đã làm Chủ Tịch Hạ Viện tiểu bang Florida. Trong tư thế đó, ông được cấp thẻ tín dụng của đảng CH, để trang trải những chi phí hoạt động cho đảng, như đi vận động tranh cử cho các đồng chí CH, là những chi tiêu mà đảng trả cho ông.
Cái sai lầm của ông Rubio là đã nhiều lần sử dụng cái thẻ đó cho những chi tiêu có tính cá nhân, đảng không phải trả, trong đó có những chi tiêu như làm sàn gỗ cho nhà riêng của ông, tốn đâu hơn hai ngàn đô,... Ông Rubio nhìn nhận chuyện này có thật, nhưng ông khẳng định mỗi cuối tháng, ông đều coi lại, và những chi tiêu cá nhân đều được trả đầy đủ, trong khi đảng CH chỉ trả những chi tiêu liên quan trực tiếp đến các sinh hoạt đảng của ông. Ông chính thức nhìn nhận sai lầm và nhận lỗi. Sau đó, ông cho công bố tất cả các giấy báo chi thu của công ty tín dụng, cho các anh nhà báo tha hồ truy xét.
Kết quả, dĩ nhiên các báo truy xét kỹ những chi tiêu lặt vặt của ông Rubio, nhưng không “khám phá” ra được cái tội nào khác của ông Rubio hết vì quả đúng như ông đã nói, những chi tiêu cá nhân đều được ông hoàn trả đầy đủ.
Thật ra, cái tội xập xí xập ngầu chi tiêu này trước đây đã bị ông đối thủ DC khai thác rất kỹ khi ông Rubio tranh cử thượng nghị sĩ năm 2010, nhưng chẳng đi đến đâu. Bây giờ, bổn cũ soạn lại, truyền thông phe ta lại mang ra xào nấu lại. Họ cũng biết sẽ không bắt lỗi gì được, nhưng vẫn cứ khui ra, như là cách tung bùn vào ông Rubio, có dịp bôi bác một địch thủ đáng ngại.
Nhìn vào các tấn công chống ông Rubio, ta thấy một hiện tượng hiển nhiên nói lên cái thiên vị của truyền thông dòng chính.
Quỹ Clinton Foundation của ông bà Clinton đã thu tới hai tỷ đô, phần lớn là tiền yểm trợ của các chính khách mờ ám của các xứ độc tài hay tham nhũng khét tiếng như Nigeria, Kazachstan, Congo, Trung Cộng, Haiti, v.v... Và những chi tiêu của quỹ còn mờ ám hơn nữa khi mà sổ sách chi thu chỉ được công bố một phần trong khi phần lớn là bí mật. Đã vậy, cái phần đã công bố -nhất là các giấy khai thuế- thì lại bị chỉnh đi sửa lại mấy lần, cả mấy năm sau, khi bà Hillary ra tranh cử tổng thống, phải công bố sổ sách.
Đào bới những chi tiết về chi tiêu vài ba ngàn của ông Rubio, trong khi không truy cứu những chi thu bạc trăm triệu của qũy Clinton Foundation. Con tôm hùm khổng lồ không nhìn thấy, mà lo đi mò bắt mấy con tép. Đó là việc mà truyền thông cấp tiến dòng chính đang làm đối với ông Rubio.
Ở đây, ta nhớ lại truyền thông đã xử trí ông Obama như thế nào hồi 2007-08.
Ông Obama có quan hệ mật thiết với ba nhân vật đáng nói:
- Ông Bill Ayers, giáo sư đại học Chicago, cùng trường với ông phụ giảng Obama. Trước đây, ông Ayers là sáng lập viên tổ chức The Weathermen, là một tổ chức sinh viên khủng bố cực tả, chủ trương chống chiến tranh VN bằng bạo động, đặt bom đánh các cơ sở chính quyền. Năm 1997, qua giới thiệu của bà nghị sĩ tiểu bang Alice Palmer, ông Ayers mở tiệc tại nhà để ông Obama chính thức công bố việc ra tranh cử nghị sĩ tiểu bang Illinois thay thế bà Palmer ra tranh cử dân biểu liên bang, nhân tiện gây quỹ tranh cử đầu tiên tại đây, với sự góp tiền của các quan khách, toàn là những ông bà có máu mặt trong giới trí thức cực tả Chicago.
- Mục sư Jeremiah Wright, suốt ngày lên giảng những bài sỉ vả nước Mỹ với những thậm từ nặng nhất, “God damn America!”, mà tất cả độc giả đều đã biết rõ, khỏi bàn thêm. Khi những lời sỉ vả của mục sư bị bật mí, TT Obama khẳng định không biết gì về quan điểm chống Mỹ, chưa bao giờ nghe mục sư sỉ vả Mỹ. Truyền thông chấp nhận lời biện minh vô lý đó, chẳng anh nào đi điều tra gì thêm.
- Ông Frank Marshall Davis. Ông này là thành phần cực tả, đảng viên đảng CS Mỹ, nhà báo, thi sĩ, chuyên gia xách động. Được ông Obama nhắc đến trong hồi ký.
Cả ba ông này là những nhân vật gây nhiều tranh cãi, vậy chứ truyền thông chỉ đăng lướt qua quan hệ giữa ông Obama và họ, ngoại trừ mục sư Wright quá ồn ào nên truyền thông không lờ đi được.
Hiển nhiên, truyền thông dòng chính cũng chẳng bao giờ thắc mắc gửi ký giả đi Indonesia điều tra về cậu bé Obama, hay đi Kenya điều tra về ông bố. Việc anh sinh viên Obama sống một thời gian ngắn ở Pakistan, ổ của các tổ chức Hồi giáo cực đoan, cũng không gây thắc mắc nào cho truyền thông phe ta. Truyền thông cũng mau mắn sỉ vả ngay bất cứ ai dám chất vấn tôn giáo của TT Obama, cho dù cả hai ông bố đều là Hồi giáo, anh bé con Obama lớn lên tại xứ Hồi giáo Indonesia, ghi rõ tôn giáo là “muslim” trong phiếu lý lịch học sinh một trường Hồi, và có cái tên đệm là Hussein, tên cháu của Tiên Tri Mohammed. Quý độc giả ủng hộ TT Obama không cần phải nhẩy nhổm lên vội, kẻ viết này không có ý nói TT Obama là Hồi giáo, chỉ nói về tính thiên vị của truyền thông không muốn hay không dám điều tra gì nhiều về TT Obama, trong khi rất hổ hởi đi bới rác của các ứng viên CH.
Truyền thông ở Mỹ từ lâu đã mất hết uy tín như một lực lượng trung lập, không thiên vị, khi mà hầu hết đã ngả qua phiá cấp tiến nặng, chống khối bảo thủ.
Dân tỵ nạn ta đã thấy quá rõ qua cuộc chiến tại VN, khi truyền thông dòng chính suốt ngày bôi bác VNCH và ca tụng VC. Ngay cả cho đến ngày nay, việc tung ra cuốn phim Terror in Little Saigon cũng chỉ củng cố thêm hình ảnh thiên vị của truyền thông, không ưa gì đám tỵ nạn chống cộng hay những tổ chức chống cộng. Có thể mục đích rất chính đáng của cuốn phim là đi tìm công lý cho các nạn nhân của khủng bố, nhưng qua cái tựa thật nổ để câu khách, những người làm phim đã đưa ra hình ảnh của khu tỵ nạn ta như là ổ khủng bố ISIS vậy. Họ có để ý đến công lý cho khối dân tỵ nạn không? Họ công khai ám chỉ Mặt Trận Hoàng Cơ Minh là thủ phạm mà chẳng cần đưa ra bằng chứng nào. Họ có để ý đến công lý cho Mặt Trận HCM không?
Đối với người Việt tỵ nạn, chúng ta còn tranh cãi về cái sai cái đúng của Mặt Trận HCM, nhưng đối với khán giả Mỹ đi coi phim, họ chẳng biết ai là ai, chỉ nghĩ... chắc không nên lái xe vào khu Little Saigon nữa cho chắc ăn. Một hình ảnh hoàn toàn vô lý và không mấy hãnh diện cho cộng đồng ta. (29-11-15)
Vũ Linh