Tôi xuống Cali chơi, chị bạn đưa tới một tiệm ăn nhỏ, có bảng hiệu Cháo Cá Chợ Cũ ở thành phố Westminster. Người phụ nữ dọn bàn lấy thực đơn cho khách khoảng gần năm mươi. Bà mặc cái quần đen và cái áo vải mùa hè màu nâu, mặt mũi mộc mạc không son phấn, giống như mấy bà nội trợ ở Việt Nam cách đây bốn thập niên trước, mình hay gặp trong ngõ hay ở khu chợ nhỏ trong xóm. Khách ăn phần đông ở tuổi trung niên, toàn người Việt, trừ một đôi người Mễ hay Trung Hoa. Trông bà và những người khách đến ăn không thấy khác biệt nhau lắm. Họ cùng một phong cách ăn mặc, nói cười, trạc tuổi ba mươi đến năm mươi. Họ chắc mới tới đây năm mười năm thôi.
Tiệm ăn chẳng trang trí nhiều, phía bên trái có một tấm hình lộng kiếng khá lớn vẽ hình đàn cá Anh Vũ chín con. Một con màu đỏ và tám con màu đen, có thêm hàng chữ Tàu trong tranh, tôi đoán là mấy lời mừng khai trương. Phía bên phải có hai tấm bảng nhỏ viết tay, kê món ăn thêm đặc biệt trong ngày hôm nay, tôi đọc được: Gỏi đu đủ khô bò, cháo lòng, chè phục linh. Chữ viết tay khá đẹp, chắc do một người lớn, được học viết tay từ bé. Bây giờ ở Mỹ, đâu có ai trong lớp trẻ học viết tay trên những cuốn Tập Ðồ nữa. Làm sao tìm được người trẻ viết tay đẹp như thế này.
Một người bước vào tiệm, không phải là khách vào ăn nhưng là một thanh niên Mễ, khoảng ngoài hai mươi, anh ta ôm ba thùng dâu trên tay, tới từng bàn mời thực khách mua. Không ai mua, anh buồn bã đi ra.
Chị bạn nói, ở đây nhiều người đi bán như thế lắm, có cả người Việt cũng đi bán lẻ như thế này. Tôi đã được thấy mấy bà mẹ già mang rau, trái cây ở vườn nhà mình bày ra trước cửa một nhà hàng nào đó bán nhiều lần, nhưng chưa gặp bà mang vào tận trong tiệm ăn mời khách mua bao giờ.
Ôi chao! Miền Nam Cali này, chính là cái nôi của người Á Ðông trên đất Mỹ và người Việt chiếm con số cao nhất. Nó chính là một nước Việt Nam thu nhỏ. Sau bốn mươi năm, vẫn còn một lớp người Việt tiếp tục từ Việt Nam sang, không phải bằng đường thủy, đường bộ nữa. Họ không tỵ nạn, họ chỉ muốn đổi đời sống và họ có khả năng làm việc đó.
Những thập niên gần đây, họ bay tới nơi này rất đông. Người trẻ tràn vào trường lớp, người trung niên tràn vào sinh hoạt đường phố. Họ như ở hầu hết mọi lãnh vực thương mại. Từ chủ tiệm đồ gỗ, chủ chợ, chủ hãng bán xe, tiệm ăn, cho đến kẻ nghiện hút vô gia cư. Họ làm thành một xã hội mới rất đỗi lạ lùng.
Ðĩa chả cá trên bàn vẫn là chả cá của người Việt, sao nghe hương vị khác xa hương vị của mấy mươi năm trước. Hương vị những thức ăn của ngày mới tới: tinh khôi, thật thà, dò dẫm, trong những tiệm ăn của người đầu bếp chưa hề nấu cho nhà hàng bao giờ. Những đầu bếp đó mới chính là những người tỵ nạn.
Tôi nhớ tiệm phở đầu tiên được bán trong một nhà xe và chỉ cuối tuần mới có. Không có bảng hiệu, ai biết trước thì rủ người sau đến. Mỗi ngày một đông, hàng xóm khiếu nại chỗ đậu xe, rồi còn sợ rủi ro hỏa hoạn với những cái bếp không đủ tiêu chuẩn an toàn, nên phải dẹp tiệm vì vi phạm luật nhà hàng.
Bây giờ nghe nói ở miền Nam Cali này có khu thương mại của những người mới sang Mỹ. Họ có nhà hàng ăn, tiệm bách hóa, chợ, tiệm Nail, tiệm cắt tóc riêng. Vào đó nghe toàn giọng Bắc sau 1975. Một giọng Bắc mà những người di cư năm 1954 nghe xa lạ như nghe một ngoại ngữ nào đó.
Nhưng dù họ phát âm thế nào chăng nữa, dưới mắt người Mỹ, người tới năm nào, cũng là người Việt Nam. Người Mỹ chỉ khi được nghe mình cắt nghĩa rành mạch, mới phân biệt được ai là Tỵ nạn Cộng Sản, ai là người di dân về kinh tế, vì muốn đổi đời.
Sau 41 năm từ ngày “Nước mất, nhà tan” Người Việt Quốc Gia vẫn còn phải gồng mình đối diện với hoàn cảnh thực tại, vẫn phải mang hết khả năng của mình ra để sáng suốt nhận định môi trường họ đang sinh sống.
Tháng trước ba chị em, con cháu trong gia đình tôi, rủ nhau đi chơi ở Palm Springs mấy ngày cuối tuần. Chúng tôi tới nơi trời đã tối, các cháu tìm trên điện thoại một nhà hàng bán thức ăn Việt. Mừng quá, may tới nơi có bàn đủ cho bảy người. Ba bà mẹ, bốn cô con gái. Ăn xong, mới để ý nhìn chung quanh. Một cô cháu (sanh ở Mỹ) chỉ một tấm hình treo trên tường, đọc to: “Chứng chiên” Tôi quay lưng lại nhìn, không phải “Chứng chiên” mà cả hàng chữ trên bức tranh là “Chiến Trường Cần Súng Ðạn” bên dưới hàng chữ vẽ một con voi, và một người lính cầm súng, có vẽ thêm một lá cờ đỏ sao vàng của VC. Lá cờ nhỏ bằng hộp diêm thôi. Tôi bảo con, cháu: “Thôi nghe, thức ăn có ngon đấy, nhưng ngày mai các con chọn tiệm khác, mẹ không muốn vào đây lần thứ hai.”
Người quốc gia mình đang thực sự sinh hoạt với ai? Một câu hỏi tưởng là dễ nhưng câu trả lời đôi khi rất tế nhị.
Mình đang ngồi trong một quán ăn của ai đây? Mình có thản nhiên ăn uống được không?