Thực ra sự giả dối có sẵn trong dòng máu của dân tộc Việt, là phần yếu kém trong nền văn hóa Việt. Dưới các thời thịnh trị, có vua sáng tôi hiền, luật pháp nghiêm minh, xã hội ổn định, thói giả dối bị bài trừ, bị xẹp xuống. Nhưng sự toàn trị của cộng sản, của chuyên chính vô sản theo CNML trong vòng 6, 7 thập niên lại đây lại là môi trường rất tốt cho thói giả dối lên ngôi, phát triển mạnh mẽ như sóng trào. Ngài Chủ tịch viết: Dùng quyền lực bao che tội lỗi. Thử hỏi ai có quyền lực và dùng quyền lực ngoài đảng CS. Ở VN bây giờ, ngoài tai họa mắc vào mưu đồ hủy diệt của Tàu thì thói giả dối có sức phá hoại xã hội mạnh nhất, mạnh hơn tệ tham nhũng và mua quan bán chức, nó làm hủy hoại đạo đức đến tận gốc rễ. Chính quyền, lãnh đạo dùng giả dối để thống trị, dân chúng dùng giả dối để tồn tại. Có một nhận định rất đúng là : Phong trào cộng sản, theo CNML dựa trên hai cột trụ để tồn tại và phát triển (trước khi dẫn đến diệt vong) là bạo lực sắt máu và dối trá ngụy biện.
1- Giới thiệu
Ngày 20/6 trang Bauxite Việt Nam và trang Ba Sàm có bài “Sự khốn cùng của truyền thông quốc doanh” của Nguyễn Đình Ấm (NĐÂ). Trong bài đó có một đoạn làm tôi đặc biệt chú ý, đó là: “Tổng thống Mỹ Obama thăm, được dân Việt Nam tiếp đón vô cùng nồng nhiệt… Thế nhưng khi khách vừa về, VTV1 Chuyển động 24h lại tổ chức chương trình nói về “thói giả dối của Obama” trong đó MC Việt Hoàng ba hoa nói xấu khách để dân hiểu mọi hình ảnh giản dị, thực tâm, những phát ngôn trí tuệ, tôn trọng nhân dân, nền văn hóa, lịch sử Việt Nam như chỉ là một sự giả dối, dàn dựng… (Việc làm đó là) một sự bất nhã vô liêm!”.
Điều đó tôi không hề ngờ tới, và đến nay, sau gần 1 tháng mới vô tình biết được. Tôi vội vào Google, truy cập mục “Giả dối của Obama” thì nhận được nhiều bài cùng tên: “ VTV vạch trần thói giả dối của Obama” với lời thuyết trình rất hùng hồn của một diiễn giả trẻ, tôi đoán là MC Việt Hoàng (VH). Ngoài ra, cũng trong mục đó tôi còn tìm thấy bài: “Suy ngẫm về thói giả dối của người Việt” của Trần Đại Quang, Chủ tịch nước. Tôi xin bàn về 2 bài vừa nêu.
2- Bài VTV vạch trần thói giả dối của Obama
Nhận xét chung bài thuyết trình rất hay, hấp dẫn, luận cứ phong phú, luận chứng vững vàng. Bài thuyết trình như vậy có khả năng lôi cuốn những người nghe dễ tính, tin vào VTV, tin vào sự tuyên truyền của đảng. Nhưng họ tin, bị lôi cuốn vì sự hiểu biết có hạn và đặc biệt là họ sợ, không dám nghĩ khác. Với tôi và rất nhiều người chịu khó suy nghĩ một chút thì thấy rõ bài thuyết trình của VH là một sự ngụy biện nguy hiểm, giống như nhận xét của NĐÂ là “Một sự bất nhã vô liêm”.
Mấu chốt ngụy biện trong bài của VH là đánh tráo khái niệm “giả dối” rồi dùng nó để gán ghép, để chụp mũ cho Obama. Đây là sự vô minh, chỉ chưa biết là cố ý để lừa bịp hay vì trình độ còn yếu, cũng có thể phải làm theo chỉ đạo của ai đó để nhận một sự tưởng thưởng mong muốn.
Trước hết phải hiểu khái niệm giả dối. Vì đây không phải là bài trao đổi về lôgic học nên tôi không đi sâu vào nội hàm và ngoại diên của khái niệm, chỉ xin nêu giải thich và vài thí dụ. Giả dối là cách thể hiện của con người bằng lời nói hoặc hành động ngược lại với suy nghĩ, nhận thức hoặc bản chất của mình, là kiểu “xanh vỏ đỏ lòng”. Thí dụ ông C rất ghét B nhưng trước mặt người khác lại nói hoặc tỏ ra rất kính trọng. Bà L rất yêu mến D nhưng ở nơi công cộng lại tỏ ra không ưa gì. Anh X, ở chỗ riêng tư và bí mật là người rất tham tiền và thích quan hệ tình ái với nhiều phụ nữ, nhưng công khai lên lớp đạo đức cho thanh niên chống lại các việc trên.
Nhưng nếu ông C thực tâm thích B, bà L thực tâm không ưa D thì việc làm của họ là chân thật, không hề giả dối. Nếu X thực sự không tham tiền, không thích tình ái lăng nhăng, là người có đạo đức thật sự, mà anh ta thể hiện và khuyên mọi người giữ đạo đức thì không thể cho là cố tinh giả dối. Giả dối là ngược lại với chân thật, trung thực
Viết về chân thật thì bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán là một bài hay. Xin trích vài câu : “… Con ơi một người chân thật / Thấy vui muốn cười cứ cười / Thấy buồn muốn khóc là khóc / Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét / Dù ai ngon ngọt nuông chiều / Cũng không nói yêu thành ghét / Dù ai cầm dao doạ giết / Cũng không nói ghét thành yêu…
Trong lòng đang vui, bạn cười. Có thể điệu cười hợp với ai đó làm người ta thích bạn hơn, hoặc không hợp với người khác làm họ khó chịu. Như vậy chỉ có thể nói điệu cười đó hợp hay không hợp với người nghe chứ không được vì không hợp mà cho là giả dối. Sẽ là giả dối khi miệng cười, tỏ ra thân thiện mà trong lòng đầy thù hận (Miệng nam mô bụng bồ dao găm).Chỉ phân tích 2 việc: 1- Obama đi ăn bún chả. Nếu bản chất ông không thích gì bún chả, không thích gì việc tiếp xúc trực tiếp với người dân, thế mà ông đã làm thế thì đó là giả dối. Nhưng khi ông thực tâm thích ăn bún chả, thực lòng muốn chào hỏi người dân thì không thể nào cho việc ông làm là giả dối. 2- Việc ông nhờ những thư ký giỏi chuẩn bị bài phát biểu trong đó dẫn Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Văn Cao, Trịnh Công Sơn và ông nắm vững để trình bày chứng tỏ sự chuẩn bị vô cùng chu đáo và tài hùng biện sắc sảo. Những việc đó sẽ là giả dối nếu ông nói như sáo vẹt để lấy lòng người nghe, ông cúi mặt nhìn vào giấy để đọc mà không hiểu. Thực tế thì ông đã diễn đạt những điều đó với cả tấm lòng nồng nàn, với trí tuệ sắc sảo, với sự tôn trọng chân thành và đúng mức thính giả Việt Nam. Thế thì giả dối chỗ nào. Phải chăng nói hay, hấp dẫn, lôi cuốn là giả dối?!
MC VH đã đánh tráo khái niệm, tuy không nói ra nhưng ngầm cho rằng những việc làm theo mẫu có sẵn, những bài phát biểu chủ yếu nhìn vào giấy để đọc, những cử chỉ vụng về thòi đuôi là… chân thật, thế thì suy ra việc gây được cảm tình, nâng cao được uy tín của Obama là giả dối. Nguy hiểm thay cho kiểu suy luận như vậy. Đó là kiểu vu cáo, xuyên tạc. Tuyên huấn và VTV tưởng rằng với bài “Vạch trần thói giả dối của Obama” sẽ làm cho nhiều người dân tin vào tuyên truyền của đảng hơn. Họ đã quá nhầm. NĐÂ đã dùng câu “Một sự bất nhã vô liêm” thật đúng. Sẽ còn nguy hiểm hơn cho đảng khi nhân dân dùng ngay lập luận của VTV để chiếu rọi vào các hoạt động mị dân của các lãnh tụ cộng sản.
3- Bài của Chủ tịch Trần Đại Quang (TĐQ)
Bài có tên: “Suy ngẫm về thói giả dối của người Việt”, công bố ngày 17/4/2016. Bài có 3 đoạn chính: 1- Ngụy thiện; 2- Giả dối – Ý thức bị cái ác chế ngự hoàn toàn; 3- Tính giả dối và căn bệnh sợ sự thật (trong bài không đánh số, chỉ ghi đề mục).
Xin tóm lược vài ý chính. 1- Ngụy thiện là cách lấy đạo đức giả làm nền cho ứng xử, là che giấu cho giả dối, làm chứng gian, dùng quyền lực bao che tội lỗi. 2- Dẫn quan điểm của Đạo Phật, mọi hành động được dẫn dắt bởi ý thức sẽ quyết định nghiệpmà họ phải trả. Ý thức thù nghịch tạo ra môi trường ít khoan dung, khuyến khích bạo lực, tạo ra sợ hãi. 3- Sợ nhận sai lầm, sợ sự thật, vì còn có người giữ vai trò cầm cân nảy mực ưa nói dối, làm dối, nên người khác cũng dùng chính cách ấy để chống lại họ.
Bài của Trần Đại Quang nêu lên được phần lớn thực trạng giả dối trong xã hội VN hiện nay. Với cương vị Chủ tịch nước, viết được như thế chứng tỏ đã biết được phần nào thực trạng đau buồn của dân tộc. Đó là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên nhiều người còn trông chờ vào 2 điều quan trọng mà chưa thấy Chủ tịch đề cập, đó là truy tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục. (Nếu không sẽ mắc vào lỗi: vạch ra rồi để đấy). Tôi xin bàn góp 2 điều ấy.
Nguyên nhân gốc và sâu xa nào tạo nên thói giả dối hiện nay. Phải chăng nó đã có trong dòng máu của dân Việt từ thời Vua Hùng. Nó được giữ nguyên cho đến bây giờ, hay là có lúc mạnh lúc yếu. Nó mạnh lên hay yếu đi là tại đâu. Truy cho cùng sẽ tìm thấy “Tại Trời” (Ngẫm hay muôn sự tại Trời). Nhưng với Trời chỉ có thể cúng vái, cầu xin còn quy kết trách nhiệm chẳng đi đến đâu. Thời phong kiến thì quy cho Con Trời. Có được vua anh minh thì thói giả dối xẹp xuống, gặp phải vua ngu và tham thì thói giả dối phát triển. Thế còn bây giờ thì quy cho ai. Không ai khác ngoài thế lực lãnh đạo, quản lý xã hội. TĐQ cũng đã viết: “người giữ vai trò cầm cân nảy mực ưa nói dối, làm dối, nên người khác cũng dùng chính cách ấy để chống lại họ”. Hỏi tiếp. Tại sao người cầm cân nẩy mực lại ưa nói dối, làm dối, họ dựa vào đâu để nói dối, ai bao che, bảo vệ cho sự nói dối đó. Tại sao họ nói dối từ lâu mà pháp luật không phát hiện và trừng phạt, v.v… Không biết Chủ tịch đã suy nghĩ và có câu trả lời chưa chứ nhiều người trong nhân dân đã nói tới từ lâu. Cũng không biết những lời nói ấy đã đến tai Chủ tịch chưa. Đó là: Sự giả dối là thuộc bản chất của Chủ nghĩa Mác Lê nin (CNML), của phong trào cộng sản.
Thực ra sự giả dối có sẵn trong dòng máu của dân tộc Việt, là phần yếu kém trong nền văn hóa Việt. Dưới các thời thịnh trị, có vua sáng tôi hiền, luật pháp nghiêm minh, xã hội ổn định, thói giả dối bị bài trừ, bị xẹp xuống. Nhưng sự toàn trị của cộng sản, của chuyên chính vô sản theo CNML trong vòng 6, 7 thập niên lại đây lại là môi trường rất tốt cho thói giả dối lên ngôi, phát triển mạnh mẽ như sóng trào. Ngài Chủ tịch viết: Dùng quyền lực bao che tội lỗi. Thử hỏi ai có quyền lực và dùng quyền lực ngoài đảng CS. Ở VN bây giờ, ngoài tai họa mắc vào mưu đồ hủy diệt của Tàu thì thói giả dối có sức phá hoại xã hội mạnh nhất, mạnh hơn tệ tham nhũng và mua quan bán chức, nó làm hủy hoại đạo đức đến tận gốc rễ. Chính quyền, lãnh đạo dùng giả dối để thống trị, dân chúng dùng giả dối để tồn tại. Có một nhận định rất đúng là : Phong trào cộng sản, theo CNML dựa trên hai cột trụ để tồn tại và phát triển (trước khi dẫn đến diệt vong) là bạo lực sắt máu và dối trá ngụy biện.
Thưa Chủ tịch. Xin đừng vội đổ hết tội lỗi lên đầu dân chúng và một số quan lại thoái hóa biến chất, đành rằng họ cũng góp phần. Đảng khuyến khích nhìn thẳng vào sự thật. Nếu Chủ tịch chưa tin vào sự thật tôi vừa nêu thì xin cho tổ chức các buổi đối thoại về “Thói giả dối của người Việt”. Đối thoại công khai, có tường thuật trực tiếp trên VTV, VOV cho toàn dân xem, nghe, chứng kiến. Vấn đề là phải chân thật trong việc tổ chức chứ không dàn dựng một cách gian dối. Nếu Chủ tịch thấy chưa tiện đối thoại và không đồng ý hoặc chưa rõ về nhận định trên đây mà cho gọi thì tôi xin sẵn sàng đến trình bày trực tiếp để trao đổi với ngài và những cán bộ tuyên huấn cao cấp của đảng CS (về nguyên nhân gốc mọi tệ nạn của XHVN hiện nay, trong đó có thói giả dối).
Về biện pháp khắc phục. Với cương vị Chủ tịch nước và đã viết được một bài trình bày về thực trạng của thói giả dối, tôi nghĩ rằng ngài nên cho thành lập BAN BÀI TRỪ NẠN GIẢ DỐI (bài trừ mạnh hơn phòng chống), nếu được thế tôi xin ứng cử làm một ủy viên. Vừa rồi trong một lớp cao học, khi nghe tôi thuyết trình về đức tính trung thực trong NCKH, một học viên hỏi: “Nghe thầy thuyết trình rất hay, nhưng liệu trong cuộc đời thầy có thực hiện đúng được như thầy nói”. Tôi trả lời: “Trong cuộc đời, tôi không dám cam đoan là trong sạch trăm phần trăm, nhưng trong công việc, trong NCKH tôi chưa bao giờ làm gì gian dối, về cơ bản tôi tự đánh giá là người trung thực”. Còn ngài Chủ tich, ngài sẽ trả lời như thế nào nếu có ai liều mạng hỏi, ngài đã viết được bài về thói giả dối, đã nhận xét có người cầm cân nẩy mực ưa nói dối, thế còn ngài trung thực đến mức nào.
Ở trên tôi đề nghi lập ban bài trừ giả dối là viết cho vui thôi chứ trong hoàn cảnh hiện nay có lập ra nhiều ban như thế cũng chẳng làm được gì ngoài việc tiêu tốn thêm tiền thuế của dân. Thì hàng trăm ban phòng chống tham nhũng hoạt động ráo riết, tiêu tốn nhiều tiền mà nạn tham nhũng vẫn phát triển đó thôi. Để phòng chống giả dối một cách triệt để cần phải loại bỏ nguyên nhân gốc rễ là CNML, phải xây dựng được thể chế thật sự dân chủ với tam quyền phân lập, với một chính quyền minh bạch. Như vậy thì cả dân và quan mới không thể, không dám và không muốn giả dối.
Tôi muốn dùng 2 câu sau trong bài của ngài để nhắc nhở Chủ tịch luôn tâm niệm và cũng để kết thúc bài viết của mình: 1-Sợ sự thật, sợ phải tiếp cận, đối mặt với sự thật sẽ là con đường ngắn nhất dẫn đến tự huỷ hoại. 2- Làm sao có thể xây dựng được một quốc gia hùng mạnh, trong sạch khi người ta luôn sợ hãi trước sự thật, tìm mọi cách để ngăn che sự thật.
Xin ngài hãy tự hỏi, và nếu có dịp nêu ra và thảo luận ở Bộ chính trị, ở Văn phòng Chủ tịch nước phải chăng chính bản thân ngài và đảng CS của ngài đang sợ những điều trên.
Nguyễn Đình Cống